Tin mới
Đánh giá Ultrabook Lenovo Yoga 900 - xứng tầm 32 triệu
Dựa trên thiết kế của chiếc Yoga 3 Pro vào năm ngoái, Lenovo đã tiếp tục cải tiến để cho ra đời Yoga 900 - một trong những mẫu laptop “lai” toàn năng nhất hiện tại với thiết kế ấn tượng, hiệu năng tốt và thời lượng pin dài.
>> Mở hộp Lenovo Yoga 900 - laptop biến hình, 'cấu hình khủng long' giá 34 triệu
Chỉ cách đây 1 năm, chiếc Yoga 3 Pro đã lần đầu tiên xuất hiện với các ưu điểm như màn hình độ phân giải cao, kích thước gọn gàng và đặc biệt là phần bản lề cực kỳ độc đáo và chắc chắn. Tuy nhiên, với thời lượng pin ngắn và vi xử lý Core M “rút gọn”, hiệu năng của nó đã không thể so sánh được với những với những laptop cùng tầm giá. Chính vì vậy, năm nay Lenovo đã trở lại với chiếc Yoga 900. Dù có trọng lượng và độ dày lớn hơn một chút nhưng đổi lại, Yoga 900 đã được trang bị vi xử lý Core i7 Skylake mạnh mẽ cùng pin dung lượng cao, với mức giá chỉ tương đương các laptop 13 inch cao cấp khác.
Thiết kế
Vào năm ngoái, Yoga 3 Pro đã nhận được nhiều lời khen ngợi bởi thiết kế của nó, tuy nhiên năm nay Yoga 900 còn sở hữu kiểu dáng đẹp mắt và cao cấp hơn thế. Với kích thước dài x rộng x cao lần lượt là 32,38 - 22,5 -14,99cm cùng trọng lượng 1,2kg, Yoga 900 rất gọn nhẹ, thậm chí còn nhỏ hơn một chút so với MacBook Air vốn được coi là chuẩn mực về sự gọn gàng. Là một laptop cao cấp, chất lượng hoàn thiện và vật liệu của Y900 cũng thuộc hàng “top” với 2 mặt ngoài là những tấm nhôm cứng cáp và khung đế máy bằng nhựa ở giữa. Toàn bộ mặt trước chỉ có logo Yoga nổi nằm ở góc trên bên trái, thay vì logo Lenovo như Yoga 3 Pro. Trong khi đó, đáy của máy chỉ có 2 khe loa nằm đối xứng ở các góc bên dưới, hoàn toàn không có khe tản nhiệt. Vị trí đặt loa của Yoga 900 giúp âm thanh vẫn có thể phát ra đều khi lật ngược màn hình lại thành máy tính bảng, trong khi các khe tản nhiệt được “giấu” khá kín dưới bản lề. Khu vực bàn phím cũng đã có sự cải tiến lớn so với Yoga 3 Pro với sự bổ sung thêm một hàng phím tắt phía trên cùng và touchpad rộng hơn. Toàn bộ chiếu nghỉ xung quanh bàn phím cũng đã được Lenovo bọc giả da sang trọng. Dù là một mẫu ultrabook “lai” nhưng Yoga 900 vẫn được tích hợp đầy đủ các cổng giao tiếp. Ở cạnh trái lần lượt là khe cắm thẻ nhớ SD, cổng USB-C thời thượng, USB 3.0 và cổng sạc, đồng thời đóng vai trò là một cổng USB 2.0 nữa. Bên còn lại là nơi chứa một cổng USB 3.0 nữa, jack tai nghe 3,5 mm, nút khóa xoay, nút reset ẩn và phím nguồn.
Nói tới thiết kế của Yoga 900 mà không nhắc về phần bản lề là một thiếu sót lớn, vì đây là một trong những cấu trúc nổi bật của máy. Giống như Yoga 3 Pro, Yoga 900 có bản lề cực kỳ chắc chắn, lấy cảm hứng từ dây đeo đồng hồ và ghép từ các mảnh thép 813. Với bản lề này, màn hình của Yoga 900 xoay 360 độ một cách chắc chắn, biến nó trở thành một chiếc máy tính bảng 13 inch chỉ trong tích tắc. Ở chế độ máy tính bảng, bản lề gấp lại thành dạng vòng cung và tạo ra một điểm tựa lý tưởng cho tay cầm, không bị cấn bởi các mép sắc cạnh như trên những máy tính bảng lai khác. Ngoại trừ phần vân thép của bản lề và trọng lượng khá nặng khi cầm bằng một tay, cảm giác cầm Yoga 900 khá thoải mái và tự nhiên. Với bản lề gập mở 360 độ, Yoga Y900 cũng tỏ ra phù hợp với nhiều hoàn cảnh khác nhau, chẳng hạn như gập nghiêng màn hình ngược hoặc đặt đứng thành chữ A khi xem phim hay lướt web. Thiết kế mô phỏng dây đeo đồng hồ được ghép từ nhiều “mắt” thép sáng bóng cũng đem lại cho Yoga 900 vẻ cao cấp và chắc chắn, đặc biệt với 3 tùy chọn màu thời trang của máy là cam, vàng champaigne và bạc.
