Tin mới
HTC One E8 Dual hấp dẫn hơn khi giá giảm một nửa
Trở lại thị trường Việt với phiên bản 2 Sim, vỏ nhựa, cài sẵn hệ điều hành Android Lollipop mới nhất, sử dụng CPU Snapdragon 801 2,5GHz, RAM 2GB và camera sau 13MP, HTC One E8 Dual đã trở thành chiếc smartphone tầm trung cực kỳ hấp dẫn.
Thiết kế
Ngay từ cái nhìn đầu tiên, rất dễ nhận thấy thiết kế của E8 Dual có cảm hứng bắt nguồn từ dòng flagship M8 của HTC. Thực ra, E8 Dual y hệt M8 nếu nhìn từ mặt trước, chỉ có đôi chút khác biệt do chất liệu vỏ. Ở mặt trước vẫn là màn hình 5 inch với viền đen, 2 đầu là cặp loa kép Boomsound. Ở đầu trên của máy có camera trước 5MP và các cảm biến ánh sáng/tiệm cận.
Xem kỹ, E8 Dual bắt đầu xuất hiện những điểm khác biệt so với M8. Bên cạnh trái E8 Dual vẫn chỉ có một khay cắm SIM nhưng có thể lắp 2 chiếc Nano SIM trên khay này, bên phải vẫn là khay thẻ MicroSD và nút tăng/giảm âm lượng. Tuy nhiên, nút âm lượng của E8 Dual có màu đen bóng, và được “giấu” trong phần viền màn hình cùng màu, khiến cho cạnh phải của máy trở nên gọn gàng hơn. Phía dưới vẫn là jack tai nghe 3.5mm và cổng microUSB, nhưng ở đỉnh máy nút nguồn của E8 đã được chuyển vào chính giữa thay vì đặt lệch về một bên như M8, và cũng không còn cổng hồng ngoại ở trên nữa. Nút âm lượng của E8 Dual được làm nổi và khá dễ bấm, trong khi nút nguồn lại bị chìm xuống khiến việc tác động vào nút này khó khăn hơn.
Sự khác biệt giữa E8 Dual và M8 trở nên rõ ràng ở mặt sau. Do sử dụng vỏ nhựa, E8 đã không còn cần tới những đường viền “xấu xí” hỗ trợ tiếp sóng như trên M8 nữa. Vị trí của camera phụ phía trên đỉnh M8 đã được thay bằng đèn LED ở E8, phía dưới là camera chính với độ phân giải 13MP. Bên cạnh camera là lỗ mic khi quay phim. Lô-gô HTC nằm ở chính giữa mặt lưng. Dù được trang bị NFC nhưng hãng đã không đánh dấu ký hiệu nào trên nắp lưng máy. Phải dò tìm mới thấy vị trí của tag NFC nằm ở chính dòng chữ HTC này. Đây là một điểm trừ so với phiên bản E8 của năm ngoái, trên dòng máy đó HTC đã cẩn thận in một ký hiệu NFC nhỏ ngay phía trên tên hãng để đánh dấu vị trí.
Dù vỏ được làm bằng nhựa nhưng cầm E8 Dual trên tay vẫn có cảm giác chắc chắn, đồng thời từng chi tiết vẫn được hoàn thiện một cách tinh xảo. Chất liệu nhựa mà HTC sử dụng trên E8 Dual không cao cấp như vỏ polycarbonate trên những chiếc flagship của Nokia, nhưng cũng không để lộ sự “ọp ẹp” như các dòng máy thấp hơn, có lẽ là nhờ thiết kế unibody của E8 Dual. Tuy nhiên, lớp vỏ sơn trắng bóng cực kỳ bám vân tay và dễ xước dăm. Chỉ sau vài ngày sử dụng là trên vỏ máy sẽ xuất hiện những vết xước nhỏ. Nếu HTC thay sơn bóng bằng bề mặt nhám hơn thì nhược điểm này sẽ được khắc phục. Tuy nhiên, xét chung trong tầm giá (mới giảm), E8 vẫn là một chiếc điện thoại với thiết kế rất đẹp, tinh tế và cao cấp.
Màn hình
Về cơ bản, màn hình của One E8 Dual y hệt như One M8, với độ phân giải 1.920 x 1.080 pixel và sử dụng tấm nền IPS Super LCD3. Tuy không có được độ đen sâu và những màu sắc sặc sỡ như màn hình OLED của Samsung, nhưng màn hình của E8 Dual vẫn có góc nhìn rất rộng, độ sáng cao cùng màu sắc rất tươi và thật. Độ sáng màn hình của One E8 cao đến nỗi chỉ cần để ở mức 50% là đã tương đương tỷ lệ 60 - 70% trên một số điện thoại khác và đủ để kiểm soát tốt nội dung ngoài trời nắng.
