Tin mới
Moto Z và phụ kiện Moto Mod: độc đáo và đắt đỏ
Moto Z là một flagship có phong cách rất riêng và độc đáo, từ kiểu dáng cho đến khả năng lắp ghép mô-đun tiện lợi và linh hoạt.
Thiết kế Moto Z sở hữu cấu trúc kim loại nguyên khối với độ mỏng chỉ 5,19mm. Máy mỏng đến mức cổng cắm tai nghe 3,5mm bị loại bỏ, cạnh dưới chỉ còn kết nối USB Type-C. Người dùng sẽ phải sử dụng đầu chuyển USB Type-C ra cổng 3,5mm hoặc tai nghe Bluetooth để nghe nhạc.
Cạnh phải của Moto Z có phím nguồn và âm lượng được thiết kế rất nhỏ cho phù hợp với độ mỏng thân máy. Đây là chi tiết hơi bất tiện vì các phím vật lý quá nhỏ nên khó bấm và dễ nhầm dù nút nguồn đã được khắc rãnh. Độ mỏng của thân máy cũng khiến cụm camera kèm đèn flash LED lồi ra đến mức mất cân đối trên lưng Moto Z. Tuy nhiên, cấu trúc lồi này trên Moto Z nhằm phục vụ cho việc định vị và lắp ghép các mô-đun phụ kiện chắc chắn hơn. Khi không gắn mô-đun, Moto Z nên được lắp chiếc nắp lưng giả gỗ tặng kèm theo máy giúp nó cân đối với cụm camera sau phẳng, cảm giác cầm nắm dễ chịu, đỡ cấn hơn.
Mặt lưng Moto Z là sự kết hợp của một miếng kim loại phay sọc ngang khá cầu kỳ cùng 2 dải kính trên dưới. Ngoài cụm camera nổi bật, mặt lưng của Moto Z còn có 16 tiếp điểm để kết nối các mô-đun loa, pin, máy chiếu... được xếp thành 2 hàng ngang vàng óng, bắt mắt. Có thể nói, Moto Z sở hữu thiết kế không lẫn vào đâu được giữa một rừng các mẫu smartphone kim loại nguyên khối hiện nay.
Phía mặt trước của Moto Z cũng có những đặc điểm rất riêng, loa thoại được thiết kế với viền nổi cao cùng style với cụm camera sau. Tên máy "Moto" và cảm biến vân tay chiếm diện tích lớn ở phía dưới màn hình, trong khi cụm phím điều hướng lại giành chỗ trong không gian hiển thị. Đặc biệt, cảm biến vân tay không tích hợp chức năng của phím Home khiến người dùng dễ bấm nhầm trong thời gian đầu.
Cảm biến vân tay của Moto Z có tốc độ nhận diện nhanh, chính xác, kiêm cả 2 vai trò mở và tắt máy. Ở vị trí đáng lẽ nên đặt 2 phím điều hướng cảm ứng, Moto Z lại được trang bị bộ cảm biến hồng ngoại phục vụ tính năng Moto Active Display. Về cơ bản, tính năng hiển thị đồng hồ khi màn hình tắt này giống như Display Always On trên Galaxy S7 và LG G5. Điểm khác biệt là thông báo chỉ hiện lên khi bộ cảm biến này phát hiện chuyển động trong vùng thị trường của chúng, giúp tiết kiệm năng lượng.
Moto Z sở hữu màn hình lớn 5,5 inch sử dụng tấm nền AMOLED độ phân giải 2K, viền khá mảnh. Trải nghiệm thực tế cho thấy màn hình của Moto Z hiển thị đẹp, màu sắc sống động, màu đen sâu, độ sáng và tương phản tốt ngay cả khi dùng ở ngoài trời. Hiệu năng và camera Phiên bản Moto Z được phân phối tại Việt Nam có cấu hình vi xử lý Snapdragon 820, RAM 4GB, bộ nhớ trong 64GB (hỗ trợ microSD tới 2TB). Với những thông số kỹ thuật này, Moto Z được Geekbench 3 đánh giá hiệu năng 5.167 điểm, vượt qua HTC 10 (4.962) nhưng kém hơn Galaxy S7 (5.337).
Khi sử dụng thực tế máy ít bị trễ/lag mặc dù mở cùng lúc hàng chục ứng dụng. Tốc độ phản hồi tốt, camera khởi động nhanh dù nhấn nút hay lắc điện thoại 2 lần. Việc cài sẵn hệ điều hành Android 6.0.1 "sạch" gần với giao diện gốc đã góp phần giúp Moto Z chạy mượt mà. Hiện Moto Z đã được cập nhật lên Android 7.0.
Moto Z sở hữu camera sau độ phân giải 13MP, khẩu độ f/1.8 hỗ trợ chống rung quang học, lấy nét theo pha và laser. Có thể nói Moto Z được trang bị camera với đầy đủ những tính năng và chất lượng cao cấp nhất hiện nay. Giao diện chụp ảnh đơn giản gồm chế độ chỉnh tay (Professional), toàn cảnh (Panorama), Video và Slow Motion...
Camera trên Moto Z có khả năng lấy nét nhanh, chính xác ngay cả trong điều kiện thiếu sáng. Máy chụp được các bức ảnh chất lượng khá, nhiều chi tiết và sắc nét, màu sắc chân thực trong điều kiện đủ sáng, nhưng chất ảnh chưa thực sự xuất sắc bằng một số flagship cùng tầm giá.
Ảnh chụp chế độ auto.
Ảnh chụp chế độ HDR.
