Tin mới
Đánh giá cặp loa Sonus Faber Lilium - Choáng ngợp với màn trình diễn của 'đoá hoa' bạc tỷ
Cặp loa đầu bảng của hãng Sonus Faber là một trong những điểm nhấn ở 2 kỳ triển lãm AV Show tại Việt Nam trong năm qua. Vẻ đẹp và chất âm của cặp loa này rất tương xứng với cảm hứng thiết kế từ cây đàn lia huyền thoại...
Có thể nói, Lilium là một tác phẩm nghệ thuật về loa, nó hội tụ đầy đủ những tinh hoa của hãng Sonus Faber, được chế tạo với những thành tựu kỹ thuật mới nhất của công nghệ chế tác loa cao cấp. Có lẽ, khi gán cho dòng loa mới này tên của một loài hoa đẹp và thơm quyến rũ - Lilium, Sonus Faber muốn gửi đến giới audiophile một thông điệp về thẩm mỹ và tinh tế. Và đó cũng là một ngoại lệ, vì với những dòng loa trước, Sonus Faber thường lấy tên những nghệ nhân làm đàn hoặc các cụm từ liên quan đến nhạc cụ để đặt tên cho sản phẩm của mình.
Có thể coi cặp loa này là tác phẩm nghệ thuật vì chúng được thiết kế với ý tưởng đầy sáng tạo, mô phỏng theo một nhạc cụ cổ xưa, đó là cây đàn lia. Giống như những nhạc sĩ tài ba chuyển thể thơ vào nhạc phẩm của mình, họ chỉ lấy cảm hứng hoặc một vài câu tâm đắc để phóng tác thành ca khúc có sức hấp dẫn mãnh liệt hơn những vần thơ ban đầu. Với nhận thức này, nhìn đôi loa Lilium, nhiều người sẽ nhận thấy đó chính là dáng dấp của cây đàn lia cổ. Với cảm hứng từ cây đàn huyền thoại, các chuyên gia của Sonus Faber đã thiết kế cặp loa Lilium thành công đến mức dù nhìn từ trên, phía trước hay bên hông người ta vẫn liên tưởng đến loại nhạc cụ kỳ diệu này. Hình dáng cặp loa đẹp đến nỗi, những người không có ý niệm gì về cảm hứng thiết kế vẫn phải thán phục về độ tinh xảo của đường nét, sự kỳ vĩ của kích thước, vẻ sang trọng của chất liệu, uyển chuyển của hình dáng... Và sau đó, người ta sẽ rất khó cưỡng lại mong muốn nghe chúng trình diễn, để rồi choáng ngợp về chất âm mà Lilium tái hiện.
Hệ thống loa mid và treble. Kết cấu loa
Loa được thiết kế với 3,5 đường tiếng, một treble, một mid, ba loa bass và hai loa siêu trầm, trong đó có một loa thụ động. Bằng cách bố trí hệ thống như vậy, Sonus Faber đã để chho Lilium thừa hưởng ít nhiều từ dòng loa đàn anh là Aida, vốn cũng sở hữu hệ thống 3,5 đường tiếng. Tất cả các loa con đều nằm trong những khoang riêng biệt của thùng loa. Chuyên gia của hãng đã phối hợp với các nghệ nhân tính toán từng chi tiết trong kết cấu tổng thể, sao cho toàn thân loa, với sức nặng cả trăm cân, không có sự rung động nào khi hoạt động. Kỹ thuật có tên gọi là “Zero Vibration Transmission” này liên quan đến việc bố trí loa bass dưới đáy. Chính xác hơn là khoang chứa loa này vốn được cấu trúc tách biệt với những khoang khác và có hệ thống giảm chấn giúp triệt tiêu các rung động do âm bass gây ra. Mặt khác bên trong thùng loa cũng được gia cố bằng các thanh giằng nhằm làm tăng độ cứng chắc cho thùng loa, đồng thời giảm rung và triệt sóng đứng.
