Tin mới
Tìm hiểu 3 công nghệ chống rung độc quyền ở đầu đĩa than hi-end Acoustic Signature
Cùng với thiết kế và chế tác thủ công tinh xảo, 3 công nghệ chống rung độc quyền (AVC, CLD, DTD) của Acoustic Signature đã đưa tên tuổi nhãn hiệu âm thanh vùng Suessen, nước Đức trở thành chuẩn tham chiếu mới trong phân khúc đầu đĩa than hi-end.
Ngay từ những ngày đầu thành lập (năm 1996), nhà sáng lập Gunther Frohnhoefer (hiện là CEO kiêm Giám đốc Phát triển) cùng đội ngũ kỹ thuật viên tại Acoustic Signature luôn mong muốn tạo ra những đầu đĩa than vượt trội toàn diện.
Họ đã nghiên cứu rất nhiều mẫu đầu đĩa than đang có trên thị trường và tìm thấy những hạn chế cố hữu mà theo họ là có thể ảnh hưởng đến chất lượng tái tạo âm thanh từ bản ghi trên đĩa than. Vấn đề được tập trung nghiên cứu chính là khả năng chống rung và cách ly nhiễu của đầu đĩa than, bên cạnh thiết kế và chế tạo cầu kỳ theo đúng chất Đức.
Toàn bộ dòng sản phẩm đầu đĩa than NEO-Series mới (giới thiệu từ 2020) của Acoustic Signature từ Maximus, Tornado, Hurricane, Typhoon đến Montana, Ascona, Invictus đều xoay quanh 03 công nghệ chống rung cốt lõi mà nhờ đó âm thanh được tái tạo một cách chuẩn xác nhất, bao gồm: AVC, CLD và DTD. Ngoài ra, cấu trúc bộ giảm thanh cho mâm xoay cũng là thiết kế sáng tạo đột phá của Acoustic Signature.
Acoustic Signature AVC (Automatic Vibration Control): Tự động kiểm soát rung chấn
AVC là công nghệ tự động kiểm soát rung chấn nhằm loại bỏ toàn bộ rung chấn từ động cơ truyền động. Mọi động cơ khi quay đều gây ra rung chấn. Xung lực không thể tránh khỏi này truyền đến khung và mâm xoay và cuối cùng gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tái tạo âm thanh của đầu đĩa than. Mục đích của các kỹ sư Acoustic Signature là giảm tác động của rung chấn không mong muốn hoặc triệt tiêu chúng ngay từ đầu.
Thông thường, thách thức này được giải quyết bằng cách lựa chọn vật liệu và các biện pháp đặc biệt để giảm chấn cho khung và mâm xoay, cấu trúc mâm xoay và thiết kế toàn bộ hệ thống truyền động bao gồm cả tính chọn động cơ. Do ngân sách hoặc chính sách giá, nhiều nhà sản xuất ít khi xem xét sự kết hợp nhất quán của tất cả các biện pháp trên. Tuy nhiên, sớm hay muộn thôi, mỗi nhà sản xuất sẽ phát hiện ra rằng các phương pháp tiếp cận phổ thông đó đều tồn tại hạn chế. Các ý tưởng giảm rung chỉ đạt được hiệu quả ở mức độ nhất định.
Nhưng Acoustic Signature đã có cách tiếp cận khác để vượt qua giới hạn. Trong quá trình phát triển thế hệ đầu đĩa than NEO-Series mới, các kỹ sư của Acoustic Signature nhận thấy đây là thời điểm thích hợp để biến ý tưởng của mình thành hiện thực: Động cơ điện xoay chiều chất lượng cao dẫn động mâm xoay được chế tạo với 2 cuộn dây và 24 cực. Để làm các cuộn dây quay, chúng được cấp sóng hình sin và tín hiệu lệch pha 90°. Tuy nhiên tất cả các động cơ điện xoay chiều đồng bộ đều có dung sai do chế tạo khiến các cực và cuộn dây không được định vị chính xác 100% – nguyên nhân chính gây ra các rung động không mong muốn. Để giảm thiểu hoặc tránh điều này một cách hiệu quả, tất cả dung sai sản xuất phải được bù bằng các biện pháp khác.
