Tin mới
Blackberry Priv: Một cánh én có làm nên mùa xuân?
Hệ điều hành Android, thiết kế trượt sang trọng, màn cảm ứng kết hợp bàn phím QWERTY vật lý, Priv sở hữu đầy đủ các vũ khí có thể giúp Blackberry mở đầu cuộc vượt khó hiện nay.
Thiết kế
Dù là mẫu điện thoại đầu tiên của Blackberry chạy hệ điều hành Android, nhưng thiết kế tổng thể của Priv vẫn không “đi chệch” phong cách truyền thống của hãng: sang trọng, tinh tế và nam tính. Trong đó, điểm ấn tượng nhất là màn hình lớn 5,43 inch với mép kính tràn về hai bên. Hiện nay trên thị trường, chỉ có những chiếc Galaxy S6 Edge và Priv sở hữu màn hình cong tràn cạnh như vậy, mặc dù màn hình của Priv không cong nhiều như S6 Edge. Để tạo thêm ấn tượng về màn hình cong này, Blackberry đã sử dụng viền kim loại ôm xung quanh mặt kính. Loa ngoài của Priv được đặt bên dưới đáy và được đục các lỗ đều chạy suốt chiều ngang của máy. Thực lòng mà nói, thiết kế loa dạng này khá thô và bụi sẽ chui vào các lỗ nhỏ li ti, cực khó làm sạch. Nếu Blackberry chỉ sử dụng một khe loa như cách Sony đã làm với chiếc Xperia Z3, Priv trông sẽ thẩm mỹ hơn. Ở trên đỉnh máy là loa thoại được đặt sát viền kim loại rất đẹp mắt và gọn gàng, bên cạnh là logo Blackberry và bên phải là camera trước.
Toàn bộ các khe cắm thẻ nhớ MicroSD và nano SIM được Blackberry bố trí ở cạnh trên của Priv. Cả 2 khe này đều có dạng khay và cần phải có que chọc mới lấy ra được, đồng nghĩa với việc “thay nóng” thẻ nhớ sẽ khó khăn hơn. Cạnh phải của Priv là nơi chứa cụm nút âm lượng. Giống như những chiếc Blackberry khác, Priv cũng có một nút tiện ích nằm ở giữa hai phím âm lượng. Trong khi đó, cạnh trái của máy chỉ có nút nguồn. Khi sử dụng Priv, tôi cảm thấy rất hài lòng với cách bố trí phím cứng trên máy. Dù cầm máy bằng tay nào, các nút cứng của Priv cũng rất dễ bấm chỉ bằng ngón trỏ hoặc ngón cái. Cái “chất” Blackberry còn được tìm thấy ở phía sau, với nắp lưng vân sợi carbon mạnh mẽ và cá tính. Nắp lưng này ôm trọn hai bên viền máy và được tráng một lớp cao su đem tới cảm giác cầm trên tay rất chắc chắn, không trơn trượt và cũng không bám dấu tay. Nằm ở phần trên mặt sau là camera chính của máy được đặt lồi, cùng với cặp đèn LED ngay bên phải. Mặc dù có camera viền lồi ra ngoài nhưng do được đặt ở chính giữa trục máy nên Priv không bị “cập kênh” khi đặt trên mặt phẳng như một số dòng máy khác với máy ảnh đặt ở góc. Chính giữa nắp lưng là logo Blackberry mạ crôm. Cuối cùng, cạnh đáy của Priv là nơi đặt cổng sạc MicroUSB và lỗ cắm tai nghe 3,5mm.
