Tin mới
Top 5 ứng dụng stream nhạc tốt và phổ biến nhất 2019
Hiện nay các dịch vụ phát nhạc trực tuyến (streaming) đang dần phổ biến và trở nên "không thể thiếu" đối với những người yêu âm nhạc. Nghe Nhìn Việt Nam tổng hợp 5 ứng dụng stream nhạc tốt và phổ biến nhất 2019 nhằm mang lại cái nhìn toàn diện hơn cho người dùng để dễ dàng tìm cho mình ứng dụng phù hợp nhất.
Spotify
Có thể nói Spotify là ứng dụng tiên phong trong lĩnh vực phát nhạc trực tuyến (streaming) và phổ biến nhất hiện nay. Ngoài việc cung cấp một số dịch vụ phát nhạc theo danh sách bài hát hàng tuần và liên tục thử nghiệm những dịch vụ mới như “Australia-only Stations”, ứng dụng còn tích hợp với Facebook cho phép chia sẻ nhạc dễ dàng hơn so với các ứng dụng stream nhạc khác. Bạn có thể gửi 1 bản nhạc hoặc album, danh sách phát cho bạn bè cùng nghe hoặc có thể xem bạn bè mình đã nghe gì trên Facebook. Điểm cộng của Spotify nằm ở phiên bản miễn phí được phát triển khá đầy đủ và mạnh mẽ, người dùng rất dễ dàng trong việc tạo danh sách phát riêng có độ tùy chỉnh cá nhân cao và có thể đồng bộ để nghe ngoại tuyến (offline). Việc cập nhật ứng dụng cũng khá thân thiện với tiêu chí vừa đủ tính năng và được cập nhật thường xuyên. Nếu bạn là fan của một ca sĩ nào đó thì bạn sẽ luôn nhận được thông báo khi họ phát hành nhạc mới hoặc một chương trình sắp tới nhờ vào tính năng thông báo trên ứng dụng. Ngoài ra tính năng Spotify Connect giúp đơn giản hóa việc kết nối giữa loa không dây hoặc tai nghe không dây với ứng dụng hoặc bộ thu AV của bạn.
Mặt khác, khi bạn sử dụng phiên bản miễn phí thì sẽ hơi khó chịu với phần quảng cáo khi đang nghe nhạc. Tuy nhiên ứng dụng này vẫn khá toàn diện và đặc biệt dành cho những ai thích tự tạo và chia sẻ danh sách phát của mình ở bất kì nơi đâu.
Apple Music
Mặc dù gặp phải một số vấn đề trong giai đoạn khởi đầu nhưng Apple Music cũng đã nhanh chóng phát triển và trở thành một trong những dịch vụ phát nhạc trực tuyến phổ biến nhất. Ứng dụng cung cấp nhiều tính năng, nhiều lựa chọn giảm giá cho nhóm khách hàng gia đình hoặc sinh viên. Ngoài ra, ứng dụng còn có nhiều danh sách nhạc hay được tạo bởi các nhạc sĩ hoặc các chuyên gia âm nhạc. Tuy nhiên ứng dụng vẫn thiếu tính chia sẻ như Spotify.
Sự thú vị của Apple Music đó là ứng dụng có thể kết hợp thư viện nhạc trong iTunes của bạn với nhạc bạn không sở hữu để làm thành một danh sách phát hoàn hảo. Hơn nữa, bạn có thể dễ dàng tìm kiếm chính xác những gì mình muốn nghe nhờ vào sự kết hợp giữa thuật toán với gợi ý từ các chuyên gia âm nhạc và kiểm soát bằng trợ lý ảo Siri. Apple còn phát triển thêm iTunes Match nhằm đưa cả kho nhạc iTunes của bạn lên iCloud với mức giá khoảng $25 một năm.
Tuy nhiên, ứng dụng Apple Music chỉ thật sự mượt mà trên hệ điều hành iOS và không tương thích với các dòng iPod cũ (trừ iPod Touch). Dẫu sao thì đây cũng là một trong những ứng dụng stream nhạc khá tốt với tính cá nhân hóa cao và bảo vệ dữ liệu tốt nhất cho người dùng.
Tidal
Được sở hữu bởi ông trùm hip-hop Jay Z, Tidal là dịch vụ phát nhạc trực tuyến cung cấp khả năng truyền phát lossless với chất lượng âm thanh gần giống hoặc tốt hơn cả đĩa CD. Nếu bạn là một audiophile, một người yêu thích dòng nhạc R&B hoặc Hiphop thì Tidal chính là sự lựa chọn hoàn hảo.
