Tin mới
Gia phả các “Vua loa JBL” trong lịch sử 77 năm và những dự án JBL Project kinh điển
Di sản những mẫu loa đỉnh cao nhất JBL Project đã có 10 lần đổi mới, bao gồm: Hartsfield, Paragon, Everest DD55000, K2 S9500/7500, K2 S5500, K2 S9800, K2 S5800, Everest DD66000, K2 S9900 và Everest DD65000/DD67000. Mỗi mẫu loa này lại đại diện cho những tiến bộ đỉnh cao, đổi mới công nghệ, vật liệu và sáng tạo kỹ thuật cho phép vào từng thời kỳ.
Được thành lập năm 1946 ở Mỹ bởi nhà sáng lập James Bullough Lansing, JBL là một trong những nhà sản xuất thiết bị âm thanh lâu đời và nổi tiếng bậc nhất Thế giới. Các sản phẩm JBL đáp ứng đủ các phân khúc khách hàng, từ dòng phổ thông cho tới các sản phẩm cao cấp, đáp ứng cả nhu cầu giải trí gia đình lẫn thị trường âm thanh chuyên nghiệp, âm thanh phòng thu, âm thanh xe hơi, sản xuất âm nhạc, thị trường phim ảnh…
Nhưng có một dòng sản phẩm đặc biệt nhất, hội tụ những tinh hoa giá trị nhất trong thiết kế chế tạo loa của JBL – đó chính là các thế hệ sản phẩm JBL Project.
(James Bullough Lansing - nhà sáng lập hãng loa JBL)
Lịch sử phát triển của những mẫu loa JBL Project: di sản huyền thoại
Trong số những người miệt mài theo đuổi sự hoàn hảo trong việc tái tạo âm thanh, chỉ một số ít thực sự đạt được mục tiêu này. Đó là một quá trình lâu dài và rất tốn kém, phải vượt qua nhiều thách thức cả ở phương diện kinh tế lẫn công nghệ kỹ thuật.
Tại JBL, điều này được cho là đã diễn ra 10 lần. Trong mỗi trường hợp, các kỹ sư của JBL được yêu cầu xây dựng hệ thống loa mà họ hằng mong muốn. Hành trình phát triển liên tục vượt qua những giới hạn trong tái tạo âm thanh, song hành với những tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong từng thời kỳ, bắt đầu từ giữa những năm 1950 và vẫn liên tục cho đến ngày nay.
Các sản phẩm là thành quả đạt được từ những tham vọng lớn lao được hãng gọi tên là loa JBL Project. Mỗi mẫu loa này lại đại diện cho những tiến bộ đỉnh cao, của đổi mới công nghệ, vật liệu và sáng tạo kỹ thuật cho phép vào từng thời điểm, được hội tụ trong một hệ thống loa hoàn chỉnh.
Cụ thể 10 lần đổi mới này của JBL bao gồm: Hartsfield, Paragon, Everest DD55000, K2 S9500/7500, K2 S5500, K2 S9800, K2 S5800, Everest DD66000, K2 S9900 và mới nhất là Everest DD65000/DD67000.
Mặc dù khác nhau về hiệu suất và những đặc tính vật lý, nhưng tất cả các loa JBL Project đều có chung một mục tiêu – nâng cao khả năng tái tạo âm thanh tới các mức giới hạn mà chi phối bởi chính giới hạn của vật liệu và công nghệ hiện có. Thực tế là tất cả các loa JBL Project đều có nhiều đặc tính chung, mặc dù chúng đã được tạo ra trong khoảng 7 thập kỷ, là minh chứng cho sự xuất sắc về thiết kế, công nghệ, kỹ thuật sản xuất loa của JBL.
JBL Hartsfield - Tiên phong định hình nên di sản huyền thoại JBL Project
Hệ thống loa JBL Hartsfield chính là bắt đầu cho một truyền thống các sản phẩm dự án đầu bảng của JBL vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Đầu tiên, yêu cầu đặt ra là thiết kế chế tạo một sản phẩm gần với sự hoàn hảo nhất có thể. Khi đạt được mức độ đó, hãy tiếp tục làm cho nó tốt hơn.
Năm 1954, Hartsfield có ý nghĩa quan trọng ở chỗ nó không phải là đại diện cho công nghệ mới, mà là một cấp độ kỹ thuật sản xuất mới, theo tinh thần của phương pháp do ông James B. Lansing (nhà sáng lập thương hiệu) đã tiên phong rất lâu từ trước đó.