Với độ phân giải full HD, mọi nội dung được hiển thị trên màn hình của One E8 Dual đều rất rõ ràng, sắc nét và trung thực, mặc dù có kích thước màn hình 5 inch thay vì chỉ 4,7 inch như những thế hệ One đầu tiên. Vì có màn hình xuất sắc nên E8 Dual sẽ là một lựa chọn phù hợp đối với những người dùng chú trọng tính năng giải trí.
Âm thanh
Ở mặt trước, cặp loa ngoài Boomsound trên M8 cũng xuất hiện trên E8 Dual và nó cũng đem lại chất lượng tương tự. Âm lượng của cặp loa này rất lớn khi để ở mức cao nhất và vẫn giàu tiếng bass mà không bị vỡ, chói. Có lẽ do sử dụng vỏ nhựa nên loa ngoài của E8 Dual không đạt được độ chi tiết tương đương với M8. Dù sao, cặp loa Boomsound trên E8 Dual vẫn là điểm hấp dẫn và sẽ cung cấp hiệu quả thú vị cho người dùng, đặc biệt khi chơi game.
Tuy nhiên, công nghệ Boomsound mà HTC dùng để tăng âm lượng lại “phá hỏng” hoàn toàn chất âm khi cắm tai nghe. Nếu bật chế độ Boomsound, mọi âm thanh phát qua tai nghe sẽ ù đi và không thể thưởng thức được. Ngay cả những người “mù” công nghệ và âm thanh cũng phải thừa nhận chất âm phát qua tai nghe của E8 Dual quá dở trong chế độ Boomsound. Phải tắt chế độ này mới có thể sử dụng tai nghe một cách bình thường.
Chất lượng cuộc thoại trên One E8 Dual là xuất sắc, tiếng đàm thoại từ đầu dây bên kia rõ ràng và ít bị lẫn tạp âm. Ở nơi đa số những smartphone khác đã hoàn toàn mất tín hiệu, E8 Dual vẫn giữ được 1 vạch sóng và cho phép nghe/gọi một cách bình thường.
Camera
Không sở hữu nhiều công nghệ như camera của One M8, nhưng E8 vẫn thể hiện khá tốt trong nhiều tình huống chụp khác nhau, đặc biệt khi đã được nâng cấp lên Android Lollipop.
Trên One E8 Dual, thay vì sử dụng cụm camera kép 4MP Ultrapixel tự phát triển cho M8, HTC đã mua camera 13MP từ một nhà sản xuất khác. Với độ phân giải cao hơn, camera trên E8 Dual đem lại những bức ảnh nhiều chi tiết hơn, nhưng đổi lại, ảnh chụp trong điều kiện ánh sáng yếu không đẹp bằng, khả năng lấy nét chậm hơn và không có tính năng chụp trước lấy nét sau "U-Focus" trên One M8. Trong khi đó, camera trước của máy cũng có độ phân giải 5MP như M8 nhưng không có ống kính góc rộng.
Một điểm khá ấn tượng là HTC One E8 Dual lấy nét và chụp rất nhanh, ngay cả với độ phân giải cao nhất. Đó là nhờ bộ xử lý Snapdragon 801 kết hợp cùng chip xử lý hình ảnh riêng của HTC. Với camera của E8, người dùng dễ dàng "chộp" được những khoảnh khắc thoáng qua để lưu giữ và chia sẻ bằng các bức ảnh chất lượng.
Giao diện ứng dụng camera của One E8 Dual có đầy đủ các lựa chọn như One M8, bao gồm cả chế độ Zoe (chụp và quay liên tục ảnh/clip để ghép lại thành một video) và Manual. E8 Dual chỉ bị mất đi chế độ HDR Video, cùng với tính năng chụp trước lấy nét sau có trên M8. Chế độ chỉnh tay Manual cung cấp khả năng sáng tạo tự do cho giới master với đầy đủ các lựa chọn như cân bằng trắng, ISO, tốc độ, khẩu độ... Đối với những người dùng bình thường, HTC cũng đưa ra một loạt các chế độ lập trình như: chân dung, chụp đêm, cận cảnh, phong cảnh... kèm theo nhiều hiệu ứng hình ảnh khác nhau.
