Tin mới
Huawei Mate X và Galaxy Fold: mặc sức sáng tạo
Gọi chung là smartphone màn hình gập nhưng cả Mate X hay Galaxy Fold lại có những nét riêng, đây mới là điều thú vị ở giai đoạn đầu của kiểu thiết kế này
Có khá nhiều smartphone màn hình gập đã có mặt trong một vài năm trở lại đây nhưng Huawei, Samsung là 2 ông lớn được nhớ tới nhiều nhất bởi Mate X hay Fold cho thấy sự hoàn thiện và đã gần ngày bán ra hơn bao giờ hết.
Nếu như smartphone ngày nay chỉ có dạng thanh thẳng, bổ sung thêm một vài nút bấm, màn hình đục vài lỗ và màu sắc làm bóng bẩy hơn, smartphone gập lại là nơi để các hãng thoả sức sáng tạo, không bị cản trở bới bất kỳ tiêu chuẩn nào. Cùng là gập nhưng nhìn kỹ mới thấy Mate X và Galaxy Fold chẳng giống nhau chút nào.
Huawei Mate X mặc dù ra mắt sau tại MWC 2019 nhưng lại được đưa về Việt Nam sớm hơn Galaxy Fold.
Kích thước
Huawei Mate X có kích thước khi mở ra là 161,3 x 146,2 x 5,4 mm còn khi gấp lại 161,3 x 78,3 x 11 mm. Màn hình tấm nền OLED khi mở máy sẽ đạt kích thước 8 inch với độ phân giải 2480x2000 pixels theo tỷ lệ 8:7. Nếu không thích, người dùng có thể gập lại Mate X sẽ trở về với màn hình đơn kích thước 6,6 inch (2480 x 1148 pixel) theo tỷ lệ 19,5:9.
Còn với Galaxy Fold, hãng không cho chúng ta thông số cụ thể, chỉ biết rằng khi gập lại, chiếc máy này dày 17mm còn mở ra là 6,9mm. Màn hình chính 4,6 inch (HD+, tỷ lệ 21:9) và khi mở ra là 7,3 inch (1536 x 2152 pixel, tỷ lệ 16:10). Có thể thấy Mate X kích thước lớn nhưng lại mỏng hơn Galaxy Fold. Màn hình 8 inch của Mate X có vẻ mới đúng vai trò như một chiếc tablet bởi smartphone hiện nay cũng đã đạt tới kích cỡ 6,4 – 6,9 inch.
Thiết kế
Huawei gọi thiết kế gập trên Mate X là “Cánh chim ưng” (Falcon Wing) tức là cả sẽ được gập ra ngoài, luôn luôn có màn hình ở cả 2 mặt. Để mở bản lề này sẽ có một nút gạt nằm dưới cụm camera của máy. Trong khi Galaxy Fold lại gập vào bên trong như một cuốn sổ, khi đóng lại sẽ chỉ có một màn hình phụ nhỏ ở bên ngoài. Cách thiết kế của Fold được đánh giá là thông minh hơn bởi nó có thể bảo vệ màn hình tốt còn màn hình của Mate X lúc nào cũng lộ ra ngoài rất dễ xước, có đặt máy xuống bề mặt nào cũng thấy không yên tâm. Đó là còn chưa kể trường hợp có thể chạm nhầm vào màn hình, gọi nhầm cho ai đó. Nếu làm rơi, màn hình sẽ chịu tác động trực tiếp. Gần đây, một số công ty phụ kiện cũng tiết lộ vài mẫu ốp lưng dành cho Galaxy Fold do màn hình hiển thị chính đều nằm ở bên trong. Đối với Mate X, màn hình ở bên ngoài thì chưa hiểu vỏ bảo vệ sẽ làm kiểu gì để vừa mang tính thẩm mỹ, vừa không làm ảnh hưởng trải nghiệm cảm ứng trên chiếc máy này.
Ốp lưng cho Galaxy Fold. Bù lại, Mate X cũng có những thành tựu đáng khen, với một smartphone gập có nghĩa là có thể biến đổi linh hoạt vì vậy chỉ cần duy nhất một cụm camera để làm thực hiện tất cả các chức năng trong khi Galaxy Fold có tới 3 hệ thống camera ở trước, sau và giữa chiếm rất nhiều diện tích, đó là lý do tại sao màn hình trong Galaxy Fold bị khuyết góc.
Camera
Như đã nói ở trên, Huawei Mate X sở hữu một cụm 3 camera duy nhất cho mọi mục đích sử dụng. Cấu hình bao gồm một ống kính thường 40MP, khẩu độ f/1.8, một camera telephoto 8MP khẩu độ f/2.4 và một góc siêu rộng 16MP, f/2.2. Với cách bố trí này, Mate X sẽ mang tới trải nghiệm chụp hình khá thú vị khi người chụp và người được chụp đều có thể thấy hình ảnh qua 2 màn hình. Nếu đã từng bắt gặp những cô nàng mặc dù đi cùng cả nhóm bạn nhưng vẫn tự tay cầm smartphone để selfie vì không thể tin tưởng người khác, bạn sẽ thấy được nét khác biệt này của Mate X.
