Tin mới
TV LG 65 inch UHD - dáng mỏng, hình đẹp, tiếng hay
TV LG 65 inch UHD (mã 65UF950T, sau đây sẽ gọi là LG65) là một chiếc TV LCD đèn nền LED có độ phân giải Ultra HD. Đây chính là chuẩn siêu nét 4K được nhắc đến nhiều hiện nay. LG65 có độ phân giải 3.840 x 2.160 pixel tức là có tới 8,29 triệu điểm ảnh nằm trên tấm nền (panel) màn hình, gấp 4 lần so với chuẩn Full HD (1.920 x 1.080px).
Kiểu dáng theo phong cách tối giản Sáng tạo kiểu dáng cho sản phẩm TV luôn là bài toán khó đối với các nhà thiết kế, màn hình càng lớn càng khó. Điều này dễ hiểu vì khi bật TV lên người ta sẽ chỉ chú ý đến nội dung trình chiếu trên màn hình mà không nhìn đến các chi tiết khác. Còn khi không sử dụng, dù có thiết kế “không viền”, “siêu mỏng” hay “tối giản” đến đâu, màn hình TV chỉ là một chiếc bảng đen to lồ lộ ở vị trí trang trọng của căn phòng.
Vì vậy, nếu tả một chiếc TV bằng cụm từ “kiểu dáng theo phong cách tối giản” có nghĩa là các nhà thiết kế đã làm hết sức để giảm xuống cảm giác khó chịu kể trên. LG65 cũng có phần khung viền rất mỏng, được chia thành 2 tầng và nằm phía sau một tấm kính để tạo cảm giác liền mạch. Độ dày cũng được tối thiểu hóa nhờ panel màn hình chỉ mỏng 9mm.
LG65 đứng thẳng được trên bàn nhờ một chân đế mảnh bằng kim loại hình vòng cung lượn sóng vát đều xuống dưới. Bề mặt của chân đế mảnh dẻ này cũng được gia công xước mặt cho thêm phần sang trọng và phù hợp với màn hình bên trên. Dù vậy, do chân đế khá nhỏ và màn hình lại thuộc loại cực mỏng, nên đặt LG65 trên chân đế vẫn cho cảm giác thiếu an toàn hơn so với việc treo lên tường. Thiết kế mặt sau của LG65 cũng rất phù hợp để treo TV áp sát vào tường một cách gọn gàng mà các cổng cắm ra/vào tín hiệu, dây nguồn... không bị kích vào vách lưng.
Hệ điều hành WebOS 2.0 thông minh Tương xứng với vẻ ngoài của LG65 là giao diện sử dụng được thiết kế trực quan, đơn giản. Máy được cài hệ điều hành WebOS 2.0 - nền tảng mở trên TV thế hệ mới của LG và có tốc độ xử lý nhanh gấp đôi so với sản phẩm đời 2014 chạy phiên bản 1.0. Hệ sinh thái WebOS 2.0 trên LG65 rành mạch, dễ tương tác. Giao diện gồm các thẻ ứng dụng nhiều màu sắc xếp loạt cạnh nhau, chiếm một phần ba không gian góc dưới màn hình. Có thể sử dụng các thẻ này để tiến hành phần lớn các tác vụ mà không ảnh hưởng đến chương trình đang phát trên TV. Các chế độ hình ảnh và âm thanh được điều chỉnh một cách linh hoạt từ menu cài đặt nhanh, đồng thời các tuỳ chọn nâng cao cũng được sắp xếp để dễ dàng truy cập.
Cốt lõi “trí thông minh” của LG65 là bộ vi xử lý lõi tứ, được tối ưu hóa bởi hệ điều hành để thực hiện các tác vụ một cách nhanh chóng. Có lẽ hệ điều hành WebOS là nhân tố chính đem tới cho LG65 khả năng chạy đa nhiệm khá hơn so với nhiều đối thủ. Ngay từ khi còn “phục vụ” các điện thoại Palm/HP trước đây, WebOS đã nổi tiếng bởi khả năng quản lý tác vụ xuất sắc, và tố chất này tiếp tục được phát triển trên các TV của LG. Đó là một trình quản lý tác vụ cung cấp các ứng dụng và nguồn nội dung khác nhau để có thể lựa chọn nhanh. Thử nghiệm cho thấy việc khởi động và thoát ứng dụng diễn ra khá trơn tru, không gặp hiện tượng trễ hay treo máy. Ở mục thiết lập thông số, LG đã sử dụng hình ảnh chú chim Bean Bird để hướng dẫn người dùng thực hiện các bước cài đặt. Những cử chỉ ngộ nghĩnh, trực quan của chú chim này khiến thao tác cài đặt thông số ban đầu trở thành một công việc dễ dàng, vui vẻ.
