Tin mới
Đánh giá Huawei FreeBuds 3: thiết kế đẹp, nghe hay hơn cả AirPods
Nếu đã chán nhìn người người, nhà nhà dùng AirPods và muốn tìm một thứ mới lạ hơn, FreeBuds 3 sẽ là một lựa chọn rất đáng cân nhắc trong thời điểm này với giá khoảng 4 triệu đồng.
Có một thực tế đang diễn ra, AirPods gần như xuất hiện ở khắp mọi nơi, điều này không chỉ là suy đoán mà còn dựa vào doanh số tai nghe không dây của Apple có thể lên đến 60 triệu chiếc, gấp đôi trong năm 2019 nhờ sự thành công của Airpods Pro. Không nói đến chuyện có cả đống loại tai nghe fake AirPods trên thị trường nhưng sẽ có một số người muốn tìm một hướng đi mới, thích sự khác biệt. Nhưng FreeBuds 3 không chỉ dừng lại ở ‘người thay thế’ mà chiếc tai nghe này thực sự thể hiện rất tốt về mọi mặt.
Thiết kế
Case đựng của FreeBuds 3 làm dạng tròn, bóng cùng với trọng lượng khá đầm tay, phải nói đây là một trong những tai nghe True wireless (TWS) cầm thích tay nhất trên thị trường. Chính bởi vì hình dạng tròn nên bạn có thể cầm ở mọi phương diện đều không bị cấn bất cứ chỗ nào, tha hồ mân mê giống một vật để bạn có thể nghịch cho đỡ buồn tay, chẳng thua kém gì spinner. Nhưng chất liệu bóng cũng dễ bám bẩn và xước nên cũng cần giữ gìn hơn.
Mở nắp hộp ra bạn sẽ thấy được sự hoàn thiện chỉn chu đến từ Huawei, các khớp nối ở nắp hộp hay bản lề gần như đạt độ hoàn thiện cao nhất có thể, khó đòi hỏi gì hơn. Bản lề của FreeBuds 3 rất cứng cáp, lực bật ra rất mạnh. Nếu bạn mở nắp, sau đó đặt hộp sạc nằm xuống thì đối với AirPods, ngay lập tức, nắp hộp sẽ đóng lại, còn ở trên FreeBuds 3 sẽ giữ nguyên trạng thái mở. Điều này còn tùy thuộc vào bạn, nếu bạn thích sự mượt mà thì AirPods phù hợp hơn còn thích khi mở ra phải nghe thấy tiếng “tách” thì FreeBuds 3 mới mang lại cho bạn yêu cầu đó.
Bên hông phải sẽ là nút bấm, giữ khoảng 2 giây cho đến khi đèn tín hiệu chuyển sang màu trắng nhấp nháy rồi tháo tai ra khỏi hộp là bạn đã có thể kết nối. Nếu lần đầu cầm vào chắc chắn bạn sẽ không thấy nút bấm này ở đâu vì Huawei làm nó quyện luôn vào hộp đựng.
Phần housing của Huawei FreeBuds 3 gần như y hệt AirPods về cả hình dạng và cái cách nó nằm trong vành tai. Nhưng đuôi của AirPods được nối với housing còn đuôi của FreeBuds 3 thì ‘bám’ vào housing nên nó sẽ có phần nhô lên tuy nhiên trải nghiệm đeo thì không ảnh hưởng.
Cảm giác đeo
Tai nghe thiết kế dạng earbud vẫn luôn là một lựa chọn tốt để đeo thoải mái cho nhiều người, housing giống AirPods đã được khẳng định nên không có gì làm lạ khi đeo FreeBuds 3 cực kỳ thoải mái, mặc dù nặng 4,5g mỗi bên, nặng hơn AirPods một chút nhưng vẫn nhẹ hơn Galaxy Buds khoảng 1g. Gần như không cảm nhận được sự tồn tại của nó khi đeo thời gian dài.
Phần đuôi của FreeBuds 3 vẫn khá dài mặc dù không tạo khó chịu khi đeo nhưng ít nhiều sẽ gây vướng, đặc biệt khi đeo khẩu trang, người dùng nên lưu ý điều này.
