Tin mới

Android M dành cho lập trình viên sắp ra mắt

Android M được Google hứa hẹn sẽ có nhiều tính năng mới và cải thiện hiệu suất, đồng thời còn được chú trọng cả chất lượng nền tảng.

Android M dành cho lập trình viên sắp ra mắt ảnh 1

Dave Burke trình bày về tính năng Chrome Custom Tabs. Ảnh: Internet

Thuyết trình tại hội nghị Google I/O diễn ra vào sáng 28/5 tại Mỹ, Phó chủ tịch kỹ thuật của Google là Dave Burke cho biết hãng đã quan sát những tính năng mà các nhà sản xuất smartphone tích hợp vào hệ điều hành Android, từ đó lựa chọn để đưa vào nhân của hệ điều hành. Theo ông, có 6 thành phần mới mà Google sẽ tập trong vào phiên bản Android M, trải rộng từ tính năng mới, tăng cường hiệu năng và tính hiệu dụng. 

Một trong những phần quan trọng của Android M là sửa chữa lại hệ thống phân quyền cho ứng dụng theo hướng giúp người dùng cho phép hoặc ngăn chặn những quyền liên quan đến bảo mật như camera hoặc truy cập vị trí. Hệ thống mới sẽ chia ra đến 8 loại quyền hạn riêng biệt để người dùng quyết định cấp hay không cấp cho ứng dụng, điều này khác biệt với nền tảng Android hiện hành vốn yêu cầu người dùng chấp nhận toàn bộ những quyền mà ứng dụng yêu cầu hay bỏ qua  việc cài đặt chúng. Và khi đã cấp quyền cho ứng dụng, ở những phiên bản cập nhật mới ứng dụng cũng sẽ không hỏi lại, điều này cũng khá tương đồng với cách mà Apple đã quản lý quyền của ứng dụng trên nền tảng iOS. Trình duyệt Chrome cũng được nâng cấp tính năng “Chrome Custom Tabs”, tính năng này cho phép lập trình viên đưa trình duyệt web vào trực tiếp bên trong ứng dụng, cho họ có toàn quyền sử dụng Chrome mà không phải bắt người dùng chuyển màn hình. Hình dung rõ ràng nhất là Facebook, khi nhấn vào liên kết thì ứng dụng này chuyển sang một trình duyệt web của riêng mình, dù rằng người dùng có thể thiết lập chuyển sang trình duyệt Chrome, với Custom Tabs thì các ứng dụng nhỏ hơn cũng sẽ có thể mở một trình duyệt ngay bên trong mà không cần phải gọi thêm Chrome, giúp tăng trải nghiệm với ứng dụng. Những tính năng của Chrome như tự động đăng nhập, điền thông tin, lưu mật khẩu… đều sẽ được mở cho những lập trình viên khi muốn đưa vào trong ứng dụng của họ. Hệ thống liên kết các ứng dụng cũng được cải tiến, trên Android M nếu bạn nhấp vào một đường liên kết của Twitter trong email, ứng dụng cùng tên sẽ mở trực tiếp chứ không hiện thông báo như trước.  Google cũng giới thiệu một hệ thống thanh toán mới là Android Pay, hệ thống này sẽ sử dụng giao tiếp NFC và Host Card Emulation để thực hiện dịch vụ chạm để thanh toán, Android Pay cũng sẽ thay thế ứng dụng Google Wallet hiện tại. Các nhà phát triển có thể tích hợp Android Pay để thực hiện việc mua hàng và thanh ngay trong ứng dụng. Google cho biết Android Pay sẽ được cài sẵn trên các thiết bị dùng mạng AT&T, Verizon và T-Mobile, chúng được chấp nhận ở 700.000 cửa hàng tại Mỹ. Android Pay cũng hỗ trợ thiết bị có chức năng quét vân tay như trên bộ đôi Samsung Galaxy S6.  Vấn đề tiết kiệm pin trên Lollipop đã được đánh giá cao, và Android M cũng sẽ không ngoại lệ, Google đã phát triển một tính năng Doze với lời giới thiệu là sẽ giúp hệ thống quản lý những tác vụ nền tốt hơn. Doze sẽ lần theo những chuyển động của máy để dự đoán xem khi nào người dùng đang sử dụng máy, cũng như có quyền đóng các tác vụ chạy ngầm khi thấy chúng không hoạt động trong một khoảng thời gian. Google nói rằng họ đã thử nghiệm Doze trên chiếc máy tính bảng Nexus 9 và nhận thấy tính năng này giúp cho thời gian chờ của thiết bị tăng lên gấp đôi so với khi dùng nền tảng Lollipop. Cuối cùng là Android M cũng hỗ trợ chuẩn kết nối USB Type-C (chuẩn USB trên máy Macbook 12 inch) điều này cho phép thiết bị sạc nhanh và thuận tiện hơn, đồng thời cũng cho phép biến chiếc Android thành thiết bị sạc cho những thiết bị khác, dù rằng điều này chưa được nhiều người quan tâm.  Tương tự như Android L (nay là Lollipop) năm 2014, Google M sẽ sớm có phiên bản dành cho lập trình viên dùng thử trên những dòng Nexus 5,6, 9 và Nexus Player với hi vọng nhận được những phản hồi để có thể tăng tính ổn định trước khi phát hành chính thức. 

Xuân Thành (theo Theverge)