Tin mới
MacBook 12 inch - canh bạc “tái định nghĩa” sản phẩm của Apple
Apple gọi sản phẩm mới là “The new MacBook” và tự coi như "tương lai của laptop" khi đã thiết kế lại mọi thứ, từ trackpad, bàn phím, cổng kết nối, màn hình... và nhiều giải pháp công nghệ khác. Bên cạnh đó cũng có nhiều tính năng, tiện ích xung đột với các tiêu chuẩn ưu tiên đã bị lược bỏ vì không có giải pháp dung hòa.
Thiết kế không mới nhưng cực đoan hơn
Về kiểu dáng, The new MacBook thực sự không quá mới mẻ so với MacBook Pro ngoài việc được làm mỏng hơn một chút, màn hình nhỏ hơn, thậm chí còn xấu hơn bởi trái táo cắn dở không còn sáng lên mỗi khi máy làm việc. Ấn tượng chung vẫn là cấu trúc khung vỏ nhôm liền khối chắc chắn với bàn phím màu đen và trackpad rộng rãi. Lớp vỏ nhôm "huyền thoại" tồn tại qua nhiều thế hệ trước tiếp tục được khoác cho chiếc MacBook 12 inch mới. Tức là vỏ máy vẫn sợ sệt những thứ bình dị luôn có sẵn trong túi như chùm chìa khóa, và khi vô tình bị tác động cục bộ thẳng góc thì nó sẽ móp, lõm không thể phục hồi như chất liệu nhựa cao cấp trên số đông laptop khác.
Để hạ tiếp độ mỏng vốn đã tiệm cận sự hài hòa của chiếc MacBook Pro Retina tiền nhiệm xuống cỡ 13,1mm của chiếc MacBook 12 inch mới, Apple rên rỉ rùm beng rằng đã phải bỏ ra biết bao công sức, nghiên cứu, đầu tư. Thậm chí còn phải lược bỏ vài tiện ích quan trọng thiết yếu khác. Điều này có thể làm các MacFan lè lưỡi kính nể hoặc suýt xoa thương cảm tùy tâm, nhưng với phần còn lại của thế giới thì đó là việc làm chẳng bõ công, thậm chí xa xỉ ngu ngốc, để lộ sự cạn kiệt sáng tạo. Nếu còn bị ám ảnh và tiếp tục mù quáng trả giá để bám chắc vào cái phao "siêu mỏng" đó, dù sớm hay muộn, Táo khuyết sẽ lâm vào bế tắc và "chết chìm" với nó.
Nhân tiện, có thể nói thêm về "ADN bảo thủ" của nhà sản xuất này, vì đây là lần đầu tiên sau nhiều năm Apple đưa ra những màu sắc khác cho MacBook, ngoài màu bạc. Giống như iPhone, mãi đến bây giờ khách hàng mới có thể mua MacBook mới với 3 màu: bạc, xám và vàng.
Một lý do nữa để so sánh MacBook mới với iPad là nó chỉ có đúng 1 cổng USB Type-C dùng chung cho cả kết nối dữ liệu và sạc pin (không tính jack tai nghe). Không Thunderbolt, không SD, thậm chí không cả USB thường... đó là lối thiết kế “tối giản” cực đoan. Điều này khiến người ta nhớ tới chiếc Air đầu tiên đã bị khách hàng phàn nàn vì chỉ có một cổng USB.
Nói thêm một chút về cổng USB Type-C. Chuẩn kết nối này đã xuất hiện trên một số laptop khác như Chromebook Pixel của Google (nhưng đi kèm cổng USB thường), và nó cũng sẽ ngày càng phổ biến hơn trong tương lai gần. Với kích thước nhỏ tương đương microUSB, chuẩn Type-C cho phép cắm tự do 2 mặt tích nhờ tích hợp tiếp điểm đối xứng, cấu trúc tương tự cổng Lightning. USB-C không chỉ để sạc (điện áp 20V, dòng 5A), nó còn kiêm nhiệm các kết nối tốc độ cao (gấp 2 lần USB 3.0) khác như DisplayPort 1.2, HDMI, VGA, Thunderbolt, Flash Drive... nhưng với điều kiện phải lắp thêm các adapter gắn ngoài. Riêng loại Digital AV Multiport Adapter là phụ kiện thiết yếu để vừa sạc điện vừa kết nối tín hiệu khác có giá tới 79USD tại Apple Store, đây là khoản chi rất khó chịu. Đáng tiếc là bên trong hộp máy mới chỉ tìm thấy chiếc MacBook, cục sạc, một sợi cáp và sách hướng dẫn sử dụng.
