Tin mới
Flee: sự nuối tiếc của Oscar 2022
Dù không phải tác phẩm giành được tượng vàng Oscar 2022 nhưng “Flee” lại là một tác phẩm tuyệt vời chạm tới trái tim của khán giả.
Nam chính Amin Nawabi Cách thể hiện đầy mới lạ Nhằm lột tả hết thảy những ý nghĩa mà đội ngũ sản xuất muốn truyền tải một cách chân thực và ám ảnh nhất, thay vì ngay lập tức để khán giả bước vào cuộc đời của Amin, tác phẩm đã lựa chọn một cách thể hiện khá thú vị. Mở đầu bộ phim, ta nhìn thấy một chàng trai với đôi mắt nhắm được quay cận cảnh, đang trò chuyện với một ai đó. Khung hình chỉ có duy nhất một nhân vật, còn người mà anh ta đang đối thoại thì không hề lộ mặt. Đây là lối quay cực kỳ phổ biến của thể loại phim tài liệu, và điều này cũng khiến ta nhận ra: "Flee" đặt điểm nhìn của mình qua chiếc ống kính máy quay còn nội dung của dự án lại được dẫn dắt bằng cuộc trò chuyện giữa nhân vật chính và anh bạn người Đan Mạch. Xuyên suốt chiều dài bộ phim, những câu hỏi của người bạn đồng hành cứ liên tục được cất lên, xoáy sâu và làm rõ từng cảm xúc dù là sâu thẳm nhất trong trái tim Amin. Điều này đã giúp không khí trong phim được tự nhiên và câu chuyện mà tác phẩm truyền tải cũng vì thế mà trở nên chân thật hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, dù được thể hiện dưới hình thức phim tài liệu nhưng Flee lại chọn sử dụng phong cách hoạt họa theo lối vẽ tay xen lẫn với các footage có thực trong lịch sử để làm chất liệu chính cho mình. Tôi nghĩ rằng đây là một lựa chọn vô cùng sáng suốt của đội ngũ sản xuất bởi nó vừa đảm bảo được tính ẩn danh cho người kể chuyện, vừa tạo dựng được một không gian đủ rộng lớn để nhà làm phim thỏa sức sáng tạo và thể hiện cái tôi nghệ thuật nhưng lại vừa giữ vững được tính thực tế, tôn trọng lịch sử.
Amin và người bạn Đan Mạch
Đặc biệt, các khung hình được thể hiện bằng nét phác thảo chì trong "Flee" đã nói lên sự mơ hồ, đứt gãy trong dòng hồi tưởng của nhân vật chính cũng như tạo nên sự ám ảnh khó giải thích về một đoạn ký ức quá đỗi đau thương mà một đứa trẻ phải gánh chịu. Trong đó, có một phân cảnh gây ấn tượng rất mạnh với tôi, đó là khi những người tị nạn bị dồn nén vào một chiếc container giấu dưới gầm tàu lênh đênh giữa biển khơi. Giữa không gian ấy, hiện rõ những tiếng sóng biển gầm thét, tiếng người than khóc đến nhói lòng và màu phim u tối tới mức chẳng thấy rõ mặt ai. Cảnh phim thực sự khiến bất cứ người xem nào cũng phải kinh ngạc bởi sự tàn khốc của nó. Khung hình ấy đã ngay lập tức gợi nhắc chúng ta nhớ đến câu chuyện bi thương của những người Việt bỏ mạng trong xe thùng lạnh khi kiếm tìm giấc mơ Anh Quốc năm nào. Ngoài ra, âm nhạc trong tác phẩm này cũng rất xuất sắc, nó bổ sung vừa đủ cao trào và cảm xúc để người xem khóc cười cùng nhân vật cũng như sững sờ trước hiện thực khốc liệt.
Một phân cảnh trong "Flee"
Kết Sau cùng có thể nói, Flee chính là một bức tranh hiện thực ám ảnh đến đáng sợ về cuộc sống của những người dân tị nạn, một lời cảnh tỉnh về tội ác chiến tranh và khúc ca kêu gọi hòa bình. Thật tiếc khi bộ phim không giành được tượng vàng Oscar danh giá nhưng thật tuyệt vì đạo diễn Jonas Poher Rasmussen đã dành trọn tâm huyết để ngày nay chúng ta được thưởng thức một siêu phẩm!