Tin mới
Saul B.Marantz - Người nắm vai trò đặc biệt khai sinh ngành âm thanh hi-end
Khi Saul B.Marantz và người vợ tên là Jean định cư ở Kew Gardens (Queens, New York, Mỹ) vào cuối thập niên 1940, hầu như không hề có một chi tiết nào trong lý lịch nguồn gốc của ông có thể khiến mọi người đoán được rằng, trong vòng một thập kỷ tới, ông sẽ là người nắm giữ vai trò gần như quan trọng nhất trong công cuộc khai sinh ngành âm thanh hi-end.
Saul Marantz sinh năm 1911 tại Brooklyn (New York, Mỹ). Ông bắt đầu chế tạo các thiết bị âm thanh sau khi xuất ngũ, trong khi Thế chiến II vẫn đang diễn ra. Vào một ngày năm 1948, Saul Marantz quyết định tháo chiếc radio trên ôtô Mercury 1940, chế thêm một số linh kiện điện tử và lắp đặt chiếc đài trong nhà. Từ những kinh nghiệm này, 4 năm sau, Marantz chế tạo 100 chiếc preamp chất lượng cao Audio Consolette và chưa đầy một năm tiếp theo 400 preamp đã được bán ra. Năm 1948 cũng là thời điểm định dạng đĩa than ra đời. Preamp Consolette có các chế độ cài đặt dành cho hơn 36 kiểu đĩa than. Đĩa than ra đời và sự yêu thích của công chúng đối với âm thanh độ trung thực cao đã tạo động lực mạnh mẽ giúp ông phát triển các thiết kế thiết bị âm thanh. Đồng thời, sản phẩm của ông đã được đón nhận nồng nhiệt. Nhờ thành công này, Marantz mở rộng quy mô kinh doanh và thành lập công ty Marantz vào năm 1953. Năm 1954, sản phẩm thương mại đầu tiên của công ty Marantz được giới thiệu ra thị trường là preamp Model 1. Đây là preamp đầu tiên trang bị chuẩn RIAA EQ. Ngày nay, các audiophile vẫn có thể mua sản phẩm ở dạng rời từng món phụ tùng chờ lắp ráp hoặc cả bộ hoàn chỉnh.
Ngày đó, có một kỹ sư điện tử trẻ tìm việc làm ở thành phố New York đã tình cờ nhìn thấy mẫu quảng cáo Model 1 và gõ cửa nhà Marantz. Tên người này là Sid Smith, sau đó đã trở thành kỹ sư trưởng của công ty Marantz. Cặp đôi Marantz - Smith đã hợp tác rất hiệu quả, họ cùng nhau thiết kế và sản xuất rất nhiều bóng đèn cổ điển trong những năm sau đó. Thành công cũng thể hiện kỳ vọng và tầm nhìn của Saul Marantz về sự hài hòa giữa chất lượng âm thanh và chức năng phong phú cùng độ dẻo dai và bền bỉ của sản phẩm.
Công ty trở thành một thương hiệu danh tiếng và bền vững vào đầu thập niên 1960. Ampli công suất Model 2, phần lớn do bàn tay Sid Smith thiết kế, ra đời năm 1956. Ampli này là bước khởi đầu tốt đẹp và trở thành hình mẫu cho rất nhiều ampli công suất hiệu quả và thành công, sử dụng cặp bóng đèn công suất pentode EL34 trong liên kết siêu tuyến tính. Năm 1958, thừa hưởng thiết kế căn bản của Model 2, ampli Model 4 ra đời, chủ yếu phục vụ cho hệ thống nhiều ampli khi xu hướng chơi hệ thống stereo bắt đầu bùng phát.
Vào buổi bình minh của kỷ nguyên stereo, Marantz đã kịp chế tạo và giới thiệu preamp stereo Model 7. Bên cạnh đó, bo mạch phono "Marantz" nhanh chóng trở thành biểu tượng và bán được hơn 130.000 mẫu trên thị trường. Vào đầu thập niên 1960, ampli mono Model 9 và ampli stereo Model 8B càng làm danh tiếng của Marantz vang xa. Sự kết hợp của Model 7 và Model 9 trở thành điểm sáng trong cuộc cách mạng âm thanh hi-end và hiện vẫn được các nhà sưu tập tìm kiếm gắt gao. Riêng Model 9 công suất 70W là sản phẩm được đưa ra làm đối trọng để hãng cạnh tranh với McIntosh vốn sở hữu các ampli mạnh mẽ hơn. Ampli Model 9 với tùy chọn công suất 40W hoặc 20W khi sử dụng ở chế độ đèn ba cực.
