Tin mới
Đánh giá Dell XPS 13 - tiệm cận sự hoàn hảo
Không chỉ có thiết kế đẹp mắt, chắc chắn, cao cấp, XPS 13 còn có hiệu năng ổn định và thời lượng pin khá ổn. Với XPS 13, cuối cùng Dell cũng đã tạo ra được một sản phẩm vượt trội các mẫu ultrabook khác.
Kiểu dáng xuất sắc nhưng còn có thể tốt hơn
Đã lâu lắm rồi, chúng tôi mới được cầm trên tay một chiếc laptop Windows vừa thẩm mỹ, vừa chắc chắn như XPS 13. Được thiết kế theo ngôn ngữ mà Dell từng áp dụng với những thế hệ Ultrabook trước đây của hãng, XPS 13 có mặt trên và dưới là những tấm kim loại mượt mà, mát lạnh. Lưng màn hình là một mặt kim loại phẳng với duy nhất logo Dell được dập chìm tạo ấn tượng sang trọng, mạnh mẽ. Mặt đáy của XPS 13 thì không “dễ hiểu” như vậy, đập vào mắt là 2 dải đế cao su nằm song song chạy suốt chiều ngang, vẫn là biết chúng có chức năng giữ máy khỏi bị trượt trên bàn, nhưng dài thượt và lồ lộ như vậy có lẽ không cần thiết, thậm chí còn dễ làm cho máy bị cập kênh khi đặt trên bề mặt không phẳng. Đáy máy còn có hàng khe tản nhiệt và ở giữa còn một nắp đậy mang logo XPS, thoạt nhìn nhiều người sẽ nghĩ rằng đây là nắp mở để tiếp cận và nâng cấp thanh RAM, tuy nhiên bên trong nắp này chỉ là một miếng tem ghi các thông số của máy. Nắp nhỏ này lại là một chi tiết gây khó hiểu, nó có cơ cấu đóng mở khá cao cấp, tuy nhiên không thấy đem lại lợi ích gì cho XPS 13. Những yếu tố đó chẳng phải là những nhược điểm đáng kể, nhưng đối với một bản thiết kế cao cấp thì lẽ ra mỗi mm trên sản phẩm đều phải được tính toán tỉ mỉ và có lô-gic tồn tại của nó.
Khi mở XPS 13 ra, ấn tượng tốt đến ngạc nhiên là màn hình chuẩn 16/9 với viền cực kỳ hẹp. Đội ngũ marketing của Dell đã quảng cáo rằng XPS 13 sở hữu màn hình “vô tận”. Kể ra họ cũng hơi phóng đại quá vì viền màn hình của máy vẫn dày tới 5,2mm, nhưng ít nhất thì XPS 13 cũng tiệm cận “giấc mơ không viền”. Và cấu trúc đó chỉ áp dụng với các mép trên, cạnh dưới của màn hình vẫn dày như một khoảng nâng cần thiết để thông tin hiển thị không bị “rơi” xuống sát bản lề. Vì cạnh đỉnh quá mỏng nên webcam HD đã được chuyển xuống góc dưới bên trái. Bản lề của XPS 13 cực kỳ chắc chắn, thậm chí hơi quá khi người dùng bắt buộc phải dùng cả 2 tay mới có thể mở được màn hình lên. Vỏ máy ở mặt trong được chế tạo bằng nhựa giả vân carbon tráng chất dẻo êm và mút, bề mặt này giúp chống bám vân tay và tiếp xúc khá dễ chịu. Tuy nhiên, chúng tôi e rằng lớp phủ mềm này có thể bị mòn hoặc tróc sau một vài năm sử dụng với cường độ cao. Người dùng cũng nên lưu ý về việc bề mặt này có vẻ thiếu tính trơ và kháng hóa chất (ví dụ xăng, cồn, aceton...). Nhân tiện, cũng cần nói thêm rằng các cạnh của XPS 13 được bo tròn nhẹ, khiến cổ tay không bị cấn khó chịu và hằn vết sau nhiều giờ gõ văn bản như với MacBook.