Cọc đấu loa tri-wire
Thùng loa được làm từ gỗ ép với ba lớp khá dày, được uốn cong từ mặt trước ra sau theo chiều nhỏ dần vừa theo sự uốn lượn của hình dáng đàn lia, vừa có tính âm học là triệt tiêu sóng đứng vốn gây hại cho quá trình tái tạo âm thanh.
Thùng loa được đánh bóng bằng tay qua nhiều công đoạn và phủ nhiều lớp sơn mài, kết quả là các bề mặt bóng loáng, cực kỳ sang trọng. Mặt trước và sau của loa được bọc da màu đen. Ê-căng làm bằng những sợi ny-lon co dãn, khiến mặt lưới trông giống như những sợi dây đàn. Rất nghệ thuật!
Loa treble sử dụng cho Lilium là loại “Arrow Point” có mã hàng H28 XTR-04, cùng loại với Aida. Lilium có khả năng tái tạo tần số cao tới 35kHz nhờ loại nam châm Neodymium thế hệ mới cho âm thanh tần số cao siêu tuyến tính. Cuộn dây tiếng quấn trên ống có đường kính 28mm. Tất cả được đặt trong khoang riêng làm bằng gỗ tự nhiên với kỹ thuật gia cố chống rung tuyệt đối.
Loa mid được dùng là loại M18XTR-04 có đường kính 180mm. Đây là củ loa thế hệ mới nhất được Sonus Faber dành cho dòng sản phẩm cao cấp. Dây dùng để quấn cuộn tiếng (voice coil) là CCAW (copper-clad aluminium wire). Đó là loại dây đồng pha nhôm, có đặc tính nhẹ hơn đồng nguyên chất, có độ bền và tản nhiệt tốt, rất phù hợp để quấn cuộn dây coil trong củ loa. Màng loa được tổng hợp từ nhiều thành phần như sợi dâm bụt Ấn Độ, bông gạo, bột giấy tẩm carbon (cellulose pulp, kapok, kenaf) và các loại sợi tự nhiên khác. Đây là loại màng loa vừa nhẹ vừa cứng, đáp ứng tốt các giải trung tần, đem lại chất âm tự nhiên nhất. Để hạn chế nhuộm sắc âm do màng loa rung động thừa, người ta phủ lên bề mặt của nó một lớp chất nhờn trong suốt có tính giảm rung. Loa mid cũng được đặt trong một khoang riêng, tách biệt khỏi mặt trước để tối ưu hóa về mặt âm học trong khi tái tạo âm thanh.
Chỉnh deep bass phía sau loa
Hệ thống loa bass là 3 củ loa loại W18XTR-16, có đường kính 180mm. Màng loa được làm từ bột giấy ép nhiều lớp vào nhau. Hệ thống này được định vị trong khoang riêng, phân cách hoàn toàn với cụm mid, đảm bảo không gây chấn động đến phần trung âm. Khoang chứa này được thiết kế với cấu trúc tạo âm bass phản hồi vô định, giúp cân bằng và hài hoà với trung âm.
Loa bass đáy có đường kính 260mm, đặt úp mặt xuống sàn, nằm trong một khoang riêng, tạo âm trầm thật sâu. Bên trên đỉnh thùng loa cũng có một củ bass khác được lắp thụ động, nhằm cộng hưởng âm tần số thấp trong các khoang loa, tạo một hiệu ứng âm trầm lan toả, sâu lắng và hài hoà với tổng thể các dải tần.
Bộ phân tần được thiết kế cắt ở tần số 250Hz và 2.500Hz. Phía sau loa còn có một nút điều chỉnh tăng giảm tần số thấp cho phù hợp với phòng nghe. Thành phần linh kiện trang bị cho Lilium là loại dùng cho audiophile và được tuyển chọn kỹ càng trước khi được cắm vào bo mạch. Ví dụ như tụ điện của Mundorf loại “Supreme” Silver/Gold/Oil, cuộn cảm của Jantzen, dây dẫn mạ bạc. Các điểm nối hàn bằng loại chì đặc biệt có độ bám dính cực cao để không gây long chân, bảo đảm các trị số và thông số bất biến theo thời gian.
