Tin mới
Lý do không phải tất cả màn hình smartphone 120Hz đều như nhau
Đừng để 120Hz đem ra làm tiêu chuẩn so sánh chất lượng giữa màn hình smartphone bởi không phải tất cả màn hình smartphone 120Hz đều như nhau
120Hz không phải là một tiêu chuẩn
Màn hình 90Hz hay 120Hz đang dần phổ biến ở thị trường smartphone nhưng đừng để thông số đó trở thành tiêu chuẩn so sánh chất lượng giữa màn hình smartphone. Không phải mọi smartphone 120Hz đều có chất lượng hiển thị, tính năng hay thời lượng pin giống nhau. Có rất nhiều thứ làm nên một màn hình tuyệt vời chứ không chỉ là tần số quét.
Mặc dù màn hình 90Hz và 120Hz làm cho chuyển động từ các ứng dụng và giao diện người dùng (UI) có vẻ mượt mà hơn nhưng đó vẫn chưa thể hiện cho chất lượng hiển thị. Độ chính xác màu sắc, hiệu chỉnh gamma và cân bằng trắng đi kèm với tần số quét cao khi tổng hòa lại mới tạo nên một màn hình xuất sắc. 120Hz có thể làm mượt mà hơn nhưng nếu hình ảnh bị quá rực, độ bão hòa quá cao thì trông sẽ rất tệ.
Vì thế, màn hình của mỗi hãng khác nhau trông sẽ khác nhau mặc dù chúng có thể có cùng tần số quét. Ví dụ, màn hình rẻ hơn nhiều khả năng có hiệu chuẩn màu kém. Màn hình 60Hz truyền thống vẫn có thể đẹp hơn màn 120Hz, ít nhất là về độ chính xác của màu sắc. Chất lượng tổng thể mới là thứ người dùng nên quan tâm, đừng để chiêu trò tiếp thị 120Hz hay 90Hz đánh lừa.
Ứng dụng, nội dung và Android
Tính khả dụng của nội dung tần số quét cao cũng là thứ đáng quan tâm. Tốc độ khung hình của một ứng dụng hoặc trò chơi không chỉ phụ thuộc vào phần cứng cơ bản mà còn là cách ứng dụng được mã hóa để hoạt động trên Android. Điểm đáng chú ý đầu tiên là tốc độ khung hình bị giới hạn bởi thời gian render, màn hình 120Hz có 8,3ms giữa các khung hình tuy nhiên vì một số lý do chưa chắc phần cứng đáp ứng được tốc độ render đó nên cũng không đạt được 120Hz, có thể là 90, 60, 45 hoặc thậm chí 30 khung hình / giây.
Google lưu ý rằng màn hình 120Hz rất tốt để xem nội dung 24, 30, 45 và 60fps mà không bị rung, mờ. Tuy nhiên, xung đột có thể xảy ra giữa các phần mềm buộc hệ điều hành phải chọn tốc độ khung hình dẫn đến giảm tần số quét.
Nhìn chung, việc đạt tốc độ khung hình rất cao cho mọi ứng dụng là rất khó xảy ra. Thay vào đó, hệ điều hành tự động chuyển tốc độ khung hình để phù hợp nhất với ứng dụng đang sử dụng. Có API setFrameRate mới trong Android 11 giúp tìm tốc độ khung hình tối ưu cho nhiều ứng dụng chạy cùng một lúc. Hy vọng Android 11 năm tới sẽ xử lý nội dung tần số quét hỗn hợp tốt hơn.
Bộ xử lý hình ảnh
Sức mạnh xử lý rất quan trọng vì một số hiệu ứng có thể tốn nhiều tài nguyên nên bộ xử lý hiển thị chuyên dụng (DPU) có thể chạy các tác vụ này hiệu quả hơn.
Như bộ xử lý của Qualcomm bao gồm bộ xử lý hình ảnh GPU Adreno, chúng xử lý giải mã video cũng như render đồ họa và bộ xử lý ứng dụng cũng có thể chạy phần mềm xử lý hiển thị bổ sung. Các bộ xử lý khác cũng có các đơn vị xử lý hiển thị riêng, nhưng chip tầm trung và cấp thấp không có phần cứng để chạy các tính năng cao cấp một cách hiệu quả. Ví dụ, Snapdragon 765G chỉ hỗ trợ 120Hz ở FHD +, trong khi 865 có thể chạy 144Hz ở độ phân giải QHD+. Bộ xử lý hình ảnh tiên tiến không chỉ mang lại các tính năng mới mà có thể cải thiện mức tiêu thụ năng lượng, một yếu tốt rất quan trọng với màn hình 120Hz. Các tính năng bổ sung và tùy chọn xử lý có thể giúp nâng cao màn hình tần số quét tiêu chuẩn lên trải nghiệm mượt mà, nhất quán hơn.
Không phải tất cả các màn hình 120Hz đều như nhau
Màn hình 90 hoặc 120Hz không có ý nghĩa gì khẳng định màn hình đó có màu sắc chính xác, tuyệt vời. Vì vậy 120Hz chỉ làm màn hình thêm ấn tượng hơn mà thôi, đặc biệt nếu smartphone có phần mềm và sức mạnh xử lý đủ để phát huy hết hiệu quả từ màn hình tần số quét cao mang lại.
Tần số quét cao và các tính năng hiển thị khác cũng khác nhau trên với mỗi một thiết bị. Một bộ xử lý chuyên dụng phục vụ các tính năng nâng cao có thể là sự khác biệt giữa nội dung mượt mà hơn và thời lượng pin tốt hơn trên tần số 120Hz. Và đó là lý do tại sao không phải tất cả smartphone 120Hz đều giống nhau.
Theo Androidauthority