Tin mới
Thử 'chiến game' trên chiếc smartphone giá 4 triệu Vsmart Live 4
Vsmart Live 4 sở hữu cấu hình gần như tốt nhất phân khúc nhưng yếu tố tự chủ 100% có đem đến điều gì khác biệt cho hiệu năng chơi game hay không?
Nếu so với những trang bị thay đổi như màn hình LTPS LCD đục lỗ, 4 camera, mặt lưng nhựa nhám, cấu hình của Vsmart Live 4 không được nâng cấp nhiều. Thành viên mới của đại gia đình Vsmart vẫn kết thừa di sản vi xử lý Snapdragon 675 (như Vsmart Live đời đầu) chạy trên VOS 3.0 mới nhất trên nền tảng Android 10. Ngoài sự ảnh hưởng của VOS 3.0, ở thời điểm hiện tại Snapdragon 675 vẫn là con chip mạnh so với những bộ vi xử lý khác ở phân khúc điện thoại tầm trung, thậm chí có thể so sánh với một số mẫu smartphone có giá cao hơn. Vậy để xem sức mạnh của Vsmart Live 4 đến đâu, đặc biệt đây là sản phẩm tự chủ 100% của Vsmart.
Tựa game đầu tiên là PUBG Mobile, Với mức thiết lập ưu tiên fps cao nhất và đồ hoạ ở cân bằng, Vsmart Live 4 dễ dàng đạt được trung bình 40fps, trong một số tình huống combat, fps có thể tụt một chút nhưng không hề ảnh hưởng đến quá trình chơi, do mức tụt không sâu, xuống khoảng 35-37fps, đây là mức vẫn rất ổn để chơi. Chỉ có một số trường hợp như bị knock hoặc đi xe tốc độ cao, phần mềm đo cho thấy sự giật nhẹ nhưng chỉ trong tích tắc đã ổn định trở lại. Như vậy Vsmart Live 4 hoàn toàn có thể đáp ứng trải nghiệm khá tốt với tựa game PUBG Mobile, qua trình phản hồi nhanh, thao tác điều khiển ở mức tốt.
Tiếp theo là một game cũng nặng không kém đó là Call of Duty Mobile, cả đồ hoạ và fps đều thiết lập mức rất cao. Kết quả thu được fps trung bình khoảng 40fps tuy nhiên không hề ổn định, có lẽ một tựa game đòi hỏi tiết tấu nhanh như Call of Duty Mobile thực sự là trở ngại lớn với những vi xử lý tầm trung, fps đôi lúc có thể lên tới 56fps nhưng có lúc tụt còn 30fps. Mặc dù không có sự giật lag nhưng việc khung hình liên tục thay đổi khiến trải nghiệm chơi thực sự đã. Và khi thử chơi sang tựa game này khoảng 25-30 phút, phần thân máy Vsmart Live 4 có hiện tượng nóng lên. Vị trí cảm nhận rõ nét nhất là ở ngang đèn flash LED mặt lưng, ít nhiều gây khó chịu khi tiếp tục chiến game. Mặc dù Snapdragon 675 không có tiến trình tiên tiến như 7nm cũng là một phần vấn đề nhưng đó không phải toàn bộ lý do. Bởi sau đó khi chơi 2 tựa game offline như Asphalt 8 và Shadow Fight 3, nhiệt độ của máy lại khá dễ chịu.
Hiệu năng khi chơi Asphalt 8.
Hiệu năng khi chơi Shadow Fight 3. Với Asphalt 8, game mặc định luôn ở cấu hình cao nhất, đây là điều nhiều smartphone giá cao hơn chưa chắc đạt được, Vsmart Live 4 có fps trung bình đạt 30fps, rất ổn định, GPU tái hiện hiệu ứng game tốt, điểm cộng của những con chip Qualcomm đã được phát huy. Cuối cùng game Shadow Fight 3 cũng không thể làm khó, thiết lập đồ hoạ cao nhất, 60fps là mức trung bình, trải nghiệm chơi rất tốt. Như vậy, không thể phủ nhận Vsmart Live 4 sở hữu hiệu năng rất tốt trong phân khúc, điểm mạnh là tốc độ, năng lực xử lý của GPU. Tuy nhiên với những game eSports nặng như PUBG Mobile, Call of Duty Mobile, nhiệt độ là vấn đề cần khắc phục để người chơi có trải nghiệm trọn vẹn hơn.