Tin mới
Lumia 650: thiết kế đẹp, camera tốt, hiệu năng trung bình
Mỏng 6,9mm, khung viền kim loại mài vát tinh tế - đó là những điểm nhấn thiết kế của chiếc Windows Phone giá rẻ Lumia 650 vừa được Microsoft giới thiệu tới người dùng Việt.
Thiết kế mỏng nhẹ
Microsoft đã chính thức tung Lumia 650 lên kệ Việt. Là sản phẩm nhắm đến phân khúc phổ thông nhưng Lumia 650 có thiết kế đẹp hơn nhiều so với thế hệ trước. Máy có "vòng eo" chỉ 6,9mm, tức là mỏng hơn iPhone 6S và quá mảnh mai so với 9mm của Lumia 640 hay 8,1mm của Lumia 950. Với trọng lượng chỉ 122g smartphone này có thân hình rất gọn gàng, cầm trên tay khá thoải mái. Thậm chí trong lần cầm đầu tiên, tác giả bài viết này không chắc Lumia 650 đã lắp pin chưa.
Điểm thay đổi lớn về phong cách là Lumia 650 sử dụng khung viền kim loại được mài vát tinh tế thay vì ốp lưng tràn cạnh trước đó. Đây là thành viên đầu tiên của dòng Lumia trong phân khúc tầm trung sở hữu viền kim loại, trông cao cấp hơn hẳn. Máy có hai tuỳ chọn màu đen và trắng, nhiều khả năng màu trắng sẽ "ăn khách" hơn.
Ngoài nét nhấn trang trí bằng kim loại, phần còn lại của Lumia 650 vẫn sử dụng nhựa nhưng được gia công khá mịn tạo cảm giác cầm nắm dễ chịu. Nắp lưng vẫn có thể tháo rời (để lắp pin, sim và thẻ nhớ ) nhưng đây cũng là điểm gợn trong thiết kế của Lumia 650 vì chi tiết này khá ọp ẹp (Lumia 640 hay 640 XL làm tốt hơn với nắp lưng ôm tràn cạnh). Nếu xem kỹ sẽ thấy ở cụm camera sau và đèn flash có sự xê dịch nhẹ, không được khít, trong khi phần lẫy (để tháo nắp lưng) bị hở quá rộng, trông như khe tản nhiệt.
Ở mặt trước, loa ngoài và loa thoại cũng được thiết kế tương tự với rãnh thoát âm khoét lớn. Phía trên màn hình vẫn là camera trước và lô-gô hãng nhưng cảm biến lớn bố trí lệch, khá mất diện tích. Khoảng thừa cũng xuất hiện ở phía dưới thân máy, trong khi chính cụm phím điều hướng lại nằm trong và chiếm không gian hiển thị của màn hình.
Ngoài các điểm trừ nói trên, những gì còn lại của Lumia 650 đều được hoàn thiện tốt. Máy vẫn sở hữu kiểu dáng vuông vức, 4 góc bo tròn, lưng vê cong nhẹ như các thế hệ trước. Cụm camera sau vẫn thiết kế lồi nhưng nhẹ nhàng hơn. Ngoài camera, mặt lưng chỉ có duy nhất biểu tượng 4 hình vuông của Microsoft. Một ưu điểm nữa là mặt lưng máy không bám dấu tay.
Bao trọn mặt trước là màn hình 5 inch độ phân giải 1.280 x 720 pixels. Tuy độ phân giải không cao, nhưng với công nghệ AMOLED, màn hình Lumia 650 hiển thị sắc nét, góc nhìn tốt, màu sắc nổi bật. Người dùng có thể tuỳ chọn tông màu trong cài đặt. Mọi tiện ích như xem ảnh, duyệt web và nhập ký tự... đều có thể sử dụng ngoài trời. Nhờ được bảo vệ bởi lớp kính Corning Gorilla Glass 3 nên thao tác trên màn hình Lumia 650 khá thoải mái, không bị rít như những kính thường, mặt trước máy vẫn bị lưu vân tay nhưng không đáng kể.
Camera tốt, pin ổn, hiệu năng trung bình
Về hiệu năng, nếu chỉ xem bảng thông số kỹ thuật, dòng Lumia thường bị thua kém các đối thủ cùng phân khúc. Máy chỉ được trang bị chip Qualcomm Snapdragon 212 4 nhân 32-bit xung nhịp 1.3GHz, RAM 1GB, bộ nhớ trong 16GB. Với cấu hình như vậy cùng mức giá phổ thông, thật khó hy vọng Lumia 650 thực hiện mượt mà hay phản hồi nhanh trong các bài test. Tuy nhiên, với Windows 10, Lumia 650 đã gây bất ngờ khi hoàn thành tốt, ít trễ, ổn định các bài thử chạy đa nhiệm. Dĩ nhiên, Lumia 650 không load nhanh được như các smartphone cao cấp, nhưng cũng không trễ đến mức khó chịu. Mở hay chuyển đổi giữa các ứng dụng sẽ mất một vài phút nhưng không có vấn đề gì trừ khi người dùng định chơi game trên thiết bị này. Game rõ ràng không phải là điểm mạnh của Lumia 650, máy có độ trễ nhất định, xuất hiện tình trạng loading màn hình đen khi chạy các game nặng như Asphalt 8 (đồ hoạ mức trung bình).
Trong hầu hết mọi tác vụ, ngay cả khi thực hiện những bài test liên tục, nhiệt độ máy không tăng đến mức gây khó chịu cho người dùng.
