Tin mới
Công nghệ quét võng mạc có hữu ích cho Galaxy Note 7?
Hệ thống quét võng mạc trên smartphone vẫn còn nhiều bất cập do những hạn chế vật lý và thao tác. Giới chuyên gia đã mô tả vài rắc rối có thể xảy ra với Galaxy Note 7 khi tích hợp bảo mật quét võng mạc.
Theo những tin đồn khá xác thực, Galaxy Note 7 sẽ được trang bị hệ thống bảo mật quét võng mạc. Thậm chí người ta còn chụp ảnh màn hình máy đang vận hành tính năng này hoặc tung hình ảnh cả dãy camera phía trước của Galaxy Note 7 phiên bản mẫu.
Galaxy Note 7 không phải là smartphone đầu tiên được trang bị tính năng quét võng mạc, trước đó đã có cặp Lumia 950/950XL của Microsoft sở hữu tính năng này. Cho đến nay, cơ chế bảo mật bằng cách quét võng mạc trên smartphone vẫn chưa được thị trường đánh giá cao, chủ yếu là do những hạn chế vật lý, bất tiện trong thao tác và điều kiện để hệ thống vận hành chính xác. Những hạn chế này làm cho các nhà phân tích thị trường e ngại rằng Galaxy Note 7 sẽ gặp bất lợi với hệ thống quét võng mạc.
Rất nhiều ví dụ được đưa ra về sự bất tiện của công nghệ quét võng mạc hiện nay, đầu tiên là điều kiện ánh sáng yếu hay khoảng cách từ mắt người đến điện thoại. Trong đa số trường hợp, thao tác mở khoá bằng mắt sẽ đòi hỏi nhiều hơn một lần quét. Thậm chí người dùng phải thử quét dưới các góc độ khác nhau cho đến khi camera nhận biết được đúng vị trí của mắt, trong khi vẫn cần môi trường ánh sáng phù hợp cho việc nhận dạng. Điều này có thể gây phiền nhiễu và chắc chắn bất tiện hơn các cách mở khoá khác, ví dụ như quét vân tay.
Bất tiện tiếp theo chính là hình thức mở khoá, với cảm biến vân tay người dùng có thể mở khoá trong vô thức, ví dụ lúc mò mẫm tìm điện thoại trong bóng tối hoặc khi rút từ túi ra. Trong khi đó, hệ thống quét võng mạc luôn đòi hỏi người dùng phải giơ máy lên đúng góc quét và khoảng cách rồi tập trung nhìn vào màn hình cho đến khi máy được mở, khá bất tiện và mất thời gian. Đó là chưa nói tới tình huống khi đăng ký hình ảnh võng mạc người dùng không được đeo kính áp tròng và các loại kính mắt, và khi mở khoá lại phải tháo kính ra.
Một sự bất tiện hiển nhiên nữa là về số lượng chìa khoá để truy cập vào điện thoại, hệ thống quét võng mạc chỉ có một cách mở khoá duy nhất, trong khi đó cảm biến vân tay có tới 10 lựa chọn. Giả định rằng người dùng gặp phải căn bệnh nào đó về mắt (đau mắt đỏ, dị vật lọt vào mắt...) thì nhiều khả năng hệ thống quét võng mạc bị vô hiệu, còn quét vân tay thì rất ít tình huống bị hỏng hết chìa khóa. Hơn nữa, các chìa khóa khác nhau trong hệ thống bảo mật vân tay còn cho phép mở riêng và nhanh từng ứng dụng hay tác vụ, rất tiện lợi. Và còn nhiều ví dụ khác về sự bất tiện của hệ thống quét võng mạc so với nhận dạng vân tay...
Tính năng quét mống mắt sẽ cần nhiều thời gian hơn để hoàn thiện. Những phân tích trên chỉ ra sự thiếu hợp lý của công nghệ quét võng mạc hiện nay, vì vậy, câu hỏi đặt ra là nó có thật sự hữu ích cho Galaxy Note 7? Theo các nhà phân tích từ thời báo Korea Herald, Samsung nên lường trước nhiều tình huống để tăng cường sự tiện lợi cho công nghệ này nếu họ muốn nó đáp ứng được những mong muốn có thiên hướng "kỳ vọng" của người dùng. Trong đó, phải tính đến những điểm bất tiện không thể khắc phục (thao tác nhận diện, số lượng chìa khóa...). Thị trường sẽ chỉ quan tâm đến tính năng mới nếu nó là thế mạnh của Galaxy Note 7 so với các đối thủ, nếu không thỏa mãn khách hàng, chúng sẽ chỉ là các yếu tố làm gia tăng chi phí sản xuất và giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Dù Samsung phát triển hệ thống quét võng mạc tốt đến đâu họ cũng không vượt qua được các điểm bất lợi khách quan và hiển nhiên của công nghệ này. Trong các điều kiện ứng dụng đặc thù, một hệ thống ra đời sau với phát minh công nghệ hiện đại và đắt giá hơn chưa chắc đã mang lại hiệu quả tối ưu như giải pháp truyền thống hợp lý. Samsung có nên tích hợp hệ thống bảo mật quét võng mạc cho flagship Note 7 của họ? Câu trả lời thuộc về các chuyên gia của hãng điện tử Hàn Quốc, nhưng có một điều chắc chắn là Apple sẽ rất vui mừng nếu Samsung làm điều đó...