Tin mới

Làm quen với máy tính mini Intel Compute Stick

Tiếp tục xu hướng máy tính nhỏ gọn tích hợp tất cả trong một, mới đây Intel Việt Nam đã giới thiệu chiếc máy tính mini Compute Stick với kích cỡ chỉ lớn hơn một chiếc USB Flash Drive. Dù chỉ nhỏ như 2 ngón tay nhưng thiết bị này được cài đặt hệ điều hành Windows 8.1 đầy đủ và có khả năng nâng cấp lên phiên bản Windows 10 vào cuối tháng 7 này.

Làm quen với máy tính mini Intel Compute Stick ảnh 1

Được giới thiệu lần đầu tại CES 2015 vào tháng 1/2015, Intel Compute Stick giống những chiếc máy tính tí hon chạy Android với cổng xuất hình ảnh chuẩn HDMI, kết nối WiFi, Bluetooth, USB… Ưu điểm của những thiết bị chạy Android là giá phải chăng, có khả năng biến một chiếc tivi thông thường thành một SmartTV kết nối Internet, tải và cài đặt ứng dụng, chơi game, xem video từ các trang chia sẻ… 

Intel Compute Stick có sức mạnh hơn hẳn các sản phẩm chạy Android kể trên vì thiết bị này là một mẫu máy tính chuẩn có thể cài đặt cả một hệ điều hành Windows đầy đủ (vốn chiếm bộ nhớ khá lớn). Với kích cỡ chỉ nhỏ như chuôi dao, Compute Stick vẫn có khả năng thực thi các tác vụ của một chiếc PC bình thường. Khi những điểm ưu việt kể trên được kết hợp với yếu tố giá thành thấp, phạm vi ứng dụng của Compute Stick sẽ rộng mở hơn rất nhiều.

Thoạt nhìn về kiểu dáng, Intel Compute Stick giống một chiếc USB Flash Drive, tuy nhiên khi xem xét sản phẩm trên tay người ta sẽ nhận thấy nhiều điểm khác biệt. Đầu tiên là cổng kết nối HDMI, tiếp đến là ở mặt trên (có lô-gô Intel inside) có 2 khu vực đục lỗ, qua 1 trong 2 vùng tản nhiệt này có thể thấy rõ chiếc quạt gió cỡ nhỏ. Mặt còn lại in thông tin cụ thể về sản phẩm. Hai cạnh của Compute Stick được bố trí nhiều nút bấm và cổng giao tiếp, với một cạnh là nút bật/tắt nguồn, cổng microUSB (cấp điện cho thiết bị) và kết nối USB 2.0, trong khi cạnh còn lại có khe cắm thẻ microSD. Để kết nối Compute Stick với những thiết bị hiển thị có cổng HDMI thụt sâu vào trong, Intel cung cấp thêm một sợi dây dùng nối dài cổng HDMI. Ngoài ra, một điểm cần lưu ý là Compute Sticks sử dụng quạt tản nhiệt, vì vậy chỉ nên khởi động thiết bị tại các vị trí thông thoáng, tránh tình trạng quá nóng.

Trong hộp sản phẩm còn có một Adapter dùng để chuyển điện lưới thành dòng 5V ~ 2A. Cục nguồn này có thông số tương đương với bộ sạc cho tablet và smartphone, do vậy Compute Stick sẽ làm việc tốt với nguồn điện từ pin dự phòng (có cổng USB cấp dòng 2A). Cần lưu ý là các Tivi đời mới cũng có cổng USB, song Intel khuyến cáo là dòng điện từ các cổng này thường có cường độ thấp hơn (chỉ từ 0,5 - 1A) mức Compute Sticks cần, nên nếu kết nối vào loại cổng này thì thiết bị sẽ không hoạt động ổn định.

Làm quen với máy tính mini Intel Compute Stick ảnh 2

Khi dùng thử sản phẩm, điều đầu tiên phải kể đến ở Sticks là sự thiếu thốn các cổng kết nối thiết bị ngoại vi. Vì chỉ có 1 khe cắm USB nên cách tốt nhất là trang bị thêm USB Hub để mở rộng thêm số cổng kết nối, thực tế là khi lắp thêm phụ kiện này thiết bị đã hoạt động khá ổn định. Trường hợp khác, nếu người dùng sở hữu một bàn phím hoặc chuột dùng kết nối Bluetooth thì Intel Compute Stick cũng hỗ trợ kết nối không dây này.

