Tin mới
Fujifilm X-E2 - giá cả chưa xứng với giá trị
Fujifilm vốn thích phong cách cổ điển chẳng lo lỗi mốt nên đừng lạ khi thấy chiếc máy ảnh không gương lật X-E2 mới chẳng “thèm” thay đổi nếu chỉ tìm hiểu thoáng qua.
Sự thay đổi lớn mà những người đã gắn bó với X-E1 trước đây mong đợi nhất đã được Fujifilm đáp ứng. Ống ngắm điện tử (EVF) của X-E2 có tốc độ làm tươi cao hơn hẳn, tăng từ 20fps lên 50fps trong môi trường ánh sáng yếu. Trên thực tế, ống ngắm mới này vẫn có độ trễ rất nhỏ mà mắt người có thể nhận thấy khi lia góc máy nhanh, nên chưa thể so sánh với ống ngắm điện tử trên máy Olympus OMD E-M5 với 120fps hay ống ngắm quang học thực sự như DSLR. Nhưng chúng tôi cảm thấy ống ngắm này tương đồng về chất lượng so với đối thủ Sony NEX-6, nên khá hài lòng với nâng cấp nhỏ mà hữu dụng này.
Nhận thấy những người tìm đến X-E2 thích sử dụng ống ngắm thay vì màn hình ở chế độ LiveView (dù hiệu quả tương tự, chỉ khác nhau ở cảm giác chuyên nghiệp hơn), Fujifilm đã loại bỏ nút View Mode để thay vào đó là nút Quick Menu. Có thể vì lý do này mà X-E2 tiếp tục không được hỗ trợ khớp xoay lật cho màn hình, chỉ tăng kích thước màn hình lên 3inch độ phân giải 1,04 triệu điểm ảnh, so với 2,8inch và 420 nghìn điểm ảnh của X-E10.
Tùy biến đa dạng
Do chuyển vị trí nút Quick Menu mà hai nút khóa sáng và khóa lấy nét (AF-L và AE-L) được tách riêng. Chúng tôi cảm thấy hài lòng với sự thay đổi này. Bởi chỉ cần khóa lấy nét tầm 3m, đo sáng vào lòng bàn tay rồi đi dạo, hễ thấy đối tượng muốn chụp là có thể lại gần, hướng ống kính đến đối tượng mà bấm máy. Do X-E2 có tiếng màn trập nhỏ nhẹ như giọng thiếu nữ 16 và thân hình gọn gàng ít gây chú ý khiến chúng tôi cảm thấy bất ngờ khi xem các bức ảnh chụp được. Ngoài nút Quick Menu, chúng tôi tin rằng ngay cả những người khó tính cũng hài lòng với khả năng tùy biến đến 4 nút (Fn, Fn2, AF và AE), gắn khả năng truy cập chỉnh nhanh các thông số thường dùng như: ISO, cân bằng trắng, Dynamic Range, định dạng ảnh, chuyển sang quay phim…. Hai thay đổi nhỏ khác ở phần điều khiển X-E2 là vòng điều chỉnh mức phơi sáng tăng từ +/-2EV lên +/- 3EV. Vòng chỉnh tốc đã tách vị trí của mức tự động (Av hay A) ra xa hơn, giảm thiếu tình trạng chỉnh nhầm, đồng thời bổ sung mức 180X để dùng với flash rời.“Quay tay” vui hơn
Một trong những cải tiến đáng kể của cảm biến X-Trans II là điểm ảnh được dùng để phục vụ cho tính năng lấy nét theo pha. Với những tay chơi máy hay sưu tầm ống kính cổ, ưu điểm hay ho nhất là có thêm tính năng hỗ trợ lấy nét bằng tay mô phỏng phong cách lấy nét cắt của máy ảnh cổ mà Fujifilm gọi là Digital Split Image. Màn hình sẽ hiển thị ô vuông chia thành 4 đường. Nhờ đó, chúng tôi chỉ cần đưa đối tượng muốn lấy nét vào giữa ô, rồi điều chỉnh vòng lấy nét để 4 đường này khớp lại với nhau là hoàn thành việc lấy nét. Qua trải nghiệm thực tế chúng tôi nhận thấy độ chính xác của tính năng này khá cao và dễ thực hiện hơn chế độ Focus Peak Highlight. Cảm giác sử dụng mới lạ ít nhiều đem lại cảm giác thích thú cho chúng tôi. Ngoài ra, X-E2 còn cho phép người dùng lưu thông tin của 6 ống kính lấy nét tay sử dụng với mount chuyển nên việc tận dụng ống kính cũ là ý tưởng không tồi với chiếc máy này. Lấy nét tự động chưa khá hơn nhiều Nếu không phải người hoài cổ, thì người dùng vẫn cảm thấy hài lòng khi Fujifilm vẫn để hệ thống Hybrid AF kết hợp cả các điểm lấy nét theo pha vào hệ thống lấy nét theo tương phản truyền thống. Trên thực tế, tốc độ lấy nét của X-E2 đã nhanh hơn đáng kể so với X-E1, nhưng chưa hẳn là đột phá, mà