Tin mới
Đĩa than Vinyl vẫn sống khỏe trong thời đại nhạc số
20 năm trở lại đây, đĩa than Vinyl trên đà phục hưng mạnh mẽ trong khi cassette và CD tiếp tục lùi vào dĩ vãng trước sức ép của nhạc số trực tuyến.
Năm 1877, Thomas Edison phát minh ra máy quay đĩa đầu tiên, mở ra lịch sử của đĩa Vinyl, đồng thời thay đổi hoàn toàn thói quen thưởng thức âm nhạc của nhân loại, đưa âm nhạc từ các nhà hát về tới từng gia đình. Từ chiếc máy máy quay đĩa đầu tiên của Edison, ngành công nghiệp đĩa than và máy quay đĩa đã phát triển rực rỡ. Những năm 1960-1970, những album đĩa than đã đưa âm nhạc trở thành một ngành công nghiệp giải trí số 1 của nước Mỹ, vượt qua cả công nghiệp điện ảnh của Hollywood và thể thao.
(Ảnh: Levin C. Handy)
Đến những năm 1980, đĩa Vinyl rơi vào giai đoạn thoái trào khi băng cassette ngày càng phổ biến. Sony Walkman ra đời năm 1979 đã thay đổi hoàn toàn thói quen thưởng thức âm nhạc của mọi người khi âm nhạc có thể “di động” khắp mọi nơi thay vì phải cố định với đĩa than Vinyl.
(Ảnh: techradar)
Khi thời đại của băng cassette chưa qua thì thời đại của đĩa CD lại đến vào năm 1984 khiến cho ngành công nghiệp đĩa than Vinyl đứng trước nguy cơ xóa sổ. Lượng người nghe đĩa than Vinyl bị co hẹp lại trong những nhóm nhỏ, đơn lẻ. Số lượng cửa hàng bán đĩa than Vinyl cũng sụt giảm nhanh chóng.
(Ảnh: Statista)
Và rồi, khi thời đại nhạc số nổi lên những năm 2000, với sự xuất hiện của iTunes (năm 2001), đặc biệt là Spotify (năm 2006) ai cũng nghĩ là dấu chấm hết của ngành đĩa than Vinyl. Nhưng kể từ khi đó, ngành công nghiệp đĩa than Vinyl đã hồi sinh mạnh mẽ với doanh số tăng liên tục. Ở Mỹ, trong 14 năm liên tiếp, doanh số đĩa than Vinyl đã tăng theo phương thẳng đứng từ 0,9 triệu đĩa năm 2005 lên 18,8 triệu đĩa năm 2019. Tức là tăng gấp hơn 20 lần. Theo báo cáo của Nielsen đĩa than Vinyl đã chiếm tới 17% doanh số Album bám ra tại Mỹ năm 2019.
Đĩa than trở lại cũng đưa mâm than trở lại
Có nhiều lý do để giúp đĩa than Vinyl sống khỏe trong thời đại nhạc số, trong đó thứ quan trọng nhất có lẽ là sự nguyên bản của âm thanh. Âm thanh dưới định dạng CD hay nhạc số MP3 luôn bị “kìm nén”, bị can thiệp, không phải là thứ âm thanh “tự nhiên” mà rất nhiều người ngày càng muốn tìm về.