Ảnh chụp auto trong điều kiện ánh sáng yếu. Theo mặc định, camera chụp với tỷ lệ 16:9 độ phân giải 9,7MP, tuy nhiên người dùng nên thiết lập cảm biến ở mức tối đa 13MP với tỷ lệ 4:3 để có chất lượng tốt hơn. Khi chụp trong điều kiện thiếu sáng, ảnh bị bệt do khử nhiễu mạnh. Chế độ chỉnh tay dễ dùng với giao diện Pro khá giống trên Lumia 950 nhưng chỉ cho phơi 1/2 giây.
Về khả năng selfie, camera trước độ phân giải 5MP làm việc khá ổn, đèn flash hỗ trợ hiệu quả trong điều kiện thiếu sáng. Dung lượng pin Với màn hình cỡ 5,5 inch độ phân giải 2K và thân máy mỏng 5,19mm, Moto Z chỉ có thể tích hợp viên pin 2.600mAh và khiến nhiều người e ngại về thời lượng sử dụng của nó. Qua trải nghiệm, Moto Z không đạt được 30 giờ sử dụng như Motorola đã tuyên bố, nhưng cũng trụ được 1 ngày với các tác vụ và cường độ bình thường. Thử mở một video HD trong 90 phút, pin sụt khoảng 23%. Moto Z hỗ trợ sạc nhanh (TurboCharger) cho phép nạp được 27% pin chỉ sau 15 phút và mất tầm 70 phút để sạc đầy. Thêm một nhược điểm là cục sạc khá thô với sợi cáp không tách rời. Biến hình với các mô-đun sành điệu Cùng có cấu trúc lắp ghép mô-đun như LG G5, nhưng Moto Z được đánh giá cao hơn với giải pháp tháo lắp trực tiếp. Khác với G5, việc kết nối giữa Moto Z và các mô-đun diễn ra đơn giản và nhanh chóng như lắp ốp lưng mà không cần tắt máy. 5 mô-đun ra mắt cùng Moto Z gồm Hasselblad TrueZoom, JBL SoundBoost, Moto Insta-share, Incipio offGrid và Moto Style Shell.
Hasselblad TrueZoom Khi kết nối với Moto Z, Hasselblad TrueZoom sẽ hoạt động độc lập như một chiếc máy ảnh compact 12MP có khả năng zoom quang học 10x. Lúc này, Moto Z đóng vai trò như một màn hình cảm ứng đơn thuần. Phụ kiện này được thiết kế - chế tạo khá cao cấp, nhiều chi tiết và hầm hố đúng chất của "Hassel", nút chụp chắc chắn tích hợp cần gạt zoom nhạy và tiện lợi. Khi lắp phụ kiện Hasselblad TrueZoom, chế độ chỉnh tay cho phép phơi sáng 4s, có thể quay video độ phân giải full-HD. Ảnh chụp bằng mô-đun rời này không bị vỡ hay bệt như khi chụp bằng camera tích hợp.
Điểm cần lưu ý là phụ kiện này không tích hợp pin nên sẽ ngốn năng lượng của Moto Z. Sản phẩm hợp tác giữa Hasselblad danh tiếng và Motorola có giá 7 triệu đồng.
Ảnh chụp bằng Hasselblad TrueZoom
Mô-đun này cũng tiêu thụ pin của máy khá nhiều dù bản thân nó được tích hợp viên pin 110mAh với cổng sạc USB Type-C riêng. Moto Insta-share có giá khá cao là 8,299 triệu đồng, nhưng đây là phụ kiện chứng tỏ sự sáng tạo và tính tiện nghi - đa nhiệm mà Lenovo đầu tư cho flagship của họ. Trước đó, Lenovo cũng đã trang bị máy chiếu cho dòng máy tính bảng Yoga Tab 3 Pro.
JBL SoundBoost
Mô-đun này giúp Moto Z chơi nhạc với chất âm ấn tượng thông qua hai loa ngoài công suất 6W và còn "nộp" thêm viên pin 1.000mAh cho smarphone. Kết nối với mô-đun này, Moto Z sẽ chơi tốt cả phần âm thanh lẫn hình ảnh và nâng thời lượng sử dụng lên 10 tiếng. JBL SoundBoost có mức giá 3 triệu đồng.
Ngoài ra, nếu chỉ cần tăng dung lượng pin, Moto Z sẽ kết hợp với mô-đun Incipio offGrid (giá 2,4 triệu) để có thêm 20 giờ sử dụng. Sau cùng, mô-đun đơn giản nhất là Moto Style Shell (300 - 500 nghìn đồng) - loạt nắp lưng thời trang được chế tác từ những chất liệu cao cấp như gỗ và da thật.
Ngoài bộ 5 mô-đun đầu tiên kể trên, Lenovo cũng thông báo rằng họ sẽ tiếp tục phát triển đều đặn 4 Moto Mod vào mỗi quý trong năm 2017, hướng tới nhu cầu kết nối 5G, game... Đánh giá chung Lenovo Moto Z mang đến trải nghiệm cao cấp khi sở hữu độ mỏng ấn tượng, chất lượng hoàn thiện cao cấp, cấu trúc chắc chắn và mang đậm phong cách Motorola. Máy có cấu hình mạnh mẽ, vận hành mượt mà, viên pin tạm ổn. Đặc biệt là khả năng lắp ghép mô-đun mở ra những tính năng và trải nghiệm thú vị mà ít có smartphone cao cấp nào theo kịp. Dù vậy, với vai trò tiên phong, thế hệ Moto Z đầu tiên và loạt mô-đun đi kèm không tránh khỏi những điểm gợn nhất định về kiểu dáng, khả năng chụp ảnh chưa xuất sắc và đặc biệt là giá thành sản phẩm hơi cao. Nếu được bán ra với mức giá "mềm" hơn Moto Z và bộ mô-đun thú vị sẽ dễ tiếp cận hơn với nhóm khách hàng yêu thích sản phẩm công nghệ và sáng tạo.