Với LG65, nhà sản xuất Hàn Quốc cũng đã “tái định nghĩa” quá trình điều khiển một chiếc TV. Cách đây 3 năm, chính LG đã giới thiệu tính năng nhận diện cử chỉ và giọng nói trên TV của họ. Công nghệ này đầy tiềm năng, nhưng nó vẫn chưa được hoàn thiện vào thời điểm đó. Lúc này, mua một chiếc smart TV có khả năng nhận diện giọng nói và cử chỉ đồng nghĩa với việc phải dùng tới tay điều khiển thứ 2, thậm chí là 3 như của Sony. LG65 đã giải quyết tình trạng này bằng mô-đun duy nhất, kết hợp giữa điều khiển truyền thống và chiếc magic remote của họ.
Chiếc điều khiển mới của LG vẫn giữ nguyên sự đơn giản và tính công thái học đã từng giúp cho Magic Remote dễ sử dụng. Nó vẫn có phím số và phím điều hướng, nhưng nay còn có thêm một bánh xe cuộn để sử dụng như con lăn chuột, cùng với một nút kích hoạt nhận diện giọng nói. Thiết bị cũng đóng vai trò là con trỏ chuột khi lướt web và là microphone đi kèm với phần mềm thông minh để nhận biết chính xác người dùng nói gì. Tính năng nhận diện giọng nói nằm trên một menu trong suốt, và đây lại là một ví dụ khác về khả năng đa nhiệm hiệu quả của LG65. Khả năng kết nối với các thiết bị di động Một chiếc TV thông minh cần có khả năng “giao tiếp rộng rãi” với các “hàng xóm kỹ thuật số”, đặc biệt là thiết bị di động xung quanh nó. TV của LG luôn thuộc hàng “top” khi xét về mặt này. LG65 có thể kết nối với smartphone hoặc các thiết bị di động khác (tablet, laptop...) qua mạng Wifi hoặc sử dụng chuẩn giao tiếp Miracast.
Các thiết bị chạy Android đã cài ứng dụng “LG TV SmartShare” và kết nối chung Wifi với TV sẽ tự động xuất hiện trên trình điều khiển của LG65. Từ đây, nội dung multimedia chạy trên các thiết bị này sẽ được phát không dây tới TV. LG 65 cũng không tỏ ra kén thiết bị, nó giao tiếp “trơn tru” với chiếc điện thoại G4 của chính LG hay Galaxy Note 5 của đối thủ Samsung. Việc thử nghiệm giao tiếp Miracast giữa LG65 và các điện thoại nêu trên cũng diễn ra khá suôn sẻ. Những người thích lướt web bằng TV có thể sử dụng trình duyệt tích hợp sẵn trên LG65. Tuy nhiên, dùng smartphone để mở các website sau đó chiếu lên TV qua Miracast sẽ đơn giản hơn. Bên cạnh Android, LG cũng đã tung ra một ứng dụng dành cho các thiết bị iOS, nhưng không hỗ trợ tính năng chia sẻ nội dung. Người dùng chỉ có thể sử dụng iPhone của họ để điều khiển LG65. Chất lượng hình ảnh LG65 thuộc hàng TV cao cấp hỗ trợ độ phân giải UHD. Hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh chuẩn hình ảnh siêu nét này. Một mặt, rõ ràng là UHD vượt trội so với các độ phân giải quen thuộc hiện nay, nhưng mặt khác, nội dung 4K/UHD chưa được sản xuất và cung cấp rộng rãi khiến cho TV 4K thiếu “đất dụng võ”.
Nếu được trình diễn các nội dung UHD, năng lực của LG65 sẽ được phát huy tối đa. Đóng góp phần lớn vào chất lượng hình ảnh xuất sắc đó là tấm nền IPS sử dụng công nghệ Colorprime mà nhà sản xuất đã trang bị cho LG65. Công nghệ này giúp mở rộng dải màu, tăng mức độ rực rỡ và thể hiện được màu đen sâu từ các góc nhìn khác nhau. Với phim “Timescape” chất lượng 4K, LG65 thể hiện được các cảnh chuyển động mượt, không bị lưu vệt mờ trong các pha hành động nhanh. Màu sắc có thể được điều chỉnh theo nhiều chế độ tùy thuộc thể loại nội dung, kiểu thiết lập hình ảnh rực rỡ sẽ dư sức thỏa mãn những người thích hình ảnh và màu sắc sống động. Tuy nhiên, màu đen có hiện tượng hơi bệt trong những cảnh tối. Còn những nội dung có độ phân giải thấp hơn thì sao? Câu trả lời của nhà sản xuất là: sử dụng công nghệ upscale 6 bước để giúp chúng trông “nịnh mắt” hơn trên màn hình của LG65. Khi phát một bộ phim hay xem truyền hình cáp với độ phân giải HD, LG65 sẽ tăng cường nguồn tín hiệu từ 2 triệu lên 8 triệu điểm ảnh bằng phương pháp nội suy để hiển thị nội dung sắc nét hơn, ngay cả khi xem với khoảng cách gần. Theo LG, công nghệ upscale của hãng nâng cấp chất lượng hiển thị video HD trên LG65 lên mức “gần UHD”. Tuy nhiên, trải nghiệm thực tế cho thấy các tuyên bố loại này chỉ có tính “an ủi”. Và tất nhiên, hiệu quả của công nghệ upscale cũng rất phụ thuộc vào chất lượng, độ ổn định của nguồn tín hiệu HD.
