Tin mới
Android tròn 10 tuổi, thương vụ mua lại tốt nhất của Google
Mặc dù đã thực hiện những thương vụ giá trị không kém như DoubleClick và Upstartle (Google Docs), Google khẳng định thành công nhất với việc mua Android.
Ngày 11/7 năm nay, Rich Miner, đồng sáng lập hệ điều hành cho di động là Android đã tweet một dòng thông tin cho biết đây là ngày đánh dấu kỷ niệm tròn 10 năm Android sáp nhập với Google. Ở thời điểm sáp nhập, hầu hết các chuyên gia công nghệ đều cho rằng đây là một thương vụ điên rồ của gã khổng lồ về tìm kiếm. Song sau 10 năm, rõ ràng Google đã cho thấy việc mua lại Android với giá 50 triệu USD là hành động cực kỳ sáng suốt để hãng có thể bắt kịp và nhanh chóng vượt qua nền tảng iOS đang ngày càng lớn mạnh. Chỉ trong 10 năm Android đã có một bước tiến rất dài. Tính đến cuối năm 2014 đây là hệ điều hành chiếm đến 53% smartphone trên toàn cầu (iOS của Apple là 41,6%) theo số liệu của comScore. Còn theo Google, hãng đã có 1 tỷ người dùng hằng tháng (số liệu tháng 6/2014), có 1,05 tỷ smartphone Android được bán ra trong năm 2014, giúp đưa thị phần của hệ điều hành này lên 81,5%, trong khi với iOS chỉ dừng ở mức 14,8% với 192,7 triệu sản phẩm bán được. Qua đó không ngoa khi nói rằng Android đã trở thành tiêu chuẩn của smartphone trên khắp thế giới. Nhìn lại quãng đường này, Android đã gặt hái được những cột mốc đáng nhớ trong những khoảng thời gian rất ngắn. Năm 2008 Google đã giới thiệu chiếc smartphone chạy Android chính thức là HTC T-Mobile G1, đây cũng là năm mà hãng đưa ra Android Market giúp người dùng nhanh chóng truy cập và tải ứng dụng về máy. T-Mobile G1 thời điểm ấy có thể quét mã vạch, lưu trữ e-book và giúp điều hướng đến vị trí được lựa chọn. Google vào thời điểm đó sử dụng thuật ngữ “ứng dụng không biên giới” để giao tiếp trong Android, nghĩa là người dùng có thể lấy dữ liệu từ một ứng dụng để ứng dụng khác sử dụng. Năm 2009 Android 1.5 Cupcake ra đời, người dùng có thể cảm nhận bằng xúc giác việc gõ phím với bàn phím ảo đi kèm, tìm kiếm với Google bằng giọng nói, ghi âm và chia sẻ video, đưa widget lên màn hình chính và màn hình có thể chuyển đổi từ dạng đứng (portrait) sang nằm ngang (landscape). Đến năm 2010, Google đã mời các nhà báo đến trụ sở chính của mình tại Moutain View, California, để xem qua chiếc Nexus One, một sản phẩm khác của HTC nhưng được bán trực tuyến qua Google. Khi phóng viên hỏi Nexus One có phải là kẻ sát thủ iPhone, Andy Rubin đã trả lời không, nó là một chiếc “siêu điện thoại” (superphone). Dù rằng Nexus One không thành công nhưng qua việc giới thiệu thêm những phiên bản kế tiếp và máy tính bảng, Nexus đã trở thành một thương hiệu cao cấp của dòng thiết bị Android. Android 2.2 Froyo cũng xuất hiện trong năm này với việc người dùng có thể biến điện thoại thành một trạm phát di động và cập nhật các ứng dụng chỉ bằng một lần nhấp khi chúng không đòi thêm quyền mới. Cuối năm 2010 bản Android 2.3 Gingerbread được ra mắt với việc hỗ trợ cuộc gọi VoIP và giao tiếp tầm ngắn (NFC) được hỗ trợ cho ứng dụng. Tháng 2/2011, Android 3.0 Honeycomb ra mắt cho máy tính bảng. Tháng 5/2011 Google đạt được 100 triệu thiết bị Android được kích hoạt, cùng năm này hãng giới thiệu phiên bản 4.0 Ice Cream Sandwich với chiếc Galaxy Nexus được cập nhật đầu tiên. Tháng 6/2012 Android giới thiệu Jelly Bean với trợ lý số có thể cạnh tranh với Siri của iOS. Phiên bản KitKat ra mắt vào tháng 10/2013 có sự cải thiện đáng kể về hiệu năng và giảm việc chiếm dụng RAM, phù hợp với những dòng máy giá rẻ. Việc mua lại Motorola Mobility năm 2011 giúp Google có thể kiểm soát cấu hình phần cứng của smartphone với đại diện là chiếc Moto X được ra mắt vào năm 2013 và Moto E năm 2014. Năm 2013 cũng đánh dấu 1 tỷ thiết bị Android đã được kích hoạt. Tại hội nghị Google I/O diễn ra vào năm 2014, Google đã giới thiệu phiên bản thử nghiệm Android L, phiên bản được làm mới lại của hệ điều hành di động của gã khổng lồ tìm kiếm, đây cũng là phiên bản đầu tiên sử dụng thiết kế Material, một giao diện người dùng chuẩn mà Google đã âm thầm đưa vào nhiều sản phẩm của họ trước đó, Android L sau đó có tên chính thức là Lollipop. Và đến thời điểm này, Google đã đưa phiên bản thử nghiệm Android M đến tay các lập trình viên với những tính năng mới mẻ như thẻ tùy chọn trên Chrome, Android Pay, một phiên bản làm mới lại của Google Wallet, công cụ quản lý điện năng Doze, hỗ trợ cảm biến nhận dạng vân tay từ trong hệ điều hành, Google Now on Tap… Theo VentureBeat