Tin mới

Trí Nguyễn - Người nối nhịp ngũ cung

Hơn 20 năm nay, vẫn có một người Việt chơi đàn Tranh 16 dây, kí âm ngũ cung, anh không định “mua vui một vài trống canh” mà để thế giới biết đến những cung bậc sâu lắng, tinh tế nhưng cũng vô cùng khoáng đạt của âm nhạc dân tộc Việt Nam. Đó chính là Trí Nguyễn.

Trí Nguyễn - Người nối nhịp ngũ cung ảnh 1 Những hòa điệu của Trí Nguyễn Lần “trở về nhà” này của Trí Nguyễn có chút đặc biệt. Anh đi cùng người bạn quý, và cũng là thành viên trong nhóm tứ tấu Ilios Quartet đã cùng anh hòa điệu những bản nhạc trong album Consonnances* (NgheNhìn Việt Nam đã có dịp giới thiệu trước đây), cây violin chính Buynta Goryaeva. Trong lần gặp gỡ với báo chí hơn một năm trước tại Sài Gòn, khi nghe giới thiệu một số bản nhạc được chọn lọc từ Consonnances trên hệ thống âm thanh Hi-end, cũng như khả năng biểu diễn siêu tuyệt của Trí Nguyễn trên cả piano và đàn Tranh, các phóng viên đều đã đề nghị được “tận mắt” thấy anh trình diễn live trong một dịp thật gần. Và cuộc hẹn hò tưởng chừng đã khép lại ở đó, nay lại bất ngờ mở ra, chính tại Phòng hòa nhạc – Nhạc Viện Thành phố, với đầy đủ nhân tố để làm nên một Consonnances concert không thể trọn vẹn hơn: Trí Nguyễn, Buynta và tứ tấu dây Nhạc viện, piano và đàn tranh, âm nhạc dân tộc Việt Nam và những tác phẩm kinh điển của nhạc hàn lâm phương Tây. Gần hai tiếng đắm mình trong những giai điệu cổ điển quyến rũ tuôn chảy từ những phím đàn đen trắng của Trí Nguyễn và tiếng violin đẳng cấp quốc tế của Buynta, trong sự kết hợp Đông – Tây tinh tế và giàu cảm xúc của những bản cầm cổ đã được Trí Nguyễn phát triển trên nền tảng vẫn giữ trọn hồn cốt của âm nhạc ngũ cung, mới thấy, sự bao dung và vô biên của âm nhạc cũng như khả năng sáng tạo uyển chuyển của người nghệ sĩ.

Trí Nguyễn - Người nối nhịp ngũ cung ảnh 2

Nghệ thuật, Tình yêu và sự Tôn trọng Sau concert vô cùng thành công, Trí Nguyễn và Buynta còn tiếp tục tới trò chuyện và biểu diễn trong Không gian Cà phê thứ Bảy theo lời mời của Nhạc sĩ Dương Thụ, sau đó làm khách mời danh dự trong đêm nhạc Giao Thoa của nhóm bạn trẻ Germer. Điều đáng nói là, nếu thành phần tham dự đêm concert đều là những người ít nhiều có hiểu biết về nhạc cổ điển cũng như đàn Tranh và nhạc dân tộc, thì khán giả đến với nhóm Germer lại khá đa dạng, trong đó có không ít bạn trẻ chưa từng nghe hoặc biết tới đàn Tranh. Vậy mà, phản ứng của tất cả khi chương trình kết thúc đều nồng nhiệt, thậm chí ngỡ ngàng vì âm nhạc dân tộc lại có thể hay đến thế. Sự đồng cảm ấy cho thấy, tình yêu không phân biệt trình độ, lứa tuổi, càng không có quốc tịch. Khi người chơi mang đến những tác phẩm nghệ thuật thực sự, dù là nhạc cổ điển hay nhạc dân tộc, dù là thất cung hay ngũ cung, thanh nhạc hay khí nhạc, thì cũng chỉ cần để âm nhạc lên tiếng, và người nghe sẽ tự mình tìm được sự đồng cảm theo cách riêng. Sự tất nhiên ấy, chính là duyên do để Trí Nguyễn đã không ngừng nỗ lực giữ gìn “gốc Việt” trong trái tim và cả tiếng đàn dù xa xứ đằng đẵng hơn 20 năm, cũng như các bạn trẻ trong nhóm nhạc Germer không ngừng tổ chức những chương trình biểu diễn để mang âm nhạc cổ điển đến gần hơn với mọi người. Đó không chỉ là niềm tin, mà còn là sự thấu hiểu và tôn trọng những giá trị nghệ thuật bất biến, giúp những tâm hồn rộng mở tìm thấy nhau trong những rung động nguyên sơ thuần khiết nhất của tình yêu với âm nhạc.

Trí Nguyễn - Người nối nhịp ngũ cung ảnh 3 Con đường trở về Trong một bài phỏng vấn với tạp chí Người Việt, nhạc sĩ Cung Tiến đã chia sẻ: “Ngày xưa tôi không biết xài chất liệu âm thanh của Á Ðông, như âm giai ngũ cung chẳng hạn. Nhưng về sau, khi được học nhiều về nhạc, tôi mới ý thức thêm là mình có cái kho tàng về giai điệu, làn điệu Việt Nam chưa khai thác được là âm giai ngũ cung. Vì thế, một trong những tác phẩm của tôi khác ngày xưa là bản "Hoàng Hạc Lâu," thơ của thi sĩ Thôi Hiệu đời Ðường, được Vũ Hoàng Chương dịch sang tiếng Việt. Ðó là bản đầu tiên tôi có ý thức dùng chất liệu quý báu của âm nhạc dân tộc ta khi phổ nhạc.”. Cũng như thang âm ngũ cung, cây đàn Tranh vốn không phải của riêng người Việt, nhưng trải qua bao thăng trầm thời gian, được biến đổi để trở thành "một loại nhạc cụ bản địa mang tính dân tộc, phù hợp với quan điểm thẩm mỹ của người Việt và nói rõ ngôn ngữ âm nhạc Việt Nam"* (Giáo sư Trần Văn Khê).

Trí Nguyễn - Người nối nhịp ngũ cung ảnh 4

Vật đổi sao dời, cứ ngỡ giờ đây chẳng còn ai chơi cây đàn Tranh 16 dây và âm nhạc ngũ cung mà cha ông ta đã mất hàng trăm năm để sáng tạo nên ấy nữa. Vậy mà, trên đất Pháp, vẫn có một người Việt say sưa trở về nguồn cội, không những thế, còn đưa vào trong những bản đàn cổ những sự kết hợp mới, thăng hoa và tinh tế như một thực thể hoàn mỹ không thể phân ly. Trí Nguyễn không hề có ý định giới thiệu về khả năng biến tấu của đàn Tranh bằng cách chơi nhạc chuyển soạn, hay đi con đường world music để được đón nhận dễ dàng hơn. Anh vẫn luôn khẳng định, nhạc truyền thống của người Việt cũng như cây đàn Tranh, hoàn toàn đủ sức để “là chính mình” dù ở bất cứ không gian nào. Và sự đón nhận nồng nhiệt của mọi đối tượng khán giả trong các concert của Trí Nguyễn, cùng việc album Consonnances giành được Huy chương Vàng Global Music Awards của Mỹ và được bình chọn là 1 trong 3 Album được yêu thích nhất tại website của tổ chức này vào tháng 7 vừa qua chính là những đóa mẫu đơn kiêu hãnh, minh chứng cho sức sống của “thể phách Việt” trên con đường trở về tuyệt đẹp ấy.

Hoài Phương