Về cơ bản, những bức ảnh được chụp trong điều kiện ánh sáng tốt từ E8 Dual cho màu sắc trung thực, độ chi tiết tốt. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, màu sắc của ảnh trên E8 Dual còn đẹp hơn cả M8, và đương nhiên chi tiết hơn nhiều do có độ phân giải lớn gấp 3 lần. Nếu soi xét kỹ có thể nhận thấy những bức ảnh của E8 thường có độ nét bị giảm ở ngoài rìa. Có thể do chất lượng thấu kính của camera trên E8 Dual không cao bằng M8. Với khẩu độ f2.2, E8 Dual tỏ ra khá xuất sắc với những tấm hình chụp cận cảnh có trường ảnh nông, tuy phần nền mờ vẫn hơi bị noise, nhưng đây không phải là nhược điểm quá lớn.
Trong điều kiện thiếu sáng hay chụp đêm, hầu hết smartphone đều khó chụp được những bức ảnh đẹp, nhưng sản phẩm từ camera của E8 Dual có thể chấp nhận được nếu chỉ để chia sẻ qua Internet. Khi phóng ảnh lên sẽ thấy ảnh bị mất khá nhiều chi tiết do phần mềm của máy đã cố gắng khử noise. Tuy trong điều kiện ánh sáng yếu thì không thể so được với "đàn anh" M8, nhưng camera của E8 Dual vẫn có thứ hạng cao trong phân khúc tầm trung.
Hiệu năng và thời lượng pin
Sở hữu cấu hình y hệt One M8 với SoC Snapdragon 801 lõi tứ 2.5Ghz, GPU Adreno 330 và RAM 2GB, không ngạc nhiên khi One E8 Dual đạt được hiệu năng rất tốt. Với cấu hình thuộc hạng flagship của năm trước, tình trạng lag hoàn toàn không xảy ra khi phải thực hiện các tác vụ nặng. Ngay cả khi chơi những game nặng như Real Racing 3, chỉ số frame rate cũng chỉ bị giảm đôi chút ở vạch xuất phát - thời điểm mà E8 Dual phải xử lý hình ảnh cho cả 20 chiếc xe trên đường đua. Chạy test hiệu năng bằng một số phần mềm chấm điểm nổi tiếng như Quadrant, Geekbench 3 hay Antutu, E8 Dual đều đạt điểm số tương đương với M8.
Được trang bị khối pin liền dung lượng 2.600mAh, thời lượng sử dụng của E8 Dual đạt mức trung bình đối với một mẫu smartphone có thiên hướng giải trí. Khi khởi động máy lần đầu, pin sụt khá nhanh và chỉ trụ được khoảng 8 tiếng liên tục lướt web bằng Wifi và nghe nhạc qua tai nghe Bluetooth. Tuy nhiên, sau một chu kỳ sạc-xả, máy đã chạy ổn định với cường độ 1 ngày liên tục kết nối WiFi, làm việc với các ứng dụng online và nghe/gọi bình thường. Thử phát liên tục một bộ phim HD 720p với loa ngoài và độ sáng màn hình 70%, tắt tất cả các kết nối, E8 Dual “sống” được khoảng hơn 9 tiếng trước khi tắt hoàn toàn.
Đánh giá chung
Không có cổng hồng ngoại, camera kép và vỏ nhôm như One M8, nhưng với cấu hình phần cứng gần như y hệt, One E8 Dual vẫn thể hiện được nhiều phẩm chất khá ấn tượng. Với thiết kế đẹp, hiệu năng cao và ổn định, màn hình “nịnh mắt”, camera mạnh, chất lượng âm thanh và đàm thoại tốt, thời lượng pin chấp nhận được... có thể nói One E8 Dual là một trong những smartphone tầm trung hấp dẫn nhất hiện nay.
Với 6,4 triệu đồng trong tay, “dân công nghệ” có thể sẽ nghĩ ngay tới những mẫu điện thoại second-hand đầu bảng của năm ngoái như Xperia Z2, Galaxy S5 hay chính chiếc One M8... chứ không phải One E8. Tuy nhiên, với một khách hàng bình thường, cần mua một chiếc smartphone đáp ứng tốt cho công việc, giải trí kèm bảo hành chính hãng, thì HTC One E8 Dual là lựa chọn rất đáng cân nhắc. Mà rất có thể, khi bài viết này lên khuôn in, One E8 còn tiếp tục hạ giá.