Tin mới
150 năm thăng trầm Nokia
Khó có thể hình dung, chỉ sau 7 năm kể từ khi ở vị trí số một trên thị trường ĐTDĐ, thương hiệu lớn của Phần Lan hiện đã thay chủ. Lẽ thường, trong kinh doanh chuyện thắng, thua, lui, tiến là điều khó tránh khỏi. Cứ nhìn Apple là rõ. Bước ngoặt lớn ngày 25/4 có thể lại là một sự khởi đầu mới nhiều hứa hẹn, để tới một thời điểm nào đó, Nokia lại trỗi dậy đòi lại những gì đã từng thuộc về mình.
Lịch sử huy hoàng
Lịch sử của Nokia xuất phát từ chuyện về chàng kỹ sư mỏ Fredrik Idestam cho xây dựng xưởng làm bột gỗ đầu tiên tại Tammerkoski Rapids ở miền tây nam Phần Lan. Vài năm sau đó, ông khai trương tiếp xưởng sản xuất thứ hai ven bờ sông Nokianvirta - dòng sông đã khơi nguồn cho cái tên công ty NOKIA AB do Fredrik thành lập vào năm 1871. Gần một thập kỷ sau, tập đoàn Nokia chính thức thiết lập với sự hợp nhất từ 3 công ty con bao gồm: Nokia AB của Fredrick, Finnish Rubber Work (chuyên sản xuất các sản phẩm từ cao su - thành lập năm 1898) và Finnish Cable Works Ltd (sản xuất điện thoại và cáp nguồn - 1912).Nokia tham gia vào rất nhiều ngành công nghiệp sản xuất khác nhau như cao su, dây cáp, lâm nghiệp, điện tử và phát điện. Tuy nhiên, Nokia đóng vai trò đặc biệt quan trọng riêng ở ngạch sản xuất thiết bị viễn thông, với tư cách là một trong những thương hiệu chính phát triển mạng GSM. Nokia ngay sau đó đã cho ra mắt mẫu điện thoại di động chính thống đầu tiên, phục vụ mục đích cá nhân thay vì mục đích quân sự như Mobira.
Vào khoảng nửa cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990, dưới sự chèo lái của CEO Kari Kairamo, Nokia xâm lấn thị trường mới ở phân khúc tivi để rồi rơi vào trạng thái khủng hoảng tài chính do thua lỗ nặng nề. Cú sốc này đã đẩy CEO Kari cùng Nokia tới bờ vực tử thần, bế tắc đến nỗi Kari đã tự sát vào năm 1988, để lại toàn bộ hệ thống sản xuất với chiến lược kinh doanh lỡ dở cùng những con người uể oải và đầy hoài nghi sau vụ thua lỗ lên vai CEO mới Simo Vuorilehto.
Cùng thời điểm này, khi Simo còn đang nhọc nhằn cứu vãn tình thế, thì bất ngờ Phần Lan lại rơi vào giai đoạn khủng hoảng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất và phát triển của Nokia. Simo vì thế buộc phải cải tổ gần như toàn bộ diện mạo của Nokia, chấm dứt hoàn toàn chuỗi sản xuất tivi và PC, và chỉ tập trung vào việc sản xuất thiết bị viễn thông. Tuy nhiên, dấu mốc quan trọng nhất và mang tính bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử phát triển của Nokia chính là quyết định của CEO mới Jorma Ollila trong việc chỉ tập trung toàn lực cho mảng viễn thông.
Doanh số cuối năm 1992 của Nokia tại Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Á đã minh chứng cho tầm nhìn xa trông rộng của Jorma. Đến những năm tiếp theo, doanh số của Nokia liên tục tăng mạnh, vượt xa kỳ vọng của hãng cũng như dự đoán của giới chuyên gia và thời kỳ hoàng kim của Nokia chính thức bắt đầu. Đến năm 1998, việc Nokia mạnh tay đầu tư phát triển công nghệ GSM đã càng củng cố vị thế của nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới, mãi cho tới tận năm 2012. Chỉ trong khoảng 5 năm, từ năm 1996 đến 2001, doanh số bán ra của Nokia đã tăng gấp 5 lần từ 6.5 tỷ Euro lên 31 tỷ Euro.
