Tin mới

Những cặp tai nghe sừng sỏ trong tầm giá: Dunu Titan 3 và 5

2 cặp tai nghe cao cấp Titan 3 và Titan 5 được giới thiệu tại Triển lãm Hi-fi Bắc Kinh được đầu tư nhiều nhất về cả mặt thiết kế lẫn âm thanh.

Những cặp tai nghe sừng sỏ trong tầm giá: Dunu Titan 3 và 5 ảnh 1

Thiết kế

Tai nghe của Dunu được làm với vỏ ngoài như một cặp tai nghe earbud truyền thống, với phần ốp khá lớn để đặt lên vành tai người dùng. Bên trong ốp này lại có một ống âm ngắn giống như một tai nghe nhét trong (in-ear). Cách thiết kế như vậy tạo sự thoải mái vì áp lực không dồn hết vào ống tai người nghe, nhưng vẫn đáp bảo được độ cách âm khá tốt.

Những cặp tai nghe sừng sỏ trong tầm giá: Dunu Titan 3 và 5 ảnh 2

Một trong những điểm hạn chế ở Titan 1 là phần ống tai hơi ngắn nên không vừa vào tai người nghe, dễ tuột ra ngoài. Trên cặp sản phẩm mới, Dunu đã thiết kế lại để dòng Titan thân thiện với người dùng hơn. Titan 3 và Titan 5 có bề ngoài gần như giống nhau hoàn toàn. Điểm khác duy nhất là là mặt ngoài mỗi sản phẩm sẽ có số "3" và "5" tương ứng. Cả 2 cặp tai nghe này đều có những thay đổi tuy nhỏ, nhưng đều mang lại những tiện ích khi sử dụng. Toàn thân Titan 3 và 5 vẫn được làm bằng kim loại, được chế tác rất tốt nên bóng loáng, mang lại cảm giác cao cấp. Một điểm nâng cấp đáng giá là cả 2 đều có thể tháo rời phần dây khi cần. Dây được làm giống với tiêu chuẩn trước đây với điểm đặc biệt là một dải cao su nhỏ để quấn gọn dây khi không sử dụng. Phần kết nối được làm chữ "L" chống gãy gập nhưng có màu đen tuyền chứ không còn là màu bạc như trên Titan 1

Phần housing (vỏ tai nghe) được hãng thay đổi nhiều nhất. Phần thân đã được làm dài hơn một chút với 2 mục đích, đầu tiên là để có chỗ chứa giắc cắm dây tín hiệu (Titan 1 không có phần này vì là dây liền), sau đó là để tay người dùng dễ cầm nắm hơn. Phần ống âm được làm dài hơn khá nhiều và tiết diện cũng lớn hơn nên dễ gắn khít vào tai người nghe hơn. Cảm giác đeo Titan 3 và 5 vẫn thoải mái như Titan 1 dù đã đi sâu vào tai hơn, điều này cũng khiến cho độ cách âm tăng lên nhiều. Với Titan 3 và 5, độ cách âm đạt tới 90% so với một cặp in-ear truyền thống. Tất cả những thay đổi bên ngoài trên 2 tai nghe này của hãng là đúng đắn, hướng tới sự tiện dụng. Chỉ có điều là những sợi dây vỏ cao su chỉ được làm khá mỏng, không tương xứng với phần tai kim loại chắc chắn.

Những cặp tai nghe sừng sỏ trong tầm giá: Dunu Titan 3 và 5 ảnh 3

Những cặp tai nghe sừng sỏ trong tầm giá: Dunu Titan 3 và 5 ảnh 4

Những cặp tai nghe sừng sỏ trong tầm giá: Dunu Titan 3 và 5 ảnh 5

Phụ kiện

Cả 2 cặp tai nghe này đều được hãng trang bị khá đầy đủ phụ kiện. Mỗi tai nghe đều được trang bị 5 bộ mút tai (3 bộ được đặt sẵn ở ngoài vỏ và 2 bộ trong hộp), một chiếc hộp đựng phụ kiện gồm một jack chuyển 3,5mm ra đầu lớn 6,3mm. Ngoài ra, hộp đựng còn chứa một cặp móc giúp sản phẩm bám vào tai người dùng dễ hơn. Đây là một bộ phụ kiện không tồi, nhưng rất tiếc lại thiếu một túi vải hoặc hộp sắt để đựng tai nghe.