Trong khi đó, Galaxy Fold được trang bị tổng cộng 6 camera nằm ở cả 3 cạnh, bao gồm mặt trước, mặt trong và mặt sau. Bộ 3 camera chính của máy bao gồm ống kính siêu rộng 16MP f/2.2 với góc 123 độ, ống kính tele 12MP f/2.4 có chức năng ổn định quang học, và ống kính góc rộng 12MP cũng có chức năng ổn định quang học, và khẩu độ thay đổi từ - f/1.5 đến f/2.4.
Cụm camera kép trên mặt hiển thị ở chế độ máy tính bảng gồm ống kính góc rộng 10MP f/2.2, và ống kính chiều sâu 8MP f/1.9 RGB. Cụm camera này sẽ chiếm một phần diện tích ở không gian trên cùng góc bên phải màn hình. Khi gập lại, Galaxy Fold còn có một camera trước hoạt động như camera selfie với độ phân giải 10MP f/2.2. Đáng chú ý, Galaxy Fold có thể quay video 4K ở 60fps còn Mate X chỉ đạt 30fps mà thôi.
Rõ ràng, Galaxy Fold vượt trội với trang bị hùng hậu tuy nhiên đó chưa phải đã hay bởi khi muốn chụp ảnh, sẽ khá mông lung không biết sử dụng cụm camera nào cho hợp lý. Còn Mate X chỉ chụp bằng camera duy nhất, nổi bật là cảm biến 40MP cao hơn hẳn Galaxy Fold.
Về chất lượng hình ảnh, hiện tại chưa có đơn vị nào trên thế giới được trải nghiệm thực tế 2 chiếc máy này đủ lâu nên chưa thể đưa ra đánh giá.
Pin
Smartphone màn hình gập có kích thước lớn hơn bình thường khá nhiều và trang bị cũng dồi dào hơn vì vậy một viên pin lớn là thứ bắt buộc phải có. Ở khoản này cả Mate X và Galaxy Fold đều bám đuổi nhau sát nút với dung lượng lần lượt là 4.500mAh và 4.380mAh. Nhưng Mate X lại vượt trội hơn nhờ sạc nhanh 55W giúp máy đạt 85% chỉ trong 30 phút còn Galaxy Fold chỉ có sạc nhanh 18W tương đương với chuẩn Quick Charge 3.0.
Cấu hình và mức giá
Huawei Mate X sở hữu vi xử lý HiSilicon Kirin 980 đang được dùng trên Mate 20 Pro đi kèm RAM 8GB và ROM 512GB. Huawei còn biết cách tạo điểm nhấn khi trang bị chip Balong 5000 giúp máy có khả năng kết nối 5G với tốc độ cực nhanh. Đây cũng là vi xử lý 5G đầu tiên được xây dựng trên tiến trình 7nm.
Galaxy Fold cũng không chịu kém cạnh nhờ vi xử lý Snapdragon 855, RAM lên tới 12GB và ROM 512GB. Không cần gì phải bàn cãi về sức mạnh của 2 chiếc máy này bởi lượng thông tin xử lý là quá lớn nếu không đủ mạnh sẽ không thể đảm đương nhiều màn hình cùng lúc.
Mức giá là thứ khiến nhiều người đau đầu nhất, ở thời điểm đầu những sản phẩm mang hàm lượng sáng tạo cao như thế này đều không hề có giá dễ chịu. Galaxy Fold được bán với giá 1.980 USD trong khi Mate X còn gây sốc với con số 2.600 USD tuy nhiên Việt Nam chưa chắc nằm trong danh sách phân phối sản phẩm này.
Kết luận
Có một điều chắc chắn đó là những smartphone màn hình gập như Huawei Mate X hay Samsung Galaxy Fold đang đem tới làn gió mới cho thị trường smartphone bị dập khuôn kể từ khi chiếc iPhone đầu tiên ra mắt năm 2008. Các hãng có thể thi nhau trang bị những công nghệ tốt nhất mà họ có để đem tới nhiều kiểu gập màn hình, nhiều cách sắp xếp linh kiện, nhiều dung lượng pin, nhiều tùy biến phần mềm đó là còn chưa kể một loạt trang bị như sạc nhanh, sạc không dây, hệ thống âm thanh, ... Tất cả mới chỉ là bắt đầu và không nên khắt khe với bất cứ sản phẩm nào vì có những thử nghiệm như thế mới làm tiền đề cho những sản phẩm tuyệt vời hơn sau này.