Tin mới
Trải nghiệm nhanh camera trên Xperia X: bình cũ, rượu nhạt
Có phần cứng camera y hệt Xperia Z5, Xperia X được bổ sung công nghệ lấy nét hiệu quả, nhưng những khiếm khuyết về thuật toán xử lý hình ảnh lại làm giảm chất lượng sử dụng máy.
Camera sau của Xperia X sử dụng phần cứng y hệt Xperia Z5.
Về phần cứng, camera của Xperia X sử dụng cảm biến y hệt so với Z5 với độ phân giải 23MP. Trên thực tế, độ phân giải chính xác của cảm biến IMX300 trên Z5 là 22,85 MP, tương ứng với kích thước tối đa đạt 5.520 x 4.140 pixel ở tỉ lệ khung hình 4:3. Nếu chuyển về tỉ lệ 16:9, kích thước tối đa của hình ảnh lên tới 5.984 x 3.366 pixel. Cảm biến này được kết hợp với thấu kính với độ mở tối đa f/2.0. Tuy nhiên, camera trước của máy đã có sự đột phá lớn với độ phân giải được nâng từ 5 lên thành 13MP, kèm theo thấu kính góc rộng f/2.0.
Tính năng Predictive Hybrid Focus khiến Xperia X có thể bắt được những chủ thể chuyển động nhanh một cách chính xác và dễ dàng. So với Z5, điểm mới nhất và cũng được Sony tập trung quảng cáo nhất trên X Series đó là tính năng lấy nét lai dự đoán trước Predictive Hybrid Autofocus đã được họ chuyển từ các máy ảnh của mình lên điện thoại. Về cơ bản, tính năng này giúp cho Xperia X có khả năng lấy nét theo chủ thể tốt hơn, đặc biệt với các đối tượng đang chuyển động. Khi mới tiếp cận, tính năng này có vẻ khá ấn tượng khi giúp Xperia X có thể khóa nét “bám dính” với một chủ thể tĩnh (máy di chuyển) hoặc đối tượng chuyển động (lia máy theo), chẳng hạn như trẻ con chạy nhảy hay xe cộ đi ngoài đường. Khả năng lấy nét của máy cũng rất nhanh, dù vẫn chưa được như Sony quảng cáo (chỉ mất chưa đầy 1 giây từ khi mở camera tới khi bắt được nét).
Giao diện chụp ảnh của Xperia X. Các thanh điều chỉnh Color & Brightness yêu cầu người dùng phải vào Settings mới có thể kích hoạt chúng hiện lên. Giao diện ứng dụng chụp hình gốc của Xperia X cũng không khác gì so với Z5 với 4 tùy chọn chụp được đưa ra ngoài - bên trái màn hình chính (khi xoay ngang), thể hiện qua 4 icon đặt dọc, gồm: các ứng dụng chụp khác nhau (Camera Apps), video, chụp tự động (Superior Auto) và chụp thủ công (Manual). Về cơ bản, giao diện này đơn giản nhưng khá khó sử dụng, chuyên gia lập trình đã đặt những tính năng ít sử dụng ra ngoài trong khi lại ẩn những tính năng thường dùng đi, ví dụ thanh điều chỉnh độ sáng và màu sắc của ảnh.
Các ứng dụng chụp ảnh trong Camera Apps.
Với Xperia X, Sony cũng tiếp tục cung cấp một chế độ chụp thủ công nghèo nàn cho người dùng khi chỉ cho phép điều chỉnh ISO, độ sáng và cân bằng trắng mà không có khả năng lấy nét bằng tay hay điều chỉnh thời gian mở của ống kính như rất nhiều mẫu điện thoại khác trên thị trường. Mục Camera Apps trong ứng dụng chụp hình đem tới một số hiệu ứng hình ảnh và video như Timelapse, Slow motion (được Sony gọi là Timeshift Video), chụp ảnh “tự sướng” Style Portrait… đã khá quen thuộc với người dùng Xperia.
Một số ảnh chụp trong điều kiện đủ sáng của Xperia X. Mỗi khi tung ra một thế hệ điện thoại mới, chất lượng ảnh chụp luôn là yếu tố được Sony quảng cáo rầm rộ, mặc dù từ trước tới nay, tôi chưa bao giờ thấy một mẫu điện thoại nào của hãng đem tới trải nghiệm camera thực sự tuyệt vời. Với Xperia X, một lần nữa Sony lại khiến tôi thất vọng với khả năng xử lý hình ảnh kém. Ở điều kiện đủ sáng, những bức ảnh chụp từ Xperia X thể hiện màu sắc tốt, đầy đủ và trung thực. Tuy nhiên do các thuật toán xử lý của Sony làm nét (sharpening) quá mạnh nên trong một số trường hợp, ảnh trông hơi “dại”. So với Xperia Z5, khả năng đo sáng và cân bằng trắng của máy đã chính xác hơn, thể hiện ở những tấm ảnh chụp cận cảnh với ánh sáng hài hòa, chuẩn xác.