Vào những năm được coi là “kỷ nguyên” của Nokia, người hâm mộ hi-tech khắp thế giới từ những kẻ ngô nghê đến dân sành hi-tech đều quá quen thuộc với hình ảnh hai bàn tay nắm lấy nhau trên mỗi chiếc điện thoại di động. Thời điểm ấy người ta chẳng bàn nhau về thương hiệu hay hãng sản xuất, mà chỉ nhắc đến những con số đời máy: 3120, 6680 hay 7370... Nokia bắt đầu trở thành trào lưu, bởi thế người dùng khôn ngoan thì phải xài Nokia vì độ bền cao, dân chơi sành điệu cũng xài Nokia vì máy thời trang, thiết kế cá tính, còn tín đồ hi-tech biết “nghề” cũng phải sắm Nokia để tha hồ “vọc” mọi tính năng.Nokia khi đó làm mưa làm gió trên thị trường, ngạo nghễ dẫn đầu phân khúc điện thoại di động toàn cầu, được vinh danh tại biết bao triển lãm công nghệ thế giới, tạo ra hết cơn sốt này đến làn sóng khác có kém gì iPhone những năm gần đây. Mỗi một dòng máy Nokia ra đời, người dùng cũng trông chờ mong ngóng lắm, và giới truyền thông cũng rào đón rùm beng lắm. Quả thật, Nokia xuất hiện tràn ngập tại các cửa hàng điện thoại. Đơn cử như mẫu Nokia 3310 (hậu thế của Nokia 3210) ra mắt vào cuối năm 2000 đã trở thành mẫu điện thoại phổ thông nhất, Nokia 1100 với hơn 200 triệu đơn hàng cũng trở thành chiếc điện thoại di động và thiết bị điện tử bán chạy nhất mọi thời đại. Cũng không thể không nhắc đến phiên bản lai giữa điện thoại và game console “N-Gage” đã từng được bàn luận rôm rả trên khắp diễn đàn công nghệ.
Trái táo có vị đắng
Những tưởng Nokia sẽ trường tồn trên ngôi vị số một của thị trường điện thoại di động bởi những gì họ làm được trong mười năm kể từ cuối những năm 90 cho tới cuối những năm 2010 quả thực “vĩ đại”! Song, vật đổi sao rời, không có gì bất biến, đặc biệt đối với thị trường công nghệ, cái thị trường mà bản chất của sự cạnh tranh nằm ở việc không ngừng sáng tạo, liên tục sáng tạo, và làm tốt hơn nữa những điều vốn được coi là tốt nhất. Một khi người tiêu dùng đã có dấu hiệu bão hòa với những chiếc điện thoại được thiết kế theo kiểu truyền thống, chỉ khác nhau về mẫu mã và một vài tính năng nhỏ thì sự đột phá về công nghệ là điều tối quan trọng để duy trì, hoặc chiếm lĩnh thị phần. Một khi không chiếm lĩnh, thì anh sẽ bị chiếm lĩnh. Và “kẻ thủ ác” đối với Nokia không ai khác chính là Steve Jobs, gã phù thủy công nghệ đã hồi sinh Apple.Ngay khi vừa ra mắt vào năm 2007, chiếc iPhone của Steve Jobs đã dần dần gặm nhấm thị phần của Nokia trên thị trường điện thoại di động, khiến đường nối trên biểu đồ thị phần của Nokia từ 49.4% cứ dần dần thụt lùi về vạch xuất phát chỉ trong một vài năm. Cho đến nửa đầu năm nay, con số này rớt xuống chỉ còn 3%. Giới chuyên môn cho rằng chính sự lơ là của Nokia trong việc cải tiến và phát triển ứng dụng cho hệ điều hành Symbian là một trong những căn nguyên cho sự tụt dốc này. Symbian đã thực sự trở nên tụt hậu và hoàn toàn thất thế trong cuộc đua nền tảng ngay khi iOS và rồi Android ra đời.