Nếu chỉ cầm Priv xem lướt qua mà không biết trước về cấu trúc của nó, người ta rất dễ bỏ sót tính năng nổi bật nhất của smartphone này, đó là bàn phím trượt. Giữa một “rừng” những chiếc smartphone dạng thanh thuần cảm ứng, bàn phím của Priv thực sự là “của hiếm” và khiến không ít người cảm thấy thích thú. Đẩy phần gờ dưới màn hình theo hướng từ dưới lên, một bàn phím QWERTY 4 hàng đặc trưng của các dòng máy Blackberry sẽ hiện ra. Nhờ có cấu trúc rãnh phức tạp với các tay đòn và lò xo ép, cảm giác trượt của Priv rất nhẹ nhàng nhưng chắc chắn. Hãng cũng chú trọng thiết kế tính năng trượt để cáp màn hình được an toàn và bền nhất, tối thiểu hóa nguy cơ đứt cáp vốn rất dễ xảy ra với loại điện thoại nắp trượt. Với chiều dày 9,4mm, Priv hơi thô hơn so với những flagship sành điệu dạng thanh, nhưng lại mỏng nhất nếu so với bất kỳ chiếc chiếc điện thoại nắp trượt nào. Các cạnh bên được bo tròn càng khiến cho Priv có vẻ mỏng hơn thực tế. Do có thêm bàn phím và hệ thống cơ trượt nên Priv khá nặng so với những chiếc điện thoại cao cấp khác, với trọng lượng máy lên tới 192g. Mặc dù vậy, nó không đem lại cảm giác nặng nề do trọng lượng được phân bổ đều, ngay cả khi trượt màn hình lên. Ngoài ra, các kích thước của Priv cũng khá lớn với chiều dài x rộng x cao (khi đóng nắp trượt) lần lượt là 147 x 77,2 x 9,4mm.
Giống như những chiếc Blackberry cao cấp khác, chất lượng hoàn thiện của Priv rất cao. Điều này được thể hiện rõ nhất ở viền kim loại ôm sát mặt kính cong Gorilla Glass 4 “đều tăm tắp”, không hề có gợn. Tuy nhiên, chất liệu Blackberry sử dụng để chế tạo Priv lại không được cao cấp lắm, nếu không muốn nói là rất tệ so với một flagship. Mặc dù có vân giả carbon nhưng nắp lưng của Priv là nhựa mềm. Nắp này mềm đến nỗi có thể ấn lõm lưng máy bằng ngón tay. Ngoài ra, nếu bị bóp mạnh Priv sẽ kêu cọt kẹt rất... rẻ tiền. Việc này thật khó chấp nhận, vì cảm giác cầm trên tay không tương xứng với mức giá của nó.
Màn hình
Rất may là chất lượng màn hình của Priv không “rẻ tiền” như thân vỏ máy. Đó là màn hình cỡ 5,43 inch, độ phân giải 1.440 x 2.560 pixel, sử dụng tấm nền Super AMOLED. Đây là smartphone thứ 2 của Blackberry dùng màn hình Super AMOLED sau Z30, và cũng là chiếc đầu tiên lớn hơn 5 inch. Với mật độ điểm ảnh lên tới 540ppi, màn hình này hiển thị rất sắc nét. Cộng với màu đen rất sâu, màu “nịnh mắt” và độ tương phản tốt, nó sẽ phù hợp với nhu cầu giải trí. Tuy nhiên, do sử dụng tấm nền Super AMOLED nên dù có tông màu ấm và sặc sỡ, màn hình của Priv không trung thực bằng loại dùng màn IPS LCD. Độ sáng của màn hình đạt mức khá, giúp hình ảnh hiển thị tốt ngay cả trong môi trường sáng mạnh.
Dù Priv được trang bị màn hình cong, nhưng tiếc rằng điểm mạnh này không được Blackberry khai thác hiệu quả hơn. 2 ứng dụng ít ỏi của màn hình cong là: khu vực thông báo nhỏ về lịch làm việc, email, tin nhắn, ứng dụng mạng xã hội… và một thanh hiển thị mức pin chạy dọc khi sạc. Do vậy, trên thực tế trang bị này của Priv mang nhiều ý nghĩa trình diễn công nghệ hơn.
Âm thanh
Dù có loa ngoài trông khá “hoành tráng” với dàn lỗ ở mặt trước nhưng trên thực tế, âm lượng của Priv chỉ đạt mức trung bình. Tất nhiên, âm thanh phát ra từ loa ngoài cũng đủ lớn để nghe rõ trong một căn phòng bình thường. Khi kết nối với tai nghe thì tình hình khá hơn, Priv chơi được âm lượng lớn, âm thanh trong trẻo và cân bằng. Nhược điểm lớn nhất bộc lộ qua tai nghe là ở dải cao có hiện tượng nhiễu tiếng. Nhờ có micro lọc nhiễu nên chất lượng cuộc thoại của Priv khá ổn với voice từ cả hai đầu đều rõ ràng và ít tạp âm.