Đây là lúc công nghệ AVC của Acoustic Signature phát huy tác dụng: Nó đo các biến dạng xảy ra theo thời gian thực. Dựa trên những phép đo đó, AVC điều chỉnh độ lệch pha theo tín hiệu động cơ – cũng hoàn toàn tự động và theo thời gian thực. Giải pháp hiệu chỉnh giám sát kỹ thuật số này đảm bảo triệt tiêu đáng kể rung động.
Hiệu quả rõ rệt của AVC khiến Acoustic Signature quyết định trang bị nó cho tất cả các mâm đĩa than dòng NEO-Series. Tùy theo hệ thống truyền động và số lượng động cơ được sử dụng, AVC được trang bị theo 3 cấu hình, mỗi cấu hình có 3 cấp độ khác nhau (AVC Level 1, AVC Level 2 và AVC Level 3), với các phần mềm và phần cứng khác nhau. AVC Level 3 đạt hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, từ cấp độ 2 (AVC Level 2), các động cơ được chọn lựa và ghép nối cực kỳ chặt chẽ để phát huy tối đa hiệu quả.
Acoustic Signature CLD (Constraint Layer Damping): Giảm chấn lớp cưỡng bức
CLD là một kỹ thuật gia công cơ khí do Acoustic Signature sáng chế để hấp thụ hoặc giảm thiểu rung chấn. Trong các thiết bị âm thanh, công nghệ CLD thường được triển khai bằng cách sử dụng cấu trúc dạng lớp “sandwich” và được “nhúng” một lớp vật liệu giảm chấn. Tuy nhiên Acoustic Signature cho rằng cần phải phát triển các thiết kế khung và mâm xoay không rung, và phải được thực hiện kết hợp với các biện pháp giảm cộng hưởng cho động cơ, kết cấu truyền động và trục đỡ.
Để đạt được điều này, Acoustic Signature đã mở rộng cách tiếp cận công nghệ CLD từ hơn 20 năm trước. Ngoài cấu trúc sandwich kinh điển, Acoustic Signature đã đưa ra một giải pháp hoàn toàn mới cho thế giới high-end: bộ giảm thanh cho mâm xoay (Silencer Platter), ngay lập tức thiết lập các tiêu chuẩn mới về khả năng hấp thụ rung động. Giải pháp CLD rãnh kép của Acoustic Signature, chủ yếu được sử dụng trong các mâm xoay nặng, có hiệu quả vượt trội.
Khi phát triển dòng sản phẩm NEO, Acoustic Signature đã nỗ lực nâng cấp ý tưởng CLD của mình. Đầu tiên, các thử nghiệm đã dẫn đến sự kết hợp vật liệu tối ưu bao gồm hai lớp hợp kim nhôm đặc biệt và một lớp đồng thau ở giữa. Thứ hai, điều chỉnh cấu trúc, kích thước và trọng lượng của các bu-lông bằng đồng của bộ giảm thanh khi được gắn trong các mâm xoay.
Ngoài ra, Acoustic Signature phối hợp hài hòa các công cụ CLD được mô tả ở trên với hệ thống khung NEO để tối đa hóa hiệu năng. Các thí nghiệm vật liệu phức tạp và các buổi nghe thử kỹ lưỡng đã được tiến hành trong dòng sản phẩm NEO-Series. Bộ khung cứng cáp nhưng vẫn hấp thụ năng lượng dựa trên các nguyên tắc thiết kế phần tử hữu hạn và giải pháp CLD mới đã tạo ra các đầu đĩa than chống cộng hưởng tối ưu.
