Tin mới
Bên trong những “điểm hẹn” audiophile ở Tokyo (kỳ 2)
Tokyo là một nơi không thể sống thiếu những tụ điểm âm nhạc, những quán café, bar, hay club tồn tại ở những nơi “hóc hiểm” nhất, chơi những thể loại “quái chiêu” nhất.
Có một quán bar ở Shinjuku chỉ chơi nhạc của Maki Asakawa, một nghệ sỹ sáng tác – biểu diễn Jazz huyền thoại của Nhật tên là Ura Mado (lấy theo tên một album của Maki Asakawa, nghĩa là “Cửa sổ trước”). Hay một bar khác, Nightingale, ở khu Golden Gai, chỉ có vỏn vẹn bảy chỗ ngồi, chuyên trị thể loại drone và electro thể nghiệm. Hoặc như Balearic Café, một nơi lấy cảm hứng từ hòn đảo cùng tên, với phong cách bài trí và thứ âm nhạc đậm chất Địa Trung Hải. Còn có cả Tengu Shokudo, một điểm hẹn náo nhiệt của những buổi tiệc tùng ko bao giờ dứt. Chưa kể vô khối những nightclub mini cho những fan của loại nhạc house, disco, techno, và điểm chung giữa chúng là khó tìm như kho báu của hải tặc.
Jonny Nash, DJ kiêm nhà sản xuất đã sống ở Nhật hơn 4 năm, cho rằng “Thực sự tồn tại một nền văn hóa của các quán bar và quán ăn ở Nhật, chỉ phân biệt bằng việc có chơi nhạc hay không. Và cùng với đó, là văn hóa thưởng thức âm thanh cao cấp, những audiophile và “con nghiện” âm nhạc, tất cả tạo nên một tổng hòa không thể tuyệt vời hơn”.
Có một vài lý do giải thích cho số lượng ngày càng nhiều các quán bar nhỏ xuất hiện ở Tokyo. Đầu tiên là do quy định của thành phố, luật Fueiho. Các tụ điểm giải trí nhỏ đồng nghĩa với ít lợi nhuận hơn, nhưng tránh được nhiều rắc rối với chính quyền hơn. Dĩ nhiên, không phải nhạc ở đâu cũng đủ chuẩn audiophile, nhưng niềm đam mê với âm thanh là chắc chắn. Terre Thaemlitz, nghệ danh DJ Sprinkles, người có hơn 16 năm sống ở Nhật, nhận xét: “Chưa có một hệ thống âm thanh nào ở những địa điểm tôi từng chơi đạt tới tiệm cận hoàn hảo hay ổn định. Nhưng điều thú vị chính là thái độ của những người chủ quán. Họ rành hệ thống của mình, và thường tự trào về các lỗi riêng một cách hài hước, nhưng họ không ngừng hoàn thiện chúng, điều mà các kỹ sư âm thanh của những tụ điểm lớn chẳng bao giờ có được. Trên tất cả, là tình yêu và niềm say mê, thứ giúp gắn kết những thành viên ở các quán nhỏ và họ có thể cùng nhau giải quyết vấn đề tới cùng thay vì chỉ trích nhau và đối phó”.
Oath, Bonobo và Koara là ba địa chỉ chuyên về nhạc điện tử, dĩ nhiên là diện tích nhỏ thôi nhưng hay nhất Tokyo. Oath là điểm lưu diễn quen thuộc của các DJ quốc tế, Vào những tháng ấm áp trong năm, khách khứa còn tràn cả ra ngoài, nghe nhạc, hút thuốc và trò chuyện. Giá ở đây chỉ khoảng 500¥ (4€) cho mọi món đồ uống, dễ chịu với cả du khách lẫn dân bản xứ.
Koara nằm ở phía cuối một cầu thang lát gạch trên con phố yên tĩnh trong khu Jinnan ở Shibuya. Ở đây có một dàn mixer Urei, amp Mc Intosh và loa EAW hướng trần. Nhạc ở đây chơi tới 5 giờ sáng, bùng nổ với thể loại house và techno nhưng vẫn có nét riêng.
Bonobo lại nằm trong một tòa nhà cũ kỹ, ít cũng phải 55 năm, đúng kiểu Tokyo. Sàn nhảy đủ chỗ cho khoảng 50-60 khách. Bàn DJ đặt trước cặp Altec Lansing lừng lững như hai gã security. Koichi Sei, chủ của Bonobo, là một người đàn ông thân thiện, đã từng sống ở New York từ 1989 tới 1999 và khi về Nhật thì quyết định mở một club lấy cảm hứng từ David Mancuso. Sei cho rằng, điều quan trọng nhất với mọi bữa tiệc âm nhạc là chất lượng chứ không phải âm lượng: “Một hệ thống nhạc hay khiến mọi người muốn ở lại lâu hơn, trò chuyện và nhảy nhót thoải mái mà không phiền hàng xóm”.
Thaemlitz cũng cho biết, hầu hết những tụ điểm nhỏ ở Tokyo không mở bass vào buổi đêm: “để tránh cảnh sát hỏi thăm, và dù điều này khiến các hệ thống loa không được chạy đúng công suất nhưng cũng chẳng mấy ảnh hưởng đến khách khứa. Đây chính là một lý do mà diện tích nhỏ cho thấy lợi thế của nó”.