Những cặp tai nghe sừng sỏ trong tầm giá: Dunu Titan 3 và 5 ảnh 6

Thông số kỹ thuật

Điều mà Dunu tự hào ở Titan 1 là loại màng loa bằng Titanium, linh kiện này tiếp tục xuất hiện trên Titan 3 và 5 với cỡ 13mm, có khả năng tái tạo dải tần từ 10-40.000Hz. Dải tần này đã đủ để 2 tai nghe mới của Dunu nhận chứng chỉ Hi-res của Sony, có thể kết nối chúng với các máy nghe nhạc Hi-res của Sony để thưởng thức âm nhạc chất lượng cao.

Những cặp tai nghe sừng sỏ trong tầm giá: Dunu Titan 3 và 5 ảnh 7

Trở kháng ở 2 tai nghe này khác nhau, Titan 3 là 16Ω và Titan 5 là 32Ω. Thực tế cũng cho thấy Titan 5 cần công suất phát lớn hơn để tạo ra cùng mức âm thanh với Titan 3. Nhưng điểm khác biệt này không quá lớn, chúng đều là những tai nghe dễ kéo. Cả 2 sản phẩm đều có dây dài 1,2m - một tiêu chuẩn của tai nghe in-ear. Trọng lượng mỗi cặp là 24g khiến cầm trên tay có cảm giác khá nặng, đơn giản vì chúng đều được làm bằng kim loại nguyên khối. Nhưng khi đeo lên tai với nhiều điểm tựa chúng vẫn tạo cảm giác thoải mái, dù nghe lâu.

Những cặp tai nghe sừng sỏ trong tầm giá: Dunu Titan 3 và 5 ảnh 8

Chất âm

Không ngẫu nhiên mà Dunu lại tạo ra 2 cặp tai nghe giống nhau cả về ngoại hình lẫn chất âm. Titan 3 và 5 vẫn có những nét riêng trong phong cách chơi nhạc, phù hợp với những gu nghe khác nhau và thậm chí cần có cách phối ghép riêng để tạo ra được hiệu quả tốt nhất. Về tổng thể cả 2 tai nghe này đều thiên sáng giống Titan 1, phần lớn trường âm được kéo lại gần người nghe. Ưu điểm của thiết kế dạng lai này giúp chúng có âm trường rộng rãi hơn so với nhiều cặp tai nghe in-ear khác. Ưu điểm mà cả 2 thừa hưởng từ người tiền nhiệm là nền âm khá sạch và thoáng, phần trình diễn tập trung hơn vào dải tần chính của bản nhạc.

Những cặp tai nghe sừng sỏ trong tầm giá: Dunu Titan 3 và 5 ảnh 9

Dải trầm

Cả 2 cặp tai nghe này đều có phần ống âm (nozzle) dài và to hơn nên có thể đi sâu và khít với ống tai người nghe hơn. Chính vì vậy mà âm sẽ ít bị thoát ra ngoài, nhất là phần trầm, ưu điểm này rất dễ nhận ra, cả về lượng lẫn chất.

