Tin mới
Tìm về đầu nguồn cổ điển
Cây sáo làm bằng ống xương thú hoặc thân lau sậy, dây cung làm nên dây đàn, da thú căng thành mặt trống, dàn nhạc giao hưởng với cả trăm nhạc cụ. Đó quả là một hành trình dài mà nhân loại phải vượt qua trong hàng ngàn năm truy tìm cái đẹp, khám phá sức hấp dẫn và sức mạnh vô tận của âm nhạc.
Con người từ thời hoang dã đã biết lắng nghe, lựa chọn và bắt chước những âm thanh của thiên nhiên. Thời tiền sử của âm nhạc, khoảng 5.000 năm trước ở xứ sở Ai Cập, những người chăn cừu, dân chèo thuyền trên sông Nile đã vừa làm vừa hát. Khi đó, họ đã biết dùng ống sáo, cây đàn lia đệm cho lời ca thêm phần du dương, bay bổng…
Âm nhạc làm mê mẩn cả thánh thần
Thần thoại Hy Lạp có khá nhiều chi tiết mô tả sức mạnh diệu kỳ của âm nhạc. Chàng Orpheus miệng hát tay đệm đàn lia đã khiến ông lão lái đò ở dòng sông ngăn cách dương gian với địa ngục cùng con chó ba đầu Ceberus phải mê mẩn tâm thần. Người anh hùng Odyssey với nội tâm kiên định và vững vàng như sắt thép cũng bị mê hoặc bởi tiếng hát của các nàng tiên cá, suýt thì mất đi cả tính mạng với hàng chục thủy thủ. Khi người Hy Lạp ra trận, họ luôn mang theo âm nhạc để giải trí và cổ động lòng quân. Đó là lúc âm nhạc bắt đâu xuất hiện trên sân khấu. Đặc biệt, trong các cuộc thi Olympic, người ta tổ chức thi tài và trao thưởng cho cả các giọng hát xuất sắc. Cũng chính người Hy Lạp sáng chế ra thủy cầm – tổ tiên cây đàn organ sau này. Nó gồm những ống nhỏ ngắn dài khác nhau, hoạt động nhờ sức nước.
Xứ sở Babilon, nơi đã phát minh ra cách chia một giờ có 60 phút, một ngày có 24 giờ và một tuần có bảy ngày cũng tìm ra cách ký âm để ghi lại âm nhạc. Khoảng năm 1.000 trước Công nguyên, vua David xứ Do Thái từng là nhà soạn nhạc và nhà thơ lớn. Ông trân trọng âm nhạc tới mức thành lập cả một dàn đồng ca 300 người, có đàn harp, đàn lia và kèn trumpet đệm cho những bài hát ngợi ca thần thánh.
Để truyền bá âm nhạc, người Hy Lạp cũng có cách ký âm của riêng mình. 200 năm trước ngày Thiên Chúa ra đời, người La Mã chinh phục cả thế giới. Những binh đoàn chiến thắng trở về thường được ban lễ “Khải hoàn” ở kinh thành Roma, với đội quân nhạc diễu hành trong tiếng tù và cùng tiếng trumpet vang rền. Bạo chúa – nhà thơ Nero là người đầu tiên tổ chức những chuyến lưu diễn lớn, tự mình tham gia các cuộc thi hát và không ít lần giành giải thưởng.
Trước thời Trung cổ, các bài hát chỉ có một giọng và được soạn chỉ để hát một bè. Sau đó, nghệ thuật hát nhiều bè ra đời và ngay lập tức chiếm được cảm tình của xã hội. Bên cạnh các ca khúc tôn giáo trang nghiêm, âm nhạc dân gian cũng ngày càng phát triển bất chấp sự ngăn cấm của giáo hội. Qua các cuộc thập tự chinh, những nhạc công mang về vô số làn điệu dân ca từ bốn phương. Đó là thuở bình minh của nghề soạn nhạc. Chỉ đến lúc Nhà thờ Đức Bà Paris được xây dựng (khoảng năm 1100) mới xuất hiện những nhà soạn nhạc lớn, có ảnh hưởng trong một phạm vi nhất định, và hầu hết họ định cư ở Paris, biến thủ đô nước Pháp thành trung tâm âm nhạc.
Thời đó, thương mại bắt đầu trở nên phong phú và đa dạng hơn, ngoài hàng hóa thông thường, tranh, tượng và các tác phẩm âm nhạc cũng được mang ra giao dịch. Nếu các nghệ sĩ hát rong xuất thân từ tầng lớp bình dân thì các nhà thơ trữ tình hầu hết là quý tộc, nhưng có điểm chung là họ đều biết soạn nhạc. Âm nhạc dân gian đã có sự pha trộn với âm nhạc nhà thờ trong các vở kịch tôn giáo ở châu Âu, đặc biệt là ở Italia và Tây Ban Nha.
Sự ra đời của Opera, Concerto và Symphony
Guillaume de Machaut vốn là một nghệ sĩ lang thang. Ông cùng đoàn tùy tùng của nhà vua xứ Bohemia đi khắp châu Âu, vừa đi vừa sáng tác các bản rondeau, ballad và nhất là các bản nhạc lễ misa đầu tiên. Âm thanh và sắc màu của Anh, tính chính xác và nhịp điệu của Pháp, vẻ huyền bí của xứ Flamand cùng sự giản dị của Italia là nét đặc trưng của âm nhạc trong thời kỳ này. Năm 1455, Johann Gutenberg cho in ấn bản Kinh Thánh đầu tiên, năm 1501, Ottaviano Petrucci thành lập nhà in âm nhạc đầu tiên. Kể từ đó, các tác phẩm âm nhạc được truyền bá rộng rãi ở khắp châu Âu, qua đó cũng thúc đẩy sự phát triển nhanh đến chóng mặt của nghệ thuật trình diễn.
Nhạc giao hưởng được hình thành nhờ các trường phái Manheim, Sammartini và Boccherini ở
Italia, trong đó, người có công lớn phải kể đến Johann Stamitz. Cuối thế kỷ 18, Đức và Áo trở
thành trung tâm mới của âm nhạc cổ điển châu Âu. Nhờ cải cách kinh tế, xã hội, các nhạc sĩ
được tự do sáng tạo, thoát khỏi vòng trói buộc của giới quý tộc. Song, để kiếm sống, họ vừa phải
dạy nhạc vừa phải biểu diễn. Các tác phẩm của Joseph Haydn là minh họa rõ rệt cho nhạc cổ
điển, mà tứ tấu và giao hưởng là những hình thức hoàn thiện nhất của thể loại này. Còn Haydn
được tặng danh hiệu “Cha đẻ của tứ tấu đàn dây” và “Cha đẻ của giao hưởng” – ông viết tới 106
bản giao hưởng, tất cả đều đã được hậu thế ghi âm
Thời kỳ Phục Hưng, nhạc sĩ hàng đầu phải kể đến Josquin des Prez. Sống ở Italia, ông được cả châu Âu đặt hàng. Trong các khách hàng của ông có cả Giáo Hoàng, nhà vua nước Pháp, hoàng hậu nước Áo và vô số thân vương, quý tộc. Ban đầu, các nhạc sĩ tìm kiếm và xác lập phong cách riêng của mình dựa trên âm nhạc dân gian, qua đó hình thành nên những đặc trưng riêng cho âm nhạc của từng quốc gia. Tuy nhiên, trừ dân ca, âm nhạc vẫn được xem là đặc quyền của giới tăng lữ, hoàng gia, quý tộc và nhà giàu. Ở Anh, vua Henry VIII cũng là một nhạc sĩ xuất sắc, ông đã biến triều đình thành một trung tâm giao lưu và phổ biến âm nhạc. Đại văn hào William Shakespeare đã giao cho âm nhạc một vai trò vô cùng đặc biệt trong nhiều tác phẩm lớn của mình.
Từ thế kỷ 14, người ta bắt đầu sáng chế ra nhiều nhạc cụ lớn và khoảng 200 năm sau, các nhà soạn nhạc đã đưa violin, đàn lute và đàn virginal (họ hàng với clavecin - tiền thân của piano sau này) vào các sáng tác của mình. Năm 1607, nhà soạn nhạc người Italia Claudio Monteverdi dựa vào câu chuyện chàng Orpheus trong thần thoại Hy Lạp để viết nên vở opera đầu tiên trên thế giới mang tên L’Orfeo và ông nghiễm nhiên được xem như cha đẻ của thể loại này. Trong thế kỷ 17, âm nhạc Đức vẫn chịu nhiều ảnh hưởng từ âm nhạc Italia nhưng đến thế kỷ 18, âm nhạc Pháp bắt đầu chiếm ưu thế.
Sự thăng hoa của các loại nhạc cụ dây gắn liền với sự hoàn thiện tuyệt vời của nghề làm đàn ở Italia mà hai nghệ nhân tiêu biểu nhất phải kể đến là Antonio Stradivari và Giuseppe Guarneri. Theo các chuyên gia, bí quyết của những cây đàn có âm thanh tuyệt vời do họ tạo ra nằm trong thành phần cấu tạo của chất verni phủ ngoài, chưa kể loại gỗ thông chỉ có ở Cremona. Đây cũng là thời kỳ lên ngôi của thể loại concerto. Nó cho phép nghệ sĩ độc tấu thể hiện hết tài năng điêu luyện dưới sự hỗ trợ của dàn nhạc. Antonio Vivaldi, Giuseppe Torelli và Arcangelo Corelli là những nhạc sĩ chủ yếu viết concerto. Chịu ảnh hưởng từ các lễ hội dân gian và âm nhạc của thành Venezia, sáng tác của Vivaldi luôn du dương, thư giãn và rất dễ thưởng thức. Cho tới cuối đời, ông đã viết khoảng 600 concerto, trong đó nổi tiếng nhất là tổ khúc Four Seasons.
Năm 1685, George Frideric Handel ra đời. Lên tám ông đã trở thành nghệ sĩ organ. Từ Đức, ông chuyển tới Italia rồi tới Anh quốc, luôn dành hết thời gian và tâm trí cho âm nhạc. Sức làm việc của Handel thật đáng kinh ngạc: ông viết tới 40 vở opera, 30 bản oratario (tác phẩm lớn cho dàn nhạc, nghệ sĩ solo và dàn hợp xướng), 120 catata (đại hợp xướng), 12 concerto cho organ…