Tin mới

5 thách thức nếu Microsoft muốn thành công ở lĩnh vực smartphone

Tung ra các sản phẩm cao cấp, mở rộng đối tượng khách hàng và thu hút những nhà phát triển ứng dụng, Microsoft cần phải làm được điều đó nếu muốn giữ phần trong cuộc chiến trên thị trường smartphone.


5 thách thức nếu Microsoft muốn thành công ở lĩnh vực smartphone  ảnh 1 4 năm trước, nhiều nhà phân tích dự đoán Windows Phone sẽ vượt BlackBerry và iOS để trở nên phổ biến chỉ sau Android. Thị phần của Microsoft được dự đoán đạt tới 20%.

Hiện tại, gã khổng lồ phần mềm chỉ như một tay chơi mới gia nhập thị trường. Trong lúc đã vượt qua những khó khăn với việc chuẩn bị ra mắt Windows 10, tung ra những sản phẩm ấn tượng như Holo Lens, gây dựng được niềm tin vào tương lai, vẫn chưa có gì cho thấy Microsoft sẽ thành công ở mảng thiết bị di động.

Năm 2014 Microsoft đã không đạt được mức tăng trưởng ở mảng điện thoại di động như kỳ vọng. Dù vậy, họ mới chỉ chậm chứ chưa hoàn toàn mất cơ hội. Để không bị rơi vào nhóm “cầm đèn đỏ” như Blackberry hiện tại, và giảm bớt khoảng cách với Android hay iOS, dưới đây là 5 thách thức mà hãng phần mềm lớn nhất thế giới phải chinh phục bằng được.

1. Sản xuất điện thoại cao cấp

Chỉ tập vào thị trường điện thoại thông minh cấp thấp là chưa đủ. Theo thống kê của IDC, Windows Phone trong năm 2014 đã có mức tăng trưởng 4,2% so với năm trước đó, trong khi mức trung bình của toàn thị trường là 27,7%. Mặc dù vậy, Microsoft chưa tỏ ra mấy sốt ruột và giữa tháng 3 tiếp tục tung ra điện thoại Lumia 430 giá chỉ 70USD, rẻ nhất từ tước đến nay.

Ramon Llamas của IDC tin rằng Microsoft cần có những sản phẩm cao cấp hơn thay vì tập trung vào thị trường giá rẻ và tầm trung. “Những mẫu điện thoại cao cấp nhất có vai trò chủ yếu là thu hút sự chú ý cho phần còn lại”, ông nói. Tuy nhiên, ít nhất phải đến khi Windows 10 chính thức ra mắt vào giữa năm nay, Microsoft mới tính đến chuyện này, như một thông cáo từng cho biết. 

2. Windows 10 thành công như kỳ vọng

Windows 10 được kỳ vọng là sẽ mang lại sự kết nối cho tất cả các dòng sản phẩm, từ máy tính, điện thoại, máy tính bảng cho đến phụ kiện đeo. Nó nên là như thế nếu Microsoft mong muốn tạo được một hệ sinh thái đủ sức hấp dẫn các nhà phát triển và người dùng.

Chắc chắn hệ điều hành mới sẽ mang lại những tác động tích cực, thông qua một vài tính năng được tiết lộ cho đến nay. Nhưng để giúp Windows phone bám đuổi Android và iOS, thì đó còn là cả một hành trình dài.

3. Nhắm đến người sử dụng kinh doanh

Năm ngoái, Windows Phone tăng trưởng 4,2% để đạt tới con số 2,7% thị phần điện thoại thông minh. IDC dự đoán Microsoft có thể đạt 5,6% vào năm 2018. “Đây là một cuộc đua ma-ra-tông, không phải chạy nước rút”, theo Llamas.

Và để mở rộng thị trường, Windows Phone cần thay đổi quan điểm đối với khách hàng doanh nghiệp. “Khách hàng doanh nghiệp cần có một sự kết nối hoàn hảo giữa các thiết bị như điện thoại, máy tính bảng và máy tính”, Llamas nói. “Microsoft đang có trong tay những công cụ tuyệt vời như Office 360, Skype và OneDrive”.

4. Nghĩ lại về Nokia

Steve Ballmer đã có một quyết định sai lầm: Mua lại Nokia với giá 7,2 tỷ USD. Còn Satya Nadella, Giám đốc điều hành hiện tại, đã có một quyết định lớn lao khi cho đóng cửa nhiều nhà máy ở châu Âu và châu Á (một phần được chuyển về Việt Nam), đồng thời cắt giảm 12.500 việc làm.

“6 tháng trước chúng tôi đã mong chờ những thay đổi triệt để đối với các nhà máy của Microsoft, điều vẫn chưa xảy ra”, John Jackson, một nhà phân tích khác của IDC cho biết. “Tại thời điểm nay, hoặc là gia tăng năng lực, hoặc dừng lại. Nhìn vào chiến lược của Microsoft, rất khó để cạnh tranh ngang bằng với Apple hay Google.”

“Sản xuất phần cứng giờ đã trở thành lĩnh vực mang lại lợi nhuận thấp, ngay cả với Samsung. Ngoại lệ duy nhất là Apple”, ông nói. “Quan điểm cho rằng cần phải có nền tảng phần cứng riêng để đấu lại Apple và Google đã thay đổi”.

5. Thu hút các nhà viết phần mềm

Để thu hút người dùng Windows Phone, Microsoft cần một chợ ứng dụng thật “xôm”, nhưng để có nhiều người vào chợ bán hàng, thì lại phải cần có thật nhiều người đi mua. Một vòng luẩn quẩn mà chỉ có cách giải quyết là tạo ra một nền tảng mạnh mẽ với khả năng ứng dụng trên nhiều thiết bị.

Về mặt lý thuyết, Microsoft đang đủ khả năng làm được việc đó. Nhiệm vụ của Windows 10 là giúp các nhà phát triển viết ra những ứng dụng có thể chạy trên điện thoại, máy tính và thậm chí là cả Xbox.

“Chúng tôi đạt mức tăng trưởng 30% người dùng đăng ký và tăng 110% lượt tải ứng dụng cũng như doanh thu”, Todd Brix nói hồi tháng 12 năm ngoái. “Số các nhà viết phần mềm đăng ký tăng 80%”.

Tuy nhiên, không phải ai cũng ấn tượng về điều đó. “Sẽ là một quãng đường dài”, Llamas nói. “Nhưng Microsoft đang xây dựng một cách ổn định và tốt hơn trước đây”. Theo PC World

T.T.