Tin mới
So sánh tai nghe Marshall Minor III và AirPods 2
Nhìn thoáng qua, Minor III trông như một phiên bản độ của AirPods 2 nhưng có những chi tiết khác xa nhau.
Khi Marshall Minor III ra mắt, nhiều người tưởng rằng đây là phiên bản độ của chiếc AirPods 2 vì vậy nhanh chóng khẳng định chúng chẳng có gì khác nhau về ngoại hình. Nhưng khi đặt cạnh nhau, sẽ có những khác biệt bằng mắt thường bạn cũng có thể thấy.
Màu sắc
Khác biệt dễ thấy đầu tiên chính là màu sắc, AirPods màu đen vốn là thứ nhiều người dùng kỳ vọng nhưng đến bây giờ vẫn chưa có sản phẩm nào như thế. Bù lại, nếu đã thích tai nghe màu đen, bạn sẽ yêu ngay Marshall Minor III bởi lớp vỏ đen cực ngầu đậm chất Marshall. Hơn nữa, trên hộp đựng còn được giả da, đem lại độ bền, sự sang trọng, độ bụi bặm vì da mà càng cũ nhìn lại càng hoài cổ.
Marshall Minor III có lô-gô ở mặt trước hộp còn AirPods 2 không có bất kỳ lô-gô nào. Nút kết nối của Marshall Minor III được đưa xuống cạnh dưới thay vì ở mặt sau như AirPods và cổng Lightning cũng thay bằng USB-C. Đèn thông báo ở vị trí giống nhau.
Housing
Khi để cạnh housing của Marshall Minor III cạnh AirPods 2 có thể nhìn ra ngay đuôi của Marshall Minor III ngắn hơn, tiệm cận với AirPods Pro thay vì dài như AirPods 2. Chi tiết này không ảnh hưởng đến trải nghiệm đeo, cuống tai vẫn bám khá chắc vào tai. Khoang trước của Marshall Minor III lớn hơn AirPods 2, đây mới là điểm khiến cảm giác đeo Marshall Minor III với những người có lỗ tai nhỏ không được chắc như đeo AirPods 2.
Và form chung của người châu Á cũng khá nhỏ nên nói đúng hơn, Marshall Minor III thích hợp với người châu Âu hơn. Nhưng nói vậy không có nghĩa là chê độ chắc chắn của Marshall Minor III khi đeo lên tai mà đơn giản nó chỉ không tốt bằng AirPods 2, còn lại cũng khá ổn.
Housing của Marshall Minor III còn có điểm nhấn như lô-gô Marshall, đường khía ở cuống tai để cầm chắc chắn hơn và vân tròn màu vàng đồng cực đẹp ở đuôi. Vẫn phải nhắc lại đó là Marshall Minor III ngầu hơn rất nhiều khi đặt cạnh AirPods 2.
Khối lượng
Mặc dù hộp đựng của Marshall Minor III nhìn lớn hơn AirPods 2 nhưng về khối lượng cả 2 đều là 40g đi kèm housing cũng đều 4g nữa nên về cơ bản chúng giống như nhau, không có sự chênh lệch về độ nhỏ gọn, dễ mang theo người.
Driver và tính năng
Marshall cho biết Minor III được trang bị các dynamic driver 12mm được tùy chỉnh với tần số từ 20Hz đến 20 kHz, độ nhạy 93dB và trở kháng 32 ohms. Trong khi đó Apple không công bố thông số chi tiết này.
Tính năng của cả 2 rất tương đồng, các thao tác cảm ứng giống nhau, đều không có chống ồn chủ động. Nếu như AirPods dễ dàng kết nối với iPhone hay iPad qua pop-up thì Minor III cũng có thể làm điều tương tự với máy Android hỗ trợ Google Fast Pair. Cả 2 đều có sạc không dây chuẩn Qi và không có ứng dụng điều khiển.
Tuy nhiên, AirPods 2 chỉ có Bluetooth 5.0 còn Minor III có Bluetooth 5.2 mới hơn, ổn định hơn, kết nối xa hơn. Đặc biệt, Minor III có khả năng chống nước IPX4 còn phải lên tới AirPods Pro mới có trang bị này. Hộp đựng của Minor III cũng kháng nước IPX3.
Chất âm
Marshall cho biết tai nghe của họ đem đến một chất âm đặc trưng với “âm trầm tăng cường, âm trung mượt mà và âm cao rõ ràng.” Và hãng đúng là không nói quá, khi so với AirPods 2, Minor III thể hiện chất âm đàn anh hơn khi âm thanh khá thoáng và rõ nét, âm trường rộng và đặc biệt là dải mid sáng, tái hiện tốt những bài hát hay rap nhiều lời. Minor III có cách xử lý đem tới sự mộc mạc hơn là AirPods 2 có xu hướng làm hài hòa các dải âm nhưng rõ ràng chất âm cũng không quá tốt.
Nói đi cũng phải nói lại, mặc dù Minor III có chất âm tốt hơn AirPods 2 nhưng để nói là xuất sắc thì không thể, nhất lại là trong phân khúc giá khoảng 4 triệu đồng, mẫu tai nghe này còn thiếu nhiều thứ như chống ồn, dải bass chưa dày, chưa đủ lực, treble cũng chưa đã lắm.
Pin
Minor III có tổng thời gian phát không dây là 25 giờ cao hơn 1 giờ so với AirPods 2, mỗi lần sạc nghe được 5 giờ trên cả 2 thiết bị.
Giá bán
Minor III có giá khoảng hơn 4 triệu đồng tại cửa hàng UTC Shop trong khi đó AirPods 2 rẻ hơn, người dùng có thể mua với giá hơn 3 triệu đồng hàng chính hãng.