(hệ thống loa JBL Project Hartsfield)
Cũng như các mẫu Project Series kế nhiệm, Hartsfield là một hệ thống loa hiệu quả cao tích hợp công nghệ củ loa nén và hội tụ các phẩm chất nổi trội bao gồm công suất cao, độ méo thấp, sân khấu âm thanh nổi đặc biệt và khả năng nghe lâu không bị mỏi mệt. Quan trọng nhất, đó được JBL cho là hệ thống loa đầu tiên dành cho người tiêu dùng làm được tất cả những điều ưu việt này.
Chủ tịch của JBL vào năm 1954, ông William Thomas, đã mô tả mẫu loa Hartsfield là “hệ thống loa mà chúng tôi luôn mong muốn chế tạo ra với những thành phần tốt nhất từng có dành cho những người nghe nghiêm túc” (sau này người nghe nghiêm túc có thể được gọi là audiophile).
(William Thomas - Chủ tịch JBL vào năm 1954)
Mô tả quá trình đằng sau việc tạo ra Hartsfield, vị Chủ tịch JBL chia sẻ thêm: “Hầu hết những người sở hữu và đánh giá cao thiết bị tái tạo âm thanh tốt đều rất mong chờ ngày mà họ có thể lắp ráp một hệ thống không giới hạn theo đúng cách họ nghĩ nên làm. Một cách định kỳ, một nhà sản xuất cũng có được cảm giác tương tự. Khoa học về âm học đã cung cấp cho chúng ta những nguyên tắc cơ bản cho phép mọi người có thể đạt được sự tái tạo chính xác âm thanh. Vấn đề chỉ là kết hợp các phương pháp này vào một thiết kế hệ thống, và sau đó xử lý mọi rắc rối cần thiết để xây dựng một hệ thống chính xác theo thiết kế”.
William Thomas nhấn mạnh thêm: “Thật không dễ dàng, nhưng đó là cách Hartsfield được thực hiện”.
(JBL Project Ranger-Paragon)
JBL Project Paragon
Mẫu Ranger-Paragon (D44000 Paragon) chính là hệ thống loa JBL Project thứ hai, được giới thiệu năm 1957 và là dự án nghiêm túc đầu tiên đối với một hệ thống loa phản xạ. Paragon đã tạo ra bước đột phá vào thời điểm đó – một khái niệm mới về định hình âm thanh nổi stereo. Và có thể nói JBL Paragon là hệ thống loa stereo dùng cho gia đình đầu tiên trên thế giới. Thời điểm ra mắt, Paragon cũng là mẫu loa đắt nhất trên thị trường Mỹ. Ngoài ra, Paragon là sản phẩm có vòng đời sản xuất dài nhất trong lịch sử của JBL, tới năm 1983 mới ngừng sản xuất và được thay thế bằng dòng sản phẩm kế nhiệm là Project Everest.
Về cơ bản, Paragon bao gồm hai hệ thống loa toàn dải độc lập được lắp đặt trong một thùng loa cong, đẹp mắt và rộng gần 2,7 mét. Thùng loa của Paragon được coi như một phần mở rộng của các bộ chuyển đổi âm. Về bản chất, hệ thống này có được “âm học tích hợp” của riêng nó. Trong nhiều khía cạnh, Paragon được cho là đã tiên lượng được sự phát triển của thiết kế loa sẽ diễn ra trong nhiều năm và thậm chí nhiều thập kỷ về sau đó.
Khái niệm “âm học tích hợp” độc quyền này cũng đã được áp dụng ở trong dự án Project Everest DD66000 và rồi được hoàn thiện hơn nữa trong các mẫu Everest DD65000 và DD67000 gần đây nhất.
Trong gần 30 năm, Paragon vẫn là một trong những hệ thống loa gia đình được đánh giá cao hàng đầu thế giới. Ngày nay, cùng với Hartsfield, Paragon vẫn là những mẫu loa được giới audiophile săn lùng bậc nhất.
