Tin mới

Bay cùng những phím ngà hay câu chuyện về cây đàn Piano

Thật khó hình dung đời sống âm nhạc của nhân loại sẽ thiếu sót nhiều đến đâu nếu không có sự hiện diện của piano. Không đơn giản là một nhạc cụ, từ khi mới ra đời, piano đã được coi là thước đo của sự giàu sang, một vật trưng bày nhiều tác dụng trong phòng khách. Nó thực sự là một siêu sao, và với nhiều bậc cha mẹ khá giả hiện nay, cho con cái tập chơi piano đồng nghĩa với việc mở ra cho chúng một cánh cửa để bước vào ngôi đền sang trọng và thâm nghiêm của nhạc cổ điển.

Bay cùng những phím ngà hay câu chuyện về cây đàn Piano ảnh 1 Ngày nay, người ta coi sự có mặt của piano trên đời và những đóng góp vĩ đại của nó cho âm nhạc như một điều hiển nhiên, ít người chịu bỏ công tìm hiểu nguồn gốc của cây đàn này. Theo nhiều nguồn tài liệu, vào những năm đầu thế kỷ 18, đã có tới ba người ở ba nơi cùng chế tạo ra loại nhạc cụ mà chúng ta có thể coi là nguyên bản của chiếc piano sau này và trong ba người đó, Bartolomeo Cristofori (1655 - 1731) được biết ơn nhiều nhất và được tôn thờ như cha đẻ của cây đàn piano hiện đại. Ông là người xứ Padova, Italia, làm nghề thiết kế nhạc cụ cho gia đình hoàng thân Medici. Vào thời điểm đó, hai loại đàn tương tự piano là clavichord và harpsichord vẫn còn đang phổ dụng, nhưng mỗi loại đều có những nhược điểm riêng và người ta muốn có một loại đàn hoàn hảo hơn để thay thế.

Bay cùng những phím ngà hay câu chuyện về cây đàn Piano ảnh 2 Bartolomeo Cristofori (1655 - 1731) Cả hai loại đàn này đều được thiết kế theo kiểu khi ấn vào phím, một cái móc kim loại nhỏ (bridges) sẽ gảy vào dây thích hợp để phát ra âm thanh. Nhược điểm của harpsichord là không kiểm soát được mức âm lượng, làm cho người chơi đàn khó thể hiện cảm xúc, còn của clavichord là sự quá mỏng manh, thanh thoát của âm thanh, khó nghe thấy trong những không gian rộng lớn hay khi biểu diễn cùng nhiều nhạc cụ khác.

Bay cùng những phím ngà hay câu chuyện về cây đàn Piano ảnh 3 Clavichord

Bay cùng những phím ngà hay câu chuyện về cây đàn Piano ảnh 4 Harpsichord Sự cải tiến của Cristofori tuy đơn giản nhưng lại mang tính cách mạng, ông thay chiếc móc kim loại bằng chiếc búa nhỏ bọc nỉ. Tuỳ vào lực chạm của ngón tay vào đàn mạnh hay nhẹ mà chiếc búa gõ lên dây sẽ cho ra âm thanh to nhỏ khác nhau, tiếng đàn bớt độ rung. Không chỉ vậy, chiếc búa còn bật trở lại vị trí ban đầu một cách nhanh chóng, khiến cho việc lặp đi lặp lại một nốt ở tốc độ cao không còn là điều khó khăn. Chiếc đàn của Cristofori hồi đó sử dụng loại dây mảnh, vì thế âm thanh nhỏ hơn hẳn piano ngày nay. Nhưng so với chiếc clavichord thì nó đã cho thứ âm thanh mạnh mẽ hơn và cũng giàu tính kiểm soát hơn. Cristofori gọi cây đàn đã cải tiến của mình là gravicèmbalo col piano e forte, có nghĩa là “cây đàn harpsichord với âm thanh mềm mại và mạnh mẽ”.

Sau khi nhà văn Scipione Maffei viết một bài báo kèm theo sơ đồ chế tác cây piano, nhiều người đã bắt tay vào làm đàn piano một cách say mê. Gottfried Silbermann, nhà chế tạo đàn organ người Đức đã làm ra cây đàn piano dựa theo ý tưởng của Cristofori, chỉ thêm vào một chi tiết rất quan trọng - đó là chiếc pedal - dùng để nhấc tất cả những cái chặn âm lên khỏi dây đàn cùng một lúc. Silbermann nhờ nhạc sĩ lỗi lạc J.S.Bach đưa ra những nhận xét về piano, nhưng J.S.Bach chê là phím đàn quá nặng, những nốt cao của piano quá mềm mại và yếu ớt, ngoài ra, âm thanh xét về toàn cục lại không thể sánh được với sự tao nhã, thánh thót của đàn clavichord.

Phải đến cuối thế kỷ 18, khi cây đàn piano đã trải qua nhiều cải tiến, nó mới bắt đầu được công chúng ưa chuộng. Bản thân J.S.Bach đã chơi chiếc piano cải tiến và sau này, ông còn trở thành chủ một đại lý bán piano. Cây piano với những âm thanh biến hoá đa dạng: êm, nhẹ như gió thoảng, mượt mà như nhung lụa, thánh thót như mưa rơi, rì rào như suối chảy, hùng mạnh như đoàn quân đi đã trở thành sự lựa chọn của hầu hết các nhạc sĩ. Cây đàn piano phục vụ cho trường phái này có khung gỗ, hai dây cho một nốt, búa bọc da thay vì bọc nỉ. Với cây đàn này, Haydn, Mozart, Beethoven đã viết nên những bản concerto, sonata nổi tiếng. Ngay cả cả những tên tuổi lớn đại diện cho trường phái lãng mạn như Schumann, Mendelssohn, Brahms cũng có nhiều tác phẩm để đời dành cho piano. Thậm chí Chopin còn yêu nó đến độ hầu như không sáng tác cho các nhạc cụ khác, cũng không viết thể loại giao hưởng. Nhưng người đưa cây piano toả sáng như một ngôi sao ở giai đoạn đó phải là Franz Liszt - nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn người Hungary.

