Tin mới
Thị trường smartphone Việt: Chỉ tốt là chưa đủ
Có khoảng 10 hãng smartphone trên thị trường hiện nay nhưng 70% thị phần trong tay 3 ông lớn và 30% còn lại thuộc về 7 hãng khác nên nếu không chọn đúng phân khúc, nhiều hãng sẽ thất bại.
Gần 70% thị phần đang thuộc về Samsung, OPPO và Vsmart
Năm 2019, Samsung tiếp tục là hãng smartphone số 1 toàn cầu, chiếm 21,8%, đứng thứ 2 là Huewei (17,6%), thứ 3 là Apple (14,5%), thứ tư là Xiaomi (9,2%) và thứ 5 là OPPO (8,8%). Trong khi hàng chục hãng smartphone còn lại chia nhau 28,1%. Ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, Samsung cũng là hãng smartphone có thị phần lớn nhất, chiếm hơn 1/3 toàn thị trường, khoảng 35%. Ở vị trí thứ 2, OPPO đánh bật các đối thủ đồng hương khác như Huewei hay Xiaomi để chiếm được khoảng 20%. Với sự khác biệt lớn này, các hãng còn lại chủ yếu cạnh tranh để giành giật vị trí thứ 3. Trước đó, vốn dĩ cuộc đua giành vị trí thứ 3 là của Apple và các hãng điện thoại Trung Quốc khác nhưng không có hãng nào có thể đạt được 10%. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, Vsmart đã vươn lên mạnh mẽ và giành được vị trí thứ 3 với cách biệt khá lớn so với các đối thủ khác. Vsmart đã duy trì thị phần hơn 10% trong nhiều tuần liên tiếp nhờ vào sự thay đổi chiến lược ngoạn mục khi chọn đúng “chiến trường” để thi đấu với các đối thủ ngoại.
Vsmart đang vững vàng ở vị trí thứ 3 so với các đối thủ ngoại
Vsmart “bẻ lái” thành công
Cuối năm 2018, Vsmart chào sân thị trường smartphone Việt với 4 smartphone là Joy 1, Joy 1+, Active 1 và Active 1+. Thông điệp dễ nhận ra ở thời điểm đó là Vsmart muốn tấn công cả thị trường giá rẻ với dòng Joy và tầm trung với dòng Active. Ngay sau đó, Vsmart tiếp tục bổ sung thêm 2 Model khác cho phân khúc giá rẻ là Bee và Star, còn đối với phân khúc tầm trung là Live. Tuy nhiên, thay đổi quan trọng nhất mà Vsmart thực hiện trong vòng chỉ hơn 1 năm để từ vị trí 1 tân binh trở thành 1 ông lớn trên thị trường smartphone Việt chính là việc tập trung đánh chiếm phân khúc giá rẻ. Ngoài việc liên tục tung ra dày đặc các sản phẩm ở phân khúc dưới 3 triệu, Vsmart cũng giảm giá để đưa các smartphone tầm trung như Active hay Live về sát với dòng giá rẻ (3-4 triệu đồng).
Active 3 có mức giá khởi điểm chỉ 4,5 triệu và giờ chỉ dưới 4 triệu cho phiên bản cao cấp nhất
Ở thị trường Việt, smartphone dưới 3 triệu chiếm hơn 30% thị phần và smartphone ở phân khúc từ 3-4 triệu đồng cũng chiếm khoảng gần 30%. Nhờ đó, ở phân khúc dưới 3 triệu, Vsmart đã chiếm hơn khoảng 36% thị phần, thống trị ở phân khúc này. Ở phân khúc 3-4 triệu, Vsmart cũng đã chiếm khoảng trên 10% thị phần, đứng thứ 3 sau Samsung và OPPO. Thành công của Vsmart cho thấy muốn có chỗ đứng ở thị trường smartphone Việt, ngoài chất lượng, các hãng cần phải chọn đúng sàn đấu cho dế cưng của mình.
Vsmart không chỉ bán smartphone chất lượng mà còn bán với giá rất cạnh tranh
Bphone 4 sẽ chọn phân khúc nào?
Theo công bố, Bphone sẽ ra mắt thế hệ thứ 4 vào ngày 25/3. Tới thời điểm này, vẫn chưa biết Bphone 4 sẽ có mấy phiên bản. Dựa theo truyền thống trước đó, Bphone chắc chắn sẽ có 1 phiên bản tiêu chuẩn và 1 phiên bản Pro, nhưng có thể sẽ có cả một phiên bản Lite.
Bphone 4 sẽ chú trọng vào công nghệ chụp ảnh
Theo những thông tin đã hé lộ, Bphone 4 tập trung vào nhiếp ảnh điện toán và có nhiều tính năng công nghệ tương tự như các hãng khác. Nhưng về mức giá chưa có thông tin nào được đưa ra. Nếu có 3 phiên bản thì nhiều khả năng sẽ là giá rẻ, tầm trung và cao cấp. Ngược lại, nếu chỉ có 2 phiên bản thì Bphone 4 có lẽ vẫn duy trì truyền thống không bán smartphone giá rẻ. Tuy nhiên, gần 60% thị phần hiện tại của smarphone Việt là dưới 4 triệu nên nếu Bphone bỏ qua mảnh đất màu mỡ này có thể cũng sẽ bỏ qua cơ hội để thành công. Ở thị trường Việt, mức độ cạnh tranh giữa các hãng smartphone là rất lớn. Do đó, chỉ chất lượng tốt không thôi là chưa đủ, điều quan trọng không kém là phải định giá đúng và chọn đúng phân khúc.
Như mọi lần, người Việt đều đang hồi hợp chờ đón Bphone
Vsmart đã thay đổi để giành lại thị phần cho smartphone Việt trên sân nhà, giờ là lúc cùng chờ xem Bphone sẽ chọn con đường nào.