Tin mới
Ai là “cha đẻ” của loa tĩnh điện đầu tiên trên thế giới ?
Là một nhà vật lý ứng dụng điển hình, Arthur A.Janszen đã tạo ra rất nhiều phát minh trong suốt cuộc đời làm khoa học. Tuy nhiên, đa phần mọi người biết đến ông với vai trò là người chế tạo loa tĩnh điện có tính khả dụng đầu tiên trên thế giới.
Arthur A.Janszen - nhà vật lý, nhà chế tạo loa tĩnh điện có tính khả dụng đầu tiên trên thế giới Ông Janszen bắt đầu quan tâm đến loa tĩnh điện trong thời kỳ tham gia dự án nghiên cứu hiện tượng âm học dưới nước do Hải quân Hoa Kỳ và Đại học Harvard cùng phối hợp thực hiện trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai đang diễn ra. Với tư cách là phó giáo sư làm việc trong Phòng thí nghiệm Harvard, vai trò chính của ông là phát triển công nghệ ống nghe dưới nước bên cạnh hệ thống xử lý và kiểm soát tín hiệu có tác dụng phát hiện và ngắm chuẩn âm thanh của tàu địch. Vũ khí này cũng được dùng để chiến đấu với tàu ngầm của quân Đức quốc xã tấn công quân đồng minh và tàu của dân thường. Để triển khai dự án cần phải có bộ tạo sóng âm thanh có độ chính xác cao. Vì mục đích này, ông Janszen đã phát kiến ra bộ tạo sóng âm thanh tĩnh điện.Ông đã sử dụng những nguyên tắc vật lý quen thuộc để phát minh ra công nghệ này. Ông Janszen tin rằng công nghệ tĩnh điện vốn có độ tuyến tính hơn nón loa, vì thế ông đã chế tạo một mẫu thử loa tĩnh điện có màng chắn bằng chất dẻo mỏng có lớp ngoài dẫn điện đã qua xử lý. Mẫu thử này đã củng cố niềm tin của Janszen về khả năng của loa tĩnh điện bởi nó thể hiện độ tuyến pha và biên độ rất ấn tượng. Janszen rất phấn khích với kết quả thu được nên ông không ngừng nghiên cứu và phát triển các công nghệ làm loa tĩnh điện. Không lâu sau, ông nghĩ ra phương pháp cách nhiệt các xtato để ngăn hư hại cho loa do hiện tượng phóng hồ quang.
Các thành phần bên trong của loa tĩnh điện Để nâng cấp nguyên mẫu loa tĩnh điện, Arthur Janszen đã dành rất nhiều thời gian trong phòng thí nghiệm nhỏ ông tạo dựng tại căn hộ của mình. Trong đó, những động lực chính cho sự miệt mài này không nằm ngoài tình yêu âm thanh cũng như các nguyên tắc vật lý thú vị mức độ tinh vi của loa tĩnh điện. Những cuốn sổ tay của ông lưu lại rất nhiều những dòng ghi chép các ý kiến hay bất chợt nảy ra, những phỏng đoán, minh chứng, các kết quả thí nghiệm và kết luận được. Tuy nhiên, thời điểm đó thiếu hụt các vật liệu phù hợp cho màng rung nên việc tạo ra một mẫu loa có tính ứng dụng cao là điều không thể. Chính sự ra đời và phát triển ứng dụng của chất liệu màng chất dẻo đã mở ra những cơ hội mới cho những ý tưởng sáng tạo của ông Janszen. Vào đầu năm 1950, vẫn tiếp tục công việc đang thực hiện ở dự án Harvard, Janszen đã chế tạo được loa tweeter tĩnh điện có khả năng ứng dụng cao với tên gọi Janszen 130. Củ loa này đã thiết lập tiêu chuẩn mới để tái tạo tần số cao. Janszen 130 kết hợp rất ăn ý với loa trầm tốt nhất thời đó là Acoustic Research AR-1 và tạo thành hệ thống loa được nhiều chơi âm thanh ưa thích vào những năm 1950.
