Tin mới
Sử dụng - Bảo quản máy ảnh trong băng tuyết
Máy ảnh là một thiết bị cơ - điện tử có khả năng chịu lạnh trong giới hạn nhất định. Đa số máy ảnh phổ thông không được thiết kế để sử dụng trong băng tuyết.
Không nên sử dụng máy ảnh trong môi trường nhiệt độ quá thấp
Nếu sử dụng trong mưa tuyết, hệ thống rất dễ bị hư hỏng do băng tuyết ngưng đọng trên thân máy hoặc ống kính, sau đó tan thành nước và thẩm thấu vào trong. Có người sẽ phản biện là làm sao tuyết tan trong nhiệt độ thấp như vậy được (?), câu trả lời là do hơi ấm từ tay chúng ta khi cầm máy và bản thân nó cũng sinh nhiệt khi hoạt động, hoặc băng tuyết sẽ tan ngay khi chúng ta cầm máy bước vào nhà, lều hay ôtô...
Ngoài ra, không cần đến băng tuyết, riêng nhiệt độ quá lạnh cũng có thể gây ra hư hỏng đối với thiết bị. Máy ảnh và ống kính (kể cả loại kỹ thuật số) luôn có các chi tiết cơ học phải sử dụng dầu - mỡ đặc biệt để bôi trơn. Nếu trời quá lạnh, chất bôi trơn sẽ bị đông cứng, gây ra những hiện tượng phổ biến như kẹt gương lật, kẹt màn trập, kẹt vòng zoom hay vòng focus trên ống kính...
Một vấn đề nữa là bất cứ viên pin nào cũng có một dải nhiệt độ hoạt động tối ưu, khi nhiệt độ xuống thấp hơn ngưỡng dưới, viên pin máy ảnh có thể phóng điện yếu hoặc bị treo hoàn toàn. Cảnh báo này đúng với bất kỳ thiết bị cơ - điện tử dùng năng lượng pin hoặc ắc-quy nào.
Cuối cùng, trên thân máy và ống kính, một số vật liệu phổ dụng như da, cao su, nhựa phủ cũng rất dễ bị biến dạng, nứt vỡ, bong tróc khỏi cốt kim loại trong nhiệt độ quá thấp.
Tuy nhiên, không vì thế mà máy ảnh buộc phải "nằm im" trong những ngày trời lạnh. Có một vài giải pháp khác nhau để các nhiếp ảnh gia tác nghiệp trong băng tuyết mà không lo hỏng máy.
Bảo quản và sử dụng máy ảnh trong điều kiện băng tuyết
Đầu tiên, nếu có điều kiện, hãy chọn những máy ảnh và ống kính có chứng nhận "weather-sealed" để tác nghiệp ngoài trời trong thời tiết băng giá.
Tiếp theo, một số cửa hàng thiết bị nhiếp ảnh du lịch - thể thao có thể bày bán các hộp kín chống nước, bao máy chống bụi hoặc mưa... Những phụ kiện này có thể tương thích với một số dòng máy ảnh chuyên nghiệp phổ dụng hoặc rộng hơn. Hãy ghé qua những cửa hàng này (hoặc tìm trên mạng Internet) với hy vọng mua được bộ phụ kiện phù hợp để bảo vệ chiếc máy ảnh khi tác nghiệp ngoài trời băng tuyết.
Nếu không tìm được phụ kiện tương thích bán sẵn thì cũng có thể tham khảo một vài mẫu dành cho máy khác để tự chế nhanh cho mình một bộ bảo vệ có tác dụng tương tự, mục tiêu chủ yếu là cách ly tương đối thiết bị với nước hay băng tuyết.
Thậm chí chỉ cần bọc cả hệ thống trong một chiếc túi ni lông mới, kín, trong veo, mỏng, dai và đủ lớn cũng đã chống được nước mưa, băng tuyết rất hiệu quả. Đây là giải pháp dự phòng nhanh và hữu hiệu mà các tay máy có kinh nghiệm thường áp dụng, nó cho phép thực hiện các thao tác chụp ảnh và điều chỉnh máy + ống kính từ bên ngoài túi. Chất lượng ảnh chụp xuyên qua màng ni lông mỏng (bọc phẳng và căng trước mặt ống kính và cố định bằng mấy vòng dây cao su) cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Khi chụp trong điều kiện băng tuyết quá lạnh, để chất bôi trơn không bị đông cứng trong các cơ phận, không nên giữ máy lâu bên ngoài gió lạnh, cứ sau vài kiểu ảnh lại nên bỏ nó vào ba lô hoặc túi giữ ấm. Các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp thường mặc một chiếc áo khoác ấm và rộng, sau vài cú bấm họ lại đưa máy vào trong vạt áo để ủ ấm (cả thiết bị và bàn tay), rất nhanh, đơn giản và hiệu quả.
Khi sử dụng máy ảnh ngoài trời rất lạnh thì nên đeo găng tay, tránh tiếp xúc trực tiếp với bề mặt kim loại của máy ảnh và các phụ kiện khác như chân máy. Vì thời tiết quá lạnh có thể sẽ làm tay bạn dính chặt vào các bề mặt lạnh hơn trên máy (tương tự khi dính tay vào bề mặt nước đá lạnh rất sâu).
Cũng cần lưu ý không hà hơi lên ống kính để lau vết bẩn. Cách làm này có thể chấp nhận trong điều kiện nhiệt độ bình thường, nhưng sẽ không ổn trong nhiệt độ thấp, vì hơi nước sẽ lập tức ngưng tụ và bám chặt ngay vào bề mặt cần làm sạch, vừa không lau được vết bẩn vừa tạo thêm lớp băng mờ trên mặt ống kính.
Nếu thấy có hơi nước ngưng tụ trong máy ảnh hoặc ống kính thì cũng không nên quá lo lắng, hãy bỏ chúng vào hộp hút ẩm, thùng gạo hoặc một môi trường khô - háo nước nào đó có sẵn, kiên nhẫn đợi hơi nước bị hút hết sau đó sử dụng bình thường. Không được vội vàng tìm cách sấy khô bằng cách hơ trên nguồn nhiệt hoặc phun hơi nóng (cảnh báo này càng đúng hơn đối điện thoại bị ướt).
Thỉnh thoảng hãy xoay đi xoay lại vòng zoom, chỉnh focus... của ống kính. Làm như vậy để chống lại hiệu ứng đông cứng chất bôi trơn hỗ trợ các chi tiết cơ khí xoay - trượt trong ống kính. Chú ý hạn chế tháo lắp ống kính trong môi trường bụi, ướt, lạnh.
Và cuối cùng, cần tránh gây sốc nhiệt cho máy ảnh và ống kính. Bạn không nên mang thiết bị của mình lại gần lò sưởi, củi đốt, nguồn nhiệt nếu như ngay trước đó chúng đã làm việc khá lâu ngoài trời lạnh.