Tin mới
OLED & QLED: Đâu là công nghệ TV tốt nhất thời điểm hiện tại?
Một trong những sự nhầm lẫn đó đến từ hai công nghệ đang cạnh tranh nhau ở phân khúc cao cấp của thị trường TV: OLED và QLED. Vậy chính xác chúng là gì, sự khác biệt ở đâu, nếu bạn muốn chất lượng hình ảnh tốt nhất thì nên chọn công nghệ nào?
Ngày nay những công nghệ TV đang ngày càng phát triển với nhiều tiến bộ. Những nội dung số có độ phân giải 4K, hỗ trợ HDR đã nhiều hơn và sẵn sàng cho bạn sử dụng bất kỳ lúc nào và ở đâu. Nhưng đây cũng là thời điểm dễ gây hiểu nhầm nhất với những công nghệ trên TV, hàng loạt từ viết tắt và thuật ngữ tiếp thị mới đang làm mưa làm gió trên thị trường. Điều này khiến người mua phân vân trước việc chọn lựa sản phẩm.
Ưu và nhược điểm của OLED
OLED (Organic Light-Emitting Diode) là công nghệ màn hình dựa trên cơ sở là những tấm phim được đặt giữa hai điện cực và sẽ phát sáng tấm phim khi có dòng điện chạy qua. Điều quan trọng là với lớp này, ánh sáng có thể được phát ra trên từng pixel riêng biệt, do đó một pixel trắng (hoặc màu khác) có thể xuất hiện bên cạnh một pixel đen hoặc một màu hoàn toàn khác mà không làm ảnh hưởng đến những pixel khác.
Điều này trái ngược hoàn toàn với TV LCD truyền thống, dựa trên một đèn nền riêng biệt để tạo ra ánh sáng sau đó truyền qua lớp hiển thị. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực cải tiến về công nghệ nhưng không có TV sử dụng đèn nền nào có thể giải quyết được hoàn toàn vấn đề hở sáng từ những pixel đang “sáng” qua những điểm xung quanh nó. Ngoài ra, việc sử dụng đèn nền sẽ không thể làm tối cục bộ một cách chính xác những mảng đen của từng khung hình.
Ưu điểm khác của OLED là tấm nền mỏng và nhẹ hơn so với những công nghệ cũ như LED hay LCD, góc nhìn cũng được mở rộng và thời gian phản hồi của màn hình cũng được rút ngắn. Công nghệ OLED tất nhiên cũng có nhược điểm, đó chính là chi phí sản xuất tương đối đắt đỏ. Tuy nhiên thời điểm này giá bán cũng đã dễ chịu hơn nhờ vào LG (nhà sản xuất tấm nền OLED duy nhất trên TV) đã bán tấm nền của mình cho các nhà sản xuất khác như Sony, Panasonic và Philips, từ đó tăng cả số lượng được sản xuất cũng như cạnh tranh trong những cửa hàng, nhưng dù thế nào thì giá TV OLED vấn đắt hơn so với những mẫu TV LCD tiêu chuẩn. Một sự thật nữa là hiện tại không có TV OLED nào nhỏ hơn 55 inch, nhưng thời gian tới LG Display cho biết sẽ sớm ra mắt mẫu màn hình OLED 48 inch. OLED cũng hơi “vất vả” một chút khi cố đạt được độ sáng như những TV cao cấp có đèn nền chuyên dụng.
Cuối cùng, bản chất của tấm nền OLED là diode phát quang hữu cơ vì vậy sẽ có hiện tượng lưu ảnh thậm chí là burn-in, giống như vấn đề mà những TV Plasma đã từng gặp phải. Tuy nhiên đây không phải là hiện tượng quá phổ biến vì vậy bạn đừng lo lắng và các nhà sản xuất đều đã có những tính năng để giảm thiểu rủi ro này. Hiện tại, bất kỳ nhà sản xuất nào cũng đều cảnh báo về điều này với khách hàng của mình về hiện tượng lưu ảnh trong sách hướng dẫn sử dụng hoặc thông báo trong lần đầu tiên sử dụng TV.
Ưu và nhược điểm của QLED
Một hãng sản xuất TV lớn khác là Samsung lại không đi theo OLED mà lựa chọn quảng bá cho một công nghệ khác: QLED. Công nghệ QLED là viết tắt của Quantum-dot Light-Emitting Diode tức là Diode phát quang chấm lượng tử, theo lý thuyết thì QLED có khá nhiều điểm chung với OLED, đáng chú ý nhất là mỗi pixel có thể tự phát quang riêng biệt nhờ vào những chấm lượng tử (đây là những hạn bán dẫn siêu nhỏ kích thước vài nanomet). Cũng theo lý thuyết thì chấm lượng tử cho phép tạo ra màu sắc rất tươi sáng, rực rỡ và đa dạng, thậm chí là còn vượt trội hơn cả so với OLED.