Marantz có biệt tài nhìn người và thu hút nhân tài. Khi ông có ý định làm chương trình nghiên cứu và phát triển mở rộng sản xuất, ông đã chiêu mộ tài năng Richard Sequerra để thực hiện phần lớn công việc thiết kế. Năm 1961, bộ ba Marantz, Smith và Sequerra cùng hợp tác thiết kế bộ thu sóng FM Model 10, sử dụng ống máy hiện sóng để điều hướng hoặc dẫn đường các chỉ báo. Năm 1963, Model 10B chính thức ra mắt thị trường.
Giá của bộ thu sóng Model 10B hồi đó là 650 USD nhưng công ty đã đầu tư rất nhiều để phát triển sản phẩm trong hơn 3 năm. Trong một cuộc phỏng vấn, Saul Marantz đã tiết lộ rằng thậm chí vợ của ông cũng phải hỗ trợ tài chính để cho công ty tiếp tục hoạt động. Bộ thu sóng này đã "ngốn" gần hết vốn của công ty. Dù Marantz đã chế tạo hàng nghìn mẫu Model 10B, sản phẩm này đã gần như “hủy hoại” công ty. Công ty Superscope đã đề nghị mua lại hãng Marantz đúng lúc người sáng lập nó phải thốt lên rằng “chúng tôi đang nghĩ đến việc đóng cửa công ty và tìm cách để thoát khỏi những khó khăn”. Superscope đã tiếp quản Marantz vào năm 1964, chuyển trụ sở từ New York đến California vào năm sau. Vào năm 1966, các sản phẩm của Marantz bắt đầu được sản xuất tại Nhật Bản với sự hợp tác của Standard Radio (công ty này cũng đổi tên thành Marantz Nhật Bản 9 năm sau). Năm 1968, Saul Marantz thôi giữ chức chủ tịch ở công ty mang tên ông. Sau đó vào năm 1972, Saul Marantz đồng sáng lập hãng loa Dahlquist và giữ chức chủ tịch đến năm 1978.
Những thành tựu của Saul Marantz không chỉ là kết quả của hoạt động sáng tạo đúng nơi, đúng chỗ, tại đúng thời điểm và có tầm nhìn cũng như kỹ năng cần thiết để khơi gợi cảm hứng cho những người khác. Hơn hết, ông có cái nhìn kiên định rằng thiết kế công nghiệp tốt cũng quan trọng như chất lượng trình diễn ưu việt. Thiết kế sản phẩm đẹp mắt cũng đóng vai trò then chốt trong việc đưa những thiết bị điện tử vào phòng khách của những người yêu âm nhạc. Sự nghiệp của Saul Marantz cũng như thương hiệu do ông thành lập tạo nên một bức tranh đẹp tráng lệ mà ở đó nổi bật lên những nét vẽ về thành tựu cá nhân gắn liền với những cải cách doanh nghiệp.
Những dấu mốc đặc biệt trong sự nghiệp của Saul Marantz
Năm 1953: Công ty Marantz được thành lập.
Năm 1954: Preamp Model 1 ra đời.
Năm 1956: Ampli công suất Model 2 xuất xưởng.
Năm 1958: Preamp Model 7 xuất hiện trên thị trường.
Năm 1960: Ampli mono Model 9 ra đời.
Năm 1962: Ampli stereo Model 8B, vốn là bản cải tiến của Model 8 ra đời, tích hợp biến áp xuất âm do Sid Smith thiết kế.
Năm 1964: Bộ thu sóng Model 10B ra mắt. Công ty Marantz được bán cho Superscope.
Năm 1968: Saul Marantz nghỉ hưu. Receiver bán dẫn Model 18 được xuất xưởng trang bị mạch âm thanh của Sid Smith.
Năm 1972: Marantz đồng sáng lập hãng loa Dahlquist.
Một số thiết bị được xếp vào hàng huyền thoại với giá trị siêu tầm cao của Marantz
Bộ pre/power amp huyền thoại Marantz Model 7 & Model 9 Mâm than Direct Drive Marantz TT-1000, một thiết kế ấn tượng cho đến tận bây giờ Đầu CD Marantz C-63, thiết kế độc, sở hữu bộ cơ Philips huyền thoại CDM-0 và chip DAC TDA-1541 Thật khó có thể tin chiếc receiver Marantz Model 2600 của thập niên 80 hiện giờ lại có giá hơn 6000USD!