Tin mới
LG V10 - smartphone có âm thanh tốt nhất
Đây là nhận xét của nhiều người chơi âm thanh, trong đó có phóng viên Nghenhinvietnam.vn sau một tuần đánh giá, so sánh và thử nghiệm phối ghép với nhiều tai nghe khác nhau.
Như bao người yêu công nghệ âm thanh khác, LG V10 đã tạo cho tôi một sự hiếu kỳ đặc biệt, máy được trang bị chip DAC ESS với mã hiệu là Sarbe 9018C2M, tích hợp amp cũng của ESS với mã hiệu là ESS9602C để chịu trách nhiệm ở tầng analog, một điều mà chưa hãng điện thoại nào thực hiện trước đó. Thậm chí, cũng chỉ có một số máy nghe nhạc chuyên dụng của các thương hiệu iBasso, Fiio, Astell&Kern v.v., là sử dụng phần cứng tương tự.
LG V10 là chiếc điện thoại có thiết kế đẹp, mành hình sắc nét, camera tốt, thậm chí tôi đã sử dụng camera của V10 để chụp bộ ảnh cho một bài đánh giá về chiếc tai nghe tầm trung đang rất thu hút người dùng hiện nay, chất lượng hình ảnh khi chụp ở chế độ HDR của V10 rất tốt. Chiếc điện thoại của LG còn khiến người dùng hài lòng ở nhiều điểm khác, như màn hình nhỏ (màn hình thứ hai) có thể ghi tên người dùng, chức năng nhấp đúp vào màn hình để mở máy v.v.. Nếu có sự bất tiện thì đó là việc cụm phím âm lượng đặt trên lưng máy, khiến người dùng phải nhấc máy lên điều chỉnh khi đang đặt máy trên bàn làm việc.
Quay lại với khả năng trình diễn âm nhạc của V10. Tuy chưa dám khẳng định V10 là thiết bị có âm thanh hay nhất thế giới, nhưng chắc chắn xứng đáng với danh hiệu điện thoại phát nhạc thông minh và hiện đại nhất. Điều này được thể hiện ở chức năng tự động bật chế độ 32bit Hi-fi DAC khi cắm tai nghe vào máy, lợi ích đầu tiên là giúp V10 có thể sử dụng pin hiệu quả hơn vì khi âm thanh được xử lý qua con ship DAC ESS sẽ rất “ngốn” pin. Tất nhiên khi sắp hết pin hoặc không yêu cầu cao về chất lượng âm thanh chúng ta có thể tắt chức năng Hi-fi để kéo dài thời gian hoạt động. Lúc này máy sẽ tự động chuyển việc xử lý tín hiệu âm thanh qua vi xử lý Snapdragon 808 như bao điện thoại thông thường khác.
Hay hơn nữa, máy có thể tự nhận diện trở kháng của tai nghe sử dụng và điều chỉnh mức âm lượng sao cho phù hợp. Với những tai nghe 8-50 ohm, máy sẽ ở chế độ low gain, với tai nghe có trở kháng 50-600 ohm, máy ở chế độ high gain để kéo tai nghe tốt hơn, còn với ngõ vào có trở kháng từ 700 ohm trở lên, máy sẽ xuất tín hiệu line out cho ampli, không phải chuyển đổi bằng tay, hay vặn âm lượng mỏi cả tay như những máy nghe nhạc chuyên dụng khác. Tất nhiên, cũng có nhược điểm ở cách làm này. Với những mẫu tai nghe có trở kháng thấp nhưng lại có độ nhạy cũng thấp, cụ thể trong trường hợp RHA T20i với trở kháng là 15Ohm nhưng độ nhạy chỉ 90dB, máy sẽ nhận dạng đây là một chiếc tai nghe dễ kéo và tự động mặc định ở mức low gain, kết quả sẽ khiến cho công suất không đủ để kéo ra chất âm của tai. Đây là lý do khi sử dụng RHA T20i trên LG V10 âm thanh không được thể hiện tốt như nhiều thiết bị khác, thậm chí kém hơn cả iPhone.
Dẫu sao, đây là trường hợp cả biệt. Thử chuyển sang Earsonics SM64, tai nghe có trở kháng cao và độ nhạy cao, V10 sẽ tận dụng được lợi thế tự động chuyển lên hi gain. Người dùng nhờ đó không cần phải bật âm lượng quá lớn mới có thể nghe được rõ âm. Cần lưu ý là với trở kháng lên đến 98 ohm và độ nhạy cũng rất cao lên đến 122 dB/mW, khi ở hi gain, nếu người dùng lỡ tay tăng âm lượng quá lớn sẽ khiến âm thanh trên SM64 bị vỡ âm, nếu người dùng không có kinh nghiệm về âm thanh sẽ nghĩ là tai nghe này bị hỏng, hoặc tai nghe chất lượng kém.
