Tin mới
Doanh số smartphone quý IV/2022 giảm mạnh, 2023 là "một năm thận trọng" với các nhà sản xuất
Phân tích dữ liệu thị trường điện thoại smartphone của IDC cho biết mức giảm 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái là do nhu cầu của người tiêu dùng giảm sút đáng kể, lạm phát và những bất ổn kinh tế.
Theo công ty nghiên cứu IDC, lạm phát và suy thoái kinh tế đã khiến thị trường điện thoại thông minh bị sụt giảm doanh số bán hàng tồi tệ nhất từ trước đến nay vào quý 4 năm 2022. Theo đó, lượng điện thoại thông minh xuất xưởng đạt 300,3 triệu chiếc, giảm 18,3% so với cùng kỳ và là mức giảm cao nhất trong vòng một thập kỷ qua. Tất cả 5 thương hiệu lớn đều ghi nhận mức giảm đạt hai con số, quý 4 là quý giảm thứ 6 liên tiếp của thị trường điện thoại thông minh cho thấy tín hiệu tiêu cực về thị trường điện thoại trong thời gian sắp tới.
Apple dẫn đầu bảng xếp hạng với 72,3 triệu lô hàng được xuất xưởng, chiếm thị phần 24,1%. Vị trí thứ hai thuộc về Samsung, với 58,2 triệu sản phẩm, chiếm 19,4% thị phần. Trong khi đó, ba cái tên tiếp theo nằm trong bảng xếp hạng gồm Xiaomi, OPPO và vivo với lần lượt 11%, 8,4% và 7,6% thị phần.
Nhìn vào các con số trong cả năm 2022, doanh số smartphone chỉ đạt 1,2 tỷ chiếc, giảm 11,3% so với năm trước. Samsung dẫn đầu với tổng cộng 260,9 triệu sản phẩm, chiếm 21,6% thị phần, xếp sau đó là Apple với 226,4 triệu thiết bị, chiếm 18,8% thị phần. Ba cái tên tiếp theo vẫn là Xiaomi, OPPO và vivo với lần lượt 153,1 triệu, 103,3 triệu và 99 triệu sản phẩm.
Theo IDC, năm 2022 đại diện cho “doanh số hàng năm thấp nhất kể từ năm 2013 do nhu cầu của người tiêu dùng giảm đáng kể, lạm phát và những bất ổn kinh tế”. “Chúng tôi chưa bao giờ thấy các lô hàng trong quý 4 lại thấp hơn quý trước. Tuy nhiên, nhu cầu suy yếu và hàng tồn kho cao đã khiến các nhà cung cấp cắt giảm mạnh các lô hàng”, nhà nghiên cứu Nabila Popal của IDC cho biết.
Do đó, IDC dự đoán thị trường smartphone có thể không tăng trưởng doanh số bán hàng cho đến cuối năm 2023. Một lý do là lạm phát dai dẳng, khiến nhu cầu của người tiêu dùng giảm sút.
Nhà phân tích Anthony Scarsella của IDC cho biết: “Chúng tôi tiếp tục chứng kiến nhu cầu của người tiêu dùng giảm dần khi tốc độ làm mới tăng lên trong 40 tháng qua ở hầu hết các thị trường lớn. Với năm 2022 giảm hơn 11% trong năm, năm 2023 được coi là một năm thận trọng vì các nhà sản xuất sẽ đánh giá lại về danh mục thiết bị của họ trong khi các kênh phân phối sẽ thận trọng hơn trước khi tiếp nhận hàng tồn kho dư thừa.”
Nhưng tin tốt cho người dùng đó là những ai có nhu cầu nâng cấp có thể đợi những chương trình kích cầu, khuyến mãi nhiều hơn tới từ các nhà sản xuất cũng như đại lý bán lẻ.