Là một mẫu ultrabook nhỏ gọn nhưng XPS 13 vẫn được tích hợp đầy đủ các cổng kết nối thông dụng hiện nay. Ở phía cạnh trái, chúng ta có một cổng Mini DisplayPort, jack headphone 3,5mm, cổng sạc và khe cắm USB 3.0. Cạnh phải có khe cắm thẻ SD, một cổng USB 3.0 nữa và trên cùng là lỗ khoá Kensington. Cổng kết nối duy nhất bị thiếu đó là HDMI, tuy nhiên mọi người sẽ không quá bận tâm đến kết nối này, vì hiện nay hầu hết laptop và Tivi đời mới đều có thể kết nối với nhau qua tín hiệu wifi và tính năng Screen Mirroring.
Sẽ có nhiều người chọn XPS 13 vì thiết kế ấn tượng của nó. Ban đầu, chúng tôi cũng đã bị “hút hồn” bởi kiểu dáng gợi cảm của ultrabook này, thậm chí càng dùng lâu người ta sẽ càng bị thuyết phục bởi sự gọn gàng và tiện lợi của nó. Dù có màn hình lên tới 13 inch nhưng nhờ có viền mỏng, kích thước của máy chỉ tương đương với các ultrabook 11 inch khác. XPS 13 chiếm ít chỗ trong ba-lô hơn một chiếc MacBook Air 13 inch, và nó đã chứng minh bằng thực tế rằng một laptop siêu di động mà chỉ mỏng và nhẹ thôi là chưa đủ. Với trọng lượng chỉ 1,18 kg và hình dáng nhỏ gọn - cứng cáp, XPS 13 không gây sự chú ý đáng kể nào lúc nằm trong ba-lô cùng máy ảnh và các công cụ khác khi đi tác nghiệp. Chính vì vậy, những người thường xuyên di chuyển sẽ thích XPS 13.
Về cơ bản, Dell đã thiết kế XPS 13 một cách khá hoàn hảo, chắc chắn và đẹp mắt. Tuy nhiên, giá như thân máy được làm hoàn toàn bằng kim loại thay vì nhựa thì XPS 13 sẽ còn hấp dẫn hơn nữa. Ngoài ra, XPS 13 vẫn chưa có được sự cầu kỳ tới từng tiểu tiết – một trong những phẩm chất đã đưa tên tuổi Apple tới vị trí hiện tại. Chúng tôi biết rằng Dell chắc chắn có thể thực hiện được điều này, vì họ đã thiết kế dòng laptop Adamo cực kỳ xuất sắc cách đây vài năm. Tuy nhiên, có lẽ hãng đang “để dành” sự hoàn thiện đó cho thế hệ sau, hoặc một mẫu ultrabook cao cấp hơn. Dù sao đi nữa, chúng tôi cũng cảm thấy rất thoả mãn với thiết kế của chiếc XPS 13 này. Bàn phím tốt, trackpad mờ nhạt Tuy nằm trên một thân máy nhỏ gọn, nhưng bàn phím của XPS 13 lại cung cấp cảm giác như một bàn phím full size. Mặc dù đã có một số nút bấm bị thu nhỏ lại (ví dụ Backspace), nhưng các phím của XPS 13 được đặt giãn cách tốt và đủ lớn để có thể nhập dữ liệu nhanh và chính xác. Ngay cả cụm nút di chuyển – thứ đầu tiên thường bị thu nhỏ trên những ultrabook, cũng dễ dàng tìm thấy chỉ bằng cách lướt các ngón tay trên bàn phím. Bộ phím bấm của XPS 13 có độ nảy đáng ngạc nhiên so với các ultrabook khác, gõ rất “sướng tay”. Chỉ có điều, khi gõ nhanh thì một vài ký tự bị từ chối, trên thực tế thì đây là vấn đề chung của các ultrabook, và tỷ lệ lỗi trên Dell XPS 13 ở mức khá thấp nhờ vào các phím bấm có độ nảy cao.