Vấn đề của chấm lượng tử là chúng không tự phát quang mà thay vào đó là có ánh sáng từ đèn nền đi qua chúng, giống như cách mà những tấm nền LCD không phải QLED/LED đang hoạt động. Chấm lượng tử vẫn đang cải thiện độ rực màu và kiểm soát màn hình LCD, nhưng đây không phải là công nghệ thế hệ tiếp theo có thể thay đổi được cuộc chơi QLED, vì đây là công nghệ mà công ty đã sử dụng vào năm 2016.
Khả năng phát quang từng điểm ảnh của tấm nền OLED mang lại cho nó một lợi thế riêng biệt so với những sản phẩm khác, mặc dù độ sáng thấp hơn nhưng độ tương phản cực kì ấn tượng. Tuy nhiên, mọi thứ trở nên thực sự thú vị khi thế hệ tiếp theo của công nghệ chấm lượng tử ra đời và đó cũng là điều mà chúng tôi đang mong đợi. Với thế hệ này, các chấm lượng tử sẽ có khả năng tự phát quang của riêng chúng, mang lại khả năng phát quang và tắt từng pixel giống như OLED. Trong khi đó về mặt lý thuyết thì vẫn giữ được lợi thế về độ rực màu và độ sáng cao hơn.
Tuy nhiên, chúng ta sẽ phải chờ ít nhất đến năm 2021 mới có thể tiếp cận được những mẫu TV sử dụng chấm lượng tử thế hệ II này. Nên hiện giờ, trọng tâm chính của Samsung cho năm 2019 vẫn là cải thiện độ sâu của màu đen và góc nhìn của TV QLED. Dòng TV 2019 của Samsung bao gồm công nghệ đèn nền LED trực tiếp và một số khác sử dụng dải đèn nền. Chúng ta cũng đã có hai khái niệm mới - một là khái niệm về sử dụng bảng điều khiển MicroLED cho đèn nền và một khái niệm khác là đèn nền LED với khoảng 10000 vùng có thể được chiếu sáng riêng biệt. Ở thời điểm hiện tại, những thay đổi và phát triển về công nghệ của Samsung đối với tấm nền OLED đang tiến triển rất tốt. Cụ thể là Flagship Q90R của hãng đã cho phép góc nhìn rộng hơn, không thua kém quá nhiều so với màn hình OLED, màu đen cũng sâu và ấn tượng hơn.
Chúng tôi đã được thử nghiệm một chiếc TV QLED 49 inch là Q70R - đây là phiên bản rút gọn của Q90R nhưng là sự lựa chọn tuyệt vời với kích thước này. (Như đã nói ở trên hiện tại vẫn chưa có màn hình OLED nào nhỏ hơn 55 inch). Có thể thấy rằng, công nghệ hoàn hảo nhất chính là sự kết hợp giữa độ sáng và độ rực màu của QLED với màu đen sâu và độ tương phản cao của OLED, với những gì chúng ta có ở thời điểm này thì đó chỉ có thể là công nghệ chấm lượng tử thế hệ tiếp theo có thể tự phát quang. Điều này thể hiện rõ tới mức nhiều nhà sản xuất tấm nền bao gồm cả LG dường như vẫn đang nghiên cứu để tạo ra nó.
Kết luận
Mặc dù vậy chưa thể nói chính xác được đến bao giờ chúng ta mới có thế hệ màn hình QLED tiếp theo, vì vậy nếu bây giờ bạn bắt buộc phải mua TV thì hãy lựa chọn theo ưu điểm và nhược điểm của từng tấm nền theo mục đích của bạn. Qua những gì trải nghiệm trong suốt thời gian qua, chúng tôi hiện vẫn thiên về xuất lựa chọn màn hình công nghệ OLED bởi hình ảnh tự nhiên và chân thực hơn khi so với QLED.
Nếu như vào thời điểm 2018, khi đem LG C8 55in so sánh với Samsung Q9 thì khoảng cách giữa hai tấm nền đã rất gần. Mặc dù Samsung Q9FN dải tương phản động rộng hơn nhất là với nội dung HDR, thì LG G8 lại cân bằng, nhất quán và màu sắc tự nhiên hơn. Chính những điểm này đã giúp LG G8 dành chiến thắng với số điểm chênh lệch rất nhỏ. Trong năm 2019, Samsung đã giải quyết được ít nhiều hai vấn đề nan giải nhất của QLED đó là độ sâu của màu đen và góc nhìn. Bạn hoàn toàn có thể lựa chọn chiếc Q90R thay vì một chiếc TV OLED, và tôi tin nhiều người sẽ đồng ý với bạn. Nhưng LG cũng đã đẩy mạnh mọi thứ hơn chúng ta mong đợi, tăng hiệu năng xử lý hình ảnh trên tấm nền OLED với khả năng xử lý thông minh. Để lựa chọn thì C9 sẽ là sản phẩm TV OLED tốt nhất trong các sản phẩm năm 2019 của LG (E9, W9 và R9 cung cấp chất lượng âm thanh và thẩm mỹ khác nhau nhưng chất lượng hình ảnh là như nhau), và tất nhiên cũng không bị đánh bại bởi bất kì mẫu TV QLED nào từ các nhà sản xuất đối thủ.