Khi xem bộ phim “Interstellar” độ phân giải Full HD, LG65 đã cho thấy tính năng upscale hình ảnh của nó vẫn còn nhiều hạn chế. Hầu hết hình ảnh trong phim đều bị vỡ hạt, thể hiện rõ nhất ở khuôn mặt diễn viên với các vết lốm đốm trên da. Kết quả còn tệ hơn với những bộ phim DVD, hình ảnh bị vỡ và chất lượng hiển thị kém như xem trực tiếp trên một đường truyền tốc độ thấp. Là một chiếc TV thông minh, LG65 được tích hợp sẵn hàng loạt ứng dụng từ những nhà cung cấp nội dung video như Netflix, YouTube, Quickflix, ABC iView, Crackle và BigPond TV... Kết nối với đường cáp quang FPT (thuê bao dành cho doanh nghiệp), LG65 có thể phát khá mượt các video 4K trên YouTube mà không thường xuyên xảy ra tình trạng đứng hình để load. Âm thanh Chất lượng âm thanh là điều đáng ngạc nhiên nhất khi thử nghiệm LG65. Thông thường, người dùng ít kỳ vọng vào hệ thống loa tích hợp theo TV, mà phải mua thêm một soundbar nếu muốn cải thiện chất lượng âm thanh mà không cần quá cầu kỳ với các hệ thống 5.1 hay 7.1. Hay như Sony với một số mẫu TV cao cấp đã phải cài đặt thêm hệ thống loa từ lỏng nhằm mang lại âm thanh ở mức cao cấp cho người dùng. Tuy nhiên, cái đổi lại là màn hình phải mở viền hai bên lấy cho đặt loa.
LG65 được trang bị hệ thống âm thanh vòm giả lập của Harman Kardon với thiết kế âm học đặc biệt. Hệ thống loa đa kênh Harman Kardon xếp dưới cạnh đáy phát ra âm thanh hướng xuống chân đế và phản xạ tới tai người xem. Chân đế Auditorium sử dụng cơ chế vật lý trong phản xạ âm để tăng chất lượng âm thanh trong khi vẫn thể hiện một thiết kế hiện đại, phù hợp với kiểu dáng của TV. Các thử nghiệm khi xem phim cho thấy LG65 tái tạo âm bass dày, dải trung và cao chi tiết, chân thực đến mức đáng ngạc nhiên so với chất lượng âm thanh TV thông thường. Nếu không nhìn tận mắt, người ta dễ nhầm tưởng rằng đang nghe âm thanh từ một dàn máy compact. Thậm chí, cả khi dùng để nghe nhạc, chiếc TV này cũng cho chất lượng vượt xa nhiều loại loa di động đang có trên thị trường.
Hiệu quả Có thể nói rằng những công nghệ TV hiện đại đều có mặt trên LG65. Nó có chất lượng hiển thị tuyệt vời, thiết kế không tồi và sử dụng một trong những nền tảng hệ điều hành smart TV tốt nhất hiện nay. Kết hợp tất cả những ưu điểm kỹ thuật này với giá tham khảo (tại Mediamart) tầm dưới 90 triệu đồng, LG65 là một lựa chọn đáng cân nhắc trong phân khúc TV cao cấp kích cỡ lớn. Chỉ có điều, nhược điểm lớn nhất là hiệu quả sử dụng còn rất thấp vì các nội dung chương trình và phim có độ phân giải UHD còn quá ít. Bên cạnh đó, băng thông tín hiệu, thiết bị nguồn phát, máy móc ghi hình và hạ tầng công nghệ thông tin còn chưa đáp ứng được các yêu cầu truyền phát phổ cập nội dung multimedia với độ phân giải UHD. Không còn nghi ngờ gì nữa, hình ảnh độ phân giải UHD chắc chắn sẽ trở thành tiêu chuẩn phổ cập trong tương lai gần. Nhưng LG65 và các TV 4K nói chung còn phải chờ đợi ít nhất vài năm nữa mới có thể thay thế hoàn toàn các TV Full HD hiện hành.