Tin mới
The Phantom Of The Opera: Sau 30 năm vẫn là độc nhất vô nhị
Cách đây đúng 30 năm, The Phantom Of The Opera sau khi chính thức công diễn trên sân khấu Broadway đã lập tức được coi là hiện tượng văn hóa độc nhất vô nhị, đồng thời trở thành vở nhạc kịch ăn khách nhất thế giới với tổng doanh thu bán vé toàn cầu lên đến 5,6 tỷ USD. Cho đến thời điểm hiện tại, nó vẫn được trình diễn hàng ngày ở nhiều nơi trên thế giới, CD, DVD vẫn tiếp tục tái bản và bán đắt như tôm tươi…
Nên biết, bộ phim ăn khách nhất là Avatar cũng chỉ đạt mức doanh thu xấp xỉ 2,8 tỷ USD và sẽ không tăng thêm một đồng nào nữa. Tính đến tháng 11/2016, The Phantom Of The Opera đã trình diễn được hơn 12.000 buổi ở Broadway, trở thành vở nhạc kịch đầu tiên vượt qua 10.000 suất diễn tại kinh đô nhạc kịch thế giới. Tác giả của nó, Andrew Lloyd Webber được coi là nhạc soạn nhạc kịch vĩ đại nhất trong thời đại của chúng ta, nằm trong danh sách 100 người có nhiều ảnh hưởng nhất lên muôn mặt cuộc sống. Năm 1992, ông được nữ hoàng Anh phong tước hiệp sĩ (Knight) vì những cống hiến không biết mệt mỏi cho âm nhạc nói chung và nền nhạc kịch đương đại nói riêng. Năm 1997, ông được tấn phong Nam tước và hiện là thành viên của Đảng Bảo Thủ, có ghế trong Nghị viện Vương quốc Liên hiệp Anh & Bắc Ireland. Ông cũng đã được ghi danh trên Đại lộ Ngôi sao ở Hollywood từ năm 1993. Cho tới nay, ông là tác giả nước ngoài duy nhất được chính phủ Trung Quốc chấp thuận cho tổ chức một show diễn hoành tráng và quy mô tại Đại lễ đường nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh. Tên tuổi của Andrew Lloyd Webber quả thực đã bao trùm cả thế giới.
The Phantom Of The Opera được Andrew Lloyd Webber dàn dựng từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn người Pháp Gaston Leroux, lần đầu xuất bản vào năm 1911. Opera ở đây chính là nhà hát Opera vĩ đại ở kinh đô Paris nước Pháp, cho đến lúc đó (năm 1911) vẫn được coi là nhà hát Opera lớn nhất trên thế giới. Cũng như hình tượng chàng gù Quasimodo của Victor Hugo, bá tước Dracular của Bram Stocker, nhân vật Phantom của Gaston Leroux được xây dựng từ một truyền thuyết dân gian, tuy nhiên, người Pháp không coi ông là Victor Hugo hay Bram Stocker nên cuốn sách nhanh chóng bị quên lãng.
Phải đến năm 1922, khi Carl Laemmle, chủ tịch hãng phim Universal tình cờ đọc được The Phantom of the Opera, ông đã thực sự bị sốc và quyết định tái hiện câu chuyện trên màn ảnh. Năm 1925, bộ phim ra đời, ngay lập tức trở thành một cơn sốt. Nhân vật Phantom gây ấn tượng mạnh mẽ đến mức ở nhiều rạp chiếu phim lúc đó, người ta phải chuẩn bị bột ngửi miễn phí dành cho những khán giả yếu bóng vía tỉnh lại sau khi bị ngất do quá sợ hãi. Phantom, Dracular, Dr.Frankenstein đã trở thành ba hình tượng kinh dị trong văn học được khai thác nhiều nhất ở mọi loại hình nghệ thuật còn lại và cũng không ngoa khi nói rằng cả một ngành công nghiệp đã được dựng nên xung quanh họ.
Năm 1984, một đạo diễn trẻ người Anh đã chuyển soạn tác phẩm thành một tác phẩm sân khấu dưới hình thức gần như một vở nhạc kịch. Trong số các khán giả của vở kịch này có Andrew Lloyd Webber, người khi đó vẫn đang phải tập trung vào một tác phẩm khác mang tên Aspect Of Love. Nhưng câu truyện về Phantom vẫn còn in đậm trong tâm trí của ông, chín tháng sau, trong một cửa hiệu sách cũ ở New York, ông tình cờ bắt gặp bản dịch tiếng Anh của cuốn tiểu thuyết. Và Lloy Webber đã nhận thấy, đây không chỉ đơn thuần là một câu chuyện rùng rợn, cũng không dựa trên sự thù ghét và tàn nhẫn, mà là một bi kịch về tình yêu đau khổ không lối thoát. Từ nguyên tác, nhà soạn nhạc của chúng ta đã bỏ đi những đoạn không logic, không cần thiết, những hình ảnh thô bạo và thay đổi một số chi tiết cơ bản để đưa ra bản chất thật sự của tấn bi kịch này.