XPS 13 được trang bị trackpad theo tiêu chuẩn chung Precision được Microsoft đặt ra. Tuy nhiên, trackpad của máy không đem lại được cảm giác vận hành “trơn tru” như bàn phím. Do được tráng một lớp chất dẻo tương tự bệ tỳ tay nên độ ma sát giữa các ngón tay và bề mặt trackpad hơi lớn, khiến các thao tác chạm - vuốt thiếu độ thoát. Các thao tác như kéo - thả hay vuốt từ bên cạnh phải và trái đều không cung cấp được hiệu ứng rõ nét, phải thử nhiều lần mới được. Trong khi đó, thao tác zoom in/out bằng 2 ngón tay không mượt mà như một số máy tính Windows khác. Thậm chí nhiều lúc duyệt web, máy nhận lệnh sai và zoom trang web lên, trong khi chúng tôi chỉ muốn sử dụng 2 ngón tay để cuộn xuống dưới. Có lẽ trackpad trên XPS 13 chỉ hoạt động hiệu quả nhất khi rê chuột và chạm 2 ngón để mở menu của chuột phải.
Màn hình khá, loa xuất sắc
Phiên bản XPS 13 được chúng tôi trải nghiệm thuộc cấp thấp nhất, chỉ được trang bị màn hình 13 inch 1.920 x 1.080 pixel theo tỉ lệ 16:9. Để sở hữu màn hình 3.200 x 1.800 pixel tích hợp cảm ứng, khách hàng sẽ phải chọn những phiên bản cao cấp hơn. Màn hình full HD của XPS 13 có góc nhìn rất tốt từ mọi hướng và chống chói hiệu quả. Ngay cả khi đưa máy ra ngoài trời nắng người ta vẫn nhìn thấy khá rõ ràng thông tin trên màn hình. Chất lượng hình ảnh hiển thị cũng rất “nịnh mắt” với màu sắc tươi sáng và độ tương phản cân bằng.
Phải tập trung tìm kiếm người ta mới nhận ra vị trí loa ngoài của máy. 2 khe loa stereo được Dell bố trí ở phần dưới hai cạnh bên của máy. Trông thì bé nhỏ, nhưng chất lượng âm thanh của cặp loa này khá ổn, thậm chí tốt nhất trong các ultrabook đồng hạng. Âm lượng loa khá to, đến nỗi chúng tôi không cần phải vặn quá mức 30/100 khi ngồi trong văn phòng. Thử nghiệm với track nhạc sôi động Techno của Yellow Claw, loa ngoài của XPS 13 tuy không thể hiện được độ nặng của tiếng bass, nhưng các âm thanh điện tử cùng những hiệu ứng audio đặc trưng đã được tái tạo sống động. Tiếp theo, với bản ballad Euterpe của nhóm EGOIST (Nhật Bản), loa ngoài của XPS 13 đã thể hiện giọng hát nhẹ nhàng của ca sĩ chính Chelly cùng tiếng piano và violon nền phía sau một cách trong trẻo. Nói tóm lại, cặp loa này đã được Dell tinh chỉnh để có thể phù hợp với nhiều dòng nhạc khác nhau, và chúng tôi đánh giá cao điều này.
Hiệu năng trung bình khá
XPS 13 là một trong những mẫu laptop đầu tiên của Dell sử dụng nền tảng vi xử lý (VXL) Core thế hệ 5 của Intel, với tên mã Broadwell. Về cơ bản, cấu trúc chính của Broadwell giống với Haswell trước đây, tuy nhiên Intel đã chuyển quy trình sản xuất từ 22mm xuống còn 14mm. Theo hãng, sự chênh lệch hiệu năng giữa Haswell và Broadwell chỉ là 4%, cùng với thời lượng pin nhiều hơn 1,5 tiếng, đương nhiên là đo ở điều kiện tiêu chuẩn.