Theo thời gian, sẽ có các hãng thứ 3 sản xuất những phụ kiện tương thích chuẩn USB-C và chắc chắn giá thành của chúng sẽ rẻ hơn nhiều. Nhưng hiện tại, những đầu chuyển và phụ kiện tương thích USB-C vẫn chưa phổ biến. Thậm chí, để cắm một chiếc USB bình thường vào MacBook mới, người ta cũng phải dùng tới một chiếc adapter được Apple bán kèm với giá 19USD (!). Tức là Apple đã có kế hoạch kiếm thêm tiền từ khách hàng bằng việc bán kèm phụ kiện chuyển đổi USB-C sang các chuẩn kết nối phổ biến, thường xuyên và chắc chắn phải sử dụng.
Màn hình và loa xuất sắc
MacBook mới được trang bị màn hình retina kích thước 12 inch và độ phân giải 2.304 x 1.440px, tương đương khoảng 3 triệu pixel. Giống như các dòng MacBook Retina khác, tấm nền màn hình rất tốt, màu sắc tươi và góc nhìn rộng từ mọi hướng.
Chất lượng âm thanh của loa ngoài cũng tốt một cách đáng ngạc nhiên. Nằm ở phía trên bàn phím, phía dưới bản lề máy, hệ thống loa của MacBook có kích thước rất nhỏ nhưng âm lượng khá lớn, các dải âm thanh cũng được cân chỉnh khá đều nhau, mở to tiếng không bị vỡ.
Bàn phím khá ổn để làm việc cường độ cao
Mới nhìn qua, bàn phím của MacBook mới có vẻ quá mỏng, khiến các nút bấm gần như ngang bằng với khung máy bằng nhôm. Đây là sự thay đổi lớn so với loại bàn phím quen thuộc trên các đời MacBook khác. Tuy nhiên, khi thử nghiệm chúng đem lại cảm giác dễ chịu hơn so với vẻ bề ngoài. Mặc dù mỏng hơn các đời MacBook trước tới 34%, các phím bấm vẫn có độ đàn hồi khá lớn. Theo Apple, họ đã dùng cơ chế nảy phím dạng cánh bướm thay cho dạng kéo xếp trước đó. Điều này khiến mặt phím được nhấn xuống đều và ổn định sau mỗi cú gõ. Thử nghiệm thực tế cho thấy có thể gõ phím nhập dữ liệu với tốc độ nhanh, chính xác và nhẹ nhàng.
Thêm vào đó, diện tích bề mặt mỗi phím trên MacBook mới đã lớn hơn 17% và lõm hơn 50% so với thế hệ trước, khiến việc đánh văn bản trở nên chính xác hơn. Chính vì vậy, khoảng cách giữa các phím và viền máy được kéo khít lại, giúp thu gọn tổng kích thước bàn phím trên một diện tích nhỏ. Tóm lại, bàn phím của MacBook 12 inch khá ổn để nhập dữ liệu với cường độ cao.
Trackpad tốt "trên mức hữu ích"
Bên cạnh MacBook Pro 13 inch mới, MacBook 12 inch là một trong hai laptop Apple đầu tiên được trang bị trackpad công nghệ “Force Touch”. Cấu trúc mới này tích hợp cảm biến áp lực để hồi đáp linh hoạt với cường độ nhấn của người dùng. Ví dụ có thể nhấn nhẹ một từ trong Safati để tra Wikipedia, hay nhấn mạnh vào một địa chỉ trong Mail để mở ra một bản đồ nhỏ. Ngoài ra, người dùng cũng có thể nhấn giữ một file trong Finder để xem trước nó, hay nhấn mạnh nút tua tới trong iTunes hay QuickTime để tua nhanh với tốc độ tối đa gấp 60 lần. Bên cạnh đó, Apple cũng tung ra một gói công cụ lập trình SDK để các lập trình viên có thể tích hợp những cử chỉ cho trackpad Force Touch vào ứng dụng của họ.