Bàn phím
“Điểm sáng” của Blackberry Priv so với tất cả các điện thoại Android khác trên thị trường là bàn phím QWERTY trượt của máy. Giống như nhiều chiếc BB cao cấp khác, bàn phím này có 4 hàng và các phím vát theo hướng ngón cái ở hai bàn tay. Sau nhiều năm không sử dụng máy tích hợp bàn phím QWERTY, Priv đem tới cho tôi cảm giác khá thích thú. Do có ngón tay khá thô nên những phím bấm nhỏ trên bàn phím của Priv khiến tôi mất thời gian để làm quen. Khi sử dụng bàn phím của Priv, tốt nhất là dùng móng tay cái thay vì phần đầu ngón để có thể gõ được chính xác. Ngoài ra, từng phím bấm đem tới cảm giác hơi lỏng lẻo khi dùng ngón tay lắc nhẹ trên bề mặt. Trước Priv, chiếc điện thoại Android cuối cùng có bàn phím trượt QWERTY mà tôi sử dụng là Motorola Droid 4 cách đây gần 4 năm. Với khoảng hành trình và phím đơn đủ lớn bằng cao su mềm, cảm giác bấm trên Droid 4 “đã” hơn Priv nhiều. Có lẽ khi thiết kế Priv, Blackberry đã buộc phải “ép” bàn phím mỏng lại để giảm tối đa chiều dày máy, khiến cho trải nghiệm bấm phím bị hạn chế phần nào.
Điểm mới thú vị là bàn phím cứng của Priv hỗ trợ tính năng đoán từ rất thông minh. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có bộ gõ tiếng Việt nào hỗ trợ tính năng này. Ngoài ra nó còn có tính năng gán phím tắt để thực hiện các tác vụ và mở ứng dụng khác nhau rất tiện dụng. Cuối cùng, cũng như Passport, bàn phím của Priv cũng có trackpad cảm ứng ẩn bên dưới. Nếu chưa sử dụng Priv, nhiều người có thể nghĩ tính năng này khá “thừa thãi” vì máy đã có màn hình cảm ứng lớn. Tuy nhiên, khi dùng Priv, bạn sẽ thấy tính năng này rất đáng giá khi có thể cuộn các nội dung trên màn hình lúc đang sử dụng bàn phím, không cần phải rời tay lên để vuốt trên màn hình.
Camera
Priv là chiếc điện thoại có camera tốt nhất hiện nay của Blackberry. Camera vốn không phải là điểm mạnh BB khi toàn bộ dòng sản phẩm của hãng đều hướng tới doanh nhân hay người dùng bận rộn. Mặc dù vậy, trong vài năm trở lại đây, Dâu đen cũng đã chú trọng hơn tới camera, bắt đầu từ máy ảnh 13MP của Passport. Với Priv, hãng đã tiến một bước dài khi trang bị cho máy cảm biến với độ phân giải 18MP, kèm theo ống kính khẩu mở tối đa F/2.2, có chống rung quang học và do Schneider-Kreuznach - một hãng sản xuất ống kính rất nổi tiếng của Đức phát triển.
Trên thực tế, camera của Priv đem lại những tấm hình có chất lượng khá ấn tượng, độ chi tiết và sắc nét cao. Ở điều kiện ánh sáng tốt, nước ảnh có màu sắc hài hòa, trong trẻo, chân thực. Khi chụp thiếu sáng, ảnh của Priv hơi nhiều noise nhưng nhờ có hệ thống ổn định quang học, chi tiết vẫn còn nhiều và không bị nhòe. Ngay cả ở trong điều kiện ánh sáng rất yếu, ảnh của Priv vẫn giữ được độ sắc nét ở điểm focus, mặc dù đã bị mất chi tiết nhiều. Chế độ HDR hoạt động xuất sắc hơn bất cứ mẫu điện thoại Blackberry nào, tạo được những bức ảnh với độ tương phản hài hòa, đổ bóng và nhấn mạnh vào đối tượng chính. Tuy nhiên, với chủ đề chuyển động, Priv rất khó bắt nét chuẩn do tốc độ lấy nét chậm.
