Tin mới
Lyngdorf TDAI-3400 - Ampli streaming Đan Mạch “làm đẹp” mọi phòng nghe bằng RoomPerfect
Bên cạnh khả năng kết nối đa nguồn phát, kết hợp streaming toàn năng, điểm ấn tượng nhất của Lyngdorf TDAI-3400 là khả năng tối ưu âm học phòng nghe ở mức độ tinh vi chưa từng có nhờ công nghệ RoomPerfect.
Đôi nét về Peter Lyngdorf và Lyngdorf Audio
Peter Lyngdorf là một nhà kinh doanh thành công, một nhà phát minh có tầm nhìn vượt thời đại. Nhưng trên tất cả, ông vẫn là một kỹ sư âm thanh với tên tuổi gắn với hàng loạt thương hiệu lừng lẫy như: Snell Acoutics, NAD, TacT Audio, Dali, Gryphon Audio và sau này là Lyngdorf Audio và Steinway Lyngdorf.
Peter Lyngdorf Giới hiend thường gọi ông là "phù thủy" trong nền công nghiệp audio khi ông đi đầu trong xu hướng ứng dụng công nghệ, đặc biệt là kỹ thuật số vào âm thanh hi-end. TacT Millennium năm 1996 của ông vẫn là một trong những mẫu ampli kỹ thuật số tốt nhất hiện nay. Peter Lyngdorf đặc biệt bị cuốn hút bởi công nghệ chỉnh sửa âm học kỹ thuật số "room correction". Sau 20 năm nghiên cứu và hoàn thiện, ông đã đưa công nghệ này lên một tầm cao mới. Thuật toán RoomPerfect ra đời ngay lập tức gây tiếng vang lớn toàn cầu khiến Steinway & Sons, hãng sản xuất vĩ cầm danh tiếng nhất thế giới bắt tay ngay Peter Lyngdorf, khai sinh thương hiệu Steinway Lyngdorf với mục tiêu duy nhất tạo ra được chất lượng âm thanh như cây vĩ cầm huyền thoại Steinway & Sons Grand.
Hệ thống ultra hi-end Steinway Lyngdorf Model D với giá nửa triệu đô la
Room Perfect-lời giải cho hệ thống Hiend Audio chuẩn
Khó có thể định nghĩa một cách ngắn gọn và chính xác thế nào là một hệ thống hi-end audio chuẩn. Tuy nhiên tôi tin rằng nhiều audiophile đồng ý đó là một hệ thống có khả năng tái tạo âm thanh trung thực nhất, hay nói theo ngôn ngữ kỹ thuật là một hệ thống có tần số đáp tuyến phẳng tuyệt đối. Vì lý do này nên rất nhiều hãng âm thanh đã loại bỏ tính năng chỉnh đổi đáp tuyến hay chỉnh âm sắc (tone control) trong các sản phẩm ampli cao cấp. Về lý thuyết, một chiếc ampli tốt chỉ cần làm một công việc là khuếch đại chính xác tín hiệu nhận vào, trung thực, nguyên vẹn, không thêm cũng không bớt. Tuy nhiên, thực tế phòng nghe chính là một "tone control" khổng lồ, thậm chí là một chiếc loa thứ 3. Vì thế, ampli có tốt đến mức nào cũng chỉ có thể đảm bảo một đáp tuyến hoàn hảo khi ở trong một môi trường “hoàn hảo”. Tức là, chúng ta phải xử lý âm học cho phòng nghe. Nói đến đây nhiều người sẽ nghĩ đến tỉ lệ vàng trong phòng nghe, rồi vị trí đặt loa hoàn hảo, hay tỉ lệ tiêu tán âm....Nhưng không phải ai cũng có đủ kỹ năng sắp đặt vẹn toàn một phòng nghe. Hoặc những người có kỹ năng thì lại không có điều kiện để mua đủ đồ cho một phòng nghe trong mơ.
