Tin mới
Đánh giá tai nghe không dây Samsung Gear IconX 2018: nhiều tính năng, âm thanh hợp lí
Gear IconX (phiên bản 2018) là tai nghe không dây mới nhất và đầy đủ tính năng nhất của Samsung. Liệu rằng nó có đáng với giá tiền lên tới 5 triệu đồng?
Vẫn như thường lệ là loạt ảnh mở hộp. Các sản phẩm Samsung đều có hộp đựng rất đơn giản, chỉ có ảnh và tên sản phẩm.
Cạnh bên có các tính năng nổi bật, như nghe nhạc độc lập, hướng dẫn tập thể dục, ra lệnh giọng nói (bằng trợ lí ảo của máy) và thiết kế đeo chắc chắn.
Hộp sạc và tai nghe được đặt riêng bên trong, với các phụ kiện được đặt ở lớp dưới. Kiểu sắp xếp này giúp cho vỏ hộp nhỏ nhắn, không cồng kềnh.
Hộp sạc của Gear IconX tuy nhỏ nhưng khá nặng, nên cũng tạo cảm giác 'đặc' và cao cấp. Trong điều kiện sử dụng thông thường và âm lượng vừa phải, Gear IconX có thể chơi nhạc trong 5 tiếng, và tăng lên 10 tiếng với hộp sạc. Thời lượng này là không nhiều, nhất là khi so với Apple AirPods nhưng vẫn không quá tệ, người dùng chỉ cần nhớ sạc mỗi tuần một lần thì sẽ không gặp tình trạng hết pin giữa chừng.
Phần đeo tai có thiết kế cũng đơn giản không khác gì hộp sạc, tuy rất nhỏ bé nhưng chứa bên trong nhiều công nghệ. Đầu tiên, ta có phần mặt ngoài cảm ứng, giúp ta có thể chỉnh âm lượng, chuyển bài hát, nhận cuộc gọi cũng như gọi trợ lí ảo để điều khiển hay nói chuyện.
Kéo lớp nhung là có bộ phụ kiện rất dồi dào bao gồm dây sạc USB Type-C, 2 cổng cắm OTG (để sạc tai và chuyển bài hát vào Gear IconX từ smartphone), hướng dẫn sử dụng.
Kèm theo đó là 2 bộ cánh vành tai, 2 đôi mút, bộ làm vệ sinh và các miếng filter để thay thé khi các miếng được đặt trước hỏng hoặc rơi mất.
Tính năng thứ 2, mà cũng là một tính năng khá 'cổ', giống với những cặp tai nghe Walkman đời trước mới có đó là tai nghe chính là một thiết bị phát nhạc, vì được tích hợp sẵn 4GB bộ nhớ trong. Nếu dùng nhạc MP3, có thể lưu khoảng 1000 bài hát vào tai, và hoàn toàn có thể bỏ smartphone ở nhà trong những bài tập chạy, tập gym.
Tính năng của tai còn được mở rộng thêm khi ta tải các ứng dụng smartphone của Samsung, bao gồm Samsung Gear và Samsung Health. Samsung Health dùng để theo dõi bài tập thể dục, đo bước chân đi trong một ngày, cũng có thể giúp người dùng thêm các giá trị dinh dưỡng của bữa ăn.
Nhưng phần mềm chính là phần mềm Samsung Gear, giúp người dùng chuyển nhạc sang tai không dây, bật tính năng Ambient Sound (nghe các tạp âm bên ngoài) và cập nhật firmware của tai.
Có nhiều công nghệ kèm theo, nhưng có lẽ điểm quan trọng nhất vẫn là những trải nghiệm thực tế. Ta sẽ bắt đầu từ tính ổn định, một trong những nâng cấp của dòng Gear IconX theo từng năm. Phiên bản 2018 có một công nghệ mới từ Samsung, với nguyên lí giống với apt-X Adaptive giúp tăng tính khả năng kết nối với nguồn trong các điều kiện môi trường sóng khác nhau.
Kết quả là tai nghe kết nối chắc chắn với nguồn, không bị dừng nhạc kể cả khi để smartphone vào cặp. Bên cạnh đó, tai cũng có độ trễ thấp hơn nhiều so với các sản phẩm true-wireless, nên người dùng hoàn toàn có thể sử dụng nó để xem phim và chơi game.
Để gia tăng trải nghiệm, thì hãng cũng thêm một bộ Equalizer gồm 5 chế độ là Bass boost (tăng trầm), Soft (nhẹ nhàng), Dynamic (sôi động), Clear (rõ ràng - dùng cho xem phim, nghe lời thoại) và cuối cùng là Treble Boost (tăng dải cao).
Bản thân Gear IconX cũng đã khá dư trầm, nên những ai nghe theo kiểu tạp sẽ chỉ cần đặt ở chế độ mặc định, nhưng tất nhiên ai yêu thích nhạc EDM, Rave thì có thể chuyển sang chế độ Bass Boost hoặc Dynamic. Bass của Gear IconX hơi mềm, nên có vẻ thiếu tính punchy và thiếu tính tập trung, nhưng may mắn là không bị quá nhiều lượng nên không tràn vào nền.
Samsung hướng Gear IconX vào mục đích nghe tạp, hợp với nhiều loại nhạc và có thể dùng cho xem phim, và dải trung thể hiện rõ ràng nhất tính chất này. Giọng ca sĩ từ Gear IconX lùi nhẹ, khá êm song có độ chi tiết vừa đủ để rõ ràng. Giọng Emi Fujita trong Desperado hơi trầm hơn so với bình thường, vì phần high-mid được roll off nhẹ đôi chút. Loại mid này không nổi bật nhưng cũng tạo cảm giác dễ nghe, laid back và thoải mái. Tính năng EQ 'Clear' có thể đẩy cao dải trung, nhưng theo đánh giá cá nhân thì phù hợp với việc nghe audiobook và xem phim hơn là nghe nhạc, vì làm các dải khác bị lùi sâu để làm nổi bật giọng nói.
Âm treble khá giống phần trầm, đó là không thực sự nổi bật để tạo ra chất âm nghe tạp, nhưng có thể được đẩy lên nhiều bằng các chế độ Dynamic hoặc Treble Boost. Âm treble ở chế độ Dynamic thể hiện tốt nhất, có độ cao và cũng dày dặn, giúp cho các bài nhạc Pop trở nên sống động hơn. Lời kết
Với giá bán 5 triệu đồng, đây chắc chắn là một cặp tai nghe không dây cao cấp và không phải ai cũng có khả năng 'với'. Nhưng những gì người dùng nhận lại được sau khi đầu tư cũng lớn không kém, khi đây không chỉ là một tai nghe thông thường, mà còn là thiết bị phát nhạc, theo dõi sức khỏe.
Gear IconX là một sản phẩm khó đánh giá, vì tính 'đáng tiền' của nó phụ thuộc nhiều vào mục đích sử dụng của từng người. Những ai sử dụng được hết tính năng của Gear IconX thì chắc chắn sẽ mua và thích nó, nhưng những ai chỉ dùng tai để nghe nhạc qua Bluetooth thôi thì đây sẽ là một sản phẩm đắt.