(JBL Project Everest DD55000)
Khởi đầu JBL Project Everest
Năm 1986, JBL giới thiệu một hệ thống loa Project mới vẫn giữ lại cảm giác âm nhạc trọn vẹn của Paragon trong khi nâng cấp các đặc tính của nó bằng cách kết hợp sự phát triển và các tiến bộ liên tục trong 3 thập kỷ vào mọi khía cạnh của thiết kế. Đó chính là JBL Project Everest – phản ánh đỉnh cao những thành tựu của JBL mà nó đại diện. Nguyên bản ban đầu là Project Everest DD55000.
Lần đầu tiên, phần còn lại của chuỗi tái tạo âm thanh – chứ không phải củ loa hay các bộ chuyển đổi âm – sẽ quyết định các giới hạn về hiệu suất tổng thể tái tạo âm của hệ thống. Giống như Paragon và Hartsfield, Project Everest được xây dựng dựa trên công nghệ củ loa nén và các yếu tố xử lý định hình âm thanh nổi tinh tế hơn mức được coi là khả thi về mặt kỹ thuật trước đó.
Kể từ khi mẫu Project Everest ban đầu (DD55000) được giới thiệu, công nghệ thu âm và phát lại âm thanh đã trải qua một cuộc cách mạng với nhiều đổi mới tiến bộ. Với sự ra đời của đĩa CD, các tín hiệu thu âm rất khắt khe đã trở thành quy tắc chứ không còn là ngoại lệ. Nó như một nguồn chất liệu điển hình được phần lớn người đam mê âm thanh sử dụng và trở nên vượt trội so với chất liệu trình diễn tốt nhất chỉ vài năm trước đó. Về độ động tổng thể và độ đáp ứng tức thời, các bộ chuyển đổi âm tỏ ra yếu thế và một lần nữa trở thành một mắt xích tiềm ẩn yếu trong chuỗi tái tạo âm thanh cao cấp (high-end audio).
(JBL Project K2 S9500)
JBL Project K2 S9500 và Project K2 S5500
Chính trong bối cảnh này, JBL lại phải tiếp tục cải tiến và bắt đầu tạo ra các mẫu loa Project thứ 4 và thứ 5: mẫu Project K2 S9500 (năm 1989) và Project K2 S5500 (năm 1993). Như với mẫu Hartsfield, tính đơn giản của hệ thống loa 2 đường tiếng được xem là hướng thiết kế hứa hẹn nhất. Những tiến bộ trong thiết kế bộ chuyển đổi âm và căn chỉnh tần số thấp sẽ giúp xây dựng một hệ thống loa 2 đường tiếng có quy mô vật lý và âm học chưa từng có. Các kỹ sư JBL đã sử dụng các thành phần cốt lõi – bộ chuyển đổi âm tần số thấp và tần số cao – và tối ưu hóa chúng bằng cách thiết kế lại các cấu trúc từ tính, các màng nón và khung loa để đạt được độ tuyến tính, độ động cũng như độ đáp ứng tức thời cao hơn.
Trong những năm tiếp theo, sau khi giới thiệu K2 S9500 và K2 S5500, công nghệ tái tạo âm thanh lại trải qua một loạt thay đổi mang tính cách mạng khác, với sự ra đời của DVD-Video, Dolby Digital, DTS, DVD-Audio và Super Audio CS (SACD). Đáp ứng tần số lên tới 50kHz, cũng như các thông số kỹ thuật về dải động 3 chữ số hay tỉ lệ tín hiệu trên nhiễu SNR (signal-to-noise ratio) đã trở nên phổ biến. Để tái tạo một cách trung thực các đặc tính âm thanh mạnh mẽ như vậy, loa cần phải trải qua những cải tiến mạnh mẽ đối với công nghệ bộ chuyển đổi âm, mạng tín hiệu và kết cấu thùng loa.
JBL Project K2 S9800
Được giới thiệu năm 2000, mẫu JBL Project K2 S9800 áp dụng thiết kế loa 3 đường tiếng, tích hợp củ loa nén UHF (ultrahigh-frequency) và họng kèn để tái tạo dải tần số siêu cao lên tới 50kHz. Với củ loa UHF kiểm soát dải tần số cao hơn, bộ chuyển đổi âm tần số cao (HF transducer) sau đó có thể được nâng cấp lên thiết kế mới sử dụng màng loa 75mm (3-inch) giúp cải thiện khả năng tái tạo tần số thấp hơn và phối hợp tốt hơn với loa trầm, so với mẫu cũ dùng màng loa 50mm (2-inch) trên các thế hệ trước. Cả hai củ loa nén mới này đều sử dụng màng loa bằng vật liệu Beryllium phát triển mới để đạt được độ méo thấp nhất và khả năng đáp ứng tần số phẳng nhất có thể.