Do đó, việc sử dụng các thuật toán và kỹ thuật số để cải thiện âm học phòng nghe (digital room correction) không phải là một ý tưởng mới, thậm chí, âm thanh sân khấu biểu diễn đã sử dụng những công nghệ này từ nhiều thập kỷ nay. Đơn giản vì bạn không thể xử lý âm học thụ động cho một sân vận động hay một sự kiện âm nhạc ngoài trời. Hiện nay ứng dụng room correction trong âm thanh hiend đang phổ biến hơn bao giờ hết với sự cạnh tranh từ rất nhiều hãng âm thanh lớn. Điển hình như Dirac dùng trong ampli NAD, ARC với Anthem, Audyssey với Yamaha hay ASPEQT từ Indy Lab.
Lyngdorf RoomPeftect RoomPerfect được Peter Lyngdorf phát triển từ những năm 1990 với TacT. Tuy nhiên, ông chỉ thực sự gặt hái thành công gần đây với sự ra đời của Lyngdorf Audio. Minh chứng rõ nét nhất cho hiệu quả của công nghệ này là sự kết hợp của Lyngdorf và Steinway hay quyết định sử dụng thuật toán Room Perfect của McIntosh trong các Processor cao cấp nhất của mình.
Có thể nói, Room Perfect đã cơ bản giải quyết các vấn đề khiến hầu hết audiophile đau đầu để chúng ta có thể tự tin bộ giàn sẽ phát huy được hết tinh hoa mà không phải lăn tăn các câu hỏi như “liệu nó có còn hay khi chuyển từ phòng demo của dealer về phòng khách của tôi không?” hay “tôi có phải kê loa qua sát tường, liệu nó có hủy hoại sân khấu của hệ thống hay không?” hay “không thể kê loa đối xứng được, tôi có nên đổi phòng nghe?”…
Điểm khác biệt đáng chú ý nhất của Room Perfect so với các công nghệ tối ưu âm học phòng nghe khác đó là ngoài việc áp một bộ lọc digital filter để bù trừ tạo nên một đáp tuyến tần số phẳng tối ưu, Peter Lyngdorf và cộng sự của mình đã viết những thuật toán phân tích đặc tính của loa và đưa ra những tùy chính giúp ampli có thể phối ghép tối ưu nhất với đôi loa đó.
Room Perfect cho phép người dùng tối ưu âm học phòng nghe và lưu dữ liệu tối đa với 2 cấu hình loa khác nhau. Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn đến 8 điểm ngồi nghe tốt khác nhau ở mode Focus. Theo tôi, đây là ưu điểm rất thực tế, nhất là với những không gian phòng nghe mở. Ví dụ bạn có thể thực hiện set-up các vị trí nghe khác nhau ở ghế sofa chính, hay bàn làm việc hoặc thậm chí ở bàn ăn bằng việc đo đạc và lưu trữ các điểm nghe Focus này. Kết quả là chúng ta sẽ có đa điểm ngọt với chất âm tương đồng trong một không gian mở phức tạp.
Ngoài ra, nếu bạn là người có đôi tai nhạy và đã từng quen với việc sử dụng phân tần chủ động, Lyngdorf TDAI-3400 còn cho phép can thiệp “voicing” vào mạch xử lý DSP. Sau khi Room Perfect chạy những thuật toán xử lý, bạn vẫn có thể chỉnh tối ưu hơn nữa.