Trình diễn
Với đôi loa tầm cỡ như Lilium, đồ phối ghép cũng phải thật cân xứng. Với những hạn chế có lý do khách quan, chúng tôi ghép bi-ampli cho đôi loa này. Cầu mid-treble dùng bộ power của Unison Research là Reference Power. Cầu dưới chúng tôi dùng bộ power của Anthem, có công suất 1.000W, class D. Sau khi cân chỉnh hoàn tất, chúng tôi bắt đầu nghe thử để đánh giá khả năng trình diễn của bộ loa này.
Trước tiên chúng tôi nghe các bài có tiết tấu mạnh, nhanh để đánh giá khả năng tái tạo tần số thấp và độ động của loa. Quả là không hề thất vọng với tiếng trầm mà đôi loa này trình diễn. Nó vừa sâu vừa lực và hơn thế nó còn cho cảm giác hài hoà với tổng thể của các dải tần. Đó là nhờ hệ thống khoang chứa loa được thiết kế theo kỹ thuật “Stealth Reflex” và phần bass bao gồm 3 loa con kết hợp một chiếc đánh úp sàn giúp cho âm thanh dày lên rõ nét.
Bài “Keith Don’t Go” được nghe rất nhiều lần ở nhiều bộ dàn khác nhau, nhưng khi nghe hệ thống phối ghép cùng Lilium, chúng tôi như bị choáng ngợp bởi thứ âm thanh đầy mê hoặc. Tiếng guitar, dù là nhạc cụ thể hiện trung âm khá mỏng, nhưng lại được tái tạo dày như có thêm nội lực, làm “rợn óc” người nghe.
Các giọng ca nam trầm như Don William hay David Roth như được thổi thêm hơi ấm vào giọng hát, giúp người nghe cảm nhận được từng làn hơi trào dâng, biểu lộ một chất âm sâu lắng đi vào lòng người, lay động những xúc cảm tinh tế.
Thật thiếu sót nếu không nghe bộ loa này thể hiện các bài giao hưởng hùng tráng. Lilium giúp thính giả hình dung được một sảnh đường trình diễn. Nó như thể bao phủ hết cả phòng nghe bằng làn sóng âm thanh nhiều tầng lớp! Một người mê giao hưởng và từng thưởng thức các buổi trình diễn trực tiếp hẳn sẽ biết thế nào là lớp âm (sound stage) và nhận ra hiệu ứng này trong cách thể hiện của Lilium.
Kết thúc buổi nghe thử là bản nhạc kinh điển “Nardis” do Patricia Paper thể hiện trong album Café Blue. Nhạc phẩm này phản ánh những giây phút “xuất hồn” của tay trống và dương cầm. Thưởng thức bài này với kiệt tác Lilium là một trải nghiệm thú vị với tiếng trống nhiều cung bậc hoà cùng tiếng piano réo rắt, tất cả đều được tái hiện với nội lực mới, đầy sức sống.
Cũng xin nói thêm là trong quá trình tìm hiểu thông tin về đôi loa Lilium, chúng tôi khám phá ra nhiều điều thú vị. Vì nó mô phỏng hình dáng của cây đàn lia, cũng chính là tên bằng tiếng La Tinh của chòm sao Thiên Cầm có hình dạng đàn lia. Mặt khác, cây đàn lại gắn với một câu chuyện thần thoại Hy Lạp có liên quan đến Orpheus, con trai của vua Oeagrus xứ Thrace và nữ thần Calliope, người có tài về thi ca và âm nhạc. Mỗi lần Orpheus cất tiếng đàn, tức thì gió ngừng thổi, cây cỏ đứng im và muông thú cũng ngưng bặt... tất cả đều im lặng dõi theo, như thể bị thôi miên bởi khúc nhạc thần thánh. Câu chuyện bắt đầu về một tình yêu tuyệt đẹp nhưng kết cuộc bi thương với cái chết của Orpheus cùng cây đàn lia gãy nát dưới dòng sông, nhưng tiếng đàn vẫn tiếp tục ngân vang lên từ dòng nước lạnh...
Lắp loa bass dưới đáy loa