Tin mới
Đánh giá Asus PA278CV - Màn hình ProArt QHD cho những ai cần màu sắc chính xác
Màn hình Asus ProArt PA278CV sinh ra để dành cho những người chỉnh sửa chuyên nghiệp hay đơn giản là muốn có trải nghiệm màu sắc chính xác nhất.
Những ngày giãn cách tại Hà Nội, mình muốn chia sẻ một chút về góc setup tại nhà của mình. Trong đó tâm đắc nhất là ASUS ProArt PA278CV mới sắm, một màn hình rất tốt cho việc chỉnh sửa ảnh hay video và kể cả chơi game cũng rất ổn. Nếu bạn có nhu cầu giống mình nên cân nhắc mẫu màn hình này.
Thông số kỹ thuật của Asus PA278CV
Kích thước màn hình: 27 inch
Độ phân giải: 2560 x 1440 QHD
Tỷ lệ khung hình: 16: 9
Tấm nền: IPS
Tần số quét: 75Hz
Thời gian đáp ứng: 5ms
Tỷ lệ tương phản: 1000: 1
Độ sáng: 350 cd / m²
Loa: Có (2 x 2 Watts)
Chân đế: Xoay - Có
Khả năng tương thích VESA: 100 x 100
Kết nối: DisplayPort 1.2 x 1, DP 1.2 Out x 1, HDMI 1.4 x 1, USB-C 3.1 65W x 1, USB 3.1 x 4, Jack 3.5mm x 1
Kích thước có chân đế (WxHxD): 731 x 456 x 54mm
Trọng lượng: 5,5kg
Thiết kế và tính năng
Asus PA278CV có ngoại hình không khác gì phiên bản trước là Asus PA278QV. Nhìn ở mặt trước, có thể nói đây là một màn hình gọn gàng, 3 viền xung quanh khá mỏng chỉ duy nhất viền dưới còn khá dày và vẫn có lô-gô của Asus, các nút bấm hơi vuông vức, hơi cứng và chi tiết thước đo ở viền dưới mình thấy tùy mỗi người có thấy cần thiết không, với mình thì không.
Chân đế đi kèm có dạng thẳng đứng, chỉ hoàn thiện bằng nhựa, thiết kế có phần đơn giản nhưng đây là kiểu chân đế tốt nhất bạn có thể tìm hiện nay khi nó có thể thay đổi gần như mọi góc độ, từ nghiêng, ngửa, nâng cao thấp cho đến xoay dọc đều có thể làm được. Mặc dù làm bằng nhựa nhưng dưới chân vẫn có kim loại để cố định khi đặt lên bàn. Nhưng mình đã bỏ chân đế và thay bằng arm sử dụng chuẩn VESA 100 tương thích hoàn toàn với màn hình này, cốt là để có cảm giác màn hình đang lơ lửng khi đặt trên bàn còn về công năng thì chân đế đi kèm của Asus PA278CV rất tốt.
Nâng cấp sáng giá nhất của Asus PA278CV đó là bổ sung thêm một cổng USB-C 65 watt để kết nối nhanh chóng với các mẫu laptop đời mới của chính nhà Asus cũng như cả Apple MacBook Pro M1. Mình chỉ cần dùng một sợi cáp C duy nhất để vừa xuất màn hình, vừa sạc cho máy và tận dụng 4 cổng USB 3.1 trên màn hình để cắm phụ kiện như chuột, bàn phím, như vậy máy tính của mình sẽ rất gọn gàng, khi ra ngoài chỉ cần rút một sợi cáp duy nhất là xong. Riêng điểm này mình đã thấy nó hoàn toàn xứng đáng với mức giá cao hơn khoảng gần 1 triệu đồng so với phiên bản cũ.
Ngoài ra còn có kết nối DisplayPort 1.2 (Daisy Chain) cho phép kết nối chuỗi tối đa lên tới 4 màn hình để cùng hiển thị, nếu có nhu cầu nâng cấp sau này thì hoàn toàn có thể tính tới phương án này.
Chất lượng hiển thị
Thuộc sản phẩm dòng ProArt vì vậy nó sẽ tập trung vào chất lượng hình ảnh hơn là những tính năng bổ sung cho người chơi game. Với độ phân giải 1440p trong màn hình 27 inch, độ sắc nét là không cần bàn cãi dù sẽ không thể như màn 4K. Và nếu bạn chơi game trên màn hình này với chuẩn 4K thì cũng đòi hỏi máy phải kèm hiệu năng rất mạnh để gánh được vì vậy 2K là mức đủ dùng.
Asus PA278CV hiển thị 100% sRGB và khoảng 80% Adobe RGB, độ lệch màu lên tới 0,97, màu sắc được được cân tại nhà máy với chứng nhận Calman đảm bảo sự chính xác gần như tuyệt đối. Mình đã thử chỉnh sửa ảnh sau đó dùng màn hình iPhone để xem lại thì thấy sự tương đồng rất cao. Nếu so sánh với màn hình MacBook thì thấy màn hình này ấm hơn một chút. Độ sáng của máy đạt 406 nit, nên bàn làm việc của mình cạnh cửa sổ cũng không phải vấn đề quá lớn.
Màn hình này có rất nhiều Preset độc quyền của ASUS như Tiêu chuẩn, sRGB, DCI-P3, Rec. 709, Cảnh vật, Đọc sách, Phòng tối, Dựng hình nhanh.
Thử chơi game trên Asus PA278CV, kết quả cũng không tồi vì dù sao nó cũng có tần số quét 75Hz đi kèm hỗ trợ FreeSync và G-Sync ngay cả khi nó không được Nvidia chứng nhận, độ trễ gần như là rất ít. Nếu chưa từng chơi game với tần số quét cao hơn bạn sẽ dễ chấp nhận trải nghiệm với màn hình này.
Đánh giá chung
Với tất cả những gì đã thể hiện, ASUS ProArt PA278CV rất đáng mua đặc biệt với những ai đang làm việc trong lĩnh vực thiết kế hoặc thích sự chuẩn xác về màu sắc.