Tuy nhiên, chính những “mắt” thép ở bản lề lại gây ra một nhược điểm nhỏ cho Yoga 900 khi chúng khá lỏng lẻo và có thể va vào nhau, tạo ra những tiếng lạch cạch khi người dùng chạm tay vào ở chế độ gấp ngược màn hình thành tablet. Một nhược điểm khác của máy đó là phần khung màn hình chưa được cứng cáp, khiến toàn bộ phần nắp trên của máy bị cong nhẹ khi cầm vào 2 góc để gấp màn hình. Mặc dù vậy, nhìn chung Yoga 900 vẫn sở hữu một thiết kế đẹp, chắc chắn và độc đáo “có 1 không 2” trên thị trường hiện nay.
Bàn phím và touchpad
Yoga 900 đi kèm với một bàn phím đầy đủ chức năng và có đèn nền. Mỗi phím đều có thiết kế dạng vỏ sò cong ở phần mép dưới đặc trưng của Lenovo. Theo Lenovo, thiết kế này giúp cho những người có thói quen không gõ vào chính giữa bàn phím dễ dùng hơn. Do không thuộc dòng chuyên nghiệp ThinkPad nên hành trình mỗi phím khá nhỏ nhưng nhìn chung các phím bấm của Yoga 900 vẫn khá nảy và nhạy.
Nằm dưới bàn phím là một touchpad có kích thước 8,89 x 6,35cm và được vát kim cương ở các viền xung quanh một cách đẹp mắt. Trong các laptop Windows hiếm có chiếc nào sở hữu bề mặt touchpad hay như Yoga 900. Toàn bộ bề mặt của nó được phủ một lớp tráng mịn để đem tới cảm giác di ngón tay rất thoải mái và dễ dàng, không xảy ra tình trạng rít như nhiều laptop khác. Nếu Lenovo “nới rộng” hơn một chút bề mặt của touchpad, trải nghiệm với máy sẽ còn trở nên hoàn hảo hơn nữa.
Như đã nói ở phần thiết kế, xung quanh bề mặt chiếu nghỉ của bàn phím và touchpad trên Lenovo Yoga 900 đã được dán giả da. Với bề mặt giả da này, cảm giác để tay trên Yoga 900 khá “êm” và chắc chắn sẽ dễ chịu hơn so với bề mặt bằng nhôm lạnh của MacBook vào mùa đông. Tuy nhiên, chưa thể kiểm chứng độ bền của lớp vật liệu phủ sành điệu này.
Màn hình
Sở hữu kích thước 13,3 inch nhưng có độ phân giải lên tới 3.200 x 1.600 pixels, màn hình của Yoga 900 cực kỳ sắc nét, hình ảnh chi tiết hiện lên một cách trung thực. Chất lượng màu sắc cũng rất tốt khi tươi sáng và rực rỡ ở mọi góc nhìn. Tuy nhiên so với nhiều đối thủ trong phân khúc, độ sáng màn hình của Yoga 900 chỉ đạt mức trung bình.
Do là một chiếc máy tính bảng lai nên màn hình của Yoga 900 cũng được tích hợp công nghệ cảm ứng điện dung. Trong đa số trường hợp, màn hình này rất nhạy. Tuy nhiên thỉnh thoảng khi mở máy ra sử dụng từ chế độ ngủ, màn hình lại bị “loạn” và không nhận cảm ứng cho tới khi xoay máy theo chiều khác. Đây có lẽ là nhược điểm do driver của màn hình và Lenovo cần tìm cách khắc phục trong các bản cập nhật sau.
Âm thanh
Với 2 loa ngoài của JBL và được trang bị công nghệ Dolby, âm thanh từ loa của Yoga 900 đáp ứng tốt cho nhu cầu giải trí cơ bản. Âm lượng của loa khá lớn và không bị rè khi ở mức cao, khiến cho nhạc phát ra một cách rõ ràng và đủ để nghe trong một căn phòng bình thường. Tuy nhiên, do loa ngoài thiếu bass nên những người thường xuyên nghe các thể loại nhạc “nặng” như EDM hay Rock sẽ muốn cắm thêm loa bổ sung hoặc nghe bằng headphone.
