Tin mới
Đánh giá Oppo A37: smartphone cấp thấp lạc giá tầm trung
Sau các nâng cấp về camera và ngoại hình, Oppo A37 được đặt vào tầm giá mà người dùng có thể chọn nhiều smartphone cấu hình mạnh hơn.
Ở thị trường điện thoại di động Việt Nam, phân khúc tầm trung thấp là nơi Oppo có ảnh hưởng mạnh mẽ trong vòng 2 năm trở lại đây, hàng năm họ đều đặn tung ra model chủ lực Oppo Neo để duy trì thị phần này. Năm 2016, Oppo A37 là cái tên tiếp theo được nhắc đến, sản phẩm này kế nhiệm Oppo Neo 7 và có tên gọi đồng bộ với toàn khu vực hơn. Không chỉ đổi tên, những trang bị trên A37 cũng khác biệt so với trước đó. Ngoại hình đơn giản nhưng bền đẹp hơn, camera chụp ảnh tốt là những điểm nhấn giúp Oppo A37 tìm kiếm cảm tình của khách hàng. Tuy nhiên, trong tầm giá mà nó được Oppo đặt vào đang có khá nhiều đối thủ sở hữu cấu hình mạnh hơn, đây sẽ là thử thách không nhỏ với A37 trong thời gian tới. Thiết kế
Không có bộ vỏ bóng loáng như những phiên bản Neo trước đó, Oppo A37 làm bằng nhựa sơn giả kim loại tạo ấn tượng bình dân hơn. Kiểu dáng của máy bo tròn thân thiện với những đường cắt ở khung viền và mặt lưng để tăng độ ma sát khi cầm, khá hợp lý bởi Oppo A37 rất nhỏ và nhẹ, dễ gây hụt tay.
Viên pin của Oppo A37 được gắn liền chứ không tháo rời như các đời máy trước, bù lại máy có thân hình chắc chắn và đồng nhất hơn. Mặt sau đơn giản với nước sơn ánh kim, lô-gô Oppo và camera lồi nhẹ. Phía trước, các phím điều hướng được đặt bên ngoài màn hình tạo không gian thao tác và mỹ quan tốt hơn. Hiển thị
Oppo A37 sở hữu màn hình kích thước 5 inch chuẩn HD, khá thấp bé nhẹ cân khi ở tầm giá rẻ hơn nó 500 nghìn đồng đang có hàng loạt đối thủ gắn màn hình 5,5 inch full-HD sắc nét. Màn hình của A37 có màu sắc dịu nhẹ, góc nhìn tốt và hiển thị các chi tiết rõ ràng nhờ được tối ưu giao diện. Việc thao tác và sử dụng cũng rất thoải mái với mặt kính 2,5D. Màn hình Oppo A37 ít bám dấu tay, hoặc chí ít là tấm nền trắng phía trước cũng che giấu tối đa những vết bẩn mờ. Oppo cũng dán sẵn màn hình vừa vặn cho A37, tránh trầy xước. Hiệu năng, âm thanh và giao diện
Chip xử lý 4 nhân Snapdragon 410 và 2GB RAM là các thông số khá yếu hiện nay, vì vậy A37 có hiệu năng thấp hơn so với các smartphone cùng tầm giá. Rõ ràng Oppo đã rất tự tin khi cho rằng đối thủ chính của họ là Samsung và bỏ qua các hãng khác. Thực tế là A37 mạnh tương đương các model Galaxy J5 hoặc J7 của năm trước, nhưng cả A37 lẫn các model Galaxy J 2015 đều không thể cạnh tranh được với hàng loạt đối thủ mới có giá thấp hơn mà vẫn sở hữu cấu hình chip 8 lõi, RAM 3GB, màn hình 5,5 inch full-HD.
Thực tế sử dụng cho thấy Oppo A37 có thể chạy mượt mà ứng dụng hệ thống, chơi được hầu hết game của nền tảng Android nhưng tốc độ thì không được như mong đợi. Tuy chỉ có 2GB RAM, hiện tượng thoát ứng dụng đột ngột gần như không xảy ra, và trong điều kiện sử dụng bình thường người dùng vẫn có thể hài lòng với cảm giác nhẹ nhàng khi thao tác chạm lướt.
Công nghệ Dirac HD Sound mà Oppo quảng cáo trên A37 không mấy nổi bật, nó làm cho âm thanh đi ra từ tai nghe lớn hơn, nhưng người dùng vẫn cần mua một chiếc tai nghe "xịn" mới trải nghiệm được âm thanh tốt nhất.