Chất lượng video quay bằng Priv đẹp bất ngờ với những đoạn clip 4K đầy chi tiết và sống động. Nhờ có cả hệ thống ổn định quang học lẫn những thuật toán khử rung bằng phần mềm, Priv đem tới những thước phim mượt, ít rung lắc. Tuy nhiên, khả năng khử rung bằng phần mềm chỉ hữu dụng ở chất lượng 1080p/30fps, hạn chế phần nào khả năng quay video slo-mo mượt của Priv.
Ngược lại với camera sau, máy ảnh mặt trước của Priv có độ phân giải đáng thất vọng: 2MP. Chất lượng ảnh selfie cũng không ổn, độ chi tiết kém và nhiều sạn. Có lẽ, công dụng quan trọng nhất của camera này là để thực hiện những cuộc đàm thoại video với độ phân giải HD 720p.
Trải nghiệm camera của Priv sẽ hoàn hảo hơn nếu Blackberry chú trọng hơn tới phần mềm xử lý và hỗ trợ chụp ảnh. Ứng dụng camera gốc được hãng cài đặt trên máy khá đủ cho nhu cầu sử dụng bình thường, với các tùy chọn như bật/tắt HDR, hẹn giờ chụp, tỉ lệ khung hình, flash… nằm ở một bên. Các nút chụp ảnh, đổi giữa camera trước/sau, chế độ chụp/quay/panorama và những bộ lọc màu khác nhau nằm ở phía còn lại. Tuy nhiên, những cài đặt ảnh trên ứng dụng camera gốc lại rất thiếu thốn. Bạn chỉ có thể chọn tỉ lệ khung hình và 2 chất lượng ảnh với ứng dụng camera gốc. Thậm chí, máy còn không có tùy chọn tỷ lệ khung hình rộng 16:9, mà chỉ có 4:3 và 1:1. Tốc độ load giữa hai bức ảnh cũng khá chậm, lên tới gần 2 giây do ứng dụng camera mất nhiều thời gian lưu ảnh. Đối với những người thích tự do sáng tạo bằng các chế độ chỉnh tay khác nhau khi chụp ảnh, Priv là một lựa chọn tồi. Mặc dù chạy trên nền hệ điều hành Android 5.1.1 nhưng Blackberry đã không tích hợp những tính năng đáng giá nhất của hàm ứng dụng Camera 2 API trên phiên bản này vào Priv. Thử dùng ứng dụng Manual Camera Compatibility để kiểm tra, Priv không có khả năng chỉnh tốc độ màn trập, khẩu độ, ISO, cân bằng trắng thủ công và cũng không hỗ trợ chụp file RAW.
Nhìn chung, Priv vẫn là một smartphone chụp ảnh tốt đối với đa số người dùng chỉ biết “bấm và chụp”, lưu ảnh nhật ký và nhanh chóng chia sẻ lên mạng xã hội. Nếu tìm kiếm các tính năng cao cấp hơn hoặc đòi hỏi một “máy ảnh bỏ túi”, tốt nhất bạn nên lựa chọn một mẫu smartphone cao cấp khác. Xét cho cùng, đối tượng mà Blackberry muốn hướng tới cũng không thuộc phân khúc phổ thông.
Phần cứng
So với các mẫu smartphone cao cấp hiện hành như Galaxy Note 5 hay Xperia Z5 Premium, cấu hình của Priv thấp hơn một chút và “ngang cơ” với một số flagship xuất hiện vào nửa đầu năm 2015 như LG G4. Máy được trang bị vi xử lý Snapdragon 808 (2 nhân ARM Cortex A57 1.8 GHz và 4 nhân Cortex A53 1,44 GHz), GPU tích hợp Android 418, bộ nhớ trong 32GB và RAM 3GB. Người dùng cũng có thể mở rộng bộ nhớ thông qua khe cắm thẻ Micro SD hỗ trợ tối đa lên tới 200GB.