Ở cấu hình cơ bản mà chúng tôi thử nghiệm, XPS 13 được trang bị chip Core i5 5200U với xung nhịp 2.2GHz, VGA tích hợp Intel HD 5500, RAM 4GB và SSD 128 GB. Với cấu hình này, XPS 13 có thể thực hiện những tác vụ thông thường của phóng viên như gõ văn bản, duyệt web trên nhiều tab trình duyệt và xử lý ảnh trên Photoshop CS6 một cách dễ dàng. Đặc biệt, ổ SSD của máy có tốc độ đọc/ghi rất nhanh. Thử nghiệm bằng phần mềm benchmark Atto, kết qủa cho thấy SSD của XPS 13 có tốc độ đọc lên tới 511MB/s và ghi 453MB/s. Tốc độ ghi này thực sự ấn tượng, khi đa số các laptop khác sử dụng SSD chỉ đạt khoảng tầm 200MB/s. Chính vì vậy, khi xử lý nhiều ảnh với các lớp hiệu ứng khác nhau trên Photoshop, XPS 13 thực thi các lệnh rất nhanh chóng.
Mặc dù 2/3 diện tích con chip i5 5200U dành cho đồ hoạ và Intel quảng cáo rằng Broadwell thể hiện tốt hơn 22% tại các phần mềm benchmark 3D so với thế hệ trước, nhưng chúng tôi không tin lắm vào những con số này. Không đặt nhiều hi vọng vào khả năng đồ hoạ của XPS 13, chúng tôi đã thử cài game Shift 2 Unleashed từ năm 2011 vào máy để thử nghiệm. Về cơ bản, ở tất cả các mức cài đặt trung bình, máy cũng chỉ đạt được số khung hình khoảng 24 – 30 fps, với độ trung thực và chi tiết “tạm chấp nhận được”. Nói chung, XPS 13 đáp ứng tốt cho các tác vụ cơ bản và chơi game “nhẹ nhàng”. Ai muốn mua máy để chạy ứng dụng đồ hoạ nặng và game, tốt nhất nên tìm kiếm sự lựa chọn khác.
Thời lượng pin khá ấn tượng
Theo Dell, nếu chỉ chạy các phần mềm và ứng dụng phổ thông, phiên bản XPS 13 với màn hình Full HD có thể đạt được thời lượng pin tối đa 15 tiếng. Và quả đúng như vậy, thời lượng pin của chiếc ultrabook này bảo đảm rằng người dùng có thể cất sạc ở nhà trong một ngày làm việc. Thử sử dụng máy để xem những bộ phim Full HD 60 fps với độ sáng màn hình 70%, phải tới khoảng 8 tiếng rưỡi thì XPS 13 mới hoàn toàn cạn kiệt pin. Cũng với độ sáng màn hình 70% nhưng bật loa ngoài volume 50/100 và chơi Shift 2 Unleashed, XPS 13 trụ được 3 tiếng rưỡi. Với các tác vụ sử dụng bình thường như lướt web, soạn văn bản và chỉnh sửa ảnh nhẹ nhàng, chúng tôi đã không phải sạc XPS 13 cho tới ngày hôm sau. Với một laptop “siêu di động” nhu XPS 13, thời lượng pin như vậy quả thực rất đáng khâm phục. Nếu như thời lượng pin của XPS 13 chưa đủ làm bạn hài lòng, Dell còn bán thêm một cục pin rời dung lượng 12.000mAh, khiến cho thời lượng sử dụng của XPS 13 đạt tới 22 tiếng. Với chúng tôi, phụ kiện này không cần thiết vì thời lượng pin bình thường của XPS 13 đã khá ấn tượng.
Ultrabook đáng mua nhất trong phân khúc
Ra mắt lần đầu tại CES 2015, XPS 13 đã được các chuyên gia đánh giá là một trong những thiết bị tốt nhất triển lãm. Và nó có đầy đủ lý do để được vinh danh: thiết kế chắc chắn, siêu nhỏ gọn và đẹp mắt, hiệu năng sử dụng nhanh, ổn định và đặc biệt là thời lượng pin dài. Đối với những người hay di chuyển và muốn sử dụng nền tảng Windows, XPS 13 là một lựa chọn tuyệt vời. Dù vẫn còn một vài nhược điểm nhỏ như touchpad làm việc không hiệu quả, thiết kế mặt đáy “khó hiểu” nhưng nhìn chung XPS 13 vẫn là một trong những mẫu ultrabook tốt nhất trên thị trường hiện nay.