Tin mới
Bên trong những “điểm hẹn” audiophile ở Tokyo (kỳ 1)
Với một mạng lưới dầy đặc những quán café, bar và club nhỏ nhưng luôn đầy ắp âm nhạc, Aaron Coultate khẳng định Tokyo chính là thánh địa của dân audiophile.
Nhiệt độ có vẻ lạnh hơn khi tàu chạy qua sông Tâm về hướng Phú Sĩ. Điểm đến là Hachioji, ở tận cùng phía Tây thành phố. Bước ra khỏi ga lúc đêm xuống, Hachioji giống như một phiên bản thu nhỏ của Tokyo, với những bảng hiệu neon sáng rực phía trên và dòng người tấp nập lướt đi trên đường. Từ đây, chỉ cần đi bộ thêm một quãng là tới SHeLTeR, một tụ điểm nhỏ hoạt động từ năm 1989, được điều hành bởi Yoshio Nojima.
SHeLTeR là điển hình cho kiểu mà dân audiophiles gọi là “chất phát ngất”. Với dàn mixer Bozak, cặp loa và amp cực gấu của JBL, suốt 27 năm nay Nojima vẫn luôn say mê với việc hoàn hiện chất âm của SHeLTeR. Hiếm ngày nào anh không lọ mọ làm gì đó với set up của mình. Mút và các ông các tông được chèn suốt theo các chân tường và sàn nhà để giảm dội âm. Các DJ chơi ở đây cũng dùng dung dịch lau đĩa “hàng thử” mà bạn của Nojima làm. Phía trước bục DJ kê 4 ghế mềm đối diện với cặp loa chính. Đây cũng là chỗ nghe nhạc “phê” nhất theo lời của Nojima.
Nojima mở SHeLTeR với lý do rất đơn giản, trở về Hachoji sau một thời gian lang bạt, anh thấy ở đây không có chỗ nào để bạn bè tụ tập tán dóc và nghe nhạc. Vậy là một nơi mang đến cảm giác ấm cúng, thân thiện và xôm tụ như phòng khách của bất kỳ gia đình nào mang tên SHeLTeR ra đời. Nojima đổ vào đây không ít thời gian, mồ hôi công sức nhưng nó thực sự xứng đáng bởi cái không khí âm nhạc tuyệt vời mà bất cứ ai đến đây đều cảm nhận được. DJ chơi tối nay ở SHeLTeR là Chee Shimizu, một tên tuổi rất được trọng vọng trong giới. Anh cùng vợ, Kanako, cũng là một DJ tài năng của Tokyo, và vài người bạn đến từ sớm và làm vài ly, trước khi bắt đầu đêm nhạc với bản ghi "Mercuric Dance" của Haruomi Hosono. Những ngọn nến bắt đầu được thắp lên và lan tỏa ánh sáng theo bước chân của những khách vào quán.
Nhiều năm qua, Shimizu và SHeLTeR đã hình thành một mối giao tình đặc biệt. “Mỗi khi mua một đĩa nhạc mới, tôi đều mang tới đây và có thể nói cho bạn biết chúng có hay không”. Khoảng 10 năm trước, Shimizu đã xây dựng một chuỗi chương trình nghe nhạc có tên gọi Tabiji, trong tiếng Nhật nghĩa là “Hành trình”. Và chính tại những đêm nhạc “ẩn dật” này, những DJ đỉnh nhất, như Prins Thomas, Basso, Lovefingers, Jonny Nash, Tako Reyenga, Abel Nagengast của Amsterdam's Red Light Records đã chơi những bản nhạc quái nhất trong những sáng tác của mình. “Mục đích ban đầu là để tạo sân chơi cho những thể loại nhạc “không nhảy nhót”, bất kể là Jazz, prog-rock, thể nghiệm…”, Shimizu nói, “Ban đầu chẳng ai hiểu loại nhạc chúng tôi chơi, nhưng chúng tôi vẫn kiên định với lựa chọn của mình. Sau vài năm, một vài DJ trẻ bắt đầu thử hướng theo phong cách đó, và chơi ở vài tụ điểm khác”. Tabiji vẫn được duy trì ở SHeLTeR, và là một lựa chọn quen thuộc, cũng như các chương trình “đinh” ở Foreslimit, một tụ điểm nổi tiếng khác ở dưới tầng hầm của ga Hatagaya. “Sở dĩ chúng tôi tổ chức được những bữa tiệc thể nghiệm ở Tokyo là bởi nơi đây có vô số những tụ điểm nhỏ và chất. Tôi khó có cơ hội chơi theo ý mình ở những club lớn, nên tôi rất vui với những gì mình đang có ở đây, một nơi chốn phù hợp để mài giũa phong cách riêng”.
Mặc dù những buổi diễn của Shimizu gần như là tiên phong cho những DJ chơi hai mâm đĩa nhưng nhìn sâu hơn, ta có thể thấy thói quen nghe đĩa vinyl trên các hệ thống âm thanh chất lượng cao, trong những quán café khuất nẻo, đã xuất hiện ở Nhật Bản từ những năm trước Thế Chiến II. Những quán café chơi nhạc được ưa chuộng thời đó là jazz kissa (chuyên chơi jazz) và meikyoku kissa (chuyên chơi nhạc cổ điển), khi mà các bản ghi cho tới thiết bị đều phải nhập khẩu với giá không hề rẻ. Cho tới giờ, vẫn còn nhiều quán café mang tinh thần ấy ở Tokyo. Lion là một nơi như thế. Được mở từ năm 1926, đây là một trong những meikyoku kissa điển hình vì chỉ phục vụ hai món là café và nhạc cổ điển – hàng thượng phẩm. Nằm trên một ngõ nhỏ ở Shibuya, nơi nhộn nhịp nhất Tokyo với tiếng những máy đánh bài và xe tải mở J-pop chạy không ngừng, bên trong của Lion là một thế giới hoàn toàn tách biệt, thâm trầm và cũ kỹ như không hề thay đổi từ bao năm nay. Trần nhà treo một đèn chum lớn, hai bên là hệ thống loa gỗ khổng lồ. Nhân viên mỗi khi mở các đĩa CD và vinyl nhạc cổ điển sẽ giới thiệu qua, và khách cũng không được khuyến khích trò chuyện, thay vào đó là đọc, viết hoặc chỉ là ngồi nghe nhạc, một cách yên lặng.