Với cấu hình như trên, những tưởng tình trạng giật, lag sẽ hiếm xảy ra trên Priv. Tuy nhiên, do phần mềm chưa được BB tối ưu hóa kỹ lưỡng nên đôi lúc máy vẫn bị giật. Khi sử dụng Priv để chơi các game nặng như Real Racing 3 hay Dead Trigger, đôi lúc vẫn bị chậm khung hình ở các cảnh đồ họa nặng. Đo hiệu năng bằng các ứng dụng như Geekbench 3 và Antutu 5, Priv chỉ lần lượt đạt 2.972 và 45.710 điểm. Trong khi đó, chiếc LG G4 với cấu hình y hệt đạt lần lượt 3.590 và 48.726 điểm. Rất may là trong đa số các tác vụ sử dụng bình thường, Priv không bộc lộ nhược điểm về tốc độ. Dù sao thì Priv cũng là chiếc điện thoại đầu tiên chạy Android của Blackberry, và đương nhiên hãng sẽ không thể có kinh nghiệm tối ưu hóa hệ điều hành bằng các nhà sản xuất điện thoại Android lâu năm khác.
Phần mềm
Dù chuyển sang sử dụng Android 5.1.1 nhưng Blackberry cũng không quên tích hợp những ứng dụng bảo mật và hướng tới đối tượng người dùng doanh nghiệp. Đầu tiên, ứng dụng Blackberry Hub đã được chuyển từ BB 10 sang Android một cách đầy đủ, với khả năng gom tất cả các thông báo từ các dịch vụ email, mạng xã hội, tin nhắn, cuộc gọi nhỡ vào một chỗ. Thay vì vuốt từ viền trái màn hình sang để truy cập Hub, người dùng sẽ vuốt từ vị trí phím home ảo trên Priv và lựa chọn ứng dụng Hub từ 3 nút truy cập nhanh ở đây. Ngoài ra, máy còn được Blackberry cài đặt sẵn một ứng dụng bảo mật với tên gọi DTEK. Về cơ bản, ứng dụng này sẽ quét một loạt hệ thống và đưa ra những đề nghị nâng cao tính bảo mật của điện thoại. DTEK cũng có khả năng theo dõi các quyền truy cập phần cứng của từng ứng dụng để từ đó giúp phát hiện ra các app độc hại tự gửi tin nhắn hay ghi âm. Về cơ bản, giao diện của Blackberry Priv gần như thuần Android gốc và rất dễ nắm bắt. Một số thay đổi nhỏ như lịch làm việc, giao diện đa nhiệm, launcher… tạo cho người dùng cảm giác đặc biệt hơn khi sử dụng Priv so với những chiếc điện thoại Android khác.
Bảo mật - một trong những tính năng được Blackberry nhấn mạnh ở Priv trên thực tế cũng không có điểm gì quá nổi trội so với những điện thoại Android khác, ít nhất là những gì mà người dùng thấy được. Ngoài tính năng khóa màn hình bằng cách di chuyển một lưới số giống như những chiếc Blackberry chạy BB10, các tính năng bảo mật khác như mã hóa dữ liệu, đăng nhập bằng một tài khoản Google… đều đã từng xuất hiện trên nhiều dòng điện thoại Android cao cấp. Tuy nhiên, ở sâu bên trong nhân hệ điều hành, hãng đã thực hiện nhiều biện pháp bảo mật đặc biệt để chống sự xâm nhập của các hacker. Điều này thể hiện qua việc root (chiếm quyền điều khiển cao nhất superuser) Priv rất khó khăn, bằng chứng là máy đã ra mắt được vài tháng nhưng chưa có ai tìm ra cách root được nó. Thậm chí diễn đàn lập trình viên XDA-Developers đã quyên góp số tiền lên tới hơn 1.000USD để trao thưởng cho ai tìm ra được cách root Priv đầu tiên.
