Tin mới
Sống xa Google sẽ chẳng dễ dàng với Huawei
Hệ điều hành HongMeng đã được Huawei sử dụng để tạm chống đỡ trước lệnh cấm của Tổng thống Trump nhưng về lâu dài Huawei sẽ rất khó sống khỏe nếu xa Google.
Thay thế phần cứng rất dễ nhưng phần mềm thì không
Có cả nghìn nhà cung cấp phần cứng khác nhau trong lĩnh vực công nghệ smartphone nhưng chỉ đếm trên đầu ngón tay các nhà cung cấp hệ điều hành để chạy các phần cứng này. Điều đó có nghĩa, rất dễ để vượt qua các lệnh cấm về phần cứng nhưng cực kỳ khó khăn, nếu không muốn nói là "bất khả thi" hoặc sẽ phải trả một cái giá rất lớn. Đó là lý do vì sao trong các lệnh cấm nhắm vào Huawei ở giai đoạn trước, lệnh cấm liên quan tới Google đã gây ra một sự chấn động vào ngày 15/9 dù trước đó vào ngày 9/8/2019, Huawei đã giới thiệu hệ điều hành HongMeng như một thông điệp đã sẵn sàng cho việc phải sống xa Google. Ngay sau thông báo 15/9 về việc Google không hỗ trợ bản cập nhật Android cho các dòng điện thoại của Huawei, Bộ Thương mại Mỹ đã phải “cấp một giấy phép tạm thời trong 3 tháng” để điện thoại của Huawei tiếp tục nhận được hỗ trợ từ Google.
Không hãng nào hiểu thấu tầm quan trọng của Google như Huawei
Ở thời điểm hiện tại, nhiều thiết bị đầu bảng của Huawei đang dần phải làm quen với việc sẽ không có sự hỗ trợ của Google như Mate 30 và điều này thực sự là khó khăn rất lớn mà hệ điều hành HongMeng không thể khỏa lấp trong một sớm một chiều. Theo giới phân tích, phải mất từ 2-3 năm thì HongMeng mới có thể đủ sức thay thế các dịch vụ của Google như Play Store, Maps, Chrome…Với tốc độ phát triển công nghệ như hiện tại, chỉ chậm 1 ngày cũng có thể đã bị bỏ lại phía sau huống chi là đơn vị năm.
Mate 30 Pro rất tốt nhưng sức hút bị giảm đi quá nhiều ở thị trường quốc tế vì thiếu hỗ trợ của Google
Huawei vẫn tăng trưởng nhưng khó có thể nói là thành công
Tham vọng ngôi vương thế giới về sản xuất smartphone ngày càng khó cho Huawei
Bất chấp các khó khăn, Huawei vẫn đang tăng trưởng. Nhưng khó có thể coi đó là kết quả mỹ mãn của hãng công nghệ này vì tăng trưởng của Huawei đang dựa phần lớn vào thị trường Trung Quốc trong khi tham vọng chính của Huawei là trở thành hãng công nghệ hàng đầu thế giới. Tháng 8/2018, Huawei đã vượt Apple để trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ 2 thế giới. Và lẽ ra, nếu mọi chuyện thuận lợi, Huawei có thể sẽ truất ngôi của Samsung vào năm 2020. Tuy nhiên, cục diện đã thay đổi hoàn toàn với lệnh cấm chưa kể việc Samsung đang phản công mạnh mẽ vào thị trường smartphone tầm trung và chiếm lại ngôi đầu ở rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Thị phần và tầm ảnh hưởng hiện tại của Google là quá lớn và việc không có hệ điều hành, ứng dụng của Goolge sẽ kéo lùi tốc độ phát triển của Huawei.
Thị phần hệ điều hành của Google đang áp đảo trên toàn cầu
Theo báo cáo tài chính vừa được công bố, tổng doanh thu quý 1 tới quý 3 của Huawei đạt khoảng 86 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ. Trong đó, Huawei đã xuất xưởng 185 triệu chiếc smartphone, tăng hơn 26% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, số liệu này là ở thời điểm trước khi Google siết chặt lệnh cấm với Huawei. Nói cách khác, đây là doanh số xuất xưởng trước khi có lệnh cấm phát hành các điện thoại có ứng dụng của Google. Người dùng Mate 30 cũng từng cố gắng tải ứng dụng của Google một cách “thủ công” nhưng Google đã nhanh chóng “bịt” lỗ hổng này.
Con đường nào cho Huawei thoát khỏi tình cảnh này?
HongMeng cần rất nhiều thời gian để có thể lớn mạnh Phát triển hệ điều hành HongMeng đương nhiên là cách bền vững nhất để Huawei tránh được sự lệ thuộc vào Google. Tuy nhiên, đó là một cách làm tốn kém và mất rất nhiều thời gian. Mới đây, Huawei đã phải chi 1 tỷ USD để “thu hút” các nhà sản xuất ứng dụng tham gia phát triển hệ sinh thái HongMeng.
Huawei vừa chi 1 tỷ USD để làm giàu hệ sinh thái HongMeng và còn phải chi nhiều nữa
Vì thế, song song với việc phát triển HongMeng, Huawei sẽ phải tìm mọi cách để duy trì sự hợp tác với Google như việc sẽ xuất xưởng dòng Huawei P40 với hệ điều hành kép là HongMeng và Android. Ngoài ra, việc phát triển các thương hiệu con khác cũng có thể sẽ được Huawei đẩy mạnh đặc biệt là với thương hiệu Honor.
Phát triển thương hiệu con cũng là một giải pháp để vượt qua khó khăn
Hệ điều hành Android chiếm tới gần 40% thị phần toàn cầu, gấp 3 lần IOS, trong khi hết 2020, nhiều khả năng HongMeng mới đạt khoảng 2%. Điều đó cho thấy, không dễ để Huawei sống xa Google.