Titan 3 vốn được thiết kế để nghe nhạc Vocal nhẹ nhàng, nên phần trầm có lượng ít hơn so với Titan 5. So với các tai nghe in-ear hiện hành thì lượng trầm của Titan 3 chỉ đạt mức trung bình, rất phù hợp với những người thích sự thoải mái khi nghe nhạc. Tuy có lượng vừa phải nhưng âm trầm của Titan 3 có điểm mạnh là xuống sâu. Phần siêu trầm trên tai nghe này tuy có âm lượng nhỏ dần đi, nhưng vẫn đủ để cảm nhận được độ rung. Dải trầm xuống tới ngưỡng thấp thì bị roll off nhưng không gây cảm giác hụt hẫng. Bài Can't Sleep Love được thể hiện rất tốt đoạn đầu, giọng trầm của Avi Kaplan được tái tạo dày dặn, xuống sâu và không bị loãng. Một điểm mà Titan 3 hơn Titan 5 là tốc độ chơi tiếng trầm. Từ ngay khi ra mắt bộ sản phẩm này, Dunu đã giới thiệu Titan 3 là một tai nghe chơi âm trầm nhanh gọn, và điều này rất dễ kiểm chứng. Một âm trống được chơi ra thì luôn có cấu trúc đầy đủ, dầy và sạch nhưng được ngắt nhanh, ít vang. Đáp ứng đủ lượng, có tốc độ nhanh để làm nền cho các bản nhạc vocal, jazz nhẹ nhàng nhưng hơi thiếu khi thể hiện dòng nhạc thiên trầm như dance, pop, EDM...

Những cặp tai nghe sừng sỏ trong tầm giá: Dunu Titan 3 và 5 ảnh 10

Khác với Titan 3, lượng âm trầm của Titan 5 mạnh va uy lực hơn. Cũng vì vậy mà tai nghe này có xu hướng V-shape (những tai nghe mạnh phần trầm và cao) rõ rệt. Titan 5 có lượng trầm nhiều hơn đáng kể so với các tai nghe cùng dòng Titan vốn không xuất sắc khi tái tạo dải tần này. Khi so sánh trực tiếp với cặp tai nghe thiên trầm đặc trưng là Fidue A81, lượng trầm của Titan 5 đạt tới 90%, mặc dù có cách đeo hờ trên tai đặc trưng. Âm lượng phần siêu trầm của Titan 5 tạo cảm giác tiếng trống được “thả” xuống rất sâu, vang và đầy năng lượng. Với những người thích sự nhẹ nhàng thoải mái sẽ không hợp với phong cách này, vì nó khá bạo lực. Thậm chí âm trầm luôn có một vị trí rất nổi bật trong toàn dải âm của tai nghe, nên rất hợp với những bản nhạc Electro và EDM hiện đại. Chất trầm trên Titan 5 vẫn có độ sáng nhất định nên cặp tai nghe này vẫn có thể chơi được nhiều thể loại nhạc hơn so với dòng V-shape nói chung. Nhược điểm của cách chơi phần trầm như vậy là ở những bản nhạc cần sự nhẹ nhàng, nhất là Jazz, thì tiếng trống lại nổi hơn so với giọng ca sĩ chính, gây xao nhãng cho người nghe. Mặc dù phần voice của Titan 5 cũng không tệ, nhưng đây vẫn là một tai nghe thiên về các thể loại nhạc sôi động hơn.

Trung âm

Năm nay, Dunu đã phát triển sản phẩm có tính định hướng cao khi ở vỏ ngoài Titan 3 in dòng chữ "Cặp tai nghe dành cho nhạc Vocal" và Titan 5 ghi "Âm thanh sống động, mạnh mẽ". Và dải trung âm của cả 2 tai nghe đều được làm để phục vụ mục đích này. Về tổng thể thì chúng đều có phần trung âm sáng nếu không muốn là hơi thiên sáng - một đặc trưng xuất hiện trên cả Titan 1 và 1ES. Nhưng khi đi sâu vào từng sản phẩm thì người ta sẽ phát hiện nhiều điểm khác biệt.