Thiết kế và kỹ thuật Lyngdorf TDAI-3400
Lyngdorf TDAI-3400 có một bề ngoài đậm chất Scandinavian, tối giản và tinh tế, không có bất kỳ một chi tiết rườm rà nào, một phong cách khác hẳn với các thiết kế ampli truyền thống. Vỏ ngoài phủ lớp sơn đen nhám nên không bám vân tay nhiều, vòng tròn chỉnh âm lượng rất đặc biệt, là một vòng xoay vô cực đặc trưng ở các ampli kỹ thuật số cho cảm giác xoay rất đằm và mượt. Lyngdorf cho phép chỉnh âm lượng ở bước 0.1dB. Ngoài ra, chỉ còn một nút chọn source và nút nguồn tắt mở được bố trí chìm phía góc phải. Phần lớn mặt trước dành cho màn hình LCD lớn với mặt kính acrylic dày nên tạo được hiệu ứng hiển thị sâu ấn tượng. Nhưng sự tối giản không còn khi chuyển sang mặt sau với cả một "rừng" các cổng kết nối như RCA, Balance, AES/EBU, USB, HDMI, …chưa kể khả năng stream qua bluetooth/Wifi. TDAI-3400 có lẽ là chiếc ampli có khả năng kết nối đa dạng và đầy đủ nhất mà tôi đã từng được trải nghiệm, tất nhiên phiên bản trên tay này là phiên bản cao cấp nhất. Bạn có thể tùy chọn cổng mở rộng theo nhu cầu thực tế của mình để tiết kiệm chi phí. Thiết kế theo dạng module của Lyngdorf là cực kỳ tối ưu cho việc nâng cấp sau này. Công suất của Lyngdorf TDAI-3400 là 400W cho 4 Ohm và 200W cho 8 Ohm, thừa sức mạnh để chiều lòng bất cứ cặp loa khó tính nào. Nhưng nếu vẫn cần bổ sung, bạn có thể tăng cường thêm một ampli SPA 2400 công suất 400W một kênh. Thú vị ở chỗ SPA 2400 cũng là một ampli kỹ thuật số hoàn toàn, vì thế việc kết nối chỉ thông qua một sợi dây digital duy nhất. Tôi đã chọn phối ghép TDAI 3400 với cặp loa Piega Coax 90.2 có công suất tối đa 250W và một cấu hình bookshelf với đôi Acoustic Energy AE1 Classic. Set-up và trải nghiệm tính năng tối ưu âm học phòng nghe RoomPerfect Việc setup khá đơn giản, bắt đầu với kết nối mạng cho ampli. Kết nối xong bạn sẽ dễ dàng điều khiển tất cả các chức năng qua app của Lyngdorf và streaming nhạc Roon, Spotify connect hay Airplay ngay lập tức. Kế đến bạn phải cho TDAI -3400 “học” về đặc tính âm học của phòng nghe.
Ampli sẽ phát ra hàng loạt các đoạn âm thanh mẫu ở mức âm lượng và tần số khác nhau, sau đó RoomPerfect sẽ nghe phản ứng âm của phòng thông qua bộ microphone xịn chuẩn phòng thu đi kèm. Theo khuyến cáo từ Lyngdorf mic cần đặt tại nhiều vị trí ngẫu nhiên trong phòng nhất có thể và ở các cao độ khác nhau. Vị trí đo đa dạng bao nhiêu thì TDAI-3400 sẽ hiểu về phòng càng nhanh bấy nhiêu.
Với một phòng nghe thông thường thì quá trình set-up RoomPerfect này sẽ mất khoảng 20-30 phút. Sau khi đã hiểu rõ về phòng nghe, RoomPerfect sẽ chạy thuật toán và tự thiết lập các hiệu chỉnh room correction tương ứng, xử lý từng khiếm khuyết âm học của phòng. TDAI-3400 có thể nhớ được 2 lần hiệu chỉnh khác nhau với 2 vị trí nghe hoặc 2 bộ loa khác nhau. Ví dụ bạn có 2 vị trí nghe là ghế sofa và tại bàn làm việc, chúng ta có thể gọi từng preset riêng cho từng vị trí nghe tương ứng. Người dùng cũng có thể dễ dàng bật/ tắt chế độ RoomPerfect để có thể so sánh kết quả hiệu chỉnh âm học phòng thông qua app. TDAI-3400 có 2 chế độ nghe, lựa chọn Focus sẽ được tinh chỉnh để tập trung vào một điểm ngọt nhất định, trong khi chế độ Global cho phép vùng nghe rộng hơn, phù hợp cho nhiều người cùng nghe. Ngoài ra Lyngdorf cũng set sẵn hàng chục tinh chỉnh tùy theo Gu nghe của người nghe như voice, pop,...Tôi chọn chế độ Neutral trong quá trình thử nghiệm.
Phối ghép và trải nghiệm chất lượng trình diễn
Trong quá trình thử nghiệm, RoomPerfect đặc biệt xử lý tốt ngay cả khi bạn bố trí loa bất đối xứng. Trong trường hợp bạn không thể bố trí hai loa đồng nhất, tức khoảng cách từ điểm ngọt đến loa trái và loa phải lệch nhau thì Room Perfect vẫn có thể “kéo lại” một âm hình đồng nhất và vị trí ca sĩ vẫn thể hiện tốt ngay giữa.