Oppo A37 được cài sẵn Android 5.1 giao diện Color OS 3.0, nhìn sơ qua có thể thấy một số điểm khá giống với iOS, nhất là bên trong khu vực cài đặt được Oppo sửa lại toàn bộ. Color OS 3.0 cho thấy sự ổn định trong quá trình sử dụng, chạy mượt mà và tiết kiệm pin cả khi chờ hay lúc vận hành.
Chất lượng camera
Oppo A37 đã gây đôi chút bất ngờ với chất lượng hệ thống camera trước/sau của nó. Đây là một trong số ít điện thoại có khả năng ghi hình với định dạng raw để giữ được nhiều chi tiết hơn cho những ai thích làm ảnh hậu kỳ. Về thông số, camera chính của Oppo A37 dùng cảm biến Omnivision độ phân giải 8MP khẩu độ f/2.2, camera trước 5MP khẩu độ f/2.4 tích hợp trình làm đẹp Beautify 4.0. Chưa nói đến chất lượng ảnh, nếu chỉ bàn về linh kiện camera, A37 thực sự rất yếu so với các smartphone cùng tầm giá.
Thử nghiệm với camera chính trong bối cảnh đủ sáng, Oppo A37 lấy nét nhanh, màu sắc chân thực và tái hiện được chi tiết trên toàn khung hình. Khả năng đo sáng chưa thật sự xuất sắc, những tấm ảnh chênh sáng mạnh sẽ bị cháy, mất cân bằng về tương phản. Với chế độ HDR, thuật toán xử lý khá tốt, ảnh rực rỡ và nét hơn. Khi chụp thiếu sáng A37 gặp khó khăn bởi camera cố gắng khử nhiễu, tình hình càng xấu hơn cho A37 bởi khẩu độ ống kính của nó không lớn và thiếu hệ thống chống rung. Tuy nhiên, máy có khả năng cân bằng trắng khá ổn trong điều kiện thiếu sáng hoặc trong nhà. Nhìn chung, so với hệ thống máy ảnh của các smartphone tầm giá dưới 4 triệu đồng thì camera trên A37 bị tụt hậu khá xa. Camera trước của Oppo A37 tích hợp trình làm đẹp Beautify 4.0 sẵn trong phần mềm chụp ảnh, nó cung cấp những bức ảnh selfie tốt hơn nhiều so với các ứng dụng bên thứ 3. Xét về khả năng chụp ảnh selfie thì A37 khá vững vàng dù chỉ có độ phân giải chỉ 5MP.
Camera trước 5MP của Oppo A37 lấy chi tiết và màu sắc tốt.
Thời lượng pin
Sử dụng bình thường với 1 sim và kết nối wifi liên tục, viên pin của Oppo A37 trụ được khoảng 11 tiếng (từ mức 100% về 15%). Cụ thể, các tác vụ chính là nhắn tin và check facebook, zalo, lướt web và check email, 3-4 cuộc gọi và vài tin nhắn. Dung lượng pin 2.400mAh của Oppo A37 là rất thấp so với các smartphone đồng giá, tệ hơn, nó lại là dạng pin liền nên người dùng không thể tự thay nhanh được. Kết luận
Oppo A37 là một smartphone có ngoại hình mới mẻ, khá đẹp, có nâng cấp đáng kể với camera và giao diện. Các ưu điểm này giúp nó ghi điểm đối với đối tượng khách hàng trẻ, đặc biệt là nhóm nữ giới không mấy quan tâm đến hiệu năng và cấu hình. Với chiến lược sản phẩm riêng, Oppo khá tự tin khi đưa ra mức giá gần 4,5 triệu cho model A37, với họ nhóm đối thủ lớn nhất là Samsung J series. Tuy nhiên, với tầm giá dưới 4 triệu đồng, trên thị trường còn rất nhiều đại diện khác có cấu hình từ mạnh đến rất mạnh mà chắc chắn khi so về hiệu năng hay các thông số đều ấn tượng hơn A37. Đây sẽ là thử thách không nhỏ mà Oppo A37 sẽ phải đương đầu ở phân khúc "tầm trung thấp" hiện nay.
Ưu điểm
- Thiết kế đẹp, chắc chắn.
- Camera khá.
- Hệ điều hành mới, thân thiện.
Nhược điểm
- Hiệu năng trung bình
- Giá cao