Acoustic Signature DTD (Dura Turn Diamond): Trục đỡ phủ kim cương
Trục đỡ là tâm điểm của mọi đầu đĩa than. Mặc dù thiết kế trục đỡ có tầm quan trọng như vậy, nhưng sự phát triển của nó - theo quan điểm vật lý học - thường được đặc trưng bởi các cách tiếp cận thiếu chính xác. Bất kỳ trục đỡ thông thường nào khi đỡ một mâm xoay nặng đều rất nhạy cảm để vận hành. Nó cũng đối mặt với một thách thức cơ học nằm ở vùng tiếp xúc giữa trục mâm và ổ bi. Nói cách khác: sự kết hợp giữa trọng lượng rất nặng của mâm và bề mặt bi rất nhỏ tạo ra một áp lực rất lớn trong vùng diện tích tiếp xúc rất nhỏ, áp suất này khiến dầu bôi trơn bị đẩy ra xa. Kết quả là gây ra quá nhiều ma sát, tiếng ồn, rung động và mài mòn nhanh chóng.
Nhiều nhà sản xuất đã đưa ra ý tưởng thiết kế “ổ trục ngược” để giải quyết vấn đề này nhưng Acoustic Signature cho rằng đó chỉ là một mánh khóe tiếp thị: nguồn tiếng ồn chính trong thiết kế trục đỡ thông thường nằm ở điểm xoay của trục mâm, cách đĩa than khoảng 4 inch. Bằng cách đảo ngược vòng bi, nguồn tiếng ồn này được đưa đến gần đĩa hơn, ngay bên dưới bề mặt đĩa nhựa vinyl và do đó đi vào khu vực hoạt động của kim. Đây chắc chắn không phải là một ý tưởng hay. Hơn nữa, cấu trúc “đảo ngược” này gây ra vấn đề bôi trơn do trọng lực.
Năm 1997, khi giới thiệu trục đỡ Tidorfolon, Acoustic Signature đã nhận được phản hồi tích cực khi kết hợp vật liệu rất sáng tạo. Trục đỡ Tidorfolon đủ cứng để không chịu ảnh hưởng bởi khối lượng lớn của mâm xoay và đủ mềm để chịu được cả khi mâm bị “rơi” mà không có bất kỳ hư hại nào. Điểm nổi bật nữa là hỗn hợp vật liệu có khả năng thấm dầu như tấm bọt biển và chỉ tiết ra khi cần thiết. Nói cách khác: dầu không thể bị đẩy ra; bôi trơn luôn có khi cần. Việc nạp thêm dầu, bảo trì và bổ sung là không cần thiết. Giới audiophile toàn cầu đã coi sáng kiến của Acoustic Signature như một sự đổi mới thiết lập tiêu chuẩn.
Điểm cải tiến của trục đỡ DTD là gì: Acoustic Signature đã thành công trong việc giảm thiểu hơn nữa tiếng ồn vốn đã không thể nhận thấy do chuyển động cơ học gây ra, do đó khả năng tái tạo âm thanh trở nên hoàn hảo hơn. Acoustic Signature đã đạt được điều này bằng cách sử dụng các ống lót thiêu kết kiểu mới được phát triển có thể lưu trữ lượng dầu bôi trơn gấp ba lần. Thiết kế của trục chính cũng đã được thử nghiệm kỹ lưỡng. Mục đích của hãng là giảm tiếp xúc bề mặt và tiếng ồn phát sinh. Vì vậy, một trục chính bằng thép không gỉ tôi chân không được gia công chính xác và sau đó được phủ một lớp phủ plasma phức tạp. Kết quả là một trục xoay có lớp phủ bề mặt giống như kim cương và giảm đến 60% hệ số ma sát.
Trục đỡ DTD là trục đỡ siêu cứng và hầu như “không thể phá hủy”, tạo điều kiện tốt nhất có thể cho âm thanh cao cấp tuyệt đối và thiết lập tiêu chuẩn tin cậy về bảo trì, tiếng ồn thấp và tuổi thọ. Bản thân Acoustic Signature cũng tự tin đưa ra thời hạn bảo hành sản phẩm lên đến 15 năm cho các mẫu đầu đĩa than của mình (bảo hành 5 năm cho tay cần).
xem video giới thiệu đầu đĩa than Acoustic Signature Typhoon NEO:
Các sản phẩm thương hiệu Acoustic Signature được phân phối độc quyền tại Việt Nam bởi Audio Hoàng Hải. (https://audiohoanghai.com/brand/acoustic).
(Long Trịnh)