Titan 3 có lẽ là cặp tai nghe chơi dải trung tốt nhất của Dunu, nó đưa giọng ca sĩ hay nhạc cụ chính lên gần chính giữa đầu người nghe, nhưng vẫn có một khoảng cách nhỏ. Nói một cách dễ hiểu thì người nghe sẽ có cảm giác như đang ngồi ở hàng ghế đầu trong khán phòng chứ không phải đứng ngay cạnh ca sĩ. Giọng ca sĩ tiến khá gần, được thể hiện tập trung ở một chỗ nhưng vẫn giữ được cảm giác hơi airy, nhẹ nhàng. Giọng Lucy Durack trong  bài Dream A Little Dream Of Me vang lên ấm áp, ngọt ngào mặc dù chưa sánh ngang những tai nghe của Audio Technica từ Nhật Bản. Tỷ lệ âm hơi nhiều hơn âm giọng đôi chút khiến voice của Titan 3 trở nên nhẹ, nhưng vẫn đủ độ ấm để không bị thều thào. Giọng nữ lên khá cao, nhưng vẫn có một điểm sáng hơi chói tạo cảm giác bị rít (sibalance) nhẹ giống với Titan 1. Phần sibalance này không quá nghiêm trọng, chỉ như một điểm nhấn mà thôi. Một yếu tố nữa làm nên sự thành công cho phần trung của Titan 3 là độ chi tiết cao (sẽ được nói rõ ở phần sau).  Giọng Michael Bublé trong bản live "All of me" tái hiện rõ cả các nhịp lấy hơi nhỏ, gằn giọng. Tóm lại, đây là một phần trung nhẹ, bay bổng và ấm áp nên có thể chơi rất tốt nhạc Ballad, Jazz, Blues...

Những cặp tai nghe sừng sỏ trong tầm giá: Dunu Titan 3 và 5 ảnh 11

Tuy cũng có trung âm sáng và tiến như Titan 3, nhưng Titan 5 vẫn tạo ra những điểm khác biệt dễ nhận thấy. Đầu tiên là vị trí giọng ca sĩ đã tiến hẳn lên, chính giữa đầu người nghe chứ không còn giữ khoảng cách nữa. Thứ hai, phần voice chắc chắn hơn, ít âm hơi nên nghe có phần khô, thiếu sự bay bổng và ấm áp của Titan 3. Đối với mỗi người thì điều này có thể là điểm mạnh hoặc yếu. Ở những ca khúc Vocal nữ như Sound of silence, Titan 5 để hiện giọng nữ hơi thiếu chân thực để nhường chỗ cho chất âm điện tử. Độ trung thực bị hi sinh đôi chút cũng là điểm tốt với dòng nhạc Pop hay các bản Remix hiện đại. Bài Ladykiller của Maroon 5 nhuốm phong cách hiện đại hơn khi được chơi trên Titan 5. Phần trung cao của Titan 5 thậm chí còn vượt qua cả Titan 3, gây ra nhiều sibalance hơn. Phần này Titan 5 giống với người tiền nhiệm Titan 1, ai chưa quen thì sẽ không thích, nhưng đó lại là một dấu ấn làm nhiều người mê mẩn dòng Titan này. Đây không phải là cặp tai nghe chơi dải trung lí tưởng dành cho các bản Vocal hay Jazz nhẹ nhàng mà hướng tới các thể loại Rock, Metal hay Pop bạo lực và sôi động.

Âm cao

Điều làm Titan 1 trở nên cực kì nổi bật là phần âm cao rất bạo lực, nhiều lượng, gần như không bị roll off. Kết quả là cặp tai nghe này tái tạo dải tần số cao rất chói gắt. Chất âm đặc trưng này khiến Titan 1 trở nên khó nghe với những bass-head không thích chất âm thiên sáng, nhưng ai đã thích thì không thể bỏ tai nghe xuống.

Titan 5 gần như thừa hưởng hoàn toàn đặc tính gây nghiện này của Titan 1. Dải cao của Titan 5 có lượng khá nhiều, được chơi sáng và tách ra khỏi nền nhạc. Dải cao cũng được kéo khá dài nên luôn tạo các dư âm trong bản nhạc. Tiếng Marimba trong bài A Quai cho cảm giác khỏe khoắn, cảm giác kim khí rõ ràng. Đây cũng là một yếu tố tạo nên âm trường rộng mở của tai nghe. Những người có gu nhạc sáng với những âm cao sắc cạnh sẽ không phải thất vọng với Titan 5.