Thời lượng pin
Như đã phân tích, phần mềm đã không được Blackberry tối ưu hóa một cách hiệu quả. Một trong những hậu quả là máy bị nóng và hao pin bất thường. Dù được trang bị viên pin lớn tới 3.410mAh, nhưng với điều kiện sử dụng bình thường (3G tắt, Wifi và Bluetooth bật liên tục, lướt web ít, thường xuyên sử dụng mạng xã hội và check mail), tôi chưa bao giờ dùng máy được trọn 1 ngày trong quá trình thử nghiệm Priv. Ngay cả khi dùng máy như một thiết bị phụ để nghe nhạc thường xuyên và thỉnh thoảng lướt web hay sử dụng Facebook, Priv vẫn cần phải sạc vào cuối ngày. Thử nghiệm thời lượng pin bằng cách phát liên tục một bộ phim HD 720p thông qua ứng dụng MX Player với độ sáng màn hình 75% và âm lượng loa ngoài 50%, Priv cũng chỉ có thể chạy được hơn 6 giờ. Trung bình, thời gian màn hình sáng (on-screen) ở mỗi lần sạc đầy 100%, sau đó dùng còn 10% là khoảng 3,5 giờ. Một lần nữa, nếu như Blackberry tối ưu hóa các trình quản lý thiết bị hơn, chắc chắn Priv sẽ còn có thời lượng pin ấn tượng hơn khi máy vốn đã được trang bị màn hình Super AMOLED tiết kiệm năng lượng và viên pin dung lượng lớn.
Con chip Snapdragon 808 sử dụng trên Priv có hỗ trợ tính năng sạc nhanh Quick Charge 2.0, với khả năng sạc từ 0 lên 60% chỉ trong 30 phút. Đáng buồn là hãng không tặng kèm cục sạc nhanh theo máy. Ngoài ra, không hiểu vì lý do gì mà Priv khá kén sạc, thời gian nạp đầy pin sẽ rất lâu nếu sử dụng cục sạc thương hiệu khác với dòng tương đương.
Kết luận
Theo Blackberry, tên gọi Priv của chiếc điện thoại Android đầu tiên của họ là chữ viết tắt của 2 từ tiếng Anh: “PRIVledge” (đặc quyền) và “PRIVacy” (bảo mật). Tuy nhiên ở Priv, cả hai đặc điểm này chưa có gì quá nổi bật. So với những chiếc điện thoại Android khác, Priv không có nhiều tính năng quá nổi trội ngoài bàn phím. Thêm vào đó, trải nghiệm sử dụng lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng do phần mềm chưa tối ưu. Cuối cùng, cấu trúc và vật liệu chế tạo vỏ máy thiếu chắc chắn cùng mức giá quá cao, lên tới 18,5 triệu đồng tại Việt Nam, đã khiến Priv tiếp tục mất điểm nghiêm trọng trong mắt những khách hàng tiềm năng của phân khúc smartphone cao cấp.
Tuy nhiên, công bằng mà nói, ngoại trừ khiếm khuyết về chất liệu thân vỏ ra, những nhược điểm còn lại có thể được Blackberry khắc phục một cách dễ dàng nếu như hãng chuyên tâm với Android hơn. Xét tới tốc độ tung ra các bản cập nhật liên tục cho sản phẩm, có thể thấy rằng, dù chỉ là tay mơ trong làng Android nhưng Blackberry đang nỗ lực hết mình. Đối với những người thích cảm giác bấm phím cứng và thiết kế khác biệt, Priv là sự lựa chọn duy nhất hiện nay. Trong khi đó, nhược điểm về giá bán của Priv sẽ được khắc phục khi chính ông John Chen - Giám đốc Blackberry đã tuyên bố sẽ giảm giá bán trong thời gian tới. Quan trọng hơn, với Priv, Blackberry đã nhận ra việc chuyển sang sử dụng nền tảng hệ điều hành Android là một bước đi đúng đắn. Trong thời gian vừa qua, máy đã nhận được những phản hồi tích cực của người dùng và có doanh số “khả quan” theo lời của ông Chen.