Tin mới
Sự khác biệt giữa hai chuẩn âm thanh aptX và aptX HD
Trên các thiết bị tai nghe bluetooth, người dùng thường hay bắt gặp hai thông số âm thanh tuy khá giống nhau nhưng lại khác biệt khá nhiều là aptX và aptX HD.
aptX là một bộ mã hóa âm thanh truyền qua sóng Bluetooth có thể truyền tải được âm thanh với chất lượng tương đương đĩa CD là 16-bit/44.1kHz. Ngoài ra,chuẩn âm thanh này thường sẽ bị nén lại ở tỉ lệ 4:1 với mức truyền tải 352kbps.
aptX gần như được xem là yếu tố quan trọng để người dùng có thể nghe được âm thanh chất lượng cao thông qua những chiếc tai nghe không dây. Cách thức làm việc aptX có thể hiểu đơn giản như sau: âm thanh từ thiết bị phát (smartphone, laptop...) sẽ nén lại ở dạng mã hóa và khi truyền đến sẽ được bộ phận thu nhận trên chiếc tai nghe giải nén ra thành âm thanh analog và truyền đến tai người dùng.
Quá trình nén và giải nén âm thanh nói trên sẽ ít nhiều gặp hiện tượng độ trễ giữa nguồn âm thanh phát ra và thực tế âm thanh mà người dùng nghe được. Thông thường, nếu bạn chỉ nghe nhạc thì độ trễ âm gần như không ảnh hưởng gì nhiều. Tuy nhiên nếu chuyển sang xem video thì độ trễ sẽ khiến lời thoại không khớp với cử chỉ khuôn miệng của diễn viên, ít nhiều gây ra sự khó chịu.
So với các bộ mã hóa âm thanh khác, aptX đã được thiết kế để hạn chế độ trễ âm trong quá trình sử dụng. Ngoài ra, một biến thể khác là aptX LL (Low Latency) còn có khả năng giảm độ trễ âm xuống đến mức 0.032 giây - đủ nhanh để bộ não con người không phân biệt được độ trễ. Từ đó, aptX LL thường được áp dụng trên các mẫu tai nghe gaming chuyên dụng dành cho các tựa game đòi hỏi độ chính xác cao nhất trong âm thanh, điển hình là game bắn súng.
aptX HD vượt trội hơn hẳn khi so sánh với thế hệ cũ và các bộ giải mã khác
Trong khi đo, Aptx HD là bộ mã hóa âm thanh thế hệ mới có thể truyền tải âm với chất lượng lên đến 24-bit/48kHz và độ nén âm chỉ dừng lại ở mức 4:1 với chất lượng 576kpbs. Nếu chỉ để hiểu ở mức cơ bản, Aptx HD sẽ cho chất lượng âm thanh tốt hơn aptX tiêu chuẩn, tương đương với những gì mà tai nghe có dây có thể làm được.
Chuyên sâu hơn một chút, âm thanh 24-bit/48KHz sẽ có chất lượng cao hơn, người nghe sẽ cẩm nhận được độ chi tiết cao hơn trong từng bài nhạc. Thế nhưng nhạc 24-bit/48 KHz phát ra từ một tai nghe có dây và một tai nghe không dây hỗ trợ aptX HD vẫn sẽ có sự khác biệt nhất định về chất lượng, chủ yếu là đến từ việc nén âm. Mặc dù aptX HD đã có mức nén âm rất thấp là 4:1 nhưng điều này ít nhiều sẽ làm âm thanh đến tai người dùng bị đục và ồn hơn khi cảm nhận qua tai nghe có dây, sự khác biệt này rất khó cảm nhận bởi người dùng nghe nhạc phổ thông.
Tiếp theo, AptX HD vượt trội hơn AptX truyền thống ở chất lượng truyền tải âm thanh (576kbps so với 352kpbs). Có thể hiểu đơn vị "kpbs" tương tự như cách chúng ta đo lường tốc độ Internet: con số này càng lớn thì băng thông truyền tải sẽ tỉ lệ thuận theo, từ đó âm thanh sẽ ít bị nén hơn, mang lại chất lượng tốt hơn cũng như độ trễ giảm đi.
Hiện nay, không phải thiết bị phát nào cũng hỗ trợ chuẩn aptX HD. Với smartphone chạy chip Qualcomm, hãng sản xuất đã tạo ra một bộ xử lý âm thanh riêng là CSR8675 Bluetooth Audio SoC mang đến nhiều tính năng chuyên dụng cho nghe nhạc bao gồm: Bluetooth thế hệ 5, hệ thống chống ồn chủ động không dây, âm thanh Stereo không dây và không thể thiếu aptX HD.
LG đi tiên phong trong việc mang aptX HD lên smartphone với bộ đôi: LG G5 và tai nghe Tone Platinum
Chiếc smartphone đầu tiên hỗ trợ aptX HD là LG G5 và nhà sản xuất Hàn Quốc cũng tiếp tục mang đến bộ giải mã âm chất lượng cao trên các sản phẩm cao cấp khác của mình sau này bao gồm: LG V20, LG G6 và mới nhất là LG V30. Các hãng sản xuất khác cũng ít nhiều hỗ trợ aptX HD trên smartphone của mình chẳng hạn như: OnePlus (3, 3T và 5), Sony (Xperia XZ1, XZ1 Compact)...
Không chỉ cần nguồn phát, người dùng còn cần đến một tai nghe chất lượng cao hỗ trợ chuẩn aptX HD để có thể tối ưu hóa trải nghiệm âm nhạc của mình. Thông thường các hãng âm thanh lớn như Sony, Audio Technica... sẽ tích hợp aptX HD trên các dòng tai nghe không dây của mình. Để biết chính xác hơn, bạn có thể đọc thông số tai nghe trên website của hãng hoặc in trên vỏ hộp sản phẩm.