Thành công lớn lao của The Phantom Of The Opera và một số vở diễn khác cũng do Andrew Lloyd Webber biên soạn phần lớn nhờ vào phần âm nhạc quá sức hấp dẫn, vừa mang tính hàn lâm vừa gần gũi với công chúng, dễ nghe, dễ vào, dễ ngấm nhưng lại không dễ quên. Vở nhạc kịch này gần như được ông viết riêng cho vợ mình khi đó, bà hoàng của dòng classical crossover Sarah Brightman, người có giọng soprano trong vắt như pha lê, từng được giới phê bình nhận định nếu Phantom có sống lại thì nhất định anh sẽ chọn Sarah làm người hát chung với mình.
Hoành tráng nhưng cũng tràn ngập cảm xúc, The Phantom Of The Opera hấp dẫn khán thính giả, kể cả những người chưa một lần được xem vở diễn bằng những cung bậc âm thanh biến hoá đến kì ảo, khi thì êm ái nhẹ nhàng, lúc thì dồn dập mạnh mẽ. Ca khúc chủ đề, The Phantom Of The Opera chính là một bản nhạc kinh điển đậm chất rock symphony cuồng dại với tiếng guitar điện chát chúa trên nền bè dây mướt mải và cứ thế, Christie bắt đầu cất tiếng hát như mơ như thực “In sleep he sang to me, in dream he came... And do I dream again... (Anh hát với tôi trong giấc ngủ, anh đến với tôi trong giấc mơ. Phải chăng tôi lại mơ lần nữa.) Và tất cả chợt như vỡ ào ra trong đoạn song ca giữa hai người trên nền nhạc đệm nhuốm đầy màu sắc huyền bí, đủ để người nghe hình dung ra cảnh cô gái xinh đẹp đứng một mình trong bóng tối, hát với một giọng nam vang vọng đằng sau tấm màn nhung. Rồi Phantom xuất hiện với chiếc mặt nạ sắt che đi một phần khuôn mặt.
Bầu không khí lại chùng xuống khi Phantom bắt đầu cất tiếng hát. Đó là ca khúc Music in the night. Tiếng thét của Christie như đẩy toàn bộ vở diễn lên cao trào, và sau đó là câu hỏi của cô cứ lặp đi lặp lại “why have you brought me here…” (tại sao lại mang em tới chỗ này…). Bản song ca All I Ask Of You dễ làm người nghe nhớ đến ca khúc kinh điển Time to say Goodbye Sarah Brightman trình bày cùng Andrea Boceli. Tiếng cười của Phantom, tiếng kêu thất thanh của Christie trên nền nhạc nhỏ dần xuống làm người nghe như cảm nhận được hoàn cảnh của 2 người lúc đó...
Âm thanh trong hồi Masquerade/Why So Silent mang đầy màu sắc của một một vở opera cổ điển, tiếng hát như nhảy múa theo giai điệu tươi vui rộn rã, dàn đồng ca khoẻ khoắn, một khoảng dừng ngắn và cả một dòng thác âm thanh như đổ ập vào người nghe, rồi tất cả lắng xuống, tiếng đàn dây lại réo rắt vang lên. Hồi cuối cùng, Point Of No Return, là giọng ca thê lương, như đe doạ, như oán than của Phantom và lời cầu xin, nỗi sợ hãi của Christie. Quyết định của nàng đã làm con tim anh vỡ nát. Nhưng kìa, đoàn người đã xuống và Phantom lê bước vào bóng tối. Âm thanh chùng xuống, nghẹn ngào như tỏ niềm tiếc thương cho một tình yêu bị từ chối...
Trong 30 năm qua, đã có không biết bao nghệ sĩ vào vai Phantom và Christie nhưng thành công nhất và được đánh giá cao nhất vẫn là bộ đôi thuộc “original cast” tức dàn diễn viên đầu tiên trên cả hai sân khấu Broadway và West End: Michael Crawford và Sarah Brightman. Tuy nhiên, phiên bản ca khúc The Phantom Of The Opera được ưa thích nhất và bán chạy nhất lại do Sarah Brighman và Steve Harley song ca (được ghi âm riêng rẽ), đậm đà chất rock, bùng nổ và cuồng bạo hơn rất nhiều so với phần trình diễn trên sân khấu. Một bản song ca khác là All I Ask Of You cũng được cover bởi rất nhiều ca sĩ hàng đầu thế giới, trong đó những phần hòa âm theo phong cách contemporary jazz hay smooth jazz luôn chiếm được cảm tình của các audiophile.
Andrew Lloyd Webber, tác giả vở nhạc kịch Phantom Of The Opera
Cho đến nay, CD phần âm nhạc của The Phantom Of The Opera đã tiêu thụ được hàng triệu bản trên toàn thế giới, không kém bất cứ một album nhạc hiện đại nào. Tất cả những gì bạn nên làm khi nghe tác phẩm kinh điển về ánh sáng và bóng tối, tình yêu và sự thù hận này là “nhắm mắt lại và thả hồn bay cao”. Bạn sẽ cảm nhận được những điều kì diệu mới lạ, khác hẳn những gì bạn đã từng nghe.