Với điều kiện phòng test lab ở mặt sau toàn kính, thử nghiệm thực tế giữa việc bật và tắt RoomPerfect cho thấy hiệu quả âm thanh cải thiện rất đáng kể. Khi tắt chế độ tối ưu âm học, hệ thống trình diễn với phần mid và mid high bị nhiễu khá rõ, do bị đẩy lên một cách bất thường vì phản xạ âm không mong muốn. Tương tự dải cao cũng gắt và mất chi tiết. Khi bật RoomPerfect, điều đầu tiên thuyết phục chúng tôi chính là hiệu ứng âm hình và không gian sân khấu không bị bóp hẹp như hầu hết các công nghệ xử lý âm học phòng nghe nhạc. Độ rộng và độ sâu không gian gần như được giữ nguyên, ngoài ra, vị trí tương quan giữa ca sĩ và nhạc cụ cũng được tái dựng rõ nét hơn. Và điểm quan trọng nhất của RoomPerfect chính là giúp giảm ù ồn dải trầm, trong trường hợp thử nghiệm cụ thể ở phòng Lab, phần bass và sub bass đều được xử lý tốt. Tiếng ù ở dải 160-200Hz giảm đáng kể, trong khi phần sub bass dưới 100Hz không còn bị treo nhiều và tạo được hiệu ứng thả bass sâu. Tất nhiên, phần hài âm và độ phân rã của các dải ít nhiều có ảnh hưởng.
Lyngdorf TDAI3400 là một ampli Class D nhưng sở hữu chất ấm âm rất đặc biệt. Lần đầu tiên chúng tôi trải nghiệm một ampli digital nhưng có khả năng tái tạo âm thanh thiên về tự nhiên, cả 3 dải đều có độ cân bằng tốt. Thậm chí có thể nói Lyngdorf TDAI3400 mang một chút gì đó màu của ampli đèn. Hạn chế duy nhất về chất lượng trình diễn của ampli này là khả năng quản lí dải trầm về nền âm, tuy nhiên, với những đôi loa đòi hỏi năng lượng kiểm soát lớn, TDAI3400 vẫn cho phép kết nối bi-amp với một poweramp SDA2400.
Một trong những trải nghiệm thú vị khi test Lyngdorf TDAI-3400 là việc phối ghép một ampli số hoàn toàn v với nguồn phát analog là chiếc mâm than cũng của Đan Mạch - Bergmann Sleipner. Có vẻ thật vô lý khi phát một nội dung analog thông qua bộ ADC rồi sau đó được chỉnh sửa room correction trước khi được khuếch đại. Liệu điều này có làm cho đĩa than nghe như một đĩa CD không? Hoàn toàn không. Người nghe vẫn cảm nhận thật đầy đủ độ ấm dày xen lẫn những âm lẹt xẹt nhỏ đặc trưng của đĩa than, tất cả những yếu tố "gây nghiện" của đĩa than vẫn được bảo toàn thật hoàn hảo.
Kết luận
Có lẽ Lyngdorf TDAI-3400 là chiếc ampli thú vị nhất mà tôi đã từng review. Nó đem lại cho tôi một cảm giác ngạc nhiên pha lẫn phấn khích. Đây không phải là chiếc ampli Class D đầu tiên tôi từng trải nhiệm nhưng đây là lần đầu tôi phối mâm đĩa than với ampli Class D, mà lại là một ampli hoàn toàn kỹ thuật số. Với TDAI-3400 tôi không cần phải tìm vị trí tốt nhất cho loa, chỉ cần ngồi vào chiếc ghế quen thuộc và RoomPerfect đã tối ưu gần như mọi thứ.
Nếu phải tóm gọn cảm xúc của tôi với TDAI-3400 trong một từ duy nhất thì chỉ có thể là “chất”. Đã có quá nhiều bài review về ampli này trên các trang review, các diễn đàn audio uy tín nhưng tôi tin rằng bạn sẽ có những ngạc nhiên thú vị khi được chính tai nghe và cảm đứa con cưng của "phù thủy" âm thanh Peter Lyngdorf.
Thông tin nhà phân phối Lyngdorf: AAVS - Alpha Audio Visual Solution