Phiên bản Compute Stick mà Intel bán ở Việt Nam được cài đặt Windows 8.1 with Bing, có 2GB bộ nhớ RAM và 32GB bộ nhớ trong (phiên bản chạy Ubuntu với RAM 1GB, ROOM 8GB chưa có ở Việt Nam). Thiết bị được tích hợp vi xử lý Intel Atom Bay Trail Z3735F, đây là con chip không quá mới của Intel với công nghệ bán dẫn 22nm, 2MB Cache và xung nhịp 1,33GHz (turbo boost 1,83GHz). Với cổng HDMI và bộ vi xử lý này, Compute Stick có khả năng xuất hình ảnh với độ phân giải tối đa 1.920 x 1.080pixels. Trong quá trình thử nghiệm ở mức thông thường, cài đặt trình duyệt Google Chrome và chơi một vài bản nhạc trên mạng thì thấy máy đáp ứng khá ổn. Tuy nhiên, khi dùng một thiết bị ngoại vi kết nối bluetooth với Compute Sticks, thỉnh thoảng cột sóng WiFi trên màn hình bị tụt xuống, kết nối mạng lúc đó cũng không được ổn định. Trong trường hợp đó, nếu không thực sự cần Bluetooth, người dùng nên tạm ngắt kết nối này. 

Phạm vi ứng dụng của Compute Stick khá rộng mở, nhờ sự nhỏ gọn và các ứng dụng có sẵn, chiếc máy tính mini này có thể biến chiếc Tivi thông thường thành một SmartTV. Sau đó, kết nối và cài đặt các ứng dụng xem truyền hình trực tuyến, hoặc trình chiếu những bộ phim Full HD thông qua ổ cứng trong mạng LAN hoặc ổ cứng di động thông qua kết nối USB. Compute Stick cũng có ứng dụng hỗ trợ việc truyền tải game giữa các máy tính khác nhau để đưa lên màn hình. Bằng cách này người dùng có thể mở máy tính ở một phòng khác, nhưng vẫn có thể ngồi chơi tại chiếc Tivi đã kết nối với Compute Stick.

Làm quen với máy tính mini Intel Compute Stick ảnh 3

Trong vai trò máy tính cá nhân, nhờ khả năng chạy với nguồn điện thấp, Compute Stick có thể dùng nguồn pin dự phòng. Có thể truy cập vào máy tính mini này qua thiết bị di động Android hoặc iOS thông qua những ứng dụng có chức năng điều khiển từ xa như Microsoft Remote Desktop, Teamviewer hay VNC… Chương trình Remote Desktop mặc định trong phiên bản Windows 8.1 with Bing cài sẵn trên máy đã bị cắt bỏ, người dùng cần tải một bản vá để cài đặt lại module này, hoặc mua một key bản quyền Windows 8.1 Pro để được Microsoft hỗ trợ cài đặt tự động.

Nhiệt độ là khía cạnh mà người dùng cần quan tâm khi sử dụng Intel Compute Stick. Trong quá trình thử nghiệm thiết bị nóng lên khá nhanh, sau tầm 15 phút chơi nhạc và gõ văn bản, nhiệt độ trên vỏ thiết bị đạt đến gần 60 độ C. Lúc này, quạt tản nhiệt của Compute Sticks hoạt động và phát tiếng kêu nhỏ.

Trả 4 triệu đồng, người dùng sẽ có một chiếc máy tính mini bỏ vừa túi áo và chỉ dùng nguồn điện tương đương với dòng sạc cho smartphone, tablet. Mặc dù Compute Stick có nhiều ứng dụng thực tiễn hữu ích và thú vị, nhưng nó còn quá mới và thị trường cần một thời gian để làm quen và gắn bó với chiếc máy tính siêu nhỏ gọn này. Sau sản phẩm đầu tay, chắc chắn các phiên bản kế tiếp của Compute Stick sẽ còn mạnh mẽ và đa năng hơn. Phải chăng tiếng chuông báo tử của thế hệ PC cồng kềnh như chiếc va-li lắp ổ cứng 3,5 inch đã điểm?

Làm quen với máy tính mini Intel Compute Stick ảnh 4

Cấu hình Intel Compute Stick

Kích thước: 103,4 x 37,6 x 12,5mm

CPU: Intel Atom Bay Trail Z3735F, (4 x 1.33GHz)

Hệ điều hành: Windows 8.1 32-bit

Bộ nhớ trong: 32GB

Thẻ nhớ: MicroSD

Kết nối: USB 2.0, microUSB (Nguồn), Wi-Fi b/g/n, Bluetooth 4.0

Giao tiếp hình ảnh: HDMI 1.4a

Xuân Thành