Ảnh chụp cận cảnh từ Xperia X. Các điều kiện từ trên xuống: ánh sáng ban ngày, trong nhà đủ sáng và trong nhà thiếu sáng.
Crop vào một vùng của 3 tấm ảnh trên. Ở điều kiện thiếu sáng, Xperia X bắt đầu bộc lộ hết những yếu điểm của nó trên bức ảnh. Cũng giống các thế hệ Xperia trước đây, ảnh chụp trong điều kiện thiếu sáng của Xperia X được khử nhiễu hạt kém, khiến ảnh bị sạn nhiều và đặc biệt có xuất hiện những chấm trắng liti ở các mép. Ảnh chụp cận cảnh trong điều kiện thiếu sáng cũng không khá hơn, khi dù sáng và rõ do đẩy ISO lên cao nhưng lại không được khử noise hiệu quả, khiến độ nét và độ chi tiết bị mất đi khá nhiều.
Ảnh chụp buổi tối của Xperia X.
Crop vào một phần rìa ngoài của ảnh trên.
Do vẫn không được trang bị ống kính chống rung quang học (OIS) nên Xperia X cũng khó bắt nét hơn trong điều kiện thiếu sáng. “Gót chân Achilles” của Xperia X vẫn nằm ở chế độ Superior Auto. Ở mặc định, chế độ này sẽ chụp ảnh với độ phân giải 8MP. Với “thói quen” đẩy ISO và sharpening lên cao, cùng với các thuật toán xử lý nhiễu hạt kém, ảnh chụp ở chế độ Superior Auto vẫn trông rất bệt và nhiều noise. Đặc biệt trong điều kiện thiếu sáng, ảnh sẽ bị mất chi tiết nặng, thậm chí trở nên nhòe hẳn đi do quá nhiều sạn.
Ảnh chụp ban ngày không HDR.
Ảnh chụp ban ngày có HDR.
Trong cả 2 điều kiện thiếu sáng và đủ sáng, nếu như chọn chế độ lưu ảnh 23MP (tỉ lệ khung hình 4:3) hoặc 20MP (16:9), ảnh sẽ giữ được nhiều chi tiết hơn. Chế độ HDR của máy cũng tỏ ra không hiệu quả, khi sự khác biệt chỉ nằm ở độ sáng kéo lên một chút, nhưng lại khiến ảnh mất đi độ sâu hay nổi khối.
Ảnh chụp bằng camera trước của Xperia X. Với camera trước độ phân giải lớn hơn gấp đôi so với Z5, những tấm hình selfie trên Xperia X cũng có độ chi tiết và độ nét cao hơn hẳn. Nhờ có ống kính góc rộng, người dùng cũng sẽ lấy được nhiều cảnh xung quanh hơn trong bức ảnh, hữu hiệu với những tấm hình chụp nhóm hay chân dung trên nền phong cảnh (Face in Picture).
Xperia X chỉ hỗ trợ quay phim tối đa ở độ phân giải Full HD 1920 x 1080 pixel, framerate 60 fps. Một “cải lùi” khác của Xperia X so với Z5 đó là máy không có khả năng quay video 4K. Mặc dù độ phân giải 4K có vẻ hơi “thừa thãi”, nhưng đối với những người có khả năng biên tập video, những clip 4K giúp họ dễ dàng crop khung hình hơn khi xử lý hậu kỳ. Với sự thiếu vắng chống rung quang học, người dùng vẫn phải dựa hoàn toàn vào khả năng chống rung bằng phần mềm Steady Shot của Sony. Mặc dù hoạt động rất tốt nhưng đôi lúc tính năng khử rung Steady Shot khiến khung hình bị méo nhẹ ở trong những hoàn cảnh khi máy không được giữ yên. Tuy nhiên nhìn chung, chất lượng hình ảnh và âm thanh từ những đoạn clip quay bằng Xperia X khá tốt.
Đã trải qua rất nhiều thế hệ điện thoại, nhưng những nhược điểm về camera của Sony vẫn chưa được khắc phục trên Xperia X. Điều này thật khó hiểu khi Sony vốn từ lâu đã là một hãng máy ảnh mạnh và hiện nay đang đứng số 1 thế giới trong phân khúc mirrorless. Hơn nữa, chính họ cũng đang cung cấp cảm biến cho các hãng điện thoại đối thủ với số lượng lớn. Trong xu hướng thị trường camera phone phát triển mạnh và nhu cầu chụp ảnh của người dùng là rất cao, nếu những nhược điểm về camera vẫn tái diễn như hiện nay, Sony sẽ gặp bất lợi lớn trước các đối thủ đang tập trung rất mạnh vào chất lượng hình ảnh.