Tin mới
Apple vẫn “phụ thuộc” quá nhiều vào Trung Quốc
Dù đã có phương án dự phòng ở Ấn Độ và Brazil nhưng “công xưởng” chính của Apple vẫn ở Trung Quốc. Vì thế, mỗi lần tổng thống Trump ra chính sách thuế mới với hàng hóa từ Trung Quốc đều khiến Apple “lạnh gáy”.
Chính sách thuế mới có thể kiến doanh số của Apple lao dốc?
Chính sách thuế mới của tổng thống Trump sắp có hiệu lực một phần với Apple vào 1/9
Theo chính sách thuế mới được chính quyền của tổng thống Trump ban hành kể từ 1/9/2019 các sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc như tai nghe không dây, Smartwach sẽ phải chịu mức thuế 15%. Đây là mức thuế lớn nhất mà các sản phẩm Apple sẽ phải “chịu” và nó chắc chắn sẽ khiến các món đồ công nghệ của Apple đã đắt lại càng thêm đắt đỏ. Hãy nhớ rằng các thiết bị đeo đang là mỏ vàng mới của Apple trong bối cảnh doanh số iPhone đang suy giảm. Điều đó có nghĩa, Apple chỉ còn vài ngày để giải quyết bài toán suy giảm lợi nhuận rất lớn. Cũng trong tháng 9, chính xác là trong tuần thứ 2 của tháng 9, Apple sẽ công bố iPhone thế hệ 2019 với nhiều kỳ vọng đảo ngược đà đi xuống của doanh số tiêu thị iPhone đang suy giảm. Nhưng Apple sẽ chỉ có 90 ngày để giải quyết bài toán thuế mới cho iPhone khi tới 15/12/2019, iPhone cũng sẽ nằm trong danh sách chịu thuế 15%. Thách thức này có thể iPhone xác lập kỷ lục giá mới trong lịch sử và khiến cho tình hình kinh doanh của Apple không thể khởi sắc ở giai đoạn cuối năm.
Tim Cook đang đối mặt với bài toán khó từ chính sách thuế
Apple chọn phụ thuộc vào Trung Quốc để tối đa hóa lợi nhuận và giờ phải “trả giá” vì điều đó
Để tận dụng lợi thế về lao động giá rẻ cũng như các ưu đãi về đất đai, thuế quan, Apple đã đưa phần lớn các “công xưởng” của mình tới Trung Quốc. Các nhà máy lắp ráp, cung cấp linh kiện cho Apple ở Trung Quốc hiện có tới hàng trăm nghìn công nhân đang làm việc và cung cấp tới 50% khối lượng sản phẩm ra thị trường cho Apple.
Apple chọn Trung Quốc vì những ưu đãi và cả tính đồng bộ của hệ thống sản xuất
Năm 2011, Apple và Foxconn đã mở nhà máy ở Brazil. Đến năm 2015, ngoài 1 nhà máy ở Brazil, Apple có 2 nhà máy ở Mỹ nhưng lại có tới 30 nhà máy tại Trung Quốc. Năm 2016, số lượng nhà máy lắp ráp ở Brazil đã tăng lên 3 nhà máy và Apple mở thêm 1 nhà máy tại Ấn Độ, trong khi ở Trung Quốc là 31 nhà máy. Đến năm 2017, tổng số nhà máy lắp ráp, cung cấp linh kiện, thiết bị của Apple trên toàn cầu là 39 nhà máy, trong đó 31 nhà máy ở Trung Quốc. Riêng năm 2018, số lượng nhà máy lắp ráp, cung cấp linh kiện, thiết bị của Apple tăng đột biến lên 59 nhà máy, nhưng lại có tới 51 nhà máy tại Trung Quốc. Con số này tiếp tục được duy trì trong năm 2019. Không chỉ ít hơn hẳn về số lượng, các nhà máy ở Ấn Độ hay Brazil cũng nhỏ bé về quy mô so với các nhà máy tại Trung Quốc.
Như vậy có thể thấy, Apple đã cố gắng tìm kiếm những “công xưởng” mới giá rẻ trên toàn cầu như tại Ấn Độ hay Brazil nhưng sức hấp dẫn không đâu bằng Trung Quốc vì Trung Quốc vẫn là nơi tập trung nhiều nhất các nhà cung cấp linh kiện, thiết bị điện tử của thế giới. Vì thế, thay vì giảm bớt sự phụ thuộc vào các nhà lắp ráp, cung cấp linh kiện từ Trung Quốc, Apple lại càng phụ thuộc chặt hơn vào thị trường này để tối đa hóa lợi nhuận. Tuy nhiên, giờ là lúc Apple có lẽ sẽ phải “trả giá” cho quyết định này với chính sách thuế mới của Tổng thống Trump cũng như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
Không chỉ là công xưởng, Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ lớn của Apple
Việt Nam có thể là lựa chọn thay thế cho Trung Quốc của Apple trong tương lai gần?
Foxconn đã có mặt ở Việt Nam và đang tìm cơ hội mở rộng đầu tư để "dọn đường" cho Apple?
Giới phân tích dự báo, trong ngắn hạn, Apple sẽ chưa thể thoát khỏi sự phụ thuộc từ Trung Quốc, nhất là khi Ấn Độ và Brazil không phải là những “công xưởng” có nhiều điểm thuận lợi. Tuy nhiên, áp lực thuế sẽ khiến Apple phải gấp rút tìm kiếm các thị trường thay thế và Việt Nam có thể sẽ là lựa chọn phù hợp cho Apple, nhất là dựa trên những gì LG hay Samsung đã và đang làm ở Việt Nam. Tuy nhiên, với một hãng công nghệ lớn như Apple, thật khó để tìm một nơi nào đó có hạ tầng đủ để sản xuất 600.000 điện thoại mỗi ngày ngoài Trung Quốc.
Có thể ngày iPhone có nhãn hiệu Made in Viet Nam sẽ không còn xa?