Khi so với Lumia 640 thì 650 hơi chậm hơn một chút, có lẽ vì 640 không phải gánh màn hình AMOLED. So với 550 (chip Snapdragon 210) Lumia 650 có phần nhỉnh hơn với bộ vi xử lý Snapdragon 212. Nhưng sự hơn thua chút ít giữa các mẫu nói trên là không đáng kể, bởi thực tế mỗi người dùng khác nhau sẽ có cảm nhận nhanh chậm riêng.
Vì dung lượng bộ nhớ trong lớn hơn so với Lumia 640 (8GB) và hỗ trợ thẻ nhớ microSD lên đến 200GB, Lumia 650 có nhiều "đất" hơn để cài đặt ứng dụng, trò chơi, lưu trữ ảnh, phim, nhạc...
Xuất xưởng cùng hệ điều hành Windows 10, Lumia 650 vẫn có giao diện livetile quen thuộc nhưng được thiết kế phẳng, hiện đại hơn. Khác với giao diện dạng icon trên iOS hay Android, title của Windows 10 luôn động (live) thông tin mới sẽ được hiển thị ngay ra ngoài để đọc được trực tiếp chứ không chỉ là biểu tượng thông báo (notification). Người dùng có thể thay đổi kích thước livetile (3 cỡ) tuỳ theo nhu cầu, thói quen và mức độ quan trọng của mỗi ứng dụng. Những tính năng chính trên Lumia 650 vẫn chủ yếu là bộ công cụ office cài sẵn kết hợp Outlook, OneDrive, giúp người dùng giải quyết các nhiệm vụ văn phòng cơ bản. Rất tiếc, Lumia 650 lại không hỗ trợ Continuum - ứng dụng dành cho người dùng văn phòng khá hấp dẫn trên Lumia 950.
Về thời lượng sử dụng, Lumia 650 chỉ được trang bị viên pin dung lượng 2.000mAh. Tuy nhiên, người dùng vẫn có thể trải qua một ngày làm việc với nhiều tác vụ khá nặng cùng Lumia 650. Bởi máy chỉ phải vận hành một màn hình HD cùng CPU thấp. Thực tế cho thấy, với nhu cầu sử dụng cơ bản, kết thúc một ngày (khoảng 21 tiếng) Lumia 650 vẫn còn từ 20-30% pin. Tóm lại, chiếc điện thoại này đủ pin để đáp ứng một ngày làm việc bận rộn cho hầu hết mọi người.
Microsoft trang bị cho Lumia 650 camera sau 8MP và phía trước 5MP với cùng khẩu độ F/2.2. So về thông số, dường như đây là một sự "cải lùi" khi camera sau của Lumia 650 có độ phân giải kém hơn Lumia 640 XL (13MP), tốc độ chụp chậm nhất cũng chỉ được 1s so với 4s ở 640.
Nhìn chung, khả năng chụp ảnh của Lumia 650 vẫn thuộc loại cứng cỏi so với các đối thủ cùng tầm giá. Trong điều kiện đủ sáng, máy lấy nét nhanh, ảnh của Lumia 650 có chất lượng khá cao cả về độ chi tiết lẫn màu sắc. Tính năng rich capture tỏ ra rất lợi hại khi chụp ngược sáng và tạo nên những bức ảnh nghệ thuật ấn tượng.
Với điều kiện ánh sáng yếu hoặc quá phức tạp, chế độ tự động của Lumia 650 thường bị sai cân bằng trắng và không thể lấy nét chính xác. Tuy nhiên, đây chính là lúc phát huy thế mạnh vượt trội của dòng Lumia - chế độ chụp chuyên nghiệp.
Chế độ chuyên nghiệp cho phép người dùng tùy chỉnh hầu hết thông số cài đặt, từ cân bằng trắng, độ nhạy sáng cho tới tốc độ chụp... để nhận được kết quả phù hợp với bối cảnh, hoặc sáng tạo những bức ảnh độc đáo mang phong cách cá nhân.
Tương tự Luma 640, 650 vẫn tỏ ra yếu thế về khả năng selfie so với các đối thủ, vì ảnh chụp ra có màu sắc chân thực, không nịnh mắt. Bên cạnh đó, khi sử dụng chế độ chuyên nghiệp, trong quá trình chụp, nếu người dùng xem lại ảnh vừa chụp thì mọi thông số bị reset về auto, khá khó chịu. Hi vọng Microsoft sẽ sớm khắc phục thông qua các bản cập nhật.
Đánh giá chung
Màn hình AMOLED, kiểu dáng mỏng nhẹ giúp Lumia 650 nhỉnh hơn thế hệ trước về ngoại hình. Tuy nhiên, với cấu hình máy chưa cải thiện nhiều, hiệu năng của Lumia 650 không gây ấn tượng mạnh mẽ hay vượt trội so với các đối thủ cùng phân khúc. Dù sao, máy vẫn chạy ổn, đủ đáp ứng những nhu cầu cơ bản, chất lượng ảnh tốt trong tầm giá chưa tới 4 triệu. Với sự bùng nổ của các model giá rẻ trong một năm trở lại đây, phân khúc smartphone phổ thông đã trở nên chật chội hơn. Rõ ràng Lumia 650 không thể chinh phục được số đông người dùng bình dân, nhưng với tố chất riêng, 650 sẽ thỏa mãn được các fan của Windows Phone. Đây là mẫu điện thoại thông minh phù hợp với những người thực tế, họ cần một phương tiện liên lạc - giải trí nhưng cũng có thể đáp ứng các công việc văn phòng đơn giản.