Nokia luôn đề cao tiêu chí “tốt” và “bền” khi phát triển mỗi dòng sản phẩm mới, đáp ứng đủ những gì người dùng cần, trong khi Apple hiểu rằng điều quan trọng không nằm ở việc người dùng “cần” gì, mà ở những gì người dùng “muốn” và “thích”. Nói cách khác, Nokia nâng niu phần cứng của mỗi thiết bị, trong khi Apple dồn tâm huyết cho việc phát triển phần mềm, đa diện, đa sắc hơn. Apple không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng nhu cầu của người dùng, mà họ còn tạo ra nhu cầu!
Nỗ lực tái thiết
Trước sức ép quá lớn của Apple, và sau này là Samsung, Nokia buộc phải tính tới một liên minh có sức ảnh hưởng lớn, và Microsoft là cái tên được chọn. Lumia 920 và Lumia 820 là ai sản phẩm Windows Phone đầu tiên của Nokia và Microsoft, được kỳ vọng sẽ chặn đà tăng trưởng có phần hung hãn của iOS và Android. Trên thực tế, nó cũng ít nhiều cũng giúp doanh số di động của Nokia nhúc nhích, với hơn 13,3 triệu điện thoại bán ra trong năm 2012, và 27,8 triệu chiếc trong năm 2013. Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa số lượng điện thoại bán ra của hai năm không đủ để vực dậy doanh số bán hành cho Nokia.Dòng smartphone chạy nền tảng Windows Phone của Nokia dù được đánh giá là đã mang nhiều nét cải tiến tích cực, ở cả thiết kế, cấu hình và phần mềm, song rõ ràng chưa hề đủ mạnh để trở thành đòn bẩy thúc đẩy doanh số của Nokia. Tổng doanh thu 2013 của Nokia chỉ đạt 2.633 triệu Euro, giảm 29% so với năm 2012 (3.701 triệu Euro). Trước kết quả không như mong muốn, Nokia vẫn kiên trì tung ra Lumia 1520 và Lumia 1320 - hai phiên bản Phablet đầu tiên chạy Windows Phone, và cho tới nay có thêm Lumina 2520. Tuy nhiên, phân khúc này chưa đem lại cho thấy những tín hiệu thực sự tích cực cho hãng.
Ngay từ năm 2012, đã có không ít lời đồn đại xung quanh việc hợp tác giữa Microsoft với Nokia, đa phần đều lờ mờ dự đoán khả năng Microsoft sẽ tìm cách thâu tóm bộ phận di dộng của hãng điện thoại Phần Lan. Và chỉ hai năm sau khi bắt tay hợp tác, đúng như dự đoán, Nokia chính thức thuộc sở hữu của Microsoft. Thương vụ Microsoft mua lại bộ phận điện thoại và dịch vụ của Nokia với giá 5.39 tỷ Euro bắt đầu rò rỉ thông tin từ cuối năm 2013, và chỉ mới gần đây (25/4) thương vụ này mới hoàn tất mọi thủ tục. Đây có thể coi là sự kiện rùm beng nhất thế giới công nghệ, dù đã được tiên đoán từ trước.
Sự kiện trên có thể không như nhiều người yêu mến Nokia trông đợi, khi phần lớn đều hướng về một Nokia độc lập, mạnh mẽ như thuở huy hoàng, chứ không phải chỉ là một thương hiệu nhánh của một tập đoàn khổng lồ. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, bước ngoặt trên lại được coi quyết định phù hợp. Chỉ với cách này, Nokia mới có cơ hội tiếp tục phát triển và biến những dự định tái thiết thành hiện thực, để một ngày nào đó không xa, những chiếc điện thoại có nguồn gốc Phần Lan sẽ trở lại đầy ngạo nghễ, ở một vị thế xứng đáng với những gì mà thương hiệu này đã đóng góp cho nền công nghệ thế giới.
Thụy Miên