chỉ tiến gần đến mức ổn định để người từng dùng DSLR cảm thấy thoải mái hơn. Nếu so sánh đơn giản, thì X-E2 đạt tốc độ lấy nét tương đương máy ảnh DSLR cơ bản như Canon 600d và chưa thể so với đối thủ Olympus OM-D EM-5. Thực tế sử dụng cho thấy X-E2 kết hợp ống kit 18-55mm còn chậm hơn X100S. Đừng vội thất vọng, bởi dường như Fujifilm luôn thích “sửa sai” bằng phần mềm. Các firmware sau luôn cho tốc độ lấy nét tự động cao hơn ban đầu. Fujifilm cũng nhấn mạnh khả năng bám nét theo đối tượng của X-E2. Nhưng tốc độ lấy nét không cao, nên chưa thể kỳ vọng vào hiệu quả khi bám nét. Nếu “bám theo” bạn gái đi bộ, thì X-E2 đủ sức chờ đợi khoảnh khắc. Nhưng nếu đối phương đi xe máy, thì chúng tôi khuyên người dùng nên chuyển sang chế độ chụp liên tiếp. Trong đó có hai lựa chọn: 3 hình/s trong trường hợp lấy nét mỗi lần chụp hoặc 7 hình/s khi giữ điểm lấy nét theo tấm hình đầu. Trong quá trình trải nghiệm thực tế, chúng tôi nhận thấy phương án hai cho kết quả tốt hơn.Chất lượng hình ảnh không biến chuyển đáng kể
Những kết quả thu được từ máy ảnh không ngoài ảnh và phim. Ảnh tĩnh vốn là thế mạnh của cảm biến X-Trans từ thế hệ đầu tiên. Nhưng sang thế hệ thứ 2 trên X-E2, chúng tôi không thấy có biến chuyển đáng kể về chất lượng, nhất là về màu sắc và dải tần nhạy sáng (Dynamic Range). Có thể do X-E2 đã hy sinh khá nhiều điểm ảnh rải rác trên toàn cảm biến cho hệ thống lấy nét theo pha, không dùng để ghi ảnh thực. Giải pháp của Fujifilm là sử dụng thuật toán riêng để bù trừ bằng các điểm ảnh bên cạnh, nhưng khó tránh được ảnh hưởng đến chất lượng ảnh, nhất là các khung cảnh nhiều chi tiết phức tạp.
Tuy vậy, ảnh JPG đã có bước tiến nhỏ về khả năng xử lý nhiễu ở ISO cao. Đến ISO 6.400, ảnh vẫn sạch sẽ. Vậy nên, tùy chọn Auto ISO đã mở rộng từ 200-6.400. Ảnh RAW còn lưu được 14-bit màu, nên khả năng hậu kỳ sẽ tốt hơn X-E1 rất nhiều.Có thể những người muốn theo xu hướng multimedia sẽ không thích X-E2, ngay cả khi Fujifilm đã tích hợp cho X-E2 khả năng quay phim Full HD tốc độ 60 hình/s. Người dùng không thể điều chỉnh ISO hoặc tốc độ màn trập khi quay mà chỉ có thể thay đổi mức phơi sáng hoặc chuyển kiểu mô phỏng tông màu phim (Film Simulation).
Wi-Fi không hữu dụng
Đây là phần “khuyến mại” của Fujifilm để người dùng mới chọn X-E2 thay vì X-E1 do phiên bản cũ đã giảm giá khá nhiều để xả hàng tồn. Để sử dụng, người dùng cần cài ứng dụng Fujifilm Camera Application trên điện thoại (hệ điều hành Android hoặc iOS). Thực sự Wi-Fi trên X-E2 cũng như X-M1 không có tác dụng nhiều hơn sử dụng thẻ nhớ Wi-Fi SD, tức là chỉ có khả năng truyền ảnh qua lại giữa hai thiết bị. Gần như chúng tôi không sử dụng tính năng Geotagging - lấy dữ liệu GPS từ điện thoại để ghi vào ảnh - do cách sử dụng khá rắc rối. Ưu điểm nổi bật của tính năng này là khả năng cài đặt để chuyển ảnh không cần mật khẩu, nên khi đã thao tác quen cũng không chậm lắm.
Với những nâng cấp nhẹ, nhưng hữu ích, X-E2 trở thành sự lựa chọn sáng giá cho những người thích phong cách hoài cổ và coi trọng chất lượng ảnh. Tuy nhiên, người dùng cần quen với việc chụp bằng ống kính prime tiêu cự cố định hoặc ống kính cổ. Bởi các ống zoom ngàm X rất ít và chất lượng không thật ấn tượng. Nếu đã có DSLR mà vẫn muốn tìm cảm giác “lạ”, thì X-E2 là lựa chọn tốt. Nhưng định dùng X-E2 để thay thế DSLR, thì chưa hẳn là ý hay. Ở khía cạnh khác, nếu đã có sẵn X-E1, thì nên đầu tư vào ống kính mới. Bởi giá bán X-E1 đã qua sử dụng khoảng 12 triệu đồng, nên người dùng sẽ phải bỏ thêm khoảng 8 triệu đồng cho một số nâng cấp trên.