Dù gập màn hình ở vị trí nào đi chăng nữa, âm lượng của Yoga 900 cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, chất âm lại bị thay đổi theo cách đặt máy. Nếu đặt Yoga 900 ở dạng laptop hay tablet, âm thanh sẽ trở nên “ù” hơn so với khi đặt dựng lên theo góc chữ A hoặc mở nghiêng màn hình 270 độ.
Hiệu năng
So với chiếc Yoga 3 Pro của năm ngoái, Yoga 900 đã có một bước tiến dài về cấu hình khi sở hữu vi xử lý Core i7 lõi kép 6500U 2,5GHz (Turbo Boost lên tối đa 3,1GHz) trên tiến trình Skylake 14nm mới nhất, đi kèm với dung lượng RAM 16GB và SSD 512GB. Với cấu hình này, Yoga 900 dư sức đáp ứng nhu cầu của những người dùng bình thường. Ngay cả khi mở liên tục hơn 30 tab của trình duyệt Chrome (với 20 trang giàu nội dung đa phương tiện) cùng Photoshop và Word, chiếc laptop lai của Lenovo vẫn không có dấu hiệu bị đuối sức. Ổ SSD của máy được sản xuất bởi Samsung và có kết quả đọc/ghi khá tốt, đạt tốc độ đọc trung bình 435 MB/s và ghi 365 MB/s.
Với card đồ họa tích hợp Intel HD Graphics 520, Yoga 900 cũng tạm đủ để thỏa mãn những người dùng bình thường. Ở game World of Warcraft với cài đặt hình ảnh tự động ở độ phân giải 1.920 x 1.080 pixel, máy có thể đạt framerate ổn định ở mức 46fps. Trong khi đó, với game GTA V, phải giảm độ phân giải xuống chỉ còn 1.280 x 720p cùng với độ chi tiết hình ảnh ở mức thấp nhất thì Yoga 900 mới có thể đạt số khung hình ổn định ở mức 20-30fps.
Ngay cả khi có thiết kế mỏng, Yoga 900 cũng không gặp vấn đề về nhiệt độ. Điều này có được là nhờ vào thiết kế quạt bằng kim loại hiệu quả hơn tới 66% và làm mát tốt hơn thới 30% so với người tiền nhiệm, theo Lenovo công bố. Chỉ tới khi chơi game hay thực hiện các tác vụ nặng, tiếng quạt từ Lenovo Yoga 900 mới bắt đầu nghe rõ. Trong quá trình sử dụng, tôi thường xuyên gập máy theo dạng tablet và cầm ở khu vực bản lề - ngay vị trí của các khe tản nhiệt nhưng cũng chỉ cảm thấy hơi ấm tỏa nhẹ ra từ máy.
Thời lượng pin
Yoga 900 được trang bị cục pin 4 cell Li-Po với dung lượng 66Wh. Theo Lenovo, Yoga 900 có dung lượng pin lớn hơn 50% so với Yoga 3 Pro và thời lượng pin trung bình đạt 8h. Ở điều kiện sử dụng thông thường của một nhân viên văn phòng với việc soạn thảo văn bản bằng Word và lướt web liên tục ở độ sáng màn hình 75%, máy đạt thời lượng sử dụng khoảng 7h 30 phút - khá gần với con số Lenovo đưa ra. Phát liên tục một bộ phim HD 720p ở định dạng MKV, có phụ đề đi kèm bằng phần mềm VLC ở độ sáng 75% và âm lượng 50%, Yoga 900 mất gần 6h kể từ khi đầy tới lúc cạn kiệt. Xét tới cấu hình mạnh mẽ của máy, đây là những kết quả đạt mức tốt đối với một mẫu laptop lai.
Kết luận
Có thể nói rằng Yoga 900 chính là bản nâng cấp hoàn hảo của chiếc Yoga 3 Pro của năm ngoái - mẫu laptop lai linh hoạt, mạnh mẽ và gọn gàng. Cộng với thiết kế đẹp mắt, cấu trúc chắc chắn và viên pin ấn tượng, Yoga 900 xứng đáng đứng trong hàng “top” ultrabook cao cấp. Đây quả là một sản phẩm đáng mua dù cho mức giá khởi điểm của nó lên tới 32 triệu đồng.