Bay cùng những phím ngà hay câu chuyện về cây đàn Piano ảnh 5 Franz Liszt

Chứng kiến tài nghệ tuyệt luân của Niccolo Paganini (ông vua của violon, người được mệnh danh là con quỷ vĩ cầm) với cây violon, Liszt nhủ thầm rằng ông cũng có thể đạt được đến trình độ đó với cây piano. Và ông đã tìm ra nhiều thủ pháp chơi mới cho cây đàn, mở rộng biên độ của kỹ thuật chơi piano tới mức tối đa. Chỉ với một cây piano, Liszt có thể làm cho người nghe cảm giác như họ đang nghe cả một dàn nhạc trình tấu. Đến thế kỷ 20, có một người cũng được coi là đã đạt đến trình độ của Liszt khi xưa, đó là Vladimir Horowitz - ông vua của piano. Xem Horowitz biểu diễn, có cảm giác như mười ngón tay của ông là những vũ công đang say sưa nhảy múa trên những phím ngà.

Bay cùng những phím ngà hay câu chuyện về cây đàn Piano ảnh 6 Vladimir Horowitz

Sau hàng trăm năm thăng trầm, cây piano đã mở rộng phạm vi “hoạt động” của nó ra nhiều thể loại âm nhạc khác nhau chứ không bó hẹp trong phạm vi cổ điển - thính phòng nữa. Nó giữ vị trí quan trọng trong các ban nhóm chơi jazz, và hãy thử tưởng tượng xem tiếng hát của Diana Krall hay Patricia Barber sẽ trống vắng thế nào nếu không có tiếng piano thánh thót phụ hoạ? Ngay cả rock cũng cần sự trợ giúp của piano để làm tăng sức hấp dẫn. Có lẽ không một rockfan nào quên được những tiếng piano rơi rụng như tiếng mưa trong đoạn intro của bản November Rain (nhóm Guns & Roses) hay dồn dập, thôi thúc trong bản Bohemian Rhapsody (nhóm Queen) hay trong rất nhiều bản ballad kinh điển của nhóm Manowar… Rõ ràng là cây piano đã làm được quá nhiều thứ hơn so với những gì người ta mong đợi ở nó.

Đi kèm theo 300 năm lịch sử là những nhà sản xuất piano lừng danh. Mặc dù được khai sinh ở Italia nhưng các nhà sản xuất đàn ở Đức lại tỏ ra lấn lướt hơn trong thế kỷ 18, 19, nổi bật nhất là các hãng như Bluthner, Bechstein. Người láng giềng Pháp có nhãn hiệu Erard, nổi tiếng với những cây grand piano, sáp nhập với Gaveau năm 1960. Bên kia eo biển Manches, ở xứ sở sương mù là hãng Broawood, John & Sons Ltd, sản xuất theo cơ chế kỹ thuật riêng của Anh với nhiều đặc điểm nổi bật.

Bay cùng những phím ngà hay câu chuyện về cây đàn Piano ảnh 7

Với người Việt Nam, những cây đàn quen thuộc mà chúng ta hay nhìn thấy thường mang tên Kawai, Yamaha hay Steinway & Sons, trong đó, hai hãng đầu đến từ Nhật Bản, còn hãng thứ ba là nhà sản xuất đàn piano lớn nhất nước Mỹ, thành lập năm 1853 bởi ông Steiway, một người Đức nhập cư. Có phải là nơi sản xuất ra những cây đàn hay nhất thế giới không thì chưa ai dám chắc nhưng rõ ràng các sản phẩm của Steinway & Sons luôn nổi tiếng nhất thế giới, tạo nên những chuẩn mực riêng và khiến nhiều đối thủ tại cựu lục địa phải thở dài ghen tị. Mặc dù ngày nay, một cây keyboard điện tử có thể thay thế gần như hoàn hảo chiếc piano với nhiều tính năng nổi trội nhưng muốn tìm sự thăng hoa thật sự với nhạc cụ, bạn vẫn nên lựa chọn cây piano. Bởi đơn giản, keyboard điện tử không thể mang lại cho bạn cảm giác của piano thường. Nó đơn giản chỉ nhái lại cảm giác của phím piano chứ không thể tạo ra độ nhạy của phím tương ứng với lối chơi của bạn. Nên khả năng biểu cảm sẽ bị hạn chế bởi nhạc cụ. Và bạn chỉ có thể tập chạy ngón trên piano rồi áp dụng xuống keyboard chứ không thể làm điều ngược lại. Đơn giản là do phím piano quá nặng so với phím keyboard.

Bay cùng những phím ngà hay câu chuyện về cây đàn Piano ảnh 8 Tuyệt tác từ cảm hứng Fibonacci của Steinway & Sons có giá hơn 2 triệu đô Và cuối cùng, keyboard điện tử không thể bắt chước được chính xác những âm sắc của các hợp âm phát ra từ piano dây với các hòa thanh rất phức tạp và độ cộng hưởng sâu rộng vang từ tấm rung âm thanh bằng gỗ - trái tim của đàn piano thường. Piano rốt cuộc vẫn phải là piano - vị trí độc đáo của nó trong âm nhạc không gì có thể thay thế được.

Minh Anh