Những cặp tai nghe sừng sỏ trong tầm giá: Dunu Titan 3 và 5 ảnh 12

Còn ở Titan 3, hãng đã điều chỉnh lại một chút để hòa âm tổng thể nhẹ nhàng, dễ thưởng thức hơn. Phần cao tuy không bị roll off sớm, nhưng đã bớt chói hơn, ngọt và tròn hơn một chút. Kể cả khi được phối với những nguồn phát có thiên hướng sáng thì Titan 3 vẫn không gây ra hiện tượng chói và rít ở dải cao. Vẫn ở bài A Quai, các âm Marimba làm nền cực kì rõ ràng, đủ sáng nhưng dễ nghe hơn so với Titan 1 và 5. Không phải vì thế mà Titan 3 có dải cao kém cỏi, so với những tai nghe thuần in-ear hay earbud thì đây vẫn là một cặp tai nghe mạnh về phần này.

Độ chi tiết và sân khấu âm thanh

Tuy có nhiều điểm khác biệt khi trình diễn các dải tần âm thanh, nhưng cả 2 cặp tai nghe mới của Dunu đều có ưu điểm về độ chi tiết tốt và âm trường rộng mở. Vì chơi với âm nền sáng và sạch sẽ nên chúng cùng thể hiện được các góc cạnh của âm nhạc. Phần trung của cả 2 tai nghe này đều hơi tiến nên người dùng dễ cảm nhận được tiếng tạch lưỡi, lấy hơi. Các lỗi bản nhạc cũng được Titan 3 và 5 phô bày chân thực, tuy không đến mức bóc tách rạch ròi như dòng tai nghe cao cấp hơn, nhưng có thể nhận thấy khá rõ ràng.

Tái hiện sân khấu âm thanh là đặc điểm rất mạnh của cả 2 tai nghe, vượt trội so với các sản phẩm in-ear cùng tầm giá. Khi thể hiện bài "Endless Skies" của Karunesh, chúng đã tạo được cảm giác rất "Endless" – bất tận. Phần nền khá sạch, ít sạn cộng với kiểu đeo rộng mở, thêm cả phần âm cao sắc và âm trường rất rộng, cặp sản phẩm của Dunu chơi hay không thua kém những cặp tai nghe đắt giá hơn chúng. Một số tạp chí âm thanh nước ngoài cho rằng âm trường của Titan 5 rộng hơn cả Titan 3, việc kiểm chứng thực tế cho thấy điều này cũng đúng. Với những bản nhạc của Karunesh, cả 2 tai nghe đều cho cảm giác rộng mở nhưng Titan 5 vẫn nhỉnh hơn đôi chút. Cách thể hiện âm trường ở Titan 3 rộng nhưng vừa phải, rất phù hợp để chơi vocal vì nếu tạo cảm giác quá rộng âm thanh sẽ bị loãng, không còn tập chung được vào phần hát nữa. Nhưng Titan 5 thì tạo được trường âm rộng mở như loại tai nghe over-ear. Nếu Titan 3 có dải Vocal tốt nhất của Dunu, thì Titan 5 giành danh hiệu âm trường rộng nhất của hãng. Titan 5 cũng là bằng chứng bác bỏ định kiến cho rằng dòng V-shape không thể có âm trường rộng.

Những cặp tai nghe sừng sỏ trong tầm giá: Dunu Titan 3 và 5 ảnh 13

Tuy có nhiều điểm tương đồng về ngoại hình, nhưng Titan 3 và Titan 5 lại có chất âm khá khác nhau. Mỗi tai nghe một vẻ, nhưng chúng là những sản phẩm tốt để thay thế người tiền nhiệm Titan 1 của năm 2014. Với giá bán cùng mức 3,2 triệu đồng (tham khảo ido Audio Việt Nam), cả 2 cặp tai nghe này chắc chắn sẽ tiếp nối thành công cho dòng Titan của Dunu.

Minh Đức