Tin mới
Điều gì xảy ra khi một drone/flycam bị sét đánh?
Đã bao giờ bạn tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu chiếc drone/flycam của mình đang bay mà bị sét đánh? Video sau đây sẽ trả lời cho câu hỏi đó.
Đây là thí nghiệm của một nhóm nghiên cứu tại Đại học Manchester High Voltage (Anh). Trong thí nghiệm này, hai chiếc DJI Phantom 3 đã bị dùng làm "chuột bạch". Các nhà khoa học đã tạo ra một tia lửa điện với hiệu điện thế lên tới 1,4 triệu Volt. Về mặt nguyên tắc, tia lửa điện này mô phỏng hiện tượng sét đánh.
Tin tốt là tia sét sẽ không làm hại viên pin của thiết bị bởi chúng thường được bọc bởi bộ vỏ kim loại có tác dụng như một lồng từ trường. Tuy nhiên, tia lửa điện đủ mạnh để "chiên" mô-tơ và có thể thổi bay cánh quạt của thiết bị. Trong video, khoảng khắc hai chiếc Phantom 3 bị sét đánh được quay chậm ở tốc độ 3.200x và bạn dễ dàng nhìn thấy toàn bộ quá trình tia sét đi xuyên qua chiếc drone, bắt đầu từ phần động cơ, cánh quạt và thoát ra qua phần chân đáp.
Sau sự cố giả định, cả hai chiếc Phantom 3 đều không thể hoạt động được nữa vì hư hỏng ở hệ thống điện. Những thứ có thể tái sử dụng là lớp vỏ và pin. Về nguyên tắc, cũng không khó khăn gì nếu trang bị trên toàn thân chiếc drone/flycam một lớp lồng từ trường siêu nhẹ để bảo vệ phần cứng, nhưng mức độ ảnh hưởng của tia sét tới hệ thống điện tử và khả năng thu phát sóng còn cần phải được thử nghiệm thêm.
Trên thực tế, mặc dù được khuyến cáo nên tránh, đôi lúc người ta vẫn phải điều khiển drone/flycam bay trong giông - sét để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt hoặc quay những video clip về các hiện tượng - thảm họa thiên nhiên và thời tiết. Vận hành trong bối cảnh đó, những thiết bị bay điều khiển từ xa có nguy cơ bị sét đánh rất cao. Trong tương lai gần, chắc chắn các nhà khoa học sẽ đưa ra được giải pháp chế tạo những mẫu drone/flycam đặc biệt (có nhiệm vụ quan trọng và đem theo các thiết bị ghi hình đắt giá) với khả năng chống lại giông - sét.
Video thử nghiệm Phantom 3 bị sét đánh.