Về phối ghép, V10 sẽ hợp với những mẫu tai nghe phổ thông có trở kháng trong khoảng 15Ohm - 50Ohm và độ nhạy khoảng 100 đến 120db, và đặc biệt phát huy hiệu quả với chiếc tai nghe đi kèm theo máy được AKG phát triển. Trong một tuần thử nghiệm với V10, ngoài việc sử dụng chiếc tai nghe đi kèm, người viết có thử so sánh với một số mẫu tai nghe khác như: Earsonis SM64, RHA T20i, Dunu Titan 5, Sennheiser Momentum in-ear, MEE audio Pinnacle P1, MEE audio M6 Pro, Audio Technica ATH MSR7, Sennheiser HD598. Kết quả, với chất âm trung tính có phần thiên sáng, V10 gần như hợp với hầu hết những mẫu tai nghe, trừ trường hợp RHA T20i như đã nói ở trên, và việc hơi đuối khi kéo Sennheiser HD598.
Tổng thể âm của LG V10 là khá tự nhiên, thiên sáng, đạt độ chi tiết cao, với khả năng tách lớp khá tốt. Bass đánh có lực, khá gọn, cùng tốc độ phản ứng rất nhanh, nhưng hơi nhấn vào mid bass, phần Sub bass có thể hiện nhưng chưa rõ ràng, khiến bass chưa thực sự xuống đủ sâu, tuy nhiên do được kiểm soát rất tốt nên không bị cảm giác dư thừa, đồng thời giúp dải mid khá sạch sẽ. Giọng ca sĩ thể hiện khá mượt, rõ nét và tình cảm, được nhấn hơn vào phần hi-mid, điều này sẽ khiến cho V10 thể hiện tốt giọng nữ hơn giọng nam, tất nhiên có thể dung hoà bằng cách phối ghép với những tai nghe có tone âm hơi tối như Earsonics, Dunu, Sony v.v.. Dải treb được cho là dải hay nhất của V10, phong phú, rất giàu năng lượng, với độ sắc nét hiếm thấy ở một chiếc smartphone hiện nay.
Âm trường rất rộng, các kênh trái và phải cân bằng, không gian được mở rộng theo chiều ngang là rất tốt. Khả năng bóc tách nhạc cụ cũng rất khá, V10 sẽ thể hiện tốt nhất hiệu quả âm trường khi phối ghép với những tai nghe dạng entry như mẫu tai nghe AKG đi kèm máy, giúp tôn tai nghe lên tầm cao mới, với độ chi tiết và không gian 3D được mở rộng hơn.
Không chỉ vượt trội các smartphone cao cấp, V10 còn có những ưu điểm hơn cả so với các máy nghe nhạc chuyên nghiệp ở khả năng hỗ trợ âm thanh 32bit hi-fi Dac với hầu hết các ứng dụng được cài đặt trên máy. Chính sự phong phú về ứng dụng của chợ Android giúp người dùng thoả sức khám phá những nguồn nhạc trên internet. Bạn hoàn toàn có thể tận hưởng những bản nhạc với chất lượng âm thanh phòng thu từ Beats Musics, hay Google Play Music với hàng triệu bài hát, tất nhiên với trình nghe nhạc được LG cài mặc định trên máy bạn cũng có thể tiếp cận với đa dạng các định dạng nhạc MP3, M4A, FLAC, ALAC hay DSD, gần như không còn phải quan tâm file nhạc này đang ở định dạng gì, chỉ cần chép vào bộ nhớ của máy và tận hưởng.
Tất nhiên, đặt cạnh một chiếc máy chuyên nghe nhạc như DX80 có thể dễ dàng thấy sự chênh lệch về đẳng cấp về độ chi tiết, độ sâu của âm trường. Dù vậy, V10 vẫn cho thấy điểm sáng ở dải treb, không hề thua kém Dx80. Ngoài ra, nếu như biết tận dụng thế mạnh của máy và chọn lựa tai nghe cho phù hợp, chúng ta hoàn toàn có được một bộ nghe nhạc với chất lượng vượt xa mức giá, trong khi hoàn toàn không cần bỏ túi thêm một chiếc điện thoại. Trong trường hợp này, nếu không dùng tai nghe AKG đi kèm, một số lựa chọn cao hơn có thể kể đến là Dunu Titan 5 hay Earsonics SM64.
Với cá nhân người viết, LG V10 cho thấy khoảng cách với máy nghe nhạc chuyên nghiệp không quá xa. Có thể kết luận LG V10 là lựa chọn rất đáng giá cho những người dùng phổ thông yêu âm nhạc và thích sự tiện lợi. Xa hơn nữa, V10 và sau đó là G5, thể hiện rất rõ hướng đi của LG: biến smartphone thành trung tâm cho các thiết bị di động thông minh.