Tuy nhiên, trong quá trình test, tính năng này không thực sự hữu dụng. Nó chỉ có ích khi tua nhanh trong iTunes hay QuickTime. Còn để tra từ trong Safari, sẽ phải mất vài lần thử để máy hiện kết quả trên Wikipedia. Trong khi đó, tính năng Preview trong Finder có thể được kích hoạt chỉ bằng một cú nhấn nút cách.
Cũng còn một lợi ích không nhìn thấy được của trackpad Force Touch là nó đáp ứng được yêu cầu về độ mỏng của MacBook mới. Thực tế, trackpad Force Touch chỉ là một mặt phẳng và không hề bị lún với thao tác nhấn, cảm giác mềm mà nó tạo ra là nhờ những mô-tơ rung mà Apple gọi là Taptic Engine. “Xảo thuật” này khá ấn tượng vì hồi đáp mềm sẽ nhắc nhở người dùng rằng họ vừa click vào một thứ gì đó. Cảm giác rất khác khi nhấn trackpad của MacBook Air. Với những người đã quen với trackpad cũ, có thể coi đây là một nhược điểm, nhưng họ sẽ quen dần và nó sẽ không gây chú ý nữa.
Khả năng vận hành thấp hơn "anh em ruột"
Với chiếc laptop siêu mỏng này, Apple đã sử dụng vi xử lý siêu tiết kiệm điện Intel Core M 14nm mới nhất. Con chíp này đã từng được dùng trên một số ultrabook khác như Lenovo Yoga 3 Pro. Thêm vào đó, Táo khuyết còn thiết kế lại toàn bộ bo mạch chủ, khiến nó nhỏ hơn 67% so với mainboard của MacBook Air. Kết quả là một chiếc laptop siêu mỏng nhẹ không dùng quạt làm mát. Để trả giá cho hình thức cực đoan (đối với laptop) này, MacBook mới đã buộc phải hy sinh một giá trị quan trọng và thực tế hơn là sức mạnh xử lý của các cấu trúc Core i5 hay i7 đang dùng trên MacBook Air và Pro.
Hậu quả trực tiếp là MacBook bị chậm hơn so với chính các dòng MacBook và các ultrabook đầu bảng thuộc thương hiệu khác, điều này thể hiện ngay qua các ứng dụng benchmark. Tuy vậy, tuỳ thuộc vào mục đích sử dụng, người ta có thể sẽ không cảm nhận được độ chậm này. Trong khi đó, MacBook mới chỉ mất 7 giây để khởi động từ khi nhấn nút nguồn tới khi vào đến màn hình login, nhanh gần gấp đôi so với MacBook Pro Retina 13 inch. Tốc độ ấn tượng này có được là nhờ vào ổ SSD sử dụng chuẩn PCI Express tốc độ cao. Thử nghiệm bằng Blackmagic, tốc độ đọc trung bình của ổ SSD trên MacBook Air là 738,2MB/s, tốc độ ghi là 451,7 MB/s. Cần nói thêm rằng việc thử nghiệm tốc độ đọc ghi được tiến hành với mức dung lượng file lên tới 5GB. Tóm lại, tốc độ truy cập dữ liệu của MacBook lớn hơn các đối thủ mà nhiều chiếc trong số đó cũng sử dụng ổ SSD với giao tiếp PCIe. Thêm vào đó, máy còn được trang bị 8GB ram, nâng cao năng lực chạy đa nhiệm và tốc độ mở ứng dụng.