Để tái tạo dải động cực cao nhằm đáp ứng cho các nguồn phát nhạc hiện đại hơn, một bộ chuyển đổi âm hoàn toàn mới lại được JBL phát triển từ nền tảng, sử dụng nam châm AlNiCo, một cuộn dây âm 100mm và một nón loa 380mm (15-inch). Nỗ lực thiết kế và việc áp dụng mở rộng các hỗ trợ kỹ thuật máy tính là cần thiết để phát triển hiệu chỉnh tối ưu các thông số trong Project K2 S9800. Kết quả thu được là một bước tiến đáng kể trong giải pháp tái tạo âm thanh tiên tiến nhất, với một hệ thống loa có độ nhạy cao hơn và dải động rộng hơn đã trở thành hiện thực mà không bị nén công suất hay biến dạng, thậm chí ngay cả ở các mức truyền động âm cực cao.
(JBL Project Everest DD66000)
JBL Project Everest DD66000
Sự phát triển của hệ thống loa Project Everest DD66000 được thực hiện nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập JBL (năm 2006) và cũng là hiện thực hóa tiềm năng được tạo ra bởi những bước đột phá tích lũy một quá trình tiến bộ dài trước đó. Đặc điểm trang nghiêm của Hartsfield, kỹ thuật xử lý gỗ chế tác thủ công đặc biệt của Paragon, “âm học tích hợp” coi thùng loa như một phần mở rộng của các bộ chuyển đổi âm và các công nghệ củ loa tiên tiến nhất được xây dựng từ hai thế hệ phát triển của Project K2 đều được dồn hết vào thử thách mới này để mở rộng các khả năng về âm học và điện tử trong mẫu Project Everest DD66000.
Dẫu rằng mang trong mình sức mạnh và sự tinh tế của Thế kỷ 21, Project Everest DD66000 vẫn là sự kết hợp giao thoa chặt chẽ giữa truyền thống và công nghệ. Nó phản ánh chuyên môn về thiết kế, vật liệu, kỹ thuật và sản xuất được phát triển ngày càng đổi mới qua gần 6 thập kỷ kinh nghiệm, là di sản độc quyền của một nhà chế tạo loa nổi tiếng hàng đầu thế giới – JBL.
(JBL Project Everest DD67000)
JBL Project Everest DD67000
Dựa trên thành công vượt trội của Project Everest DD66000, năm 2013 JBL lại tiếp tục tạo nên bộ đôi Project Everest DD67000 và Everest DD65000, trong đó phiên bản DD67000 có một số nâng cấp giá trị hơn DD65000. Nhờ tiếp tục triển khai các cải tiến bổ sung đã giúp cho các mẫu loa này vượt xa hơn nữa so với tiêu chuẩn hiệu suất xuất sắc do hệ thống DD66000 đặt ra. Tuy nhiên về sau JBL chỉ còn duy trì mẫu Everest DD67000 thành công hơn.
(JBL Project Everest DD67000 Black Gloss edition tại Thanh Tùng Audio)
Như một đại diện toàn vẹn nhất cho những gì tinh túy giá trị nhất trong di sản những mẫu loa JBL đỉnh cao nhất, Project Everest DD67000 được người chơi săn lùng khắp thế giới, một phần do hãng cũng sản xuất với số lượng hạn chế.
Everest DD67000 có thiết kế bên ngoài nhìn gần như tương đồng với DD66000, tuy nhiên một số nâng cấp quan trọng được thực hiện ở các chi tiết bên trong. Là hệ thống loa 3 đường tiếng, Everest DD67000 sử dụng 2 củ loa woofer 380mm (15-inch), dải cao và trung đáp ứng bằng củ loa nén 100mm (4-inch) màng Beryllium, đặc biệt là dải tần siêu cao đáp ứng bằng một củ loa 25mm (1-inch) màng Beryllium. Dải tần đáp ứng của loa đạt từ 29Hz tới 60kHz.
Các sản phẩm loa JBL Premium cao cấp được phân phối tại Việt Nam bởi Thanh Tùng Audio (https://www.thanhtungaudio.com/)
(Mộc Thanh)