Kết nối và tính năng
Huawei FreeBuds 3 tích hợp chip Kirin A1, Bluetooth 5.1 SoC BT/BLE kép đầu tiên trên thế giới điều đó thể hiện được khả năng kết nối rất ổn định, chưa có lần nào bị vấp hay đứt kết nối giữa chừng thường thấy trên một số mẫu tai nghe TWS tầm giá 2 triệu trở xuống. Điều này đúng với cả máy Huawei và iPhone, không có sự ‘ưu ái’ nào ở đây cả.
Nhưng với những chiếc máy Huawei, cũng sẽ một pop-up hiện lên khi để gần 2 thiết bị này với nhau tương tự nhà Apple. Ngoài ra còn có một ứng dụng riêng Huawei AI Life để điều chỉnh một số thao tác và chỉnh lại mức độ chống ồn lên đến 15dB.
Một thứ được nhắc khá nhiều và cũng là điểm ăn tiền hơn của FreeBuds 3 so với AirPods đó là chức năng khử tiếng ồn, lưu ý là không phải chống ồn chủ động xịn xò như AirPods Pro hay Sony WF-1000XM3. Chức năng này sẽ chhỉ làm giảm tiếng ồn đi một chút, không thể loại bỏ khoảng 90% tiếng ồn mà chỉ đạt mức khoảng 40%.
Vẫn phải dành lời khen cho Huawei khi trang bị cho FreeBuds 3 chức năng này, nó sẽ giúp bạn tập trung tốt hơn khi nghe nhạc, khắc phục phần nào hạn chế của tai nghe earbud.
Cảm biến trên tai có thể kích hoạt noise canceling trực tiếp ở tai trái và skip nhạc/nhận cuộc ở tai phải khi chạm 2 lần. Cảm biến điều hướng trên tai chỉ có thể kích hoạt khử tiếng ồn ở tai trái và skip nhạc/nhận cuộc ở tai phải khi chạm 2 lần liên tiếp mỗi bên ở chế độ mặc định. Không có thao tác 1 chạm, 3 chạm, chỉ có thể chạm 2 lần. Điều này thực sự bất tiện, thiếu đi rất nhiều sự điều hướng của một mẫu tai nghe TWS được đề cao sự tiện dụng.
FreeBuds 3 có thêm tính năng sạc không dây, một thứ rất hữu ích mà các hãng bắt đầu chú ý tới, nếu đi kèm với Mate 30 Pro có sạc ngược không dây thì còn gì bằng.
Chất âm
Chất âm luôn là một thứ bị đáng giá tệ trên Apple AirPods và trên Free Buds 3 thật may nó đã cải thiện. Âm thanh được xử lý tốt ở dải mid và treb trong đó mid là dải được làm tốt nhất, nhiều chi tiết, độ cân bằng tốt, ấm áp, mượt mà. Dải treb cũng được xử lý tốt, không quá tốt về chi tiết nhưng tròn tiếng, thể hiện khá tốt vocal của Trịnh Thu Hà trong ca khúc ‘Gửi người em gái’, đặc biệt khi nghe độc tấu guitar sẽ thấy không hề tệ chút nào.
Dải bass là kém nhất trong 3 dải, không dày, không mạnh nhưng đáng khen là tách bạch và tròn, không làm người nghe bị mệt, đóng vai trò như chất âm tô điểm nhiều hơn. Nếu bạn nghe ca khúc Adios của Everglow bạn sẽ thấy tiếng trống cuối bài được thể hiện tương đối tốt, sởn da gà.
Đánh giá chung
Từ góc độ âm thanh, FreeBuds 3 đang thiếu một thứ âm thanh có thể làm cho chúng ta phải ồ lên nhưng ở một mẫu tai nghe earbud TWS tầm giá 4 triệu đồng, đó là thứ âm thanh tốt nhất bạn có thể tìm kiếm, nó vượt lên trên AirPods.
Chức năng khử tiếng ồn, kết nối ổn định, hoàn thiện tốt, cảm giác đeo thoải mái là điểm ăn tiền của mẫu tai nghe này.
Điểm yếu của tai nghe này đó là vỏ ngoải dễ xước, bám bẩn, chức năng điều khiển chưa phong phú, nếu dùng máy Android bạn có thể khắc phục bằng cách cài ứng dụng còn nếu dùng iOS bạn sẽ hơi khó để bắt đầu.