Vào năm 1954 khi ông Janzsen tự tin có thể bán tốt các loa do mình chế tạo, ông đã thôi việc tại Đại học Harvard và thành lập Công ty Thí nghiệm Janszen tại Bắc Cambrige, bang Massachusetts. Tại Hội nghị thường niên lần thứ sáu của Hội kỹ sư âm thanh diễn ra ở New York vào tháng 10 năm 1954, ông đã trình bày bài diễn văn “Sự phát triển của loa tĩnh điện”, sau đó bài diễn văn này được đưa vào số tháng 5/1955 trong tập san của Hội. Ông Janszen cũng là người phát triển loa tĩnh điện toàn dải đầu tiên trên thế giới với thiết kế công nghiệp mang tính đột phá do kiến trúc sư William I.Barton thực hiện. Ông đã cho ra mắt mẫu thử nghiệm vào đầu năm 1957. Những mẫu thử này nhận được những phản hồi rất tích cực và JansZen Labs bắt đầu xuất xưởng phiên bản đầu tiên vào đầu năm 1959. Sự phát triển này đã thu hút sự chú ý của hãng KLH. Vào năm 1960 thiết kế của ông được hãng KLH quảng bá và đưa ra thị trường với tên gọi KLH Model 9. Mặc dù hãng Quad của Anh ra mắt loa tĩnh điện toàn dải danh định vào năm 1957, song KLH 9 vẫn cho thấy độ trải rộng âm trầm lớn hơn và khả năng tái tạo âm thanh với âm lượng lớn . Trong khi đó, loa Quad nguyên bản có độ động rất hạn chế.
Trong năm 1959 tài sản của Công ty Thí nghiệm JansZen được chuyển giao cho KLH. Ông Janszen giữ chức vụ phó chủ tịch công ty. Trong khi hợp tác với hãng KLH, ông Janszen đồng thời có những đóng góp cho thiết kế KLH Model 8 vốn thường được mô tả là radio đặt bàn âm thanh trung thực cao đầu tiên trên thế giới và không lâu sau huyền thoại KLH 9 ra đời. Các thiết kế loa tĩnh điện lần lượt ra đời, phải kể đến loa Kosss hay còn gọi là Acoustech X - loa kế nhiệm đắt giá của KLH 9, tích hợp hai bộ khuếch đai và ERC hay còn gọi là ER-139. Trên thực tế đây là thiết kế lai tĩnh điện/woofer có thể tạo ra nguồn toản dải đa hướng ở mức giá rất khiêm tốn. Dự án ERC không có hiệu quả về mặt thương mại song thiết kế này thực sự là một thành quả lớn về mặt công nghệ.
Sau khi rời KLH, có một vài thời điểm ông Janszen tham gia vào những hoạt động không liên quan đến âm thanh, trong đó là dự án phát triển ngành nghề nông nghiệp cho Mexico do Cơ quan phát triển quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ và Bộ ngoại giao Mexico phối hợp thực hiện. Sau khi Neshaminy ngưng sản xuất vào giữa thập kỷ 1970, tập đoàn Electronics Industries mua lại công ty này và tiếp tục sản xuất loa với nhãn hiệu JansZen. Hiện nay loa JansZen do Công ty Thí nghiệm JansZen, Công ty điện tử Neshaminy và Electronics Industries vẫn có mặt trên thị trường. Bên cạnh đó, con trai của Arthur JansZen là David A.Janszen đã thành lập và điều hành công ty chuyên thiết kế sản xuất loa mang thương hiệu JansZen . Những sản phẩm hiện tại cũng được chế tạo chính xác, trang bị các cấu kiện có độ bền và ổn định cao như trước.
Ông Arthur Janszen đã qua đời vào năm 1991 song những phát minh của ông đã nhất là loa tĩnh điện đã trở thành huyền thoại và đóng góp không nhỏ cho ngành công nghiệp âm thanh thế giới.