Độ trễ của MacBook 12 inch chỉ thể hiện rõ nhất qua các ứng dụng liên quan tới đồ hoạ. Đây là điều dễ hiểu, khi các dòng chip Core cao cấp hơn của Intel có tới 2/3 số vi mạch dành cho đồ hoạ. Với card đồ hoạ tích hợp HD5300 (thay vì HD6000 trên Air thế hệ mới nhất), MacBook mới chỉ đạt trung bình 21 khung hình/s trong game Batman - Arkham Asylum đã 6 năm tuổi. Mặc dù chúng tôi đã cài đặt độ chi tiết ở mức trung bình, tắt anti-alias và độ phân giải chỉ ở 1.440 x 900px. Nói cách khác, máy làm việc vất vả ngay cả với một game cũ. Thêm vào đó, khi chơi game, phần dưới của máy, đặc biệt là ở gần bản lề, khá nóng.
Nói thêm về sự tăng nhiệt, có vẻ như đây là vấn đề mà các kỹ sư của Tim Cook còn phải tiếp tục xử lý trên các lô hàng MacBook 12 inch tiếp theo. Trong quá trình dùng thử, sự bất ổn về nhiệt xảy ra trong nhiều điều kiện sử dụng bình thường. Chúng tôi nhận ra rằng MacBook mới khá nóng, đặc biệt khi xét tới việc vi xử lý của máy chỉ tiêu thụ tối đa 5W điện. Có thời điểm, mặc dù chỉ mở 3 tab Chrome và 3 ứng dụng nặng trung bình, nhưng độ nóng của máy có thể cảm nhận được qua lớp vải quần khi đặt trên đùi. Tuy nhiên, khi bị nóng, máy cũng nhanh chóng hạ nhiệt chỉ trong vài phút. Dù sao, diễn biến nóng/lạnh thất thường chẳng bao giờ là điềm lành.
Thời lượng pin không như quảng cáo
Theo Apple, MacBook mới có thể lướt web trong 9 tiếng và xem video bằng iTunes trong 10 tiếng, tương đương với MacBook Air 11 inch. Đó là một lời hứa hơi mang tính “hư cấu” từ Apple, đặc biệt khi xét tới việc Air chỉ có màn hình nhỏ hơn. Thông thường, màn hình lớn với độ phân giải cao sẽ tốn pin hơn, nhưng MacBook 12 inch là một ngoại lệ, vì Apple đã thực hiện nhiều cải tiến khác để bù đắp lại cho điều này. Đầu tiên, vi xử lý Core M của máy chỉ tiêu thụ 5W điện. Kế đến, Apple còn tạo ra khối pin xếp tầng với 5 mô-đun tách rời hoàn toàn mới, với dung lượng tăng thêm 35% so với pin dạng khối chữ nhật thông thường. Sau nữa, mỗi phím bấm đều được trang bị một bóng LED tiết kiệm điện thay vì tấm nền phản sáng như trước đây. Và cuối cùng, Apple nói rằng màn hình trên MacBook mới tiết kiệm điện hơn 30% so với bất kỳ loại màn hình Retina nào trước đây, do có các pixel được thiết kế lại để ánh sáng xuyên qua được nhiều hơn.
Qua thử nghiệm, chúng tôi chưa bao giờ đạt được tới mốc “10 tiếng” như Apple quảng cáo. Ngay cả khi giảm độ sáng màn hình xuống còn 25%, chúng tôi cũng chỉ có thể đạt được 9h 5 phút xem phim trên iTunes. Trong khi đó, theo ghi chú trên website của hãng, Apple cho biết hãng đã thử nghiệm với độ sáng 75%. Tăng độ sáng lên 65% như thông lệ thử nghiệm với các ultrabook khác, thời lượng pin khi phát video liên tục của MacBook 12 inch chỉ còn lại 7h 47 phút. Mặc dù thời lượng pin của MacBook mới không được như Apple quảng cáo, nhưng ít nhất thì nó cũng tương đương với một số mẫu laptop 13 inch lớn hơn, cấu hình mạnh hơn của các hãng đối thủ.
Cấu hình và giá bán không tương xứng
MacBook 12 inch được bán chính thức vào ngày 10/4/2015, với mức giá khởi điểm 1.299USD cho phiên bản có bộ nhớ trong 256GB và chip Core M 1.1GHz. Phiên bản SSD 512GB có giá 1.599USD được tích hợp vi xử lý Core M 1,2GHz. Cả hai phiên bản đều có thể được đặt hàng với vi xử lý tốc độ 1,3GHz. Ngoài những điểm khác biệt trên, mọi chiếc MacBook mới đều có chung màn hình, pin và 8GB ram như nhau.Một tương lai hẹp cho MacBook 12 inch
Ở đầu bài viết, chúng tôi đã so sánh MacBook mới với MacBook Air thế hệ đầu tiên. Tuy nhiên, đây không phải là cặp mẫu so sánh thực sự công bằng. Mặc dù mới ở thế hệ đầu tiên, nhưng MacBook 12 inch đã thể hiện tốt hơn rất nhiều so với những gì mà Air làm được hồi năm 2008. Trong khi Air thế hệ đầu vướng phải một số vấn đề như pin yếu và bắt Wifi kém thì phần lớn những giải pháp thiết kế mà Apple triển khai trên MacBook mới đều thông minh và cân nhắc kỹ. Dù dùng vi xử lý yếu hơn dòng Air hiện tại, nhưng MacBook mới vẫn có tốc độ truy cập dữ liệu cực cao và một bàn phím thoải mái để có thể sử dụng hàng ngày, chưa kể tới thời lượng pin tương đương với Air 11 inch mặc dù có màn hình đẹp hơn. Trong khá nhiều sự “hi sinh” mà Apple thực hiện trên MacBook mới, có vài thứ bị trả giá hơi cực đoan cho mục tiêu thiếu thực tế, và chưa chắc tất cả đã đem lại hiệu quả xứng đáng.
Điểm đáng chê trách nhất trên MacBook 12 inch mới là nó chỉ có một cổng kết nối duy nhất. Không được như cách mà Google đã thiết kế Chromebook Pixel với cổng USB Type-C bên cạnh khe cắm USB thường. Với điểm yếu chí mạng này, Apple không thể đổ hết tội lỗi cho độ mỏng của máy, vì có còn nhiều giải pháp sáng tạo để đạt được cả 2 mục tiêu: mỏng và USB thường. Nhược điểm này còn gây bất bình hơn khi Apple thản nhiên thu thêm tới 79USD cho một phụ kiện để khắc phục chính nó. Ngay cả khi họ trân trọng tặng kèm theo máy một đầu chuyển USB Type-C sang USB, thì đó cũng chỉ là thừa nhận sự yếu kém và làm rắc rối thêm thao tác sử dụng máy. Người ta không thể xây dựng các "tiêu chuẩn tương lai" mà không đứng trên nền hiện tại.
Giống như chiếc Air thế hệ đầu tiên, MacBook mới có giá đắt và không dành cho tất cả mọi người. Cụ thể hơn, nó dành cho những người kén chọn, đòi hỏi một chiếc laptop mỏng nhẹ nhất, nhưng phải có màn hình đẹp và sắc nét nhất. MacBook 12 inch sẽ không lôi kéo được những người dùng Windows khi đã có một vài mẫu ultrabook Windows khác có độ mỏng, màn hình cảm ứng sắc nét và cấu hình ấn tượng hơn, thậm chí còn đa nhiệm hơn và có đầy đủ các cổng kết nối cần thiết, ví dụ như Microsoft Surface Pro 3, hay Lenovo Yoga 3 Pro.
Nói gì thì nói, với những MacFan, MacBook mới là chiếc laptop mỏng nhẹ nhất, là ước mơ trong lòng họ. Vì vậy, tuy không dành cho nhiều người, nhưng nếu còn tiếp tục may mắn như dòng Air trước đây, có thể MacBook 12 inch sẽ sống sót trong một thị trường hẹp. Trong bối cảnh hiện nay, mọi giả định hay nhận định đều khó đững vững lâu dài, vì chỉ có một dự đoán luôn luôn đúng: thế giới công nghệ không đứng yên.