Đặc trưng của Tidal không chỉ là chất lượng nhạc cực tốt với độ trung thực cao mà còn bao gồm nhiều nội dung video bao gồm cả livestream của những buổi hòa nhạc. Thỉnh thoảng ứng dụng cũng mở bán vé trước cho những buổi hòa nhạc này. Phần lớn ứng dụng tập trung vào các nghệ sĩ có độ phủ sóng ít (chủ yếu là hip-hop), có cả hồ sơ và mục đánh giá trên từng trang. Tidal hiện đang có 2 gói dịch vụ để người dùng lựa chọn trong đó gói premium có mức phí là $9,99/tháng với chất lượng nhạc cao nhất là 320Kbps (tương đương gói premium của Spotify). Gói còn lại là Hi-Fi – là lựa chọn đích thực dành cho các audiophile khi cung cấp tập tin nhạc với chất lượng lên đến 1,411Kbps và nhạc MQA có chất lượng 24-bit/96kHz với mức phí $19,99/tháng. Kho nhạc MQA của ứng dụng cũng đã chạm mốc 1 triệu bài hát trước khi kết thúc năm 2018, tuy nhiên người dùng chỉ có thể thưởng thức các tập tin nhạc này qua Tidal trên máy tính hoặc thiết bị network streamer có hỗ trợ.
Mặc dù cung cấp chất lượng nhạc tốt nhưng nhìn chung giao diện trên ứng dụng và cả trình phát trên website đều không thân thiện và đơn giản như một số ứng dụng khác, điểm trừ nữa dành cho phần danh mục không đầy đủ. Dẫu vậy, ứng dụng vẫn thu hút được sự chú ý đối với những người có mối quan tâm sâu sắc đến chất lượng âm thanh, thưởng thức âm nhạc theo chủ nghĩa thuần túy và thích khám phá những nghệ sĩ mới.
Qobuz
Qobuz là một dịch vụ streaming nhạc có chất lượng cao nhưng thường hay bị nhiều người bỏ qua trong lượt tìm kiếm vì không quá nổi bật. Về cơ bản, Qobuz đến từ Pháp, được thành lập vào năm 2007. Điểm thú vị của Qobuz là cho phép người dùng tải nhạc về máy bên cạnh việc cung cấp nhạc trực tuyến.
Qobuz hiện mới có mặt tại 9 quốc gia: Pháp, Đức, Anh, Ireland, Bỉ, Hà Lan, Luxemborg, Thụy Điển, Áo. Cũng như Tidal, Qobuz cung cấp nhiều lựa chọn về gói dịch vụ khácnhau và tập trung nhiều vào chất lượng nhạc dành cho audiophile, bao gồm: Hi-Fi $19,99/tháng – cung cấp nhạc với chất lượng cao nhất là 16-bit/44kHz (định dạng FLAC), Sublime $219,99/năm – cung cấp nhạc với chất lượng cao nhất 16-bit/44kHz (FLAC) và cho phép người dùng tải nhạc về với chất lượng cao nhất là 24-bit/192kHz, cuối cùng là Sublime Plus $349,99/năm với hình thức tương tự gói Sublime nhưng thêm tính năng cho phép người dùng có thể nghe nhạc trực tuyến với chất lượng lên đến 24-bit/192kHz (FLAC).
Có thể nói Qobuz luôn sẵn sàng hỗ trợ các audiophile với đủ loại thiết bị và chất lượng Hi-Res luôn có sẵn trên ứng dụng di động, tuy nhiên với chi phí hàng năm khá đắt đỏ như vậy khiến Qobuz chưa thể tiếp cận tới nhiều quốc gia hơn. Bên cạnh đó chất lượng Hi-Res của Tidal có phần nhỉnh hơn so với Qobuz nên người dùng cũng sẽ đắn đo suy nghĩ hơn.
Google Play Music
Google Play Music hoạt động như một dịch vụ phát nhạc trực tuyến và là nơi lưu trữ nhạc. Ứng dụng cho phép bạn lưu trữ và truyền phát toàn bộ thư viện nhạc (tối đa 50.000 bài), cũng như phát trực tuyến bất kỳ trong số 30 triệu bài hát trong danh mục. Tính năng nổi bật của Google Play Music là Radio (đài phát thanh) với danh sách phát vô tận và được cập nhật nhạc mới thường xuyên.
Ứng dụng này tích hợp liền mạch danh sách nhạc của bạn với danh mục phát trực tuyến với phí hàng tháng bao gồm cả việc phát trực tuyến miễn phí trên Youtube khi đăng ký Youtube Music. Ngoài ra ứng dụng còn miễn phí lưu trữ nhạc.
Điều phiền nhất của ứng dụng đó là thiếu dòng timeline của nhạc cực nhỏ, giao diện trông đơn giản nhàm chán ở cả ứng dụng trên điện thoại lẫn trên máy tính bàn. Ứng dụng này có lẽ dành cho người dùng Android hoặc fan của Google muốn phát trực tuyến những bài nhạc đã mua.
Phía trên là 5 ứng dụng phát nhạc trực tuyến phổ biến hiện nay. Với những ưu điểm, nhược điểm của từng ứng dụng, Nghe Nhìn Việt Nam hy vọng bạn sẽ tìm được ứng dụng phát nhạc trực tuyến phù hợp nhất cho mình để nâng cao trải nghiệm âm nhạc hơn.