Tin mới
Adobe sử dụng AI để phát hiện bức ảnh đã bị chỉnh sửa hay chưa
Vừa là một công ty phát hành phần mềm chỉnh sửa ảnh, Adobe cũng vừa ứng dụng AI để tạo ra phần mềm phát hiện ra những bức ảnh đã qua chỉnh sửa.
Phần mềm Photoshop và Lightroom của Adobe đã trở thành tiêu chuẩn cho việc chỉnh sửa và cắt ghép ảnh, tạo ra những bức ảnh không giống gì phiên bản gốc nữa. Mới đây, hãng cũng đã công bố một phần mềm mới, sử dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện những bức ảnh nào đã qua chỉnh sửa.
Theo hãng thì "ngoài sử dụng Photoshop vào việc nâng cấp thẩm mĩ của ảnh thì một số người đã dùng nó vào những mục đích xấu, bất hợp pháp, và để hỗ trợ cho những nhà làm luật phát hiện những bức ảnh không đúng sự thật, chúng tôi đang phát triển một phần mềm có thể phát hiện chúng bằng trí tuệ nhân tạo".
Trí tuệ nhân tạo sẽ 'nhìn' vào toàn bộ bức ảnh để tìm những chỗ có ít hoặc nhiều nhiễu hơn, những điểm ảnh không hợp với bố cục và cách ánh sáng đổ không chính xác. Điều này đã được thực hiện bởi con người trong một thời gian dài, nhưng trí tuệ nhân tạo sẽ có tốc độ xử lí cao hơn, rút ngắn thời gian phân tích nhiều lần.
Hãng tập trung vào phân tích 3 kĩ thuật được sử dụng trong Photoshop và ghép ảnh, cắt và copy một yếu tố trong ảnh hoặc xóa chúng đi (Content-aware Fill). Những tính năng này tuy được phát triển một cách công phu, nhưng vẫn để lại những điểm đáng ngờ như viền có độ tương phản cao, những hạt nhiễu lạ.
Theo Adobe thì công nghệ này sẽ giúp đỡ chứ không thay thế hoàn toàn sự tin tưởng của các nhà làm luật, các tòa soạn báo vào các nhà báo ảnh. Các tờ báo có tên tuổi như Associated Press có một bảng luật rõ ràng về việc chỉnh sửa và cắt ghép ảnh. Nhiệm vụ của Adobe là tạo ra một phần mềm giúp đỡ họ phát hiện những bức ảnh không đúng sự thật, chứ không phải tạo